Sức khỏe

Nguyên nhân và triệu chứng rối loạn lo âu chia ly ở trẻ em

Rối loạn lo âu chia ly không phải là một giai đoạn phát triển bình thường, mà là một vấn đề nghiêm trọng về mặt cảm xúc. Triệu chứng rối loạn lo âu chia ly được đặc trưng bởi sự đau khổ tột cùng của bé khi phải rời xa người thân yêu mà trẻ luôn gắn bó, thường là cha mẹ hoặc người chăm sóc.

Rối loạn lo âu chia ly ở trẻ

Lo âu chia ly là trạng thái bình thường ở mọi trẻ nhỏ trong khoảng từ 8 -14 tháng tuổi. Trẻ nhỏ thường trải qua giai đoạn bám víu vào bố mẹ và sợ hãi người lạ hay nơi chốn lạ. Với trẻ từ 6 tuổi trở lên, khi nỗi sợ này xảy ra quá mức và kéo dài trong hơn 4 tuần thì trẻ có thể đã mắc rối loạn lo âu chia ly. Tuy nhiên, bởi vì triệu chứng rối loạn lo âu chia ly và tình trạng lo âu chia ly thông thường khá giống nhau nên có lẽ bạn sẽ khó phân biệt. Bạn sẽ lúng túng không rõ con mình cần thêm chút thời gian và sự thông cảm để trẻ có thể thích nghi, hay là con đang gặp một vấn đề khác nghiêm trọng hơn.

Sự khác biệt chính giữa trạng thái lo âu chia ly lành mạnh và rối loạn lo âu chia ly là cường độ sợ hãi của con bạn, và những nỗi lo sợ này có đang làm cản trở con bạn trong những hoạt động bình thường hay không. Trẻ mắc rối loạn lo âu chia ly có thể trở nên kích động khi chỉ cần nghĩ đến việc rời xa cha hoặc mẹ, trẻ than thở ốm đau để né tránh đi học, né tránh vui chơi với bạn bè. Khi các triệu chứng trở nên mạnh mẽ cực độ thì những lo lắng này sẽ phát triển lên thành một rối loạn.

Nguyên nhân trẻ bị rối loạn lo âu chia ly

Rối loạn lo âu chia ly xảy ra khi trẻ cảm thấy không an toàn theo cách nào đó. Do đó, bạn hãy xem xét bất cứ điều gì đã làm cho con bạn mất cân bằng, làm cho trẻ cảm thấy bị đe dọa hoặc làm đảo lộn thói quen bình thường của trẻ. Nếu bạn có thể xác định được nguyên nhân gốc rễ, thì bạn sẽ từng bước tiến đến gần hơn để giúp con mình vượt qua những khó khăn của chính trẻ.

Nguyên nhân và triệu chứng rối loạn lo âu chia ly ở trẻ em

Bạn cần phải xác định được nguyên nhân gốc rễ để giúp con vượt qua khó khăn

Dưới đây là những nguyên nhân rối loạn lo âu chia ly phổ biến ở trẻ:

  • Sự thay đổi môi trường. Với những bé có khuynh hướng lo âu chia ly thì những thay đổi trong môi trường xung quanh – như nhà mới, trường học mới hay môi trường chăm sóc mới – có thể kích hoạt rối loạn lo âu chia ly.
  • Căng thẳng. Những tình huống gây căng thẳng như chuyển trường, hoặc mất đi người thân yêu (kể cả thú cưng) cũng có thể làm kích hoạt rối loạn lo âu chia ly.
  • Phong cách bố mẹ bảo vệ con quá mức. Trong vài trường hợp, rối loạn lo âu chia ly là biểu hiện cho nỗi lo lắng của chính phụ huynh, và điều này đã nuôi dưỡng những nỗi lo lắng ở trẻ.

Những triệu chứng rối loạn lo âu chia ly ở trẻ

– Lo lắng và sợ hãi: Trẻ bị rối loạn lo âu chia ly sẽ không ngừng cảm thấy lo lắng hoặc sợ hãi về sự chia cách. Nhiều bé bị tràn ngập bởi những tình trạng dưới đây:

  • Lo sợ rằng điều khủng khiếp nào đó sẽ xảy đến với người mình thương yêu. Nỗi lo sợ phổ biến nhất là lo lắng rằng những người thân yêu sẽ bị làm hại khi mình vắng mặt, như lo rằng bố mẹ mình sẽ bị bệnh hoặc bị thương.
  • Lo lắng rằng sẽ có một tình huống không thể lường trước nào đó xảy đến và gây ra sự chia cách vĩnh viễn. Trẻ  sợ rằng một khi mình rời khỏi bố mẹ thì sẽ có điều gì đó xuất hiện và làm chia cách trẻ khỏi bố mẹ mãi mãi (như trẻ bị bắt cóc hay đi lạc).
  • Trẻ có những cơn ác mộng về sự chia ly, thường là những giấc mơ đáng sợ về những lo lắng đang hiện diện trong trẻ.

Nguyên nhân và triệu chứng rối loạn lo âu chia ly ở trẻ em hình ảnh 2

Trẻ không ngừng cảm thấy lo lắng hoặc sợ hãi về sự chia cách

– Không chịu tách khỏi bố mẹ và đau ốm: Triệu chứng rối loạn lo âu chia ly có thể nhận biết được qua những hoạt động bình thường của trẻ, như:

  • Từ chối đi học: Trẻ mắc rối loạn có thể nảy sinh một nỗi lo sợ vô lý về trường học, và sẽ làm bất cứ điều gì để được ở nhà.
  • Biểu hiện sự miễn cưỡng khi phải đi ngủ: Rối loạn lo âu chia ly có thể khiến cho trẻ bị mất ngủ vì sợ ở một mình hoặc vì những cơn ác mộng về sự chia ly.
  • Hay than nhức đầu, đau bụng: Vào thời điểm chia ly, hay trước đó, trẻ thường sẽ phàn nàn rằng mình cảm thấy thật sự không khỏe.
  • Bám víu vào người chăm sóc: Trẻ sẽ theo bạn như một cái bóng khi bạn đi lại xung quanh nhà và đeo bám chân, tay bạn khi bạn cố gắng bước đi.



1.Separation Anxiety Disorder in Children.Đọc thêm tại:<http://www.webmd.com/children/guide/separation-anxiety>. [Ngày 27 tháng 8 năm 2015].
2.Separation Anxiety Disorder in Children: Easing Separation Anxiety Disorder. Đọc thêm tại:<http://www.helpguide.org/articles/anxiety/separation-anxiety-in-children.htm>. [Ngày 27 tháng 8 năm 2015].

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com