Sức khỏe

Bệnh hen suyễn ở trẻ em, không được chủ quan!

Bệnh hen suyễn ở trẻ em là căn bệnh mạn tính gây ảnh hưởng tới đường hô hấp. Khi bị bệnh hen suyễn, đường khí quản sẽ bị viêm và hẹp hơn bình thường khiến bé xuất hiện nhiều triệu chứng khó chịu như thở khò khè, tức ngực, thở dốc và ho thường xảy ra vào sáng sớm hoặc ban đêm.

Hen suyễn – Căn bệnh phổ biến ở các bé

Hen suyễn là bệnh mạn tính gây ảnh hưởng tới đường hô hấp (còn được gọi là các ống thở hay ống cuống phổi, những ống này dẫn từ khí quản vào phổi). Đối với bé bình thường thì hô hấp là một việc rất dễ dàng, bé chỉ cần hít thở thông qua mũi hay miệng sau đó không khí sẽ đi vào khí quản rồi vào phổi. Nhưng việc hít thở của những bé bị suyễn gặp khó khăn hơn nhiều vì lúc này đường hô hấp của bé rất nhạy cảm.

Có lẽ vì không khí ngày càng ô nhiễm nên trong hai mươi năm trở lại đây, ngày càng có nhiều người mắc căn bệnh này, đặc biệt là trẻ em và dân thành thị. Tuy nhiên, bên cạnh ô nhiễm môi trường thì việc tiếp xúc với các tác nhân dị ứng, mắc bệnh béo phì và các bệnh về đường hô hấp cũng là những nguyên nhân khiến căn bệnh này trở thành một trong những căn bệnh phổ biến nhất ở trẻ em.

 

benh-hen-suyen-o-tre-em-khong-duoc-chu-quan-hinh-anh1
Bệnh hen suyễn là căn bệnh mạn tính ảnh hướng đến đường hô hấp

Dù không có phương pháp đặc trưng để xác định bệnh suyễn, nhưng việc chẩn đoán thường dựa vào những triệu chứng sau khi bé xuất hiện quá 3 lần thở khò khè và giữa mỗi đợt thì cơn khò khè sẽ tự động khỏi.

Nguyên nhân gây bệnh hen suyễn ở trẻ em

Mẹ nên biết rằng, dù không bị dị ứng bé yêu vẫn có thể bị suyễn và các cơn thở khò khè có thể bắt đầu nếu bé hoạt động thể thao, căng thẳng hay tiếp xúc với các chất kích thích, tác nhân gây bệnh như ô nhiễm, dụng cụ vệ sinh gia dụng (đặc biệt là thuốc tẩy rửa), nước hoa, không khí lạnh. Khói thuốc lá cũng là một tác nhân nguy hiểm trọng yếu gây nên bệnh hen suyễn ở trẻ đấy.

Có nhiều yếu tố gây ra các đợt hen suyễn, nhưng yếu tố phổ biến nhất đối với bé dưới 5 tuổi là viêm đường hô hấp do virus, bao gồm cảm lạnh thông thường. Ngoài ra, còn có các tác nhân gây bệnh phổ biển khác như:

  • Bụi, mạt nhà, gián, lông vảy động vật, phấn hoa và nấm mốc
  • Hít không khí lạnh
  • Một số loại thuốc
  • Một số loại thức ăn như sữa, trứng và lúa mì. Đối với những trẻ lớn hơn còn có các loại đậu (bao gồm cả đậu phộng) và cá
  • Bệnh trào ngược dạ dày-thực quản.

Một số tác nhân ít phổ biến hơn nhưng cũng có thể gây bệnh hen suyễn ở trẻ em như:

  • Căng thẳng hay có những cảm xúc buồn bực
  • Viêm xoang
  • Từng bị các chấn thương đường hô hấp (ví dụ trẻ từng đặt ống thở trong khí quản hay những trẻ hít phải khói thuốc lá).

Dấu hiệu và triệu chứng của bệnh hen suyễn ở trẻ em

Ho là dấu hiệu chính giúp mẹ nhận biết khi bé lên cơn suyễn và triệu chứng này càng trầm trọng hơn vào ban đêm. Bé cũng có thể bị ho khi thực hiện các hoạt động thể chất hoặc sau khi tiếp xúc với chất kích thích (ví dụ như khói thuốc lá) hoặc các tác nhân dị ứng (như lông, vảy động vật, nấm mốc, mạt bụi nhà, gián).

Trong quá trình các đợt suyễn tấn công, các cơn thở khò khè của bé có thể suy giảm vì ít không khí lưu thông ra vào. Tuy nhiên, bé cũng có thể gặp tình trạng khó thở trong cơn hen suyễn, thở dốc và bị co rút ngực khi cố gắng hít thở.

Nhiều bé khi bị suyễn sẽ có các dấu hiệu mạn tính, chẳng hạn như ho ngày (hoặc đêm), ho mỗi khi vận động, ho khi tiếp xúc hàng ngày với vật nuôi, bụi và phấn hoa. Tình trạng suyễn được xem là “dai dẳng” nếu bé cần dùng thuốc nhiều hơn hai lần một tuần hoặc nếu thức giấc nhiều hơn 2 lần vào ban đêm mỗi tháng do các triệu chứng suyễn tái phát.

benh-hen-suyen-o-tre-em-khong-duoc-chu-quan-hinh-anh2

 

Ho là dấu hiệu chính giúp mẹ nhận biết bé lên cơn suyễn

Một số bé dù không có các triệu chứng, nhưng các bác sĩ vẫn có thể nghe thấy tiếng thở khò khè (đặc biệt khi bé hỉ mũi mạnh). Nếu bé đủ lớn để tiến hành việc chẩn đoán thì có thể phát hiện dấu hiệu bất thường bằng các xét nghiệm chức năng phổi (PFT).

