Nuôi con

Làm gì khi trẻ bị táo bón ở độ tuổi mẫu giáo?

Bé dưới 3 tuổi thường có thói quen ăn uống dễ gây táo bón. Để tránh trường hợp trẻ bị táo bón, bố mẹ nên tập cho con thói quen ăn uống lành mạnh kết hợp với vận động.

Không giống như các bé sơ sinh luôn được mẹ để ý rất kĩ về chế độ ăn uống trong giai đoạn bú mẹ hoặc kiểm soát chặt lượng ăn của bé trong giai đoạn ăn dặm. Ở độ tuổi đi mẫu giáo, các bé hầu hết được ăn cùng với gia đình khi ở nhà và ăn cùng với các bạn khi ở trường.

Khá nhiều bé ở độ tuổi này đã biết lựa chọn thức ăn mình thích. Mà các mẹ cũng biết rồi đấy, bé nào lại không mê đồ ăn nhanh, đồ ăn chiên giòn và kẹo bánh ngọt cơ chứ. Nếu có bé không thích những thứ này thì cũng chỉ chiếm số lượng rất ít mà thôi.
tre-bi-tao-bon-o-tuoi-di-mau-giao-hinh-anh1

Hiện tượng trẻ bị táo bón ở độ tuổi đi mẫu giáo khá phổ biến.

Với gia đình mình, khi con ở trường, thường thì mình chẳng biết con được ăn gì, số lượng là bao nhiêu, có ăn nhiều rau hay uống nhiều nước không. Nếu mình có hỏi, cô giáo cũng chỉ nói là bé có uống nước. Trong bữa ăn trưa hay ăn nhẹ có lúc bé ăn hết, có lúc bé không ăn hết khẩu phần của mình.

Trong lớp của con mình, hầu hết các bé dưới 3 tuổi đều rất ít ăn và nuốt hết thịt. Vì thịt cứng nên các bé chỉ nhai và nuốt hết nước ngọt rồi nhả bã. Chỉ có những thức ăn mềm như trứng, đậu phụ, cá và tôm là các bé nhai và nuốt luôn. Khá nhiều bé cũng nhai rau luộc các loại rồi nhả bã như thịt vậy.

Chính lượng nước ngọt bé ăn vào tuy có chất nhưng lượng bã bé nhè ra làm bé thiếu đi một lượng lớn chất xơ cần thiết để đi ngoài hàng ngày bình thường và không bị táo bón.
tre-bi-tao-bon-o-tuoi-di-mau-giao-hinh-anh2

Trẻ bị táo bón do thiếu chất xơ

Với các bé từ 3-5 tuổi sẽ quen hơn với việc nhai và nuốt hết thức ăn nên ở độ tuổi này bé ít bị táo bón hơn độ tuổi dưới 3 tuổi như con mình. Chính vì vậy, với các bé dưới 3 tuổi hoặc các bé từ 3-5 tuổi ít ăn rau và uống nước ở nhà, bố mẹ nhớ để ý những điều này để giúp con đỡ bị táo bón:

Về dinh dưỡng:

  • Nếu được, bố mẹ có thể dặn nhà trường nấu thức ăn không ngọt, không muối cho con khi ở trường.
  • Hạn chế cho con ăn thức ăn nhanh, nhiều chất ngọt, béo khi con ở nhà. Nếu được thì gia đình cắt hẳn những thực phẩm chỉ chứa tinh bột và đường như bánh ngọt, nước ngọt cho con vì những thức ăn này chẳng cung cấp được protein hay khoáng chất gì cho con ngoài năng lượng dễ nạp làm con đói lại rất nhanh.

Thông thường nếu bố mẹ thích ăn những loại thực phẩm nào thì con cũng có xu hướng thích ăn món đó. Do đó, bố mẹ nên tập thói quen ăn uống khoẻ mạnh cho cả nhà.

tre-bi-tao-bon-o-tuoi-di-mau-giao-hinh-anh3
Bố mẹ nên cùng con tập thói quen ăn uống khỏe mạnh.
  • Để tránh cho trẻ bị táo bón, bố mẹ nên tăng lượng ngũ cốc, rau quả ít ngọt, các loại thức ăn chứa nhiều chất xơ, ít chất béo động vật khi con ở nhà.
  • Cho con uống nước nhiều hơn khi con ở nhà và ở trường. Có thể mua cho bé loại bình bé thích sẽ kích thích bé uống nước nhiều hơn hoặc với các bé thích uống bằng cốc, bố mẹ cho con uống tùy thích trong cốc của mình, nếu dây ướt ra áo thì thay cho con sau khi uống nước là được.
  • Để tốt cho sức khỏe của con thì bố mẹ nên cho một ít dầu ăn loại tốt (dầu gấc, dầu vừng, dầu ô liu) vào thức ăn sau khi đã nấu xong hơn là dùng những dầu đó để chiên rán vì sẽ làm mất đi lượng omega 3 có trong một số loại dầu ăn.

Về vận động:

  • Cho con vận động nhiều để thức ăn dễ tiêu hóa hơn, hạn chế được táo bón.

Về thể chất và tinh thần:

  • Bố mẹ nên quan sát con để biết khi nào con bệnh thì chữa ngay vì bệnh cũng có thể khiến trẻ bị táo bón.
  • Bố mẹ nên tạo cho con tâm lí thoải mái trong sinh hoạt hàng ngày, con ăn uống bao nhiêu, con chơi gì đừng cấm đoán nhiều, miễn an toàn và khỏe mạnh là được. Các mẹ có biết, sự căng thẳng cũng làm cho trẻ bị táo bón đó.
  • Khuyến khích con chủ động đi ngoài như việc bình thường cần làm hàng ngày và tập cho con thói quen đi ngoài đúng giờ sẽ dễ dàng hơn nhiều. Đặc biệt, các bé hay bắt chước người lớn, nếu bố mẹ ông bà có thói quen đi ngoài đúng giờ, tự động bé sẽ làm theo.

Quan sát, quan sát và rút kinh nghiệm:

Bố mẹ để ý theo dõi phân của con hàng ngày xem có rắn, khô, kích thước lớn hay không. Ở độ tuổi này, hầu hết các bé đi ngoài hàng ngày, thỉnh thoảng có bé 2 ngày đi ngoài 1 lần nhưng nếu đều đặn và phân mềm, bé không đau bụng, đau hậu môn thì cũng bình thường, bố mẹ không nên lo lắng.

tre-bi-tao-bon-o-tuoi-di-mau-giao-hinh-anh4
Bố mẹ nhớ để ý phân của con hàng ngày để xem con có bị táo bón không nhé!
Nếu bé đi ngoài rắn hơn bơ lạc hoặc có phân lỏng và dính ở đáy quần lót thì bố mẹ nhớ theo dõi thêm vì một số bé đi ngoài vừa có phân lỏng, vừa có phân quá cứng trong cùng một ngày cũng có thể là bị táo bón.



  1. Spock, B, Needlman, R, 2012, Baby and Childcare, 9th edn, Bookwell, Finland.
  2. Constipation and children. Tham khảo tại: <http://www.betterhealth.vic.gov.au/bhcv2/bhcarticles.nsf/pages/Constipation_and_children>. [Ngày 07 tháng 10 năm 2014]
  3. Constipation. Tham khảo tại: <http://www.niddk.nih.gov/health-information/health-topics/digestive-diseases/constipation/Pages/overview.aspx>. [Ngày 07 tháng 10 năm 2014]
  4. Constipation. Tham khảo tại: <http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/constipation.html>. [Ngày 07 tháng 10 năm 2014]
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com