Nuôi con

An toàn cùng xe đạp điện và xe đạp

An toàn cùng xe đạp điện và xe đạp đang được chú trọng vì ngày càng nhiều trẻ em sử dụng phương tiện di chuyển này vì sự tiện lợi, lại tốt cho sức khỏe nữa. Cùng tham khảo những gợi ý sau để giữ an toàn cho trẻ khi trẻ sử dụng xe đạp điện/ xe đạp thường nhé các mẹ!

Xe đạp hoặc xe đạp điện đang là phương tiện phổ biến của nhiều trẻ em ngày nay, không chỉ tiện lợi trong việc di chuyển khi tắc đường mà còn giúp trẻ rèn luyện sức khỏe nữa. Tuy nhiên, bạn cần chuẩn bị mọi phương án để đảm bảo cho con an toàn cùng xe đạp điện hay xe đạp thông thường nhé!

Chuẩn bị cho con sẵn sàng khi đi xe đạp

Mấy hôm nay bé Na vui lắm, vì mẹ và ba mới mua cho Na một chiếc xe đạp màu hồng, nhìn yêu ơi là yêu! Mặc dù mới tập mấy ngày và đi xe đạp chưa vững lắm, nhưng Na rất muốn được đạp xe ra ngoài ngõ để khoe với mấy đứa bạn cùng xóm. Tuy nhiên, mẹ không đồng ý và yêu cầu Na phải đi xe thật vững mới được đi ngoài đường lớn. Mẹ còn dạy Na rất nhiều luật lệ giao thông, cũng như yêu cầu Na phải đội mũ bảo hiểm mỗi khi đi xe mới được ra khỏi nhà. Mẹ còn hứa nếu Na làm đúng sẽ mua cho Na xe đạp điện để chạy đi học nếu đường xa hơn.  Khi Na thắc mắc vì sao phải tuân thủ luật giao thông và đội mũ bảo hiểm như thế, mẹ đã giải thích và kể cho Na nghe rất nhiều trường hợp tai nạn và rủi ro có thể xảy ra nếu Na không tuân thủ luật lệ giao thông.
Nghe mẹ kể, Na sợ lắm và hứa rằng sau khi đi vững, Na mới dám ra ngoài đường để tránh những tai nạn không đáng có.

Giảm tai nạn và an toàn cùng xe đạp điện/ xe đạp

Khi cho trẻ từ 5-12 tuổi đi xe đạp, mẹ cần chuẩn bị sẵn sàng vì có nhiều trường hợp trẻ đã gặp tai nạn do va chạm với xe máy, xe hơi khi trẻ lao nhanh ra khỏi đường và tông vào nhà, hẻm, công trình xây dựng hoặc bị các loại xe khác tông. Bên cạnh đó, nhiều chấn thương có thể xảy ra khi trẻ bị ngã xe đạp như bầm tím vết thương, trầy xước, hoặc nghiêm trọng hơn là bị gãy tay, chấn thương đầu.

Phần lớn các chấn thương này xảy ra khi trẻ điều khiển xe đạp quá nhanh dẫn tới mất kiểm soát, chạy trên mặt đường gồ ghề hoặc chở thêm người hoặc động vật. Ngoài ra, một số chấn thương xảy ra khi quần của trẻ bị vướng vào líp xe đạp.

An toàn cùng xe đạp điện và xe đạp

Chấn thương có thể xảy ra nếu bé không kiểm soát được tốc độ, tay lái

Tuy nhiên, dầu hết các vụ tai nạn hoặc va chạm có thể được ngăn chặn nếu cha mẹ và trẻ am hiểu an toàn giao thông, thực hiện đúng luật đi đường, đội mũ bảo hiểm và biết cách để an toàn cùng xe đạp điện và xe đạp thường.

