Sức khỏe

Phòng ngừa và điều trị đúng bệnh bại não ở trẻ em

Bệnh bại não ở trẻ em là căn bệnh khiến nhiều ông bố bà mẹ lo lắng. Nếu biết cách phòng ngừa từ trước khi mang thai và sau sinh thì con bạn sẽ ít có nguy cơ mắc bệnh. Trường hợp không may bé mắc phải tình trạng này, việc phát hiện và điều trị đúng sẽ giúp bé dễ dàng hòa nhập với cuộc sống hơn.

Để biết nguyên nhân và các triệu chứng bệnh bại não ở trẻ em, mẹ có thể tham khảo ở bài viết: Dựa vào đâu để biết bé có mắc bệnh bại não ở trẻ em?

Phòng ngừa bệnh bại não ở trẻ em từ trước và trong khi mang thai

Mẹ cần biết rằng việc phòng ngừa bệnh bại não cho bé nên bắt đầu ngay trước khi mang thai, để giảm thiểu nguy cơ gây tổn thương đến não bộ của bé, mẹ cần lưu ý những điều sau:

  • Trước khi có ý định mang thai, mẹ cần duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và sử dụng thuốc đúng cách. Ngay khi có thai, mẹ nên bổ sung một cách hợp lý các loại sinh tố và khoáng chất, tránh sử dụng rượu và các thuốc không an toàn. Nếu mẹ đang sử dụng thuốc thì cần tham khảo ý kiến bác sĩ để tránh gây ra các dị tật bẩm sinh.
  • Kiểm soát các bệnh như tiểu đường, thiếu máu, bệnh tăng huyết áp, chứng co giật và thiếu hụt dinh dưỡng suốt thai kỳ có thể giúp ngăn chặn việc sinh non và chứng bại não sau này ở bé.
  • Mẹ mắc phải một vài loại bệnh nhiễm trùng trong thời kỳ mang thai, chẳng hạn rubella (bệnh sởi Đức), bệnh Toxoplasmosis, nhiễm trùng đường tiết niệu hay nhiễm trùng thận cũng có thể làm gia tăng nguy cơ bé bị bại não, do vậy lúc mang thai mẹ cần kiểm tra sức khỏe định kỳ

Ngoài ra, các chuyên gia cũng khuyên phụ nữ mang thai không nên hút thuốc lá, vì nó có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của thai nhi.

phong-ngua-va-dieu-tri-benh-bai-nao-o-tre-em-hinh-anh

Bệnh bại não ở trẻ em có thể phòng ngừa

Chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cẩn thận để giảm nguy cơ mắc bệnh bại não

Trong giai đoạn phát triển, bé vẫn có  nguy cơ mắc bệnh bại não nếu vùng não bị chấn thương hoặc gặp sự bất thường nào đó.

Vì vậy để không làm ảnh hưởng đến não bộ còn non yếu của bé, mẹ cần lưu ý:

  • Khi bé còn nhỏ cần tránh những việc có thể làm tổn thương não của bé. Không lắc khi bé còn sơ sinh, vì điều này có thể dẫn đến hội chứng tổn thương não.
  • Ngộ độc chì cũng có thể gây ra tổn thương cho não, vì vậy mẹ cần lưu ý khi lựa chọn đồ chơi cho bé; các lớp sơn tường cũ kỹ bị bong tróc hoặc các lon đồ hộp không đảm bảo cũng có thể có chì trong đó…
  • Tiêm chủng đúng thời hạn – việc này giúp bảo vệ bé khỏi những bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng mà trong số đó có những loại bệnh có thể gây ra tổn thương não và có thể dẫn đến bại não.
  • Không để bé tiếp xúc gần với những người mà mẹ nghi ngờ mắc một số bệnh nguy hiểm có thể lây lan,  chẳng hạn như viêm màng não do vi-rút

Tuy nhiên, ngay cả khi bé được chẩn đoán không bị bệnh bại não, mẹ cũng nên chú ý đến những cột mốc phát triển quan trọng của bé để phát hiện xem có bất kì dấu hiệu bất thường nào hay không nhé.

Bệnh bại não không quá nghiêm trọng như tên gọi của nó, nhưng bệnh bại não ở trẻ em sẽ khiến các bé gặp khó khăn hơn trong sinh hoạt và cuộc sống hàng ngày. Việc phát hiện và điều trị bệnh bại não ở trẻ em sẽ giúp bé dễ dàng hòa nhập với cuộc sống hơn.

Điều trị bệnh bại não ở trẻ em bằng cách nào?

Có nhiều phương pháp điều trị bệnh bại não ở trẻ em như việc sử dụng thuốc hay sử dụng các biện pháp hỗ trợ sẽ giúp bé kiểm soát được các triệu chứng của căn bệnh này. Nhưng tùy vào tình trạng của mỗi bé mà bác sĩ sẽ chọn phương pháp điều trị hợp lý.

1. Dùng thuốc
Mặc dù thuốc không điều trị hoặc chữa hết được bệnh bại não nhưng phương pháp này góp phần kiểm soát các triệu chứng của bệnh. Các loại thuốc có thể được bác sĩ kê toa gồm có:

  • Antispastic: nhóm thuốc giúp làm giảm co thắt cơ và tình trạng căng cơ. Một số loại Antispastic thường gặp là Aclofen (Botulinum toxin, Botox(R), Diazepam (Valium(R)), Flexeril (Cyclobenzadrine), Dantrium (Dantrolene)…
  • Anticonvulsant: giúp điều trị các cơn co giật. Một số thuốc Anticonvulsant thường được bày bán như: Gabapentin (Neurontin), Lamotrigine (Lamictal), Oxcarbazepine (Trileptal), Topiramate (Topamax), Zonisamide (Zonegran)…
  • Anticholingeric: giúp chống loạn trương lực cơ và chảy nước dãi không kiểm soát được. Một số loại trong nhóm Anticholingeric thường gặp là Carbidopa- levodopa (Sinemet), Glycopyrrolate (Robinul), Hydrochloride Procyclidine (Kemadrin)…

Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc còn phụ thuộc vào độ tuổi, tình trạng sức khỏe của bé và diễn tiến của bệnh, vì vậy, mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi cho bé sử dụng bất kì loại thuốc nào nhé!

phong-ngua-va-dieu-tri-benh-bai-nao-o-tre-em-hinh-anh2

Mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi cho bé sử dụng bất kì loại thuốc nào

2. Sử dụng các dụng cụ hỗ trợ cho bé mắc bệnh bại não

  • Các công cụ hỗ trợ việc ngồi, đứng và di chuyển (thường được sử dụng để giúp bé ngồi, nằm hoặc đứng…) như xe lăn, khung tập đi, ghế được thiết kế đặc biệt để giúp bé đứng vững và đúng tư thế. ­
  • Các dụng cụ chỉnh hình được sử dụng để ngăn chặn dị dạng và hỗ trợ hay bảo vệ cho tay chân và cơ thể bé mắc bệnh bại não.
  • Đồ dùng ăn uống đặc biệt: nĩa, muỗng, dao được làm riêng cho bé gặp khó khăn về kỹ năng vận động tay chân.
  • Dụng cụ viết đặc biệt: bút mực và bút chì được thiết kế có thể bám chặt và có tay cầm cho bé gặp khó khăn về khả năng vận động tinh (là sự phát triển và phối hợp của các nhóm cơ lớn của cơ thể trẻ bao gồm khả năng lăn, bò trườn, xoay cơ thể, đi, chạy, đá chân, ném, vung tay, kéo, đẩy, leo trèo, v.v.).
  • Dụng cụ hỗ trợ giao tiếp: được sử dụng để giúp bé gặp khó khăn trong việc nghe, hiểu và những bé gặp khó khăn trong việc giao tiếp với người khác như: các loại sách và áp-phích đặc biệt có những hình ảnh mà bé có thể chỉ vào chúng để đưa ra yêu cầu hoặc trả lời câu hỏi, bảng chữ cái để bé có thể truyền đạt các thông điệp, dùng máy tính có các chương trình thích ứng và chức năng, chẳng hạn như phần mềm nhận dạng tiếng nói của bé.

3. Phẫu thuật
Phẫu thuật thường có những hạn chế và đôi khi sẽ để lại nhiều biến chứng nghiêm trọng, vì vậy, trước khi quyết định phẫu thuật mẹ nên tìm hiểu các phương pháp trị liệu khác.

Hầu hết các loại phẫu thuật không giúp khôi phục hoàn toàn chức năng đi lại của bé bị bại não như những bé bình thường khác mà chỉ giúp cải thiện một phần, một số chỉ có thể giải quyết được những vấn đề trước mắt. Một số loại phẫu thuật thường gặp:

  • Phẫu thuật chỉnh hình: phẫu thuật giúp làm giảm co cứng ở chân do chân bị kéo dài ra hoặc làm giảm bớt tình trạng các cơ bắp co lại và gân quá ngắn. Phẫu thuật cũng được sử dụng để điều trị: vẹo xương sống, trật khớp háng, mắt cá chân và bàn chân dị tật.
  • Phẫu thuật thần kinh: một số bé bại não bị đau và co thắt nặng cần phải can thiệp bằng phẫu thuật thần kinh, gồm hai phương pháp là cấy dưới da thiết bị bơm Baclofen (một thiết bị giúp quản lý liều lượng chính xác của các thuốc giãn cơ bắp Baclofen vào cột sống của bé) và phẫu thuật cắt dây thần kinh cột sống có chọn lọc nhằm giảm tình trạng co cứng, cải thiện việc động và tư thế của bé.
  • Phẫu thuật điều chỉnh chức năng nghe.
  • Phẫu thuật điều chỉnh chức năng nhìn.
  • Phẫu thuật hệ tiêu hóa: giúp cải thiện chức năng nhai, nuốt và tiêu hóa.

4. Vật lý trị liệu và hoạt động trị liệu
Vật lý trị liệu giúp ngăn chặn các cơn co rút cơ bắp bằng cách kéo dãn các cơn co cứng của bé. Các bài tập vật lý trị liệu giúp bé mắc bệnh bại não kéo dãn cơ và tăng cường sức khỏe, bên cạnh đó, việc tham gia các hoạt động giúp bé cải thiện sự dẻo dai, sức chịu đựng và khả năng vận động.

Hoạt động trị liệu rất hữu ích trong việc giúp bé bại não độc lập, tự tin và rèn luyện những kỹ năng sống cần thiết. Một số hoạt động trị liệu thường dùng như:

  • Phát triển kỹ năng vận động tinh tốt hơn trong việc giữ, cầm nắm.
  • Cải thiện việc phối hợp tay và mắt.
  • Sử dụng các phần mềm máy tính cũng như những công nghệ khác nhằm nâng cao kỹ năng giao tiếp.
  • Học các kỹ thuật kiềm chế cơn giận dữ và căng thẳng.
  • Làm chủ các kỹ năng cơ bản, chẳng hạn như tắm, ăn, mặc áo quần.

phong-ngua-va-dieu-tri-benh-bai-nao-o-tre-em-hinh-anh3

Chọn phương pháp điều trị bệnh bại não ở trẻ em phù hợp tùy với tình trạng của trẻ

5. Trị liệu ngôn ngữ, trị liệu nhai nuốt và trị liệu giao tiếp
Trị liệu ngôn ngữ giúp bé bại não cải thiện những khó khăn trong giao tiếp, nhai và ăn. Các nhà trị liệu ngôn ngữ sẽ giúp bé:

  • Nói dễ dàng hơn thông qua việc cải thiện cử động ở miệng.
  • Học và làm theo các ngôn ngữ ký hiệu.
  • Sử dụng các công cụ hỗ trợ giao tiếp chẳng hạn như chương trình máy tính có khả năng thích ứng và các loại sách hình đặc biệt.
  • Tăng cường sự hoạt động của lưỡi.
  • Cải thiện khả năng nhai và uống.

Sống chung với bệnh bại não ở trẻ em

Tuy bại não thường không ảnh hưởng tới việc đi học hay kết bạn, và bé vẫn có thể làm được nhiều việc mà những đứa trẻ khác có thể làm, nhưng các bé bại não thường gặp khó khăn trong sinh hoạt và cuộc sống hằng ngày hơn so với những trẻ bình thường khác.

Mẹ hãy kiên nhẫn khi giao tiếp với bé mắc bệnh bại não, nếu không thể hiểu bé đang nói gì hoặc đang muốn làm gì, mẹ hãy cho bé thêm thời gian để nói hoặc làm việc đó.



  • nghethuatamnhacsaigon.com

  1. Cerebral Palsy- Prevention. Đọc thêm tại: <http://www.webmd.com/children/tc/cerebral-palsy-prevention> [Ngày 03 tháng 9 năm 2015]
  2. Treatments for Cerebral Palsy (CP) in Children. Đọc thêm tại: <http://www.childrenshospital.org/conditions-and-treatments/conditions/c/cerebral-palsy-cp/treatments> [Ngày 03 tháng 9 năm 2015]
  3. Cerebral palsy. Đọc thêm tại: <http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/cerebral-palsy/diagnosis-treatment/treatment/txc-20236572> [Ngày 03 tháng 9 năm 2015]
  4. What medications are used to treat cerebral nalsy? Đọc thêm tại: <http://cerebralpalsy.org/about-cerebral-palsy/treatment/medication/> [Ngày 3 tháng 9 năm 2015]
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com