Sinh con

Mối nguy hiểm rình rập quanh vấn đề sa dây rốn

Hiện tượng sa dây rốn xảy ra khi dây rốn của em bé sa xuống qua cổ tử cung vào trong ống sinh trước cả em bé trong quá trình chuyển dạ.

Tình trạng sa dây rốn có phổ biến không?

Thật may là tình trạng sa dây rốn không thường gặp, chỉ xảy ra ở 1/ 300 ca sinh.

Những ai có nguy cơ cao nhất?

Các biến chứng thai kỳ nhất định làm tăng nguy cơ dây rốn bị sa, bao gồm: đa ối, sinh ngôi mông hoặc bất cứ ngôi thai nào mà đầu em bé không che hết cổ tử cung, khi sinh non, và khi sinh em bé thứ hai trong ca sinh đôi.

Hiện tượng sa dây rốn cũng là một rủi ro nếu túi ối bị vỡ trước khi đầu em bé đã bắt đầu hạ xuống hoặc chui vào trong ống sinh.

Các triệu chứng sa dây rốn là gì?

Nếu dây rốn sa xuống vào trong âm đạo, bạn có thể sẽ cảm thấy hoặc thậm chí nhìn thấy nó. Nếu dây rốn bị chèn ép bởi đầu em bé, bé sẽ cho thấy các dấu hiệu bị suy thai (tình trạng thai nhi không ổn định) trên máy theo dõi tim thai.

Mối nguy hiểm rình rập quanh vấn đề sa dây rốn

Bạn nên biết rõ các triệu chứng sa dây rốn

Bạn có nên lo lắng?

Trong suốt thời gian em bé ở trong tử cung và cho đến khi toàn bộ cơ thể em bé đã được đưa ra ngoài khi sinh, dây rốn làm nhiệm vụ vận chuyển các chất dinh dưỡng và oxy cho bé. Nếu dây rốn bị chèn ép trong khi sinh (chẳng hạn như khi đầu bé ép vào dây rốn bị sa), nguồn cung cấp oxy cho bé sẽ bị giảm. Trừ phi được can thiệp kịp thời, tình trạng này có thể gây hậu quả nghiêm trọng.

Phải làm gì khi bị sa dây rốn?

Thật sự không có cách nào để biết trước dây rốn của em bé sẽ bị sa. Thực tế, nếu không được theo dõi tim thai, bạn có thể không biết mình bị sa dây rốn cho đến khi nó đã xảy ra. Dưới đây là vài gợi ý cách xử trí sa dây rốn, nên biết để xử lý kịp thời nếu chẳng may gặp phải:

Nếu bị sa dây rốn nhưng không ở bệnh viện. Hãy bò xuống trên 2 tay 2 chân, đầu chúc xuống và vùng chậu hướng lên để giảm áp lực lên dây rốn. Nếu bạn để ý thấy dây rốn lòi ra từ âm đạo, hãy dùng khăn sạch để nhẹ nhàng đỡ lấy nó. Gọi cấp cứu hoặc nhờ ai đó đưa bạn đến bệnh viện gấp (trên đường đến bệnh viện, nằm ở ghế sau của ô tô với phần mông được kê cao lên).

Nếu bị sa dây rốn khi ở bệnh viện. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn nhanh chóng chuyển sang một tư thế khác để dễ dàng khiến đầu em bé dịch chuyển và giảm lực ép lên dây rốn. Khi này, bé phải được nhanh chóng đưa ra ngoài, do đó thường cần dùng đến kẹp lấy thai (forceps) hoặc giác hút (nếu em bé đã xuống đủ thấp trong ống sinh), hoặc phẫu thuật lấy thai ngay lập tức.



  • nghethuatamnhacsaigon.com

  1. Heidi Murkoff & Sharon Mazel, 2008, What to expect when you’re expecting, 4th edn, Workman Publishing, USA. Page 565 – 566
  2. Cord prolapse during pregnancy. Tham khảo thêm: <http://www.whattoexpect.com/pregnancy/pregnancy-health/complications/cord-prolapse.aspx>. [Ngày 15 tháng 11 năm 2016]
  3. Umbilical cord prolapse. Tham khảo thêm: <http://americanpregnancy.org/pregnancy-complications/umbilical-cord-prolapse/>. [Ngày 15 tháng 11 năm 2016]
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com