Chọn xe đạp phù hợp để đảm bảo an toàn cùng xe đạp điện/thường

Nhằm bảo đảm an toàn giao thông cho trẻ, chọn loại xe phù hợp với sự phát triển của trẻ là điều cần thiết. Nếu xe đạp có kích thước không phù hợp với trẻ sẽ dẫn đến khả năng trẻ bị mất kiểm soát và bị thương.

Vì vậy khi mua một chiếc xe đạp cho trẻ, việc đầu tiên là bạn phải đặt trẻ ngồi lên yên xe, đảm bảo rằng trong khi hai tay trẻ cầm chặt tay lái, trẻ vẫn có thể đặt cả hai chân trên mặt đất. Hãy chắc chắn rằng trẻ có thể đặt cả hai chân chống phẳng trên mặt đất khi xe đứng thẳng, với khe hở khoảng 1 inch (2.54cm) giữa thanh và đáy quần của trẻ. Bạn có thể lựa chọn loại phanh tay hay phanh coaster tùy theo sở thích của trẻ nhưng phải đảm bảo trẻ có thể bóp phanh dễ dàng và đủ sức cho xe dừng lại nhé. Ngoài ra, bạn nên dạy trẻ giữ gìn xe đạp cẩn thận trong tình trạng tốt và kiểm tra yên xe, tay lái, phanh và bơm lốp xe thường xuyên.

an toàn cùng xe đạp điện và xe đạp hình ảnh 2

Chọn mua xe đạp phù hợp với chiều cao của trẻ

Sau đó, bạn hãy dạy trẻ cách điều khiển xe đạp một cách cẩn thận. Nếu trẻ còn nhỏ thì hãy cho trẻ làm quen với xe đạp bằng cách sử dụng loại xe đạp có 2 bánh phụ (training wheels) hoặc xe đạp không có bàn đạp (balance bike) cho tới khi trẻ được khoảng 5-6 tuổi hoặc lớn hơn, lúc ấy trẻ sẽ không còn cần hai bánh phụ này nữa đâu. Trẻ có thể chuyển sang đi xe đạp 2 bánh với 2 bàn đạp được rồi. Bạn cũng nên cho trẻ đeo thêm miếng đệm đầu gối và khuỷu tay để bảo vệ và làm dịu khi trẻ ngã nhé, vì ngã chính là một phần “không thể thiếu” của quá trình học lái xe đạp đấy.

Bên cạnh đó, để ngăn ngừa những tình huống xấu nhất có thể xảy ra khi trẻ bị tai nạn xe đạp và đảm bảo an toàn cùng xe đạp điện /thường, bạn không nên cho trẻ chạy xe trên đường phố hay tham gia giao thông cho tới khi trẻ có thể chạy xe một cách tự tin và tuân thủ các quy tắc cơ bản đi đường nhé.

Đội mũ bảo hiểm giúp con an toàn cùng xe đạp điện / thường

Một việc quan trọng không thể quên đó là bạn hãy mua một chiếc mũ bảo hiểm ngay khi mua xe đạp cho trẻ nhé. Nhớ là phải lựa chọn loại mũ bảo hiểm xe đạp đủ tiêu chuẩn an toàn giao thông vì loại mũ này có thể hấp thụ hầu hết tác động của một vụ tai nạn, do đó, sẽ bảo vệ đầu của trẻ khỏi những chấn thương nghiêm trọng (các nghiên cứu cho thấy mũ bảo hiểm có thể làm giảm nguy cơ chấn thương não lên đến 85% đấy). Ngoài ra, bạn hãy nhắc trẻ sử dụng dây đeo cằm của mũ bảo hiểm và giữ nó ở vị trí cố định khi điều khiển xe, dạy trẻ đội mũ bảo hiểm đúng cách và không cho trẻ điều khiển xe đạp nếu không đội mũ bảo hiểm.