Khi nào cần đưa bé đi bác sĩ?

Mẹ hãy yên tâm vì dù bị bệnh hen suyễn, bé vẫn có thể hoạt động thể chất giống bạn bè, kể cả vui chơi ngoài trời hay vận động thể dục. Nhưng những lúc ấy, mẹ nên theo dõi bé cẩn thận hơn, nếu thấy bé xuất hiện các triệu chứng của bệnh suyễn hoặc sức khỏe trở nên tệ hơn phải nhanh chóng đưa trẻ đi bác sĩ mẹ nhé.

Khi bé bị suyễn, gia đình nên biết tình huống nào thì cần can thiệp y tế ngay lập tức. Nếu gặp các trường hợp sau, bố mẹ hoặc người thân trong gia đình hãy đưa bé đi bác sĩ hoặc cấp cứu ngay:

  • Bé gặp phải các vấn đề hô hấp nghiêm trọng và mỗi lúc càng tệ hơn, đặc biệt nếu bé thở gấp và và thắt thành ngực khi hít vào và rên thành tiếng khi thở ra.
  • Ngón tay và miệng bé trở nên tái xanh.
  • Bé thường kích động, buồn ngủ thất thường hoặc bị rối loạn, hoang mang.
  • Bị đau ngực khi thở.

Các trường hợp dưới đây tuy nhẹ hơn nhưng cũng cần đi bác sĩ như:

  • Bé bị sốt, ho dai dẳng hoặc thở khò khè khi việc điều trị không hiệu quả
  • Bé ói mửa và không thể uống thuốc
  • Bé gặp khó khăn khi nói chuyện hoặc ngủ vì gặp các vấn đề với các cơn ho, thở khò khè hay vấn đề về hô hấp.

Ngăn chặn các tác nhân gây bệnh hen suyễn ở trẻ em

Sau khi khám kỹ lưỡng và chi tiết, bác sĩ có thể kết luận là trẻ bị dị ứng. Ở trường hợp này, mẹ cần cân nhắc để giúp trẻ tránh khỏi các tác nhân gây dị ứng (phổ biến là dị ứng với bụi và loài mạt bụi nhà). Nếu không thể loại trừ được bụi, mẹ có thể thực hiện vài cách để giảm thiểu khả năng bé yêu sẽ tiếp xúc với chúng, từ đó hạn chế các đợt lên cơn suyễn.

Một vài cách ngăn chặn các yếu tố nguy cơ gây bệnh hen suyễn ở trẻ em mà mẹ có thể thực hiện tại nhà như sau:

  • Bọc đệm giường ngủ và gối của bé bằng loại vải bọc có tác dụng tránh các dị ứng gây suyễn.
  • Sử dụng gối hay chăn bông được độn bằng vải polyester thay vì độn bằng bông hay lông thú, dùng chăn bằng chất liệu acrylic mà máy giặt có thể giặt được.
  • Giặt khăn trải, chăn, gối, thảm bằng lông và thú nhồi bông 1-2 tuần/1 lần bằng nước nóng để diệt bọ bụi mạt nhà.
  • Hạn chế việc để thú nhồi bông trong phòng của bé hoặc hạn chế cho bé chơi đùa với thú nhồi bông.
  • Cân nhắc loại bỏ việc nuôi thú nuôi trong nhà (đặc biệt là chó và mèo).
  • Giữ bé tránh xa căn phòng khi mẹ đang hút bụi những tấm thảm sàn nhà hay vật dụng bằng gỗ nhé.
  • Mẹ có thể cân nhắc việc sắm sửa thiết bị lọc khí chuyên dụng (gọi là thiết bị công nghệ cao lọc không khí) để giữ cho phòng bé luôn sạch.
  • Duy trì độ ẩm không khí trong nhà dưới 50% nếu có thể, vì mạt bụi nhà và nấm mốc sinh sôi nảy nở rất nhanh ở những vùng ẩm thấp đấy.
  • Tránh sử dụng nước hoa, những sản phẩm lau chùi có mùi thơm và những món đồ với mùi hương,… vì đây có thể là tác nhân kích thích khiến bé yêu lên cơn suyễn.
  • Giảm nấm mốc bằng cách sửa chữa lại các ống thoát nước bị rò rỉ trong nhà.
  • Giữ bé tránh xa thuốc lá, xì gà, ống khói cũng như khói bụi ở lò sưởi.
  • Không cho phép bất kỳ ai hút thuốc trong nhà hay xe hơi.


  • nghethuatamnhacsaigon.com

  1. Malabsorption, Shelov, SP & Altmannn TR, (eds) 2009, Caring for your baby and young child Birth to Age 5, 5th edn, Bantam books, USA.
  2. Explore Asthma. Đọc thêm tại: <http://www.nhlbi.nih.gