Hiếm muộn

Hành trình thực tế của quy trình thụ tinh trong ống nghiệm

Hành trình thực tế của quy trình thụ tinh trong ống nghiệm: Nhằm giúp chị em hiểu rõ và đỡ lo lắng, bỡ ngỡ khi điều trị vô sinh, H.N một bà mẹ đã từng tham gia quy trình thụ tinh trong ống nghiệm sẽ chia sẻ lại tất cả những điều chị đã trải qua trong hành trình vất vả nhưng cũng đầy hạnh phúc này!

Theo H.N, một khi đã quyết định đi thụ tinh nhân tạo, bạn phải xác định rằng đây là một hành trình dài và khá vất vả. Bạn sẽ trải qua rất nhiều giai đoạn trước khi đến đích cuối cùng, do đó, bạn và ông xã hãy kiên trì và mạnh mẽ lên nhé. Mình tạm chia quy trình thụ tinh trong ống nghiệm làm 3 giai đoạn:

  • Giai đoạn 1: gặp bác sĩ và kiểm tra sức khỏe.
  • Giai đoạn 2: bắt đầu lộ trình điều trị.
  • Giai đoạn 3: nuôi dưỡng và “thu hoạch” trứng.

Cùng tìm hiểu 3 giai đoạn của quy trình thụ tinh trong ống nghiệm nhé!

Quy trình thụ tinh trong ống nghiệm giai đoạn 1: Gặp bác sĩ và kiểm tra sức khỏe

Sau khi tìm hiểu về quy trình thụ tinh trong ống nghiệm, việc đầu tiên mình làm là tìm đến một phòng khám uy tín để gặp bác sỹ điều trị vô sinh và được tư vấn. Ở lần gặp gỡ đầu tiên này, mình đã phải trải qua những bước sau:

Bước 1: Gặp bác sĩ để được trao đổi về lịch sử sức khỏe và hành trình mong con của cả hai vợ chồng, qua đó, bác sĩ điều trị vô sinh đã hỏi mình những câu hỏi như:

  • Tuổi của cả 2 vợ chồng? Kết hôn bao lâu rồi? Bắt đầu để thụ thai tự nhiên từ khi nào mà tới giờ chưa thành công?
  • Tiền sử sức khỏe của vợ: có từng có tiền sử bị bệnh phụ khoa nào không? Kiểm tra sức khỏe trước đó kết quả ra sao?
  • Tiền sử mang thai/ sảy thai của vợ? Đã từng nạo hút hay chưa? Chu kỳ kinh nguyệt thế nào?
  • Tiền sử sức khỏe của chồng: Có từng có tiền sử bị bệnh phụ khoa nào không? Kiểm tra sức khỏe trước đó kết quả ra sao?

Bước 2. Kiểm tra sức khỏe sinh sản của vợ

  • Siêu âm cơ quan sinh sản (tử cung, buồng trứng). Tùy theo tình hình sức khỏe của bạn mà bác sĩ có thể chỉ định bạn làm một số phương pháp kiểm tra khác như chụp vòi trứng, ống dẫn trứng.
  • Xét nghiệm máu để xác nhận lại xem có bị mắc các bệnh: viêm gan B, HIV, lậu, giang mai…

Bác sỹ ở một số phòng khám có thể chấp nhận kết của kiểm tra ở những cơ sơ y tế uy tín khác (nếu bạn đã từng đi kiểm tra). Tuy nhiên, thường thì họ vẫn có thể yêu cầu bạn làm lại từ đầu các xét nghiệm kiểm tra này.

hanh-trinh-thuc-te-cua-quy-trinh-thu-tinh-trong-ong-nghiem-hinh-anh1

Kiểm tra sức khỏe sinh sản trước khi thực hiện quy trình thụ tinh trong ống nghiệm

Bước 3. Kiểm tra sức khỏe sinh sản của chồng

– Siêu âm/ chiếu chụp hình ảnh cơ quan sinh sản.

– Xét nghiệm tinh trùng (lấy cung đồ tinh trùng).

– Xét nghiệm máu để xác nhận lại xem người chồng có bị mắc các bệnh: viêm gan B, HIV, lậu, giang mai… không?

Nếu vợ chồng bạn chưa đi kiểm tra sức khỏe sinh sản trước đó thì xong hết bước 3 này có thể bác sĩ điều trị vô sinh sẽ phải hẹn ngày gặp lại vợ chồng bạn khi có các kết quả đầy đủ, cần thiết. Còn nếu đã có kết quả ngay thì bạn sẽ bước vào giai đoạn tiếp theo của quy trình thụ tinh trong ống nghiệm.

