Sức khỏe

Chẩn đoán và điều trị bệnh động kinh ở trẻ

Khi nghi ngờ bé mắc bệnh động kinh, mẹ nên đưa bé đến bác sĩ để được chẩn đoán chính xác. Nếu chẳng may bé mắc phải chứng bệnh này, mẹ cũng đừng lo lắng quá vì nếu có phương pháp điều trị phù hợp thì bệnh động kinh hoàn toàn có thể kiểm soát được.

Chẩn đoán bệnh động kinh ở trẻ em

Mẹ hãy đưa bé đến gặp bác sĩ để kiểm tra nếu bé xuất hiện các cơn co giật, cơn ngây người (nhìn chằm chằm vào một chỗ nào đó), lú lẫn, có các cơn rung lắc người lặp đi lặp lại, thành tích học tập giảm sút hoặc có sự thay đổi trong cách cư xử theo hướng tiêu cực mà không hiểu rõ lý do.

Nếu nghi ngờ bé bị bệnh động kinh, bác sĩ có thể cho bé làm một số xét nghiệm như:

  • Đo điện não đồ (EEG) để đo lường hoạt động điện của não
  • Chụp cộng hưởng từ (chụp MRI) hoặc chụp X quang cắt lớp điện toán (chụp CT) não bộ để quan sát hình ảnh của não bộ.

Điều trị bệnh động kinh

  • Điều trị bện động kinh bằng thuốc: Thuốc chống động kinh thường là lựa chọn đầu tiên trong việc kiểm soát bệnh động kinh. Phụ thuộc vào độ tuổi, tình trạng sức khỏe và loại động kinh mà bác sĩ có thể lựa chọn một (hoặc kết hợp) các thuốc chống động kinh như Phenobarbital (Gardenal 100mg; Phenobarbital 0,1g), Carbamazepine (Carbatol – 200) , Hydantoine, valproic acid (Valproat 200mg).

Chan doan va dieu tri benh dong kinh o tre hinh anh

Thuốc chống động kinh thường là lựa chọn đầu tiên trong việc kiểm soát bệnh động kinh

Thuốc chống động kinh nhằm ngăn chặn không cho các cơn co giật xảy ra, chứ không làm ngừng co giật khi đã xảy ra cơn và cũng không chữa được bệnh động kinh. Giống như tất cả các thuốc khác, thuốc chống động kinh có thể gây ra một số tác dụng phụ như nhìn đôi, mệt mỏi, buồn ngủ, choáng hoặc đau bụng. Trong một số ít trường hợp thuốc có thể gây phát ban da, giảm số lượng tế bào máu, gặp vấn đề về gan… Mẹ hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ khi thấy bé có các tác dụng phụ trên nhé.

  • Chế độ ăn Ketogenic: Đối với một số bé vẫn bị co giật mặc dù đã cố gắng dùng các thuốc chống động kinh thì có thể áp dụng chế độ ăn Ketogenic (chế độ ăn uống giàu chất béo, cung cấp đầy đủ chất đạm và ít đường), chế độ ăn này có thể giúp giảm bớt số lần hoặc tính nghiêm trọng của các cơn co giật. Chế độ ăn Ketogenic là một liệu pháp y khoa, thường bắt đầu cùng với phương pháp điều trị bằng thuốc chống động kinh, được giám sát bởi các chuyên gia y tế và chuyên gia dinh dưỡng đã được đào tạo.
  • Phẫu thuật: Phẫu thuật nhằm loại bỏ hoặc tách một phần não để làm ngưng hoặc giảm bớt các cơn động kinh ở bé. Phẫu thuật có thể thực hiện được hay không phụ thuộc vào loại bệnh động kinh và vùng não xuất hiện co giật.

Xem thêm: Giúp con sống chung với bệnh động kinh



  • nghethuatamnhacsaigon.com

  1. Epilepsy in childhood. Đọc thêm tại: <http://www.epilepsysociety.org.uk/epilepsy-childhood#.VU8P247tmkq> [Ngày 8 tháng 5 năm 2015]
  2. Epilepsy. Đọc thêm tại: <http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/epilepsy/symptoms-causes/dxc-20117207> [Ngày 8 tháng 5 năm 2015]
  3. Epilepsy. Đọc thêm tại: <http://kidshealth.org/parent/medical/brain/epilepsy.html#> [Ngày 8 tháng 5 năm 2015]
  4. Một số khái quát về bệnh động kinh. Đọc thêm tại: <http://www.bvtt-tphcm.org.vn/n-vn-1256-0/dong-kinh/benh-dong-kinh.html>. [Ngày 22 tháng 05 năm 2015].
  5. Side effects of Epilepsy drugs. Đọc thêm tại: <http://www.medicinenet.com/epilepsy_treatment/page2.htm>. [Ngày 22 tháng 05 năm 2015].
  6. Can seizures be prevented. Đọc thêm tại: http://www.webmd.com/epilepsy/guide/can-seizures-be-prevented. [Ngày 22 tháng 05 năm 2015].
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com