Vấn đề khác

Ăn tiết canh mất mạng như chơi

Câu chuyện ăn tiết canh chết người không còn mới lạ nhưng cho đến nay vẫn còn rất nhiều người thờ ơ với mạng sống của mình tiếp tục thưởng thức món ăn này.

Cẩn thận khi ăn tiết canh

Mới đây nhất trong năm 2015 là trường hợp mất mạng sau khi ăn tiết canh Dơi của một cựu giám đốc Sở ở Bạc Liêu, miền Tây. Ông này mới nhận quyết định nghỉ hưu trước tuổi cách đây vài tháng. Tuy cái chết của ông H. (59 tuổi, ở thị trấn Phước Long) được xác định là do sốc nhiễm trùng đường tiêu hóa, chứ không hẳn do ngộ độc tiết canh dơi vì bệnh viện chưa xác nhận việc ông H. có ăn tiết canh dơi trước đó hay không, nhưng khả năng ông H. bị sốc nhiễm trùng đường tiêu hóa do ngộ độc thực phẩm là có (do có nôn ói và đi tiêu ồ ạt).

Trước đó, theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Phước Long, gia đình ông H. gọi xe cứu thương đến đón ông tại nhà lúc hơn 7g ngày 11-12. Khi tiếp nhận, ông H. bị sốc sâu không hồi phục, toàn thân tím. Bộ phận trực xử lý chống sốc, vận mạch và cho thở máy; đồng thời gọi hỗ trợ từ Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu. Bệnh viện tuyến trên đã cử êkip cấp cứu xuống hỗ trợ và chở ông H. về Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu, nhưng ông H. đã tử vong lúc hơn 11g cùng ngày.

Theo gia đình ông H., buổi trưa trước đó ông H. bị nhức đầu và đau bụng đi tiêu nhiều, có uống thuốc tại nhà. Chiều hôm đó ông đi ăn đám ở nhà hàng xóm, trong bữa tiệc có món thịt dơi và tiết dơi pha uống. Về nhà buổi tối hôm đó ông H. bị đau bụng dữ dội kèm nôn ói nhưng không đến bệnh viện, đến sáng 11-12 gia đình phát hiện mới gọi cấp cứu.

Theo thống kê ở Việt nam thì có khoảng 70% bệnh nhân mắc liên cầu khuẩn lợn là do ăn tiết canh, chứ tiết canh dơi như trường hợp trên cũng khá hiếm, ngoài ra do ăn nem chạo sống và số ít người nhiễm từ việc chăn nuôi lợn bệnh. Bệnh liên cầu khuẩn lợn do vi khuẩn Streptococcus suis (S.suis) gây nên.

An tiet canh chet nguoi hinh anh

Ăn tiết canh chết người?

Bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người

Đây là bệnh truyền nhiễm có thể xảy ra ở hầu hết các loài động vật máu nóng, trong đó có lợn và người là chủ yếu. Bệnh tăng mạnh trong mùa nắng nóng và có nguy cơ trở thành dịch nếu không có biện pháp phòng tránh, điều trị. Bệnh có thể lây từ lợn sang người và gây tử vong.

Người nhiễm bệnh có thể bị một số vấn đề vô cùng nghiêm trọng như  viêm màng não, nhiễm trùng máu, xuất huyết, viêm phổi, viêm màng tim và viêm cơ tim, viêm khớp, mất thính lực hay tổn thương da. Bệnh này có tỷ lệ tử vong khoảng 7% và được coi là nguyên nhân phổ biến thứ 3 của bệnh viêm màng não do bacteria ở người lớn tại Việt nam và Hongkong.

Con đường lây truyền từ lợn sang người có thể qua vết thương ở da, đường hô hấp, tiếp xúc với máu hoặc các dịch tiết ở lợn bệnh hoặc qua đường ăn uống, điển hình ở 1 ca mới bị chết tại Bạc Liêu là do ăn tiết canh.

Biểu hiện của người bệnh khi nhiễm liên cầu lợn do ăn tiết canh

Thời gian ủ bệnh của liên cầu lợn có thể vài tiếng đến 4-5 ngày, tùy cơ địa mỗi người. Khi nhiễm liên cầu lợn, người bệnh có biểu hiện sốt nóng, sốt lạnh, đi ngoài (nhưng không đi nhiều lần) khiến nhiều người lầm tưởng với các rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm thông thường.

Người bệnh cũng có biểu hiện tri giác lơ mơ, li bì hôn mê, bệnh nhân sốc tụt huyết áp, xuất hiện các ban hoại tử trên da do nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ vì liên cầu lợn. Khi nhiễm liên cầu khuẩn lợn, bệnh sẽ diễn biến cực kỳ nhanh chóng, suy đa phủ tạng.

Đây là bệnh nguy hiểm, vì nếu nhiễm loại vi khuẩn này không được chữa trị kịp thời, người bệnh sẽ bị viêm màng não, nhiễm trùng huyết… có thể để lại những di chứng nặng nề.

Nguyên nhân nhiễm bệnh chủ yếu là do tiếp xúc, sử dụng các chế phẩm từ thịt heo thiếu an toàn ví dụ như ăn tiết canh, nhiều trường hợp nhiễm bệnh không rõ nguyên nhân do vi khuẩn này đã lan ra môi trường và xâm nhập nhiều loại thực phẩm khác.

Để phòng bệnh, các bác sĩ khuyên, không ăn tiết canh, nội tạng lợn, và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín (lòng, tim, gan, thận chần tái, thịt tái, nem chua, nem chạo…); không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề…

Trong khi nấu nướng, không để lẫn lộn các loại hải sản hay thịt gia súc gia cầm chưa được nấu chín với các loại thực phẩm nấu chín hay rau, trái cây khác. Nếu được, bạn nhớ dùng 1 thớt riêng cho hải sản và thịt gia súc gia cầm chưa được nấu chín bạn nhé.




  1. Epidemiology, Clinical Manifestations, and Outcomes of Streptococcus suis Infection in Humans. Đọc thêm tại: http://wwwnc.cdc.gov/eid/article/20/7/13-1594_article [Ngày 14 tháng 12 năm 2015]
  2. Cựu giám đốc sở mất mạng vì ăn tiết canh dơi. Đọc thêm tại: http://m.vietnamnet.vn/vn/xa-hoi/278703/cuu-giam-doc-so-mat-mang-vi-an-tiet-canh-doi.html [Ngày 14 tháng 12 năm 2015]
  3. Chưa xác định nguyên nhân tử vong sau ăn tiết canh dơi. Đọc thêm tại: <http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20151215/chua-xac-dinh-nguyen-nhan-tu-vong-sau-an-tiet-canh-doi/1020706.html>  [Ngày 14 tháng 12 năm 2015]
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com