Sức khỏe

Tổng quan các cách điều trị hen suyễn ở trẻ em cha mẹ nên biết

Hen phế quản (hay còn gọi là hen suyễn) là căn bệnh mãn tính gây ảnh hưởng tới đường hô hấp. Hiện nay vẫn chưa có cách điều trị hen suyễn ở trẻ em dứt điểm và các đợt trị liệu chỉ để giảm bớt triệu chứng và ngăn ngừa bệnh tái phát trong tương lai mà thôi.

Kiểm soát cơn hen suyễn của trẻ em bằng thuốc

Không phải bé nào khi bị suyễn cũng có triệu chứng và tình trạng sức khỏe giống nhau, vì vậy, có nhiều loại thuốc để điều trị căn bệnh hen suyễn ở trẻ em. Bác sĩ sẽ tìm hiểu nguyên nhân, tốc độ, mức nghiêm trọng của cơn suyễn, sau đó sẽ đưa ra phương thức trị liệu tốt nhất cho bé.

Một số bé bị suyễn chỉ cần dùng thuốc khi lên cơn (đây gọi là thuốc sơ cứu nhanh vì loại thuốc này nhanh chóng mở đường thở giúp trẻ hô hấp), trong khi những bé khác cần dùng thuốc kiểm soát dài hạn mỗi ngày (thuốc này giúp hạn chế việc lên cơn suyễn).

Việc điều trị hen suyễn trẻ em bằng thuốc đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát các dấu hiệu và triệu chứng hen suyễn. Do đó, mẹ cần trao đổi với bác sĩ nhiều hơn để theo dõi các triệu chứng và điều chỉnh cách dùng thuốc nếu cần thiết nhé.

dieu-tri-hen-suyen-o-tre-em-cha-me-can-biet-hinh-anh1
Mẹ cần trao đối với bác sĩ về các triệu chứng của trẻ để có phương pháp điều trị hen suyễn ở trẻ em phù hợp

Sau đây là một số loại thuốc dùng để điều trị hen suyễn ở trẻ em thường dùng nhất mẹ cần biết:

Nhóm thuốc Mục tiêu Các loại thuốc
Kiểm soát cơn suyễn dài hạn Uống thường xuyên để kiểm soát các triệu chứng mãn tính và ngăn chăn các đợt suyễn. Đây là phương thức trị liệu quan trọng nhất đối với hầu hết bệnh nhân bị suyễn.
  • Corticosteroid dạng hít như Budesonide (Aeronide, Symbicort  Uceris,Rhinocort…)
  • Thuốc ức chế thụ thể Leukotriene như Montelukast (Singulair), Zafirlukast (Accolate), Zileuton (Zyflo).
  • Thuốc kích thích beta có tác dụng kéo dài (LABAs) như Salmeterol (Serevent Diskus) và Formoterol (Foradil Aerolizer).
  • Theophylline (Diaphylline, Petphyllin 100mg, Theophylin).
  • Loại thuốc hít tổng hợp chứa cả hai loại Corticosteroid và LABA như Salmeterol và Fluticasone (Advair Diskus, Advair HFA).
Sơ cứu nhanh Giúp làm giảm các triệu chứng nhanh, ngắn hạn, thường dùng để ngăn chặn hay điều trị các đợt suyễn.
  • Thuốc kích thích beta có tác dụng nhanh như Albuterol
  • Ipratropium (Atrovent)
  • Các loại Corticosteroid dạng tiêm tĩnh mạch hay uống (dùng đối với những cơn suyễn nghiêm trọng).
Các loại thuốc được dùng cho các tác nhân dị ứng Được dùng thường xuyên hoặc lúc cần thiết để giảm độ nhạy cảm của cơ thể đối với các tác nhân dị ứng
  • Thực hiện các đợt trị liệu miễn dịch
  • Thuốc Omalizumab (Xolair)

Các thuốc kiểm soát dài hạn

Dù bé không xuất hiện các triệu chứng của bệnh suyễn nhưng vẫn có thể sử dụng các loại thuốc này, thuốc kiểm soát dài hạn bao gồm các loại thuốc sau:

Corticosteroid dạng hít: đây là loại thuốc chống viêm và kiểm soát suyễn dài hạn phổ biến, thuốc giúp giảm tình trạng sưng và bít đường hô hấp.

