Sức khỏe

Chẩn đoán và điều trị xuất huyết giảm tiểu cầu

Chẩn đoán kịp thời giúp sớm điều trị bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu. Mục đích của việc điều trị là nhằm đảm bảo số lượng tiểu cầu ở mức an toàn và ngăn ngừa các biến chứng chảy máu, trong khi đó, hạn chế tối thiểu những tác dụng phụ của việc điều trị.

Biến chứng lớn nhất của bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu là chảy máu, đặc biệt xuất huyết não, có thể dẫn tới tử vong. Nếu phát hiện thấy trẻ hoặc người lớn có hiện tượng chảy máu hoặc có vết bầm tím bất thường, hoặc xuất hiện những đốm đỏ hình đinh ghim, hãy đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị xuất huyết giảm tiểu cầu kịp thời.

Chẩn đoán bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu

Bác sĩ sẽ khám sức khỏe và tổng hợp hồ sơ bệnh lý: xem xét những dấu hiệu chảy máu dưới da, và hỏi về các loại bệnh trước đây mà bệnh nhân từng mắc phải và cả những loại thuốc uống (kể cả thuốc đông y) và thuốc bổ sung mới dùng gần đây. Bạn yên tâm bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu có thể điều trị được nếu chẩn đoán kịp thời.

Một vài xét nghiệm có thể được làm:

  • Xét nghiệm công thức máu ngoại vi (Complete blood count – CBC): Việc kiểm tra máu để xác định số lượng hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu trong mẫu máu. Với tình trạng xuất huyết giảm tiểu cầu, số lượng hồng cầu và bạch cầu vẫn bình thường theo lứa tuổi, nhưng số lượng tiểu cầu thấp hơn, thường là dưới 150.000 tiểu cầu/ mm3 máu. Trong khi người bình thường có số lượng tiểu cầu từ 150.000 – 450.000. Các dòng hồng cầu và bạch cầu của người xuất huyết giảm tiểu cầu không có biến đối, không suy hoặc tăng sinh ác tính.
  • Xét nghiệm đông máu (Blood smear): Một mẫu máu được đặt trên mặt nghiêng và quan sát dưới kính hiển vi để xác nhận số lượng tiểu cầu quan sát trong một mẫu máu hoàn chỉnh và hình dạng tế bào máu có thể được quan sát.
  • Xét nghiệm tủy xương (Bone marrow test): Bởi tiểu cầu được sản xuất từ tủy xương, một kim tiêm được sử dụng để chọc hút dịch tủy xương ở vùng xương hông để làm sinh thiết tủy xương. Trong một số trường hợp, mẫu tủy xương cứng có thể được lấy cùng mẫu dịch tủy xương. Xét nghiệm này cho biết những tế bào lỗi, loại và số lượng tế bào trong tủy xương. Nếu xét nghiệm công thức máu ngoại vi đã khẳng định được chẩn đoán xuất huyết giảm tiểu cầu thì bác sĩ sẽ không chỉ định làm xét nghiệm này nữa.

chan-doan-va-dieu-tri-xuat-huyet-giam-tieu-cau-hinh-anh

Chẩn đoán bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu

Các câu hỏi nên hỏi bác sĩ khi đi khám xuất huyết giảm tiểu cầu cho bé

  • Nguyên nhân gây bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu (nếu có).
  • Những phương pháp điều trị bệnh có thể sử dụng? Phương pháp nào bác sĩ khuyên dùng? Phác đồ điều trị cho trẻ nhỏ cần chú ý điều gì?
  • Những phương pháp này có hiệu ứng phụ nào? Nên làm gì để giảm bớt hiệu ứng phụ đó? Việc điều trị này làm tăng nguy cơ gì cho sức khỏe?
  • Làm sao để biết được biện pháp điều trị là phù hợp, có hiệu quả?
  • Khi nào người bệnh sẽ thấy khá hơn?
  • Những viễn cảnh nào có thể xảy ra sau thời gian điều trị?
  • Nếu người bệnh đang mắc thêm 1 số bệnh khác, nên hỏi kĩ về việc kết hợp các loại thuốc để điều trị nhiều bệnh một lúc.
  • Có thể bệnh viện nơi đang khám không phải là chuyên khoa để điều trị bệnh này, nên hỏi bệnh viện chuyên khoa nào có thể đến sẽ tốt hơn. Nếu ở Việt nam, Viện huyết học truyền máu là nơi đã chữa cho nhiều bệnh nhân xuất huyết giảm tiểu cầu khá thành công.

Bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu gây ra những vết bầm và đôi khi nặng có thể dẫn đến xuất huyết não và tử vong. Việc chẩn đoán và điều trị bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu sẽ duy trì lượng tiểu cầu ổn định trong ngưỡng an toàn và ngăn ngừa các biến chứng chảy máu xảy ra. Vậy nên cha mẹ cần nhanh chóng đưa bé đến gặp bác sĩ để chẩn đoán chính xác khi nghi ngờ bé có những triệu chứng của bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu.

Điều trị bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu

Ngay khi phát hiện các triệu chứng nghi ngờ bé bị xuất huyết giảm tiểu cầu, cha mẹ cần đưa bé đi khám để có phương pháp điều trị kịp thời. Trong quá trình điều trị bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu cấp tính, bé cần được xét nghiệm đếm tiểu cầu mỗi tuần hoặc khi chảy máu tăng lên. Trong thời gian điều trị xuất huyết giảm tiểu cầu mãn tính, lượng tiểu cầu cần đếm hàng tháng hoặc 2 tháng 1 lần tùy theo mức độ ổn định của bệnh. Sau 3 tháng, nếu số lượng tiểu cầu bình thường sẽ được coi là bệnh tình ổn định.

chan-doan-va-dieu-tri-xuat-huyet-giam-tieu-cau-hinh-anh2

Điều trị bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu

Đối với hầu hết trẻ nhỏ, và mắc bệnh nhẹ, không có dấu hiệu xuất huyết đáng kể, tình trạng xuất huyết giảm tiểu cầu thường tự hết mà không cần phải điều trị. Với những bé này, bạn chỉ cần kiểm tra thường xuyên số lượng tiểu cầu mà thôi. Với những trẻ đã phát triển xuất huyết giảm tiểu cầu mãn tính, trẻ phải được theo dõi và điều trị ở chuyên khoa sâu, có thể phải sử dụng cả những biện pháp mạnh như dùng thuốc trong thời gian dài hoặc cắt lá lách.

Một số cách dưới đây có thể được chọn sử dụng cho người bệnh:

Cách 1: Chữa theo căn nguyên hoặc dừng thuốc đang sử dụng. Nếu việc giảm tiểu cầu do sử dụng thuốc, bác sĩ sẽ chỉ định ngừng thuốc bé đang sử dụng. Nếu tìm ra căn nguyên của bệnh, bác sĩ điều trị chủ yếu theo căn nguyên của bệnh thay vì điều trị bệnh ngay.

Cách 2: Điều trị bằng thuốc. Nếu bị mắc bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu tự phát (không có căn nguyên), tùy vào độ nặng của bé mà một số loại thuốc có thể được kê đơn:

  • Glucocorticoids/Corticosteroids: Prednisone là loại thuốc hay được sử dụng nhất để tăng số lượng tiểu cầu. Thông thường, trong khá nhiều trường hợp bé uống thuốc trong vòng 1 – 2 tuần đến khi cải thiện số lượng tiểu cầu và sau đó sẽ giảm dần liều lượng trong 4 – 8 tuần sau đó. Với trẻ nhỏ hơn 5 tuổi, bác sĩ sẽ chỉ định tiêm tĩnh mạch Prednisone thay vì cho uống thuốc.

Hạn chế của thuốc Corticosteroids là bé dễ bị giảm tiểu cầu trở lại sau khi ngừng sử dụng thuốc. Tuy nhiên, nếu sử dụng thuốc trong một thời gian dài, khá nhiều hiệu ứng phụ có thể xảy ra như mất ngủ, tăng cân nhanh, mặt sưng phù lên, phải đi tiểu thường xuyên, mọc mụn, tăng đường trong máu, giảm mật độ xương làm xương xốp nên té ngã dễ gãy xương.

