Sức khỏe

Bệnh ngủ nhiều ở trẻ em và trẻ vị thành niên

Bệnh ngủ nhiều (Hypersomnia) là tình trạng trẻ gặp khó khăn trong việc giữ trạng thái tỉnh táo suốt cả ngày. Rối loạn giấc ngủ này liên quan đến tình trạng ngủ ngày quá độ, hoặc do trẻ dành quá nhiều thời gian cho việc ngủ.

Trẻ mắc bệnh ngủ nhiều có thể ngủ bất kì lúc nào. Trẻ cũng có thể có những vấn đề khác liên quan đến giấc ngủ, bao gồm sự thiếu hụt năng lượng và khó khăn trong việc suy nghĩ một cách rõ ràng.

Xem thêm:

Ngưng thở khi ngủ là nguyên nhân dẫn đến cái chết đột ngột của nghệ sĩ hài Anh Vũ?

Triệu chứng của bệnh ngủ nhiều

Tùy thuộc vào nguyên nhân, các triệu chứng của bệnh ngủ nhiều có thể bao gồm:

  • Luôn cảm thấy mệt mỏi một cách bất thường.
  • Cần phải ngủ những giấc ngắn vào ban ngày.
  • Cảm thấy buồn ngủ mặc dù đã có những giấc ngủ đêm và ngủ trưa; không tỉnh táo khi thức dậy.
  • Khó khăn trong suy nghĩ và đưa ra quyết định – tâm trí “mụ mẫm”.
  • Thờ ơ với mọi việc xung quanh.
  • Khó khăn trong việc tập trung và ghi nhớ.

Nguyên nhân mắc bệnh ngủ nhiều là gì?

Hàng loạt tình trạng và trường hợp có thể gây ra bệnh ngủ nhiều, bao gồm:

Ngủ không đủ hoặc thiếu ngủ. Thiếu niên có thể cảm thấy mệt mỏi trong suốt tuần nếu trẻ đi chơi quá nhiều.

Những yếu tố về môi trường xung quanh. Giấc ngủ bị gián đoạn có thể do một loạt những yếu tố khác nhau như người ngủ cùng phòng ngáy to, nhà có em bé hay khóc, hàng xóm ồn ào, thời tiết nóng/ lạnh, ngủ trên một tấm nệm không thoải mái.

Các trạng thái tâm thần. Lo âu có thể khiến cho trẻ thức suốt đêm và từ đó dễ buồn ngủ vào cả ngày hôm sau. Sự buồn bã cũng có thể làm tiêu hao năng lượng cơ thể.

Sử dụng thuốc. Các thức uống có chứa caffein, thuốc an thần, thuốc ngủ và thuốc kháng histamine có thể phá vỡ thói quen của giấc ngủ.

Các tình trạng y khoa. Như suy tuyến giáp, chứng trào ngược thực quản, hen suyễn về đêm và tình trạng đau mạn tính làm gián đoạn giấc ngủ.

Thay đổi về múi giờ. Sự mệt mỏi sau chuyến bay dài cũng có thể làm ảnh hưởng đến đồng hồ sinh học của trẻ – có chức năng điều hòa giấc ngủ.

Các rối loạn giấc ngủ. Như chứng ngưng thở khi ngủ, hội chứng chân không yên, mộng du, chứng ngủ rũ, chứng ngủ nhiều tự phát và chứng mất ngủ đều có thể gây nên sự gián đoạn giấc ngủ hoặc làm giảm chất lượng giấc ngủ.

Chẩn đoán bệnh ngủ nhiều

Nếu trẻ luôn cảm thấy buồn ngủ suốt ngày, mẹ hãy đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay nhé. Để chẩn đoán bệnh ngủ nhiều ở trẻ em, bác sĩ sẽ hỏi về những thói quen ngủ nghỉ, thời gian ngủ buổi tối của trẻ, trẻ có thức giấc giữa đêm hay buồn ngủ vào ban ngày hay không.