Bé cần dùng những loại thuốc này nhiều ngày tới nhiều tuần trước khi đạt hiệu quả tốt nhất. Các loại thuốc này bao gồm:

  • Fluticasone (Flovent Diskus)
  • Budesonide (Pulmicort)
  • Mometasone (Asmanex Twisthaler)
  • Beclomethasone (Qvar)
  • Ciclesonide (Alvesco)

Ở trẻ em, loại thuốc này có thể trì hoãn sự tăng trưởng một chút, nhưng nó giúp duy trì việc kiểm soát tốt các đợt suyễn. Việc sử dụng Corticosteroids dạng hít thường xuyên sẽ giúp bé yêu kiểm soát được các đợt lên cơn suyễn và các vấn đề khác liên quan.

Corticosteroids thường không gây các tác dụng phụ nghiêm trọng, nhưng những tác dụng phụ khi sử dụng thuốc này có thể gặp bao gồm: gây kích thích miệng, họng, gây nhiễm nấm ở miệng. Nếu bé sử dụng máy hít có đo liều lượng, mẹ nên cho bé dùng ống chứa (spacer) và xúc miệng bằng nước sau mỗi lần trị liệu để giảm nguy cơ ảnh hưởng từ thuốc.

Thuốc ức chế thụ thể Leukotriene: loại thuốc này giúp ức chế sự ảnh hưởng của Leukotrienes, một chất hóa học trong hệ thống miễn dịch của người có thể gây ra các triệu chứng hen suyễn.

Các thuốc ức chế này có thể giúp ngăn chặn các triệu chứng tới 24 giờ, bao gồm các loại:

  • Montelukast (Singulair)
  • Zafirlukast (Accolate)
  • Zileuton (Zyflo)

Mẹ hãy đưa bé yêu đi bác sĩ ngay lập tức nếu sau khi sử dụng thuốc Montelukast, bé xuất hiện những phản ứng bất thường như kích động, hung hăng, ảo giác, trầm cảm và suy nghĩ tự tử,… vì những phản ứng này có thể liên quan đến tác dụng phụ của thuốc (tuy nhiên, trường hợp này rất hiếm xảy ra).

Thuốc kích thích beta có tác dụng kéo dài (LABAs): Các loại thuốc giúp giãn phế quản, mở đường hô hấp bị hẹp và giảm sưng tấy. Tác dụng của nó kéo dài 12 giờ, dùng để kiểm soát các đợt suyễn trung bình cho tới nghiêm trọng và ngăn chặn các triệu chứng xuất hiện về đêm. LABAs được sử dụng thường xuyên bên cạnh thuốc Corticosteroids dạng hít.

Mặc dù có hiệu quả, nhưng chúng cũng liên quan tới các đợt tấn công của các cơn hen suyễn nghiêm trọng. Vì vậy, LABAs thường được dùng phối hợp với Corticosteroid dạng hít. Các loại thuốc LABA bao gồm:

  • Salmeterol (Serevent)
  • Formoterol (Foradil, Perforomist)

Theophylline: dùng dạng viên uống mỗi ngày để điều trị các đợt hen suyễn nhẹ. Các loại Theophylline (như Theo-24, Elixophyllin và các loại khác) giúp giãn đường hô hấp và giảm khả năng đáp ứng của phổi với các chất kích thích. Loại thuốc này hữu dụng đối với các triệu chứng suyễn ban đêm.

Nếu bé đang sử dụng Theophylline, mẹ có thể thường xuyên đưa bé đi xét nghiệm máu để đảm bảo liều lượng sử dụng cho phép. Ngoài ra, mẹ cũng nên biết các tiềm ẩn tác dụng phụ của thuốc bao gồm mất ngủ và chứng trào ngược dạ dày.

Thuốc hít tổng hợp chứa cả hai loại Corticosteroid và LABA: sau đây là một số loại thuốc tổng hợp chứa cả hai loại trên:

  • Fluticasone và salmeterol (Advair Diskus)
  • Budesonide và formoterol (Symbicort)
  • Mometasone và formoterol (Dulera)

Cũng như các loại thuốc LABA khác, loại thuốc hít này có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện các cơn suyễn nghiêm trọng, do đó chúng nên được sử dụng một cách thận trọng.

Các thuốc sơ cứu nhanh

Những loại thuốc này giúp mở rộng phổi bằng cách làm giãn các cơ đường hô hấp. Chúng thường được gọi là các thuốc sơ cứu vì có thể làm giảm bớt các triệu chứng xấu hoặc làm làm ngừng đợt lên cơn suyễn. Chúng bắt đầu hoạt động trong vòng vài phút và hiệu quả kéo dài khoảng từ 4 – 6 tiếng.

Đối với một số trường hợp, bé cần sử dụng một ống hít sơ cứu nhanh trước khi tập thể dục để giúp ngăn chặn tình trạng thở nhanh và các triệu chứng suyễn khác. Tác dụng phụ của thuốc có thể có bao gồm gây bồn chồn và hồi hộp.

Các loại thuốc thường dùng:

  • Albuterol (ProAir HFA, Ventolin HFA…)
  • Levalbuterol (Xopenex HFA)
  • Pirbuterol (Maxair)

Bé có thể tự kiểm soát sức khỏe của mình bằng một trong các loại thuốc này nếu triệu chứng của bệnh suyễn xuất hiện không đáng kể và không thường xuyên, hoặc bệnh tái phát chủ yếu do kích ứng vận động (tập thể dục). Tuy nhiên, hầu hết các trường hợp bị suyễn dai dẳng thường dựa vào corticosteroid dạng hít hay các loại thuốc kiểm soát dài hạn khác.

Các loại thuốc suyễn tác dụng nhanh thường được dùng để điều trị khi bé lên cơn suyễn hay các đợt suyễn do kích ứng vận động, nhưng không nên dùng thường xuyên hay hàng ngày. Nếu dùng thuốc hít thường xuyên không theo lời dặn của bác sĩ, các đợt suyễn sẽ không được kiểm soát và có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện các đợt suyễn nghiêm trọng.

Ipratropium: Ipratropium (Atrovent) là một loại thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh, thường được quy định sử dụng đối với tình trạng khí thũng hoặc viêm phế quản mạn tính, nhưng thỉnh thoảng thuốc này cũng được dùng để điều trị các đợt hen suyễn. Chúng thường được dùng phối hợp hay thay thế loại thuốc kích thích beta có tác dụng nhanh.

Các loại corticosteroid dạng tiêm tĩnh mạch hay uống: những loại thuốc này dùng để trị các đợt suyễn nặng. Chúng có thể gây các tác dụng phụ ngắn, khó chịu và trở nặng hơn nếu bé dùng trong một thời gian dài,. Các loại thường dùng:

  • Prednisone (Apo Prednisone)
  • Methylprednisolone (Methylprednisolone Human, Methylsolon 4mg)

Dùng trường kỳ các loại thuốc này có thể gây cho bé các tác dụng như đục thủy tinh thể, loãng xương, yếu cơ, giảm khả năng chống nhiễm trùng, tăng huyết áp hay giảm tăng trưởng.

 

dieu-tri-hen-suyen-o-tre-em-cha-me-can-biet-hinh-anh2
Kiểm soát cơn hen suyễn với các loại corticosteroid dạng tiêm tĩnh mạch.

Các thuốc tác dụng với các tác nhân dị ứng     

 Những loại thuốc này tập trung vào việc điều trị các tác nhân dị ứng như:

Các đợt trị liệu miễn dịch. Mẹ có thể lựa chọn phương pháp này nếu bé yêu không thể tránh khỏi các tác nhân dị ứng, dẫn tới việc không kiểm soát được các đợt hen suyễn.

Bé sẽ bắt đầu các xét nghiệm da để xác định các loại dị ứng nào kích thích các triệu chứng suyễn, sau đó bác sĩ sẽ tiêm cho bé các mũi tiêm chứa một lượng nhỏ các chất gây dị ứng này. Thường thì mỗi tuần tiêm một lần trong vòng vài tháng, và sau đó một tháng một lần trong vòng từ 3 – 5 năm. Theo thời gian, bé sẽ giảm sự nhạy cảm với các tác nhân dị ứng này.

Omalizumab (Xolair) đôi khi được dùng để điều trị các tác nhân gây dị ứng chứa trong không khí. Nếu bé bị dị ứng, hệ thống miễn dịch sẽ sản xuất các kháng thể để chống lại các tác nhân như mạt bụi nhà, phấn hoa hay vảy, lông động vật. Omalizumab sẽ ngăn chặn hoạt động của các kháng thể này, giảm phản ứng của hệ miễn dịch – nguyên nhân gây ra dị ứng và các triệu chứng hen suyễn.

Bé nên tiêm Omalizumab 2 – 4 tuần/một lần. Nhưng bé dưới 12 tuổi không nên dùng loại thuốc này. Thuốc này hiếm khi gây ra tình trạng dị ứng đe dọa tới tính mạng (còn gọi là sốc phản vệ), tuy nhiên, bất cứ trường hợp nào dùng Omalizumab cũng cần được theo dõi chặt chẽ bởi các chuyên gia sức khỏe.

Các thuốc dị ứng. Bao gồm các loại như kháng histamine dạng xịt mũi và dạng uống, thuốc thông mũi cũng như Corticosteroid và Cromolyn dạng xịt mũi. Các loại này có bán sẵn trên thị trường hay bán theo toa.

Bác sĩ cũng sẽ có thể giúp mẹ bằng cách lên kế hoạch một chương trình điều trị bệnh hen suyễn đặc biệt tại nhà cho trẻ, bao gồm việc học cách sử dụng thuốc và các phương pháp điều trị theo quy định.

Đồng thời, bác sĩ có thể phát triển một kế hoạch nhằm giúp bé tránh tiếp xúc với các chất kích thích hoặc gây dị ứng có thể làm bé thở khò khè. Kế hoạch này nên được bác sĩ viết ra giấy để cha mẹ có thể đọc chúng khi cần thiết, trong đó mô tả kỹ càng khi nào cần dùng thuốc và cách dùng ra sao, hoặc bất cứ chỉ dẫn chăm sóc mà bác sĩ đưa ra để phù hợp với điều kiện của bé.

Nếu nguyên nhân gây ra bệnh suyễn là do các tác nhân dị ứng nghiêm trọng, bác sĩ có thể giới thiệu mẹ đến các chuyên gia nhi khoa về dị ứng hay phổi. Vì bệnh suyễn thường khó chẩn đoán, đặc biệt là ở trẻ nhỏ, nên các chuyên gia này có thể quyết định tiến hành một cuộc đánh giá toàn diện (bao gồm PFT hay xét nghiệm).

Trong đó, để đánh giá chức năng phổi của bé có thể dùng phế dung kế (giúp đo lượng không khí mà trẻ có thể thở mạnh một lần). Tuy nhiên, các xét nghiệm này thường không được tiến hành trong 3 năm đầu đời của bé.

Cách truyền thuốc thông qua ống thuốc hít dạng bột khô sẽ giúp bé hút thuốc mà không cần tác nhân đẩy. Phương pháp này dành riêng cho trẻ từ 4 hay 5 tuổi trở lên, vì bé phải được tập cách sử dụng thiết bị này do nó chủ yếu dựa vào lực hít vào của bé để đưa thuốc vào phổi.

Lưu ý trong quá trình điều trị hen suyễn ở trẻ em

Mẹ hãy chắc chắn rằng bất cứ phương pháp điều trị hen suyễn ở trẻ em nào cũng phải được sử dụng theo đúng hướng dẫn của bác sĩ (chuyên khoa về phổi hay dị ứng) nhé. Đặc biệt, mẹ lưu ý không nên dừng việc dùng thuốc quá sớm, hay dùng ít liều lượng hơn hoặc chuyển sang các cách chữa trị hay thuốc khác mà không thảo luận trước với bác sĩ.

Đối với một vài bé, bác sĩ nhi có thể bắt đầu điều trị bằng cách kê nhiều đơn thuốc cùng một thời điểm để có thể kiểm soát được bệnh tình và sau đó giảm số lượng thuốc đi. Nếu không, bác sĩ có thể thay đổi liều lượng hoặc thay đổi hoàn toàn loại thuốc khác, điều này tùy thuộc vào tình trạng của bé có tiến triển tốt hay không.

Nếu như mẹ không hiểu tại sao phải áp dụng những biện pháp chữa trị đặc biệt, cách thức sử dụng thuốc hay các phương pháp điều trị, mẹ hãy hỏi bác sĩ để nắm được thông tin và kiến thức cần thiết nhé.




  1. Malabsorption, Shelov, SP & Altmannn TR, (eds) 2009, Caring for your baby and young child Birth to Age 5, 5th edn, Bantam books, USA.
  2. Explore Asthma. Đọc thêm tại: <http://www.nhlbi.nih.gov/health/health-topics/topics/asthma/>. [Ngày 30 tháng 10 năm 2014]
  3. Explore Asthma. Đọc thêm tại: http://kidshealth.org/kid/asthma_basics/what/asthma.html. [Ngày 30 tháng 10 năm 2014]
  4. Asthma medications: Know your options. Đọc thêm tại: <http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/asthma/in-depth/asthma-medications/art-20045557.>. [Ngày 30 tháng 10 năm 2014]
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com