Nuôi con

Trẻ hung hăng do đâu?

Trẻ hung hăng và có nhiều hành vi bạo lực có thể do ảnh hưởng từ nhiều nguyên nhân khác nhau, cuộc sống gia đình, môi trường học đường, kể cả những nội dung và hình ảnh từ các phương tiện truyền thông cũng có thể ảnh hưởng đến tâm lý trẻ em.

Khi trẻ hung hăng, có nhiều hành vi bạo lực

Dạo này chị Tâm để ý thấy cu Tuấn có nhiều biểu hiện khá lạ. Cu cậu thường xuyên cau có khó chịu và hay có những hành động “bạo lực” để giải tỏa tâm trạng của mình. Ví như mới hôm qua, chỉ vì em Khoai Tây nghịch ngợm làm đổ hộp mực của mình mà cu Tuấn thẳng tay phát cho em mấy cái vào mông, khiến Khoai Tây khóc ré lên. Hoặc như hôm trước, con mèo Sisi thấy Tuấn đi học về, mừng quá nên cứ lẩn quẩn quanh chân khiến Tuấn vấp ngã, tức mình, Tuấn đá cho Susi một phát làm con mèo phải chạy biến đi. Mặc dù sau đó chị Tâm có gọi Tuấn lại để nói chuyện, nhưng chị cảm thấy mình phải có những hành động cần thiết hơn để ngăn con có những hành vi bạo lực và hình thành nên tính cách không tốt sau này.

Chị Tâm để ý dạo này Tuấn thích coi những những chương trình truyền hình, những bộ truyện tranh có nội dung bạo lực, chiến tranh, đặc biệt, cu cậu rất thích chơi những trò game online mang tính bạo lực, giết người, bắn súng,… Chị Tâm nghĩ rằng những yếu tố bạo lực này đã tác động xấu đến tâm lý trẻ em và tin rằng mình đã tìm ra phần nào nguyên nhân khiến tính cách con bị ảnh hưởng. Chị bắt đầu theo dõi và giám sát chặt chẽ hơn trong việc chọn lựa các chương trình giải trí cho con. Đồng thời chị thường xuyên cho con xem những bộ phim, phóng sự hoặc chương trình mang tính giải trí, giáo dục trẻ em. Ngoài ra, chị còn tham khảo và tìm hiểu về nguyên nhân, hậu quả cũng như những việc cha mẹ cần làm để giúp con tránh những hành vi bạo lực và có sự phát triển phù hợp.

Trẻ hung hăng do đâu

Bạo lực sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý trẻ em

Do đâu trẻ hung hăng và có nhiều hành vi bạo lực?

Đối với các trẻ từ 5-12 tuổi, có nhiều nguyên nhân khiến trẻ hung hăng với người khác. Cùng tìm hiểu đó là những nguyên nhân nào nhé cha mẹ!

Ảnh hưởng từ gia đình – bạo hành gia đình hoặc thiếu sự quan tâm

Gia đình là nền tảng đặc biệt quan trọng trong việc hình thành nhân cách cho trẻ ngay từ nhỏ. Suy nghĩ, tình cảm của trẻ sẽ bị ảnh hưởng rất lớn nếu cha mẹ, anh, chị, em… trong gia đình cư xử với nhau bằng bạo lực hoặc sử dụng những từ ngữ, lời lẽ không hay với nhau đấy. Sống trong môi trường đó, trẻ sẽ hình thành những suy nghĩ và hành động bạo lực giống mọi người trong gia đình. Bên cạnh đó, sự thiếu quan tâm từ phía gia đình (do cha mẹ chỉ chăm chú vào các công việc làm ăn hàng ngày, thiếu sự kiểm soát và chăm sóc con cái thường xuyên), hoặc do cha mẹ chiều chuộng con cái quá mức (chỉ biết cung cấp tiền bạc theo yêu cầu của con cái) cũng sẽ dẫn tới thiếu sự kiểm soát, quan tâm đến trẻ. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tính cách của trẻ bị ảnh hưởng.

Ảnh hưởng từ trường học – bạo lực học đường

Do sự phối hợp thiếu chặt chẽ giữa gia đình – nhà trường và xã hội nên hiện nay tình trạng bạo lực học đường diễn ra khá phổ biến. Hành vi bạo lực của trẻ có thể xuất hiện do trẻ chứng kiến cảnh thầy cô có hành vi bạo lực hoặc cảnh bạn bè đánh nhau trên sân trường, trong lớp học… Ngoài ra, một số trẻ hung hăng và có hành vi bạo lực do ảnh hưởng của những người bạn xấu hoặc trẻ có suy nghĩ sai lệch rằng bạo lực sẽ giúp trẻ khẳng định bản thân, gây ấn tượng với người lớn và bạn bè.

Trẻ hung hăng do đâu hình ảnh 2

Bạo lực học đường cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý trẻ em

Ảnh hưởng từ xã hội – chứng kiến hành vi  bạo lực hoặc hiện tượng tự nhiên

Những hành vi phạm tội hoặc bạo lực khác có thể xảy ra ở khắp mọi nơi mà trẻ có thể nhìn thấy. Đó có thể là các vụ đánh nhau trên các sân chơi gần nhà hoặc là các vụ cướp, bắn súng, giết người hoặc các cuộc tấn công khủng bố. Suốt thời thơ ấu của trẻ, ở độ tuổi tầm trung (6-8 tuổi), nhiều trẻ do hoàn cảnh sống đặc biệt nên có tiếp xúc với băng nhóm bạo lực, liên quan đến ma túy hoặc tận mắt chứng kiến những ảnh hưởng từ các hiện tượng tự nhiên: động đất, bão, lũ….. những điều này có thể dẫn đến những hậu quả thương tâm và đôi khi tác động mạnh đến tâm lý trẻ, khiến trẻ hung hăng và có thói quen bạo lực.

Ảnh hưởng từ truyền thông

Trẻ cũng có thể thấy những hành vi phạm tội, bạo lực thông qua những phóng sự trên truyền hình hoặc trong các bộ phim mỗi tuần. Không chỉ vậy, ngày nay nhiều bạn trẻ đang bị đầu độc bởi ma lực của các trò chơi chém giết trong game online, các truyện tranh bạo lực và những trò chơi điện tử mang tính bạo lực.

Những hành vi bạo lực xuất hiện trên các phương tiện truyền thông cùng với các hành vi bạo lực mà trẻ có thể nhìn thấy đôi khi đã trở thành kinh nghiệm cá nhân dẫn đến nhiều hậu quả xấu cho trẻ. Do đó, một số trẻ học cách giải quyết các xung đột của mình bằng cách sử dụng bạo lực. Có những trẻ dường như chai lỳ với bạo lực, những nỗi đau và sự đau khổ của người khác. Một số trẻ lại thu mình vào trong vỏ, tránh mọi người và thế giới xung quanh.

Như vậy tâm lý trẻ em rất dễ bị ảnh hưởng bởi những hành vi bạo lực từ môi trường xung quanh, đặc biệt là các bé 5 – 12 tuổi. Ở độ tuổi này, trẻ sẽ nhanh chóng bắt chước theo những hành động đó và thể hiện hành vi bạo lực với những người xung quanh mình.




  1. Edward L. Schor, MD, FAAP,  2004, Caring for Your School-Age Child Ages 5 to 12, 3th edn, American Academy of Pediatrics, USA
  2. What to teach kids about strangers. Đọc thêm tại: < http://www.ncpc.org/topics/violent-crime-and-personal-safety/strangers>. [Ngày 30 tháng 12 năm 2014].
  3. Bạo lực học đường. Đọc thêm tại: <http://sldtbxhnghean.gov.vn/vn/News.aspx?tabmid=11&tabid=1035>. [Ngày 30 tháng 12 năm 2014].
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com