Bác sĩ cũng sẽ tìm hiểu nếu trẻ có vấn đề về cảm xúc hay đang sử dụng thuốc ảnh hưởng đến giấc ngủ.

 

benh-ngu-nhieu-o-tre-em-va-tre-vi-thanh-nien-hinh-anh
Nếu trẻ luôn cảm thấy buồn ngủ suốt ngày, hãy đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay nhé

Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ yêu cầu trẻ thực hiện một số xét nghiệm, bao gồm xét nghiệm máu, chụp CT và một kiểm tra về giấc ngủ được gọi là đa kí giấc ngủ (biểu đồ đo các chu kì giấc ngủ). Trong vài trường hợp, có thể bổ sung thêm biểu đồ đo điện não (EEG) để đo lường hoạt động điện của não.

Cách điều trị khi trẻ ngủ quá nhiều

Nếu trẻ được chẩn đoán mắc bệnh ngủ nhiều, bác sĩ sẽ kê toa các loại thuốc khác nhau để điều trị, bao gồm cả các thuốc kích thích, thuốc chống trầm cảm, cùng một số loại thuốc mới hơn (như Provigil và Xyrem).

Còn nếu trẻ được chẩn đoán bị chứng ngưng thở khi ngủ, bác sĩ sẽ chỉ định một phương pháp điều trị là cho thở áp lực dương liên tục (CPAP). Với kĩ thuật này, trẻ được đeo mặt nạ thở khi ngủ, nối với một máy cung cấp luồng không khí liên tục vào lỗ mũi. Áp lực này giúp giữ cho đường thở được thông.

Nếu trẻ đang sử dụng một loại thuốc gây buồn ngủ, cha mẹ hãy hỏi ý kiến bác sĩ về việc thay thế thuốc đó bằng thuốc khác ít có khả năng gây ra buồn ngủ hơn. Và trẻ cũng nên lên giường sớm hơn để có thể ngủ được nhiều hơn về đêm.

Làm gì để giúp con?

Bệnh ngủ nhiều có thể được cải thiện trong nhiều trường hợp với việc điều chỉnh lối sống nhằm cải thiện chất lượng giấc ngủ, còn được gọi là kĩ thuật tạo giấc ngủ ngon. Bạn có thể cho trẻ làm theo những điều sau đây:

  • Không sử dụng thức uống có chứa caffein trước giờ ngủ
  • Thư giãn để tránh khỏi những lo âu về đêm
  • Thường xuyên tập thể dục và duy trì cân nặng phù hợp với chiều cao
  • Có chế độ ăn uống cân bằng để phòng ngừa tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng
  • Nếu có thể, bạn hãy thay đổi môi trường xung quanh để giảm bớt yếu tố gây khó ngủ (ví dụ: không xem tivi trong phòng ngủ).
  • Tạo sự thoải mái cho trẻ, đảm bảo trẻ không cảm thấy quá nóng hoặc quá lạnh khi đi ngủ
  • Cho trẻ có thói quen ngủ thường xuyên để cơ thể “biết” được thời điểm nào để ngủ
  • Cho trẻ lên giường chỉ khi trẻ thấy buồn ngủ
  • Nếu cần thiết, những giấc ngủ ngắn trong ngày có thể giúp trẻ tỉnh táo và khỏe mạnh. Việc ngủ trưa nói chung thường không được khuyên áp dụng vì có thể làm giảm sự buồn ngủ vào ban đêm.



  1. Hypersomnia (Excessive Tiredness). Đọc thêm tại:<http://www.webmd.com/sleep-disorders/guide/hypersomnia>. [Ngày 19 tháng 9 năm 2015]
  2. Sleep – Hypersomnia. Đọc thêm tại: <http://www.betterhealth.vic.gov.au/BHCV2/bhcarticles.nsf/pages/Hypersomnia>. [Ngày 19 tháng 9 năm 2015]
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com