Dạy trẻ tuân thủ luật giao thông nhưng phải vô cùng linh hoạt

Bên cạnh việc đội mũ bảo hiểm, chọn xe phù hợp thì bạn cần dạy trẻ nắm vững các quy tắc giao thông như dừng xe lại ở những nơi cần quan sát (đường lái xe vào nhà, vỉa hè, ngõ hẻm, các ngã tư) và nhìn hai bên đường trước khi tiếp tục chạy. Bạn hãy nhắc trẻ phải nhìn phía sau trước khi băng qua đường hoặc dừng lại và sử dụng tay để ra tín hiệu khi có ý định rẽ phải hoặc rẽ trái nhé. Cha mẹ cần kiểm tra xem trẻ có luôn luôn “dừng lại, nhìn, nghe và suy nghĩ” khi qua đường không và yêu cầu trẻ giải thích cho bạn biết những gì trẻ đang làm và lý do tại sao trẻ làm như thế. Việc “nhìn, nghe và suy nghĩ” còn nên áp dụng ở những nút giao thông đông đúc, những con đường hay có người cố tình đi ngược chiều hay rẽ không đúng chỉ dẫn giao thông nữa.

Ngoài ra, phải chắc chắn trẻ đã tuân thủ tất cả các đèn, tín hiệu giao thông và điều khiển xe đúng hướng giao thông. Đồng thời, khi đi xe đạp với bạn bè, trẻ chỉ chạy thành một hàng duy nhất, không chạy thành hàng ngang để bảo đảm an toàn giao thông nhé. Trên những con đường đông đúc hay chật hẹp, trẻ phải ngừng đạp cho đến khi người phía trước chạy. Khi vượt xe hơi đang đậu, trẻ phải đề phòng trường hợp cửa xe mở ra đột ngột và nên tránh các trò nghịch ngợm như chở 2 người khi điều khiển xe đạp (ngoài việc chở một người đằng sau thì còn chở một bạn khác ngồi trên tay lái).

an toàn cùng xe đạp điện và xe đạp hình ảnh 3

Không chở 2 người khi điều khiển xe đạp

Cho trẻ mặc quần áo có màu sáng và gắn miếng phản xạ trên chiếc xe đạp cũng là cách hay để đảm bảo an toàn giao thông cho trẻ đấy mẹ ạ. Nó giúp người khác trên đường nhìn thấy trẻ và giảm thiểu đến mức thấp nhất khả năng tông vào trẻ. Điều khiển xe đạp vào ban ngày là an toàn nhất và cha mẹ không nên cho trẻ đi xe đạp vào lúc hoàng hôn hoặc sau khi trời tối nhé. Bên cạnh đó, không nên cho trẻ mặc quần ống rộng hoặc loại quần áo có thể dễ bị vướng vào dây sên hoặc líp xe đạp.

Trẻ nên mang giày và buộc chặt dây giày. Đặc biệt, bạn nên dặn trẻ không nên nghe nhạc khi điều khiển xe nhé, vì việc này có thể làm giảm khả năng nhận biết âm thanh (tín hiệu) giao thông đấy. Nếu phải mang theo các đồ vật cần thiết, hãy đặt chúng vào trong ba lô hoặc giỏ để đảm bảo trẻ điều khiển xe đạp bằng hai tay. Trẻ không nên đeo quá nặng sẽ làm ảnh hưởng đến việc giữ thăng bằng khi điều khiển xe.

An toàn cùng xe đạp điện và xe đạp là vấn đề cần chú ý, vì số lượng trẻ em sử dụng ngày càng nhiều. Vậy nên cha mẹ cần trang bị cho trẻ đầy dụng cụ bảo hộ và chỉ cho trẻ tham gia giao thông khi đã đi vững và kiểm soát tốt tay lái nhé!



  • nghethuatamnhacsaigon.com

  1. Edward L. Schor, MD, FAAP,  2004, Caring for Your School-Age ChildAges 5 to 12, 3th edn, American Academy of Pediatrics, USA
  2. Cycle safety. Đọc thêm tại: <http://think.direct.gov.uk/edu
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com