Vì vậy trong thời gian sử dụng thuốc, bạn nên uống bổ sung calcium và vitamin D cho bé nhằm đảm bảo mật độ xương cũng như giảm đường trong thực đơn của bé ở mức thấp nhất. Theo bệnh viện Nhi trung ương và bệnh viện Nhi đồng 2, thuốc Dexamethasone có thể được sử dụng thay cho Methylprednisolon và kết hợp thêm những thuốc làm bền thành mạch như Dicynone, Madécassol, vitamin C.

  • Tiêm truyền tĩnh mạch Immunoglobulin (Itravenous immune globulin – IVIG). Nếu bé bị xuất huyết nghiêm trọng hoặc để tăng số lượng tiểu cầu nhanh trước khi phẫu thuật, bác sĩ có thể cho tiêm truyền Immunoglobulin (Globulin miễn dịch). Trong một số trường hợp, globulin miễn dịch kháng kháng nguyên D đường tĩnh mạch (globulin miễn dịch kháng D còn được gọi là globulin miễn dịch kháng Rho) có thể được sử dụng thay cho IVIG. Bé có thể truyền vài giờ/ngày trong từ 1-5 ngày. Thuốc này cũng có hiệu ứng phụ bao gồm rụng tóc, phá hủy hệ thần kinh, buồn nôn. Sau vài tuần tiêm truyền Immunoglobulin, tác dụng sẽ mất dần.
  • Chất chịu trách nhiệm tạo tiểu cầu (Thrombopoietin receptor agonists). Các loại thuốc mới nhất được dùng là romiplostim (Nplate) và eltrombopag (Promacta). Những loại thuốc này giúp tủy xương sản xuất nhiều tiểu cầu hơn, nhằm ngăn ngừa tình trạng bầm tím và chảy máu.
  • Liệu pháp sinh học: Rituximab (Rituxan) giúp giảm sự phản ứng của hệ miễn dịch.

Lưu ý: Việc lựa chọn loại thuốc và liều dùng như thế nào tùy thuộc vào thể trạng, mức độ xuất huyết tiểu cầu của bé mà bác sĩ có thể kê các loại thuốc dùng khác nhau.

Cách 3: Phẫu thuật cắt bỏ lách (Splenectomy). Nếu bé bị bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu nặng và không đáp ứng điều trị bằng thuốc prednisone ngay từ đợt điều trị đầu tiên, phẫu thuật cắt bỏ lá lách có thể là một sự lựa chọn. Việc này nhanh chóng loại bỏ nguồn phá hủy tiểu cầu trong cơ thể người bệnh và cải thiện số lượng tiểu cầu, mặc dù nó không phải lúc nào cũng có hiệu quả với tất cả mọi người. Thường trước khi cắt lách, bệnh nhân sẽ được hội chẩn rất kĩ lưỡng do các biến chứng có thể xảy ra sau khi cắt lách như: tăng nguy cơ nhiễm trùng do cơ thể bị suy giảm miễn dịch, nhất là nhiễm trùng máu bởi vi khuẩn, tăng nguy cơ hình thành huyết khối, hay nhiễm trùng sau phẫu thuật…Tuy nhiên, cắt lách hiếm khi được thực hiện ở trẻ em bởi vì tỷ lệ tự phục hồi lá lách ở trẻ khá cao.

Cách 4: Truyền tiểu cầu. Một số trường hợp mắc bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu bị chảy máu nhiều có thể đe dọa tính mạng hoặc số lượng tiểu cầu quá thấp, bệnh nhân sẽ được chỉ định truyền tiểu cầu, có thể kết hợp với tiêm truyền tĩnh mạch methylprednisolone (một dạng corticosteroid) và globulin miễn dịch. Yếu tố quyết định cho việc lựa chọn phương pháp này chính là nguồn truyền tiểu cầu phải tuyệt đối an toàn để tránh bị nhiễm những bệnh lây truyền qua đường máu như HIV và viêm gan siêu vi B, C.

xuat-huyet-giam-tieu-cau-nguyen-nhan-do-dau-hinh-anh3

Điều trị xuất huyết giảm tiểu cầu người bệnh có thể được truyền tiểu cầu

Cách 5: Thuốc ức chế miễn dịch. Có thể được sử dụng đơn lẻ và kết hợp theo đúng chỉ định của bác sĩ như: Vincristine (Vincasar), Vinblastine, Cyclophosphamide (Cytoxan) and Azathioprine (Imuran, Azasan). Chúng cũng có một số tác dụng phụ sốt, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn và nôn, hạ huyết áp, rụng tóc. Hiệu quả của những loại thuốc này cũng không được đánh giá tốt như Corticosteroid.

Cách 6: Điều trị các bệnh nhiễm trùng đang có. Một số người mắc bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu cũng bị nhiễm Helicobacter pylori, một loại vi khuẩn gây ra viêm loét dạ dày hoặc các bệnh viêm nhiễm khác. Vì vậy, họ có thể được điều trị đồng thời triệt để các viêm nhiễm này để có thể làm tăng lượng tiểu cầu trong một số trường hợp và giảm chảy máu (giảm xuất huyết).

Việc chẩn đoán bệnh dựa trên các triệu chứng bệnh sẽ giúp bạn sớm nhận biết số lượng tiểu cầu trong máu của người bệnh liệu có <150.000/ mm3, nguyên nhân do đâu để có phương pháp điều trị xuất huyết giảm tiểu cầu kịp thời.



  • nghethuatamnhacsaigon.com

  1. Xuất huyết giảm tiểu cầu tự phát. Tham khảo tại: <http://bthh.org.vn/default.aspx?route=detail&id=38> [Ngày 7 tháng 11 năm 2014]
  2. Xuất huyết giảm tiểu cầu. Tham khảo tại: <http://ykhoa.net/yhocphothong/huyethoc/08_0023.HTM> [Ngày 7 tháng 11 năm 2014]
  3. Phác đồ chẩn đoán điều trị giảm tiểu cầu miễn dịch tiên phát ở trẻ em. Tham khảo tại: <http://www.nhp.org.vn/Show.aspx?cat=041&nid=1258> [Ngày 7 tháng 11 năm 2014]
  4. Trẻ em bị xuất huyết giảm tiểu cầu có nguy hiểm. Tham khảo tại: <http://suckhoedoisong.vn/bac-si-tra-loi/tre-em-bi-xuat-huyet-giam-tieu-cau-co-nguy-hiem-20140322032610579.htm> [Ngày 7 tháng 11 năm 2014]
  5. Xuất huyết giảm tiểu cầu ở trẻ. Tham khảo tại: <http://www.benhviennhi.org.vn/news/detail/98/xuat-huyet-giam-tieu-cau-o-tre-em.html> [Ngày 7 tháng 11 năm 2014]
  6. Idiopathic Thrombocytopenia Purpura ITP. Tham khảo tại: <http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/idiopathic-thrombocytopenic-purpura/basics/definition/con-20034239> [Ngày 7 tháng 11 năm 2014]
  7. Idiopathic Thrombocytopenia Purpura ITP. Tham khảo thêm tại: <http://www.betterhealth.vic.gov.au/bhcv2/bhcarticles.nsf/pages/Idiopathic_thrombocytopenic_purpura> [Ngày 7 tháng 11 năm 2014]
  8. Thrombocytopenia and ITP. Tham khảo tại: <http://www.webmd.com/a-to-z-guides/thrombocytopenia-symptoms-causes-treatments> [Ngày 7 tháng 11 năm 2014]
  9. Thrombocytopenia. Tham khảo tại: <http://www.uofmmedicalcenter.org/HealthLibrary/Article/40932> Ngày 7 tháng 11 năm 2014]
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com