Sinh con

Chồng nên làm gì khi vợ chuyển dạ ở kỳ chuyển tiếp

Ở kỳ chuyển dạ chuyển tiếp, nếu chồng là người hỗ trợ sinh thì bạn có thể cùng với người hộ sinh làm rất nhiều việc để giúp mẹ bầu cảm thấy thoải mái hơn. Những ông bố tương lai có thể đọc bài viết sau để biết chồng nên làm gì khi vợ chuyển dạ ở kỳ chuyển dạ thứ 3 này nhé!

Nếu vợ bạn được gây tê ngoài màng cứng hoặc dùng các loại thuốc giảm đau khác, hãy hỏi xem liệu cô ấy có cần thêm liều nữa không. Ở kỳ chuyển dạ thứ 3 này – Kỳ chuyển dạ chuyển tiếp (sau kỳ chuyển dạ đầu và chuyển dạ tích cực) có thể khá đau, và nếu thuốc tê hết tác dụng, vợ bạn sẽ chẳng thể cảm thấy vui vẻ gì lắm đâu. Trong trường hợp này, bạn hãy thông báo cho các y tá hoặc bác sĩ biết điều đó nhé. Nếu vợ bạn chọn không dùng thuốc, cô ấy sẽ cần bạn lúc này hơn bất cứ khi nào khác.

Chồng nên làm gì khi vợ chuyển dạ ở kỳ thứ 3 này? Dù với bất cứ vai trò nào (người hỗ trợ sinh hay người chồng, người cha của bé con trong bụng), bạn cũng nên ở bên cạnh vợ, nhưng hãy cho cô ấy ít không gian nếu có vẻ cô ấy muốn như thế. Phụ nữ ở kỳ chuyển dạ chuyển tiếp thường không muốn bị đụng chạm – dù bất kể việc gì cũng hãy tùy theo ý muốn của cô ấy nhé. Việc massage bụng có thể đặc biệt gây khó chịu lúc này, nhưng day ấn vào phần lõm ngang thắt lưng của vợ bạn có thể giúp giảm đau lưng đấy. Nhưng bạn cũng hãy chuẩn bị sẵn tinh thần rời ra nếu vợ bạn không muốn thế.

Một điều mà khi làm người hỗ trợ sinh cho vợ, các ông chồng nên biết, đó là bây giờ không phải lúc để nói chuyện phiếm, và có lẽ cũng không phải lúc nên đùa giỡn. Nếu có thể thì bạn nên giữ không gian yên tĩnh, hỗ trợ vợ bạn với những chỉ dẫn ngắn gọn và rõ ràng.

Chong nen lam gi khi vo chuyen da o ky chuyen da tiep hinh anh

Chồng nên làm gì khi vợ chuyển dạ ở kỳ chuyển dạ chuyển tiếp

Ngoài ra, bạn có thể tích cực động viên vợ (trừ phi cô ấy muốn được yên tĩnh). Ở thời điểm này, giao tiếp bằng mắt hoặc tiếp xúc nhẹ có thể truyền đạt nhiều tình cảm hơn là lời nói. Mỗi lần co thắt, bạn cũng có thể cùng hít thở với cô ấy nếu điều này có tác dụng giúp cô ấy vượt qua chúng. Giữa các cơn co thắt, bạn hãy giúp vợ nghỉ ngơi và thư giãn, sờ nhẹ lên bụng cô ấy để cho biết khi một cơn co thắt đã qua đi. Nhắc nhở cô ấy thở chậm và nhịp nhàng giữa các cơn co thắt nếu có thể. Trường hợp các cơn co thắt có vẻ gần nhau hơn và/hoặc cô ấy có cảm giác muốn rặn – và lần kiểm tra trước đã cách khá lâu – bạn hãy báo cho y tá hoặc bác sĩ biết ngay nhé, vì có thể cổ tử cung của vợ bạn đã mở hết cỡ rồi đấy.

Bên cạnh những việc trên, bạn cũng nên thường xuyên mang đá vụn hoặc ít nước đến cho vợ bạn, và năng lau trán cho cô ấy với khăn lạnh. Nếu vợ bạn thấy lạnh, bạn hãy mang chăn hoặc tất chân cho cô ấy. Quá trình chuyển dạ có thể kéo dài và rất mệt mỏi, nhưng hãy cố tập trung vào điều quý giá mà hai bạn sắp được nhận. Bạn và vợ đã đi qua một chặng đường dài, nhưng sẽ không còn xa nữa đâu. Giai đoạn rặn đẻ sắp bắt đầu – và bạn sẽ được bế cục cưng bé bỏng của bạn trên tay sớm thôi.

Xem thêm:
>> Chồng nên làm gì khi vợ chuyển dạ ở kỳ chuyển dạ đầu
>> Chồng nên làm gì khi vợ chuyển dạ ở kỳ chuyển dạ tích cực




  1. Heidi Murkoff Sharon Mazel, 2008, What to expect when you’re expecting, 4th edition, Workman Publishing, USA. Page 396
  2. A childbirth cheat sheet for dads-to-be, http://www.babycenter.com/0_a-childbirth-cheat-sheet-for-dads-to-be_8244.bc
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com