Nuôi con

Cha mẹ nên làm gì khi trẻ có hành vi gian lận?

Cha mẹ có thể làm gì khi trẻ có hành vi gian lận? Vấn đề này đôi khi gây khó khăn cho các bậc cha mẹ. Một số gợi ý từ bài viết sau đây sẽ giúp cha mẹ điều chỉnh hành vi của trẻ trở nên tốt hơn, các bậc cha mẹ cùng tham khảo nhé!

Nhiều cha mẹ gặp khó khăn trong việc quyết định cách phản ứng với những hành vi gian lận của con. Dưới đây là một số lời khuyên mà bạn có thể tham khảo và áp dụng:

Trẻ cần biết gian lận là gì?

Nhiều trẻ vẫn chưa hiểu rõ về khái niệm gian lận, nhưng khi trẻ bắt đầu bước vào tiểu học, trẻ sẽ dần hiểu được khái niệm về đúng, sai và công bằng. Nói chuyện với trẻ về những kỳ vọng của bạn và của trẻ. Hãy xem xét cách thức kỷ luật khi cha mẹ thấy hành vi gian lận ở trẻ và nói cho trẻ biết rằng gian lận là hành vi không thể chấp nhận được. Tốt nhất, bạn nên có cuộc thảo luận về những vấn đề này với trẻ trước khi trẻ có hành vi gian lận ở nhà hoặc ngoài xã hội.

Thảo luận với trẻ lý do tại sao gian lận là hành vi sai trái, không được chấp nhận và nhấn mạnh những hậu quả tiêu cực của nó.

Tìm hiểu lý do dẫn đến hành vi gian lận ở trẻ

Nếu trẻ của bạn đã có hành vi gian lận, bạn nên tìm hiểu rõ lý do tại sao trẻ có hành vi đó. Nếu bạn biết trẻ có hành vi gian lận là do một cá nhân nào đó, bạn không chỉ cố gắng giúp trẻ đối phó với vấn đề này mà bạn cũng nên nói chuyện với giáo viên về những gì đang xảy ra.

Không gán trẻ là người xấu

Đối với những đứa trẻ có hành vi gian lận, bạn không nên gán ghép cho trẻ là người xấu. Hãy cho trẻ biết rằng, bạn đang thất vọng về những hành vi của trẻ, nhưng bạn vẫn yêu trẻ và luôn giúp đỡ khi trẻ gặp khó khăn.

Cha mẹ nên làm gì khi trẻ có hành vi gian lận

Hãy luôn thương yêu và giúp đỡ con

Hãy là tấm gương tốt cho trẻ noi theo

Nếu trẻ thấy bạn có hành vi gian lận dù trong những việc rất nhỏ (như gian lận khi chơi game, gian lận về khai thuế, hoặc không trả lại tiền thừa cho nhân viên bán hàng), bạn đang truyền cho trẻ thông điệp gian lận là hành vi có thể chấp nhận được.

Trung thực nên trở thành thói quen cho các thành viên trong gia đình

Khi gia đình tham gia các trò chơi cùng nhau cũng là dịp để dạy cho trẻ học tính cạnh tranh với nhau mà không có hành vi gian lận. Với sự giám sát thận trọng của bạn, trẻ có thể được hướng dẫn theo cách cư xử thích hợp và cạnh tranh lành mạnh.

Không tạo quá nhiều áp lực cho trẻ để đạt được điểm tốt

Hãy cho trẻ biết rằng, cách trẻ học và thực hiện những hành vi để đạt được mục tiêu là quan trọng hơn điểm số. Bạn cần khen ngợi khi trẻ có tính kiên trì và thái độ tích cực trong công việc. Chẳng hạn trong một trận đua thể thao, bạn nên khen ngợi tinh thần và sự nổ lực của các thành viên tham gia hơn là tập trung khen ngợi hoặc chê bai những người thắng hoặc thua.

Tham gia vào quá trình học tập của trẻ

Bạn cần thường xuyên theo dõi và kiểm tra bài vở của trẻ. Chẳng hạn, bạn nên kiểm tra và hỏi về những kiến thức mà trẻ đang học, giúp đỡ trẻ hoàn thành bài tập về nhà nhưng không giải hoặc cung cấp đáp án. Bạn nên dành nhiều thời gian tham gia các hoạt động vui chơi với trẻ không chỉ gắn kết mối quan hệ thân thiết mà còn là cơ hội để dạy cho trẻ những hành vi đúng đắn.

Tạo cơ hội để trẻ nhận thấy bản thân có khả năng vượt qua các vấn đề trong cuộc sống

Điều này sẽ giúp trẻ cảm thấy tự tin hơn và ít có nhu cầu giành chiến thắng hoặc đạt được mục đích để củng cố lòng tự trọng bản thân. Do vậy, trẻ sẽ ít bị áp lực và ít khả năng có hành vi gian lận.

Cha mẹ nên làm gì khi trẻ có hành vi gian lận hình ảnh 2

Giúp trẻ tự tin hơn, khi đó hành vi gian lận ở trẻ sẽ giảm bớt

Thảo luận với trẻ về những áp lực và nói chuyện với giáo viên

Bạn nên thường xuyên thảo luận với trẻ về những áp lực bạn bè và dạy cho trẻ cách đối phó với những áp lực đó.

Bạn có thể nói chuyện với giáo viên của trẻ về cách giúp trẻ cảm nhận sự thành công mà không có những hành vi gian lận.

Xem xét lựa chọn hình phạt hợp lý

Nếu trẻ của bạn gian lận trong bài kiểm tra hoặc bài tập về nhà, bạn nên xem xét và lựa chọn hình phạt hợp lý. Bạn cũng có thể áp dụng hình phạt time-out hoặc lấy đi quyền sử dụng xe đạp của trẻ.

Những hình phạt về thể chất như đánh đòn hoặc cho trẻ mặc áo hoặc đeo bảng tên với dòng chữ “Tôi là kẻ gian lận” là không hữu ích. Nếu sau đó, hành vi gian lận ở trẻ vẫn tiếp tục, bạn nên nói chuyện với chuyên gia sức khỏe tâm thần trẻ em càng sớm càng tốt để tránh các vấn đề nghiêm trọng có thể xảy ra.

Bạn cũng nên nhớ rằng, trừng phạt quá mức cho những việc làm sai trái của trẻ hiếm khi mang lại lợi ích tốt.

Nhờ sự hỗ trợ của chuyên gia sức khỏe tâm thần

Đối với những đứa trẻ có thói quen gian lận nhiều năm, hoặc những trẻ có hành vi gian lận ở trường và bị mọi người xem là kẻ gian lận, bạn nên đưa trẻ đến gặp các chuyên gia sức khỏe tâm thần để nhận được những lời khuyên hữu ích. Gian lận thường là triệu chứng của một cuộc tranh giành hoặc những vấn đề về cảm xúc trong các mối quan hệ cần được giải quyết.



  • nghethuatamnhacsaigon.com

  1. Edward L. Schor, MD, FAAP,  2004, Caring for Your School-Age Child Ages 5 to 12, 3th edn, American Academy of Pediatrics, USA.
  2. Cheating and Children. Đọc thêm tại: <http://www.childrenshealthnetwork.org/CRS/CRS/pa_kidcheat_bhp.htm>. [Ngày 14 tháng 3 năm 2015].
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com