Nuôi con

Băng nhóm thiếu niên

Thanh thiếu niên tham gia vào các băng nhóm thiếu niên sẽ đối mặt với nhiều vấn đề và có thể bị các thành viên trong nhóm ép buộc tham gia vào các hoạt động phạm pháp. Do đó, cha mẹ cần chú ý tới vấn đề này nhiều hơn.

Sự mở rộng của các băng nhóm đang trở thành một vấn nạn lớn ở lứa tuổi thanh thiếu niên, không chỉ riêng ở những thành phố lớn mà còn có ở cả vùng quê. Các băng nhóm đối địch nhau có thể kích động nhau dẫn đến các hành vi bạo lực, mặc cho việc thanh thiếu niên sẽ bị trọng thương khi tham gia vào những cuộc ẩu đả này.

Băng nhóm là gì?

Nói một cách chung chung, băng nhóm là một nhóm chính thức của những người có cùng sở thích và mục tiêu. Tuy nhiên, băng nhóm được định nghĩa hẹp hơn để chỉ những nhóm có tham gia vào các hoạt động phạm pháp, như trộm cắp tài sản, đấu súng, buôn lậu ma túy. Mặc dù phần lớn thành viên băng nhóm là các bạn nam, nhưng số lượng các bạn nữ tham gia băng nhóm đang tiếp tục gia tăng.

Các băng nhóm thường chọn một biểu tượng, tạo ra các dấu hiệu đặc biệt, và tự chiếm đóng một “địa bàn” nhất định. Thường xuyên xảy ra “chiến tranh” giữa các băng nhóm, điều đó làm tăng nguy cơ tham gia vào các hoạt động bạo lực khi thanh thiếu niên là thành viên của một băng nhóm.

Một nhóm thanh thiếu niên không nhất thiết là một băng nhóm. Thanh thiếu niên thường tìm thấy sự an toàn khi ở trong nhóm đông bạn bè, và thường chủ động tránh rắc rối. Nhận biết được thế nào là băng nhóm thiếu niên sẽ giúp ích cho cha mẹ, những người luôn lo lắng cho con mình.

Một nhóm được gọi là băng nhóm nếu nó:

  • Có tên
  • Có địa bàn xác định
  • Sử dụng một màu đặc thù, đặc biệt là quần áo
  • Sử dụng các cử chỉ, dấu hiệu tay đặc thù
  • Sử dụng các biểu tượng thể hiện bằng hình xăm hay graffiti.
Một băng nhóm thường sử dụng một màu đặc thù, đặc biệt là quần áo
Một băng nhóm thường sử dụng một màu đặc thù, đặc biệt là quần áo

Vì sao thanh thiếu niên tham gia vào băng nhóm?

Những yếu tố khiến trẻ tham gia vào một băng nhóm thiếu niên có rất nhiều, tuy nhiên, có một vài yếu tố và động lực có thể khiến thanh thiếu niên tham gia băng nhóm, như:

Yếu tố cá nhân: Thanh thiếu niên phạm tội, dính líu tới bạo lực, lạm dụng ma túy và rượu bia, quan hệ tình dục bừa bãi có nguy cơ tham gia băng nhóm cao hơn. Những thanh thiếu niên muốn kiếm tiền, sự công nhận, có địa vị, sự tôn trọng, sự bảo vệ và tìm kiếm cảm giác phấn khích cũng thường tham gia các băng nhóm.

Áp lực bạn bè: Thanh thiếu niên giao du và bị hăm dọa bởi những người bạn phạm pháp có nguy cơ sẽ tham gia các băng nhóm.

Hoàn cảnh gia đình: Thanh thiếu niên thiếu sự bảo vệ, sự công nhận từ cha mẹ và một cấu trúc gia đình bền vững có khuynh hướng tham gia vào các băng nhóm. Hơn nữa, nếu những người trong gia đình có dính líu đến các băng nhóm thì thanh thiếu niên gần như sẽ tiếp bước con đường đó.

Học hành yếu kém: Những thanh thiếu niên hay trốn học, thành tích học tập kém và bị thầy cô đánh giá kém thường tiếp tục lơ là việc học của mình bằng việc tham gia băng nhóm.

Khu vực sống bất ổn: Thanh thiếu niên thường chứng kiến hoặc trải qua cảnh nghèo nàn, lạm dụng thuốc, và thường xuyên tiếp xúc với hoạt động của băng nhóm có thể sẽ tôn vinh lối sống của băng nhóm và cảm thấy bị buộc phải tham gia. Thanh thiếu niên cảm thấy không được bảo vệ bởi những người xung quanh sẽ tìm thấy sự an toàn ở những thành viên của băng nhóm.