Bước 4. Gặp lại bác sĩ tư vấn

Sau khi làm tất cả các xét nghiệm, kiểm tra cần thiết và hỏi thăm kỹ lưỡng bệnh sử của cả hai vợ chồng, về cơ bản bác sỹ có thể xác định nguyên nhân chưa có con của vợ chồng bạn là do đâu: Do vợ, do chồng, do cả hai hoặc có thể vô sinh không rõ nguyên nhân. Từ việc xem xét kết quả và đưa ra những chẩn đoán nguyên nhân gây vô sinh sơ bộ ban đầu, bác sĩ sẽ tư vấn nên làm gì tốt nhất cho hai vợ chồng bạn.

Trong trường hợp như mình thì do số lượng tinh trùng của chồng mình hơi ít nên thay vì làm thụ tinh nhân tạo luôn, bác sĩ điều trị vô sinh đã tư vấn cho vợ chồng mình thử áp dụng phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung – IUI.

>> Tỷ lệ thành công của phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung như thế nào?

Một số trường hợp anh chị khác cũng đến khám cùng đợt với mình thì do lớn tuổi, tỷ lệ thành công không cao nên nhiều khi bác sĩ từ chối không nhận làm, hoặc nếu hai vợ chồng bạn vẫn quyết tâm thì nên chuẩn bị tinh thần trước vì tỷ lệ thành công có thể sẽ không cao lắm.

Mình cũng được biết thêm là trong trường hợp người vợ hoặc chồng mắc các bệnh như: vợ tắc vòi trứng, chồng không có tinh trùng … thì bác sĩ sẽ đưa ra các hướng điều trị hay giải pháp phù hợp để tư vấn cho vợ chồng bạn, đồng thời ưu tiên nhất việc tư vấn cách giúp chúng mình có thai tự nhiên và an toàn trước, nếu không được thì cuối cùng mới là phương pháp thụ tinh nhân tạo.

Tuy nhiên, nếu vợ chồng bạn đã quyết tâm, có những điều kiện phù hợp và muốn tiến hành quy trình thụ tinh trong ống nghiệm luôn thì bác sĩ cũng sẽ đồng ý.

Như vậy là kết thúc xong bước đầu tiên, vợ chồng mình chọn phương pháp thực hiện quy trình thụ tinh trong ống nghiệm và bác sĩ cũng nhận lời làm. Lúc đó bác sĩ hẹn mình ngày kinh thứ 2 của lần tới (nếu hiện tại mình không bị hành kinh, hoặc đã hết kinh) thì sẽ bắt đầu lộ trình điều trị cho hai vợ chồng.

Khi bắt đầu thực hiện quy trình thụ tinh trong ống nghiệm thì vợ là người phải đến phòng khám thường xuyên còn chồng thì có thể chỉ phải uống thuốc có lợi cho tinh trùng ở nhà và đến những ngày quan trọng là ngày chọc hút trứng thì có mặt để lấy tinh trùng là được.

Quy trình thụ tinh trong ống nghiệm giai đoạn 2: Bắt đầu lộ trình điều trị

Quy trình thụ tinh trong ống nghiệm ngày kinh thứ 2

Bạn có thể đi khám vào bất cứ lúc nào, nhưng sau khi hai vợ chồng bạn và bác sĩ đã thống nhất phương pháp điều trị vô sinh, bạn sẽ phải tuân thủ một vài mốc thời gian quy định. Vào ngày thứ 2 sau khi có kinh nguyệt, bạn phải tới phòng khám và bắt đầu bước vào lộ trình điều trị.

Quy trình thụ tinh trong ống nghiệm ngày kinh thứ 2 là bạn sẽ được bác sĩ chỉ dẫn, khám, tư vấn, hướng dẫn làm các việc sau:

  • Siêu âm buồng trứng: đếm số nang, xem các bất thường nếu có.
  • Kê đơn thuốc để bạn uống hoặc tiêm. Với mỗi người khác nhau bác sĩ sẽ kê đơn thuốc khác nhau và giá thành của mỗi đơn cũng sẽ khác. Về tên thuốc cụ thể là gì thì mình sẽ không nói rõ ở đây vì có người dùng thuốc này, có người lại được kê dùng thuốc khác. Nhưng theo mình biết thì đó là các loại thuốc hỗ trợ kích thích nang trứng phát triển, hỗ trợ cho quy trình thụ tinh trong ống nghiệm có khả năng thành công cao hơn.
  • Kê đơn thuốc cho người chồng để giúp tinh trùng tốt hơn. Như chồng mình thì phải uống thuốc 10 ngày còn nếu chồng bạn có tinh trùng khỏe hơn (hay yếu hơn) thì bác sĩ sẽ có hướng dẫn và tư vấn khác.
  • Sau khi nhận đơn thuốc, bác sĩ và bên quầy bán thuốc sẽ có chỉ dẫn tiêm thuốc cụ thể cho bạn. Theo mình biết thì một số chị có thể tự tiêm thuốc ở nhà, hoặc ra trạm y tế gần nhà để tiêm thay vì phải tới phòng khám thường xuyên. Còn bản thân mình thì mình chọn phương án gửi thuốc ở lại phòng khám (vì thuốc cần bảo quản lạnh nên mình nghĩ gửi lại đây sẽ an toàn hơn cho mình) và hàng ngày vào khoảng giờ tiêm thuốc quy định thì mình sẽ đến tiêm.
    hanh-trinh-thuc-te-cua-quy-trinh-thu-tinh-trong-ong-nghiem-hinh-anh2

Quy trình thụ tinh trong ống nghiệm giai đoạn 2: Bắt đầu lộ trình điều trị

Chia sẻ về phần tiêm thuốc

Các bác sĩ thường kê đơn để tiêm 2-3 mũi/lần, sau đó hẹn tái siêu âm theo dõi sự phát triển của nang trứng và xem phần thích ứng thuốc của cơ thể để có phương án đổi thuốc hoặc thêm thuốc hay tăng liều. Như trong trường hợp của mình thì tiêm liên tục 4 ngày, đến ngày 5 mình tới siêu âm lại và xét nghiệm nội tiết. Vị trí tiêm cũng tùy loại thuốc mà bác sĩ kê tiêm bắp hay tiêm dưới da.

Thường thuốc tiêm bắp mình bị tiêm vào mông và thuốc tiêm dưới da mình được tiêm trực tiếp vào vùng da bụng gần rốn. Cảm giác khi tiêm ban đầu hơi nhói, có những mũi không thấy đau, nhưng có những mũi sau khi tiêm về mình bị sưng chỗ tiêm, đau mất mấy ngày. Mình nghĩ chuyện tiêm đau hay không là tùy cơ địa từng người, nhưng tóm lại là chỉ đau chút chút thôi nên các bạn đừng quá lo lắng nhé!

Sẽ nhanh thôi, và bạn sẽ cảm thấy nó không đáng là gì so với niềm hạnh phúc khi quy trình thụ tinh trong ống nghiệm thành công.

Quy trình thụ tinh trong ống nghiệm giai đoạn 3: Thu hoạch và nuôi dưỡng trứng

Ngày tiêm thuốc rụng trứng

Vào thời điểm xác định trứng đã đạt độ trưởng thành, bác sĩ điều trị vô sinh sẽ xác định thời điểm tiêm thuốc rụng trứng và ngày vợ chồng mình cần có mặt để làm thủ thuật chọc hút trứng, lấy tinh trùng và tiến hành quy trình thụ tinh trong ống nghiệm tiếp theo.

Vào ngày tiêm thuốc rụng trứng thì rất đơn giản, bạn chỉ cần đến bệnh viện đúng hẹn để được tiêm đúng giờ, tránh đi sai giờ nhé vì điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc xác định thời điểm trứng rụng và thời điểm chọc hút để đảm bảo trứng vẫn còn khả năng thụ tinh đấy.

Theo mình tìm hiểu hiểu quy trình thụ tinh trong ống nghiệm thì việc chọc hút sẽ tiến hành sau đó từ 36 -48h kể từ thời điểm tiêm thuốc rụng trứng. Và vì trứng chỉ có khả năng thụ tinh trong vòng 24h thôi nên bạn nhớ đến đúng giờ theo yêu cầu của bác sĩ điều trị vô sinh cho bạn nhé!

Ngày chọc hút trứng

Khi xác định ngày chọc hút trứng, bác sĩ hoặc bệnh viện sẽ có hướng dẫn rất chi tiết để bạn chuẩn bị kỹ cho ngày này.

Hai vợ chồng bạn cần có mặt tại bệnh viện để làm các thủ tục cần thiết như: khai thông tin, viết cam kết, nộp giấy tờ của bản thân và giấy đăng ký kết hôn của hai vợ chồng (phần giấy tờ này có thể nộp trước hoặc muộn nhất là vào thời điểm này phải có đầy đủ, nếu không sẽ bị bệnh viện từ chối thực hiện).

Người chồng sẽ đi vào phòng để tự lấy tinh trùng vào ngày này hoặc theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

Người vợ sẽ được gọi vào phòng thay đồ để chuẩn bị làm thủ thuật. Dưới đây là những lưu ý cho các chị trước khi đến làm thủ thuật:

  • Nhịn ăn và nhịn uống buổi sáng vào ngày dự định chọc hút trứng.
  • Không nên trang điểm (vì môi trường phẫu thuật nên là môi trường vô trùng).
  • Nên tẩy sạch các chất sơn trên móng tay, móng chân nếu có (móng trơn không sơn vẽ sẽ giúp bác sĩ nhận diện các biểu hiện hay phản ứng bất thường qua các dấu hiệu ở ngón tay, ngón chân).
  • Không nên sử dụng nước hoa.
    hanh-trinh-thuc-te-cua-quy-trinh-thu-tinh-trong-ong-nghiem-hinh-anh3

Quy trình thụ tinh trong ống nghiệm giai đoạn 3: Thu hoạch và nuôi dưỡng trứng

Khi bạn vào phòng làm thủ thuật, sẽ có các cô hộ lý hướng dẫn bạn thay đồ và sau đó vào phòng để bác sỹ gắn ống lấy ven trước để lát nữa vào làm thủ thuật, bác sĩ tiêm thuốc mê theo đường ống ven đã lấy (ống lấy ven như khi chúng mình chuẩn bị truyền nước đấy). Sau khi lấy ven, các chị sẽ được phát mũ đội đầu và giầy/vớ vải đi trong phòng phẫu thuật.

Khi vào làm phẫu thuật chọc hút, bạn sẽ được một bác sĩ rửa vệ sinh vùng kín trước để vô trùng. Sau đó khi bác sĩ làm công tác chọc hút đã sẵn sàng thì một bác sĩ phụ sẽ tiêm thuốc mê vào đường ống ven lấy sẵn và hỏi bạn vài câu, sau đó là bạn ngủ luôn rồi. Khi bạn ngủ là lúc các bác sĩ tiến hành thủ thuật chọc hút trứng. Việc này chỉ diễn ra chừng 10 phút.

Sau khi thực hiện phẫu thuật, bạn sẽ được đưa về phòng hồi sức, nghỉ tại đó khoảng 1-2 giờ tùy sức khỏe từng người. Khi đưa về phòng hồi sức thường chỉ khoảng 10 phút sau cô hộ lý sẽ gọi bạn tỉnh dậy để tránh tình trạng bạn hôn mê sâu.

Khi tỉnh dậy, bạn sẽ thấy như mình vừa ngủ 1 giấc sâu dậy, đầu hơi choáng và bụng dưới có thể hơi nhói. Trong trường hợp của mình thì không thấy đau và cũng không thấy bị chảy máu, nhưng một số chị khác cùng tiến hành điều trị với mình thì thấy hơi cương đau bụng và chảy chút máu. Có người bảo chắc lấy nhiều trứng thì đau hơn lấy ít trứng, nhưng theo mình đau hay không chắc tùy cơ địa, vì mình cũng lấy hơn 20 nang mà không thấy đau.

Khi nằm tại phòng hồi sức, lúc này các cô hộ lý sẽ báo người nhà đi lấy nước trà đường cho mình uống để mau tỉnh lại, sau đó là thay đồ rồi về. Đa phần các bạn có thể đi lại và ăn uống bình thường sau khi tiến hành chọc hút trứng.

* Lưu ý: Khi thực hiện tiêm kích trứng trong suốt quy trình thụ tinh trong ống nghiệm, bác sĩ điều trị vô sinh luôn nhắc là mình cần uống nhiều nước nên mình luôn duy trì 1,8l nước/ ngày.

Mình không rõ tác dụng thực sự của việc uống nhiều nước trong quy trình thụ tinh trong ống nghiệm là thế nào, nhưng có thể việc này góp phần làm giảm những tác dụng phụ của thuốc, mình cũng không thấy đau hay bị chướng bụng dưới quá nhiều, trong khi một số chị không chịu uống nước thì thấy bị đau và quá kích buồng trứng thì phải.




  1. Hướng dẫn các bước thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. Đọc thêm tại: <http://hiemmuonphusanhanoi.vn/thong-tin/Huong-dan-cac-buoc-thuc-hien-thu-tinh-trong-ong-nghiem/787.aspx>. [Ngày 25 tháng 08 năm 2015]
  2. Infertility and In Vitro Fertilization. Đọc thêm tại: <http://www.webmd.com/infertility-and-reproduction/guide/in-vitro-fertilization?page=2>. [Ngày 25 tháng 08 năm 2015]
  3. In Vitro Fertilization: IVF. Đọc thêm tại: <http://americanpregnancy.org/infertility/in-vitro-fertilization/>. [Ngày 25 tháng 08 năm 2015]
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com