Môi trường sống ảnh hưởng rất nhiều đến thanh thiếu niên
Môi trường sống ảnh hưởng rất nhiều đến thanh thiếu niên

Dấu hiệu nhận biết con tham gia băng nhóm

Trong khi định nghĩa về băng nhóm còn khá mơ hồ, một điều quan trọng cần nhớ là mối quan hệ hay giao lưu với một nhóm người nhất định bản chất vốn không phải là bất hợp pháp, tuy nhiên, các băng nhóm thường có xu hướng gắn với hành động phạm pháp. Do đó, cha mẹ cần biết một số loại hành vi và dấu hiệu để nhận biết con mình có dính líu đến băng nhóm thiếu niên hay không. Một số biểu hiện thường thấy bao gồm:

  • Xa cách, tách biệt gia đình
  • Mất hứng thú học tập
  • Giảm các hoạt động bổ ích như thể dục thể thao
  • Thay đổi trong hành vi ứng xử ở trường
  • Có tiền nhiều hoặc tài sản mới mà không giải thích được nguồn gốc như quần áo, giày thể thao, trang sức, máy tính/ máy chơi game, điện thoại di động
  • Về nhà trễ mà không xin phép
  • Trở nên hay giấu diếm hoặc mập mờ khi nói về việc đang ở đâu, làm gì, bạn bè là ai.
  • Có một biệt danh mới
  • Ăn mặc khác lạ, thường là theo một phong cách hoặc màu sắc nhất định
  • Những vết thương trên thân thể không rõ lý do
  • Viết những cụm từ hoặc vẽ garffiti lên sách vở, đồ đạc
  • Sử dụng những tín hiệu hoặc mật mã bằng tay để nói chuyện với bạn bè.

Bảo vệ thanh thiếu niên khỏi băng nhóm

Cha mẹ có thể giúp bảo vệ con cái bằng việc thông hiểu các vấn đề, nhận biết dấu hiệu và tìm kiếm sự giúp đỡ nếu cần.

Dành thời gian cho con: Cách tốt nhất bảo vệ thanh thiếu niên khỏi tiêm nhiễm bởi các băng nhóm là: Dành thời gian cho con, tác động và quan tâm đến con và thế giới của con, ngay cả khi con có ý muốn gạt cha mẹ ra. Một điều đáng buồn là đối với nhiều thanh thiếu niên, các băng nhóm đóng vai trò thay thế cho gia đình. Để con cảm nhận tình yêu thương và được đón nhận ở gia đình sẽ giúp loại bỏ được nhiều cám dỗ của các băng nhóm ngay từ đầu.

Giáo dục thanh thiếu niên cái giá phải trả và hậu quả của việc tham gia vào băng nhóm: Việc tham gia vào băng nhóm có thể khiến thanh thiếu niên bị thương do các băng nhóm đối thủ gây nên, làm hại đến gia đình, và thậm chí dẫn đến cái chết. Khi thực hiện các hành vi phạm pháp, trẻ cũng có thể bị giam giữ và cải tạo.

Giúp con tham gia các hoạt động bổ ích: Kiểm soát việc ở trường của trẻ và đăng ký cho trẻ tham gia các hoạt động bổ ích sau giờ học. Tìm cách giúp đỡ trẻ đang có nguy cơ tham gia vào băng nhóm bằng các chương trình thú vị ở trường học.

Khuyến khích con tham gia các hoạt động bổ ích sau giờ học
Khuyến khích con tham gia các hoạt động bổ ích sau giờ học121212

Nâng cao nhận thức về các dấu hiệu dính líu đến hoạt động băng nhóm: Khi thanh thiếu niên hiểu những đặc điểm của băng nhóm, trẻ sẽ biết cách tránh. Ủng hộ việc mặc đồng phục tại trường để phòng tránh trẻ theo trào lưu ăn mặc và sử dụng các biểu tượng của băng nhóm.

Tạo cơ hội cho thanh thiếu niên luyện tập kỹ năng nói lời từ chối. Tạo ra các tình huống gắn liền thực tế để trẻ thực hành các phản ứng thích hợp. Nâng cao lòng tự trọng và ra quyết định có trách nhiệm, những kỹ năng này sẽ là nền tảng cho sự tự tin và quyết đoán của trẻ.

Trường học phải là nơi an toàn và không cho phép dùng thuốc lá, ma túy và súng. Các hành động bạo lực phạm pháp trong phạm vi trường học phải được nghiêm trị.

Khuyến khích trẻ tham gia vào các dự án phục vụ cộng đồng hoặc phục vụ học tập: Cho phép trẻ chọn, lập kế hoạch và thực hiện một dự án giải quyết một vấn đề ở trường học hoặc nơi trẻ sống. Việc này có thể làm tăng thái độ tích cực đối với người khác, cộng đồng và tương lai.

Động viên trẻ: Nhiều thanh thiếu niên từng tham gia băng nhóm đều có thể rời bỏ an toàn. Cha mẹ hãy động viên trẻ – người đang muốn rời băng nhóm – nói chuyện với người lớn, người mà họ tin tưởng và tôn trọng. Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể hướng dẫn trẻ đến các dịch vụ xã hội hoặc các cơ quan hỗ trợ phù hợp.




  1. Teens and Gangs. Đọc thêm tại: <http://www.teenzeen.org/teens-and-gangs.html>. [Ngày 24 tháng 8 năm 2015].
  2. Straight Talk About Youth Gangs – Facts for Educators. Đọc thêm tại: <http://www.ncpc.org/programs/teens-crime-and-the-community/publications-1/adult2-pdf>. [Ngày 24 tháng 8 năm 2015].
  3. Teen Gang Involvement. Đọc thêm tại: <http://www.teenhelp.com/teen-violence/teen-gang-involvement.html>. [Ngày 24 tháng 8 năm 2015].
  4. Đọc thêm tại: <http://www.familylives.org.uk/advice/teenagers/behaviour/gangs/>. [Ngày 24 tháng 8 năm 2015].
  5. Donald E. Greydanus, MD, FAAP và Philip Bashe (2003). Caring for Your Teenager. Bantam Books. Trang 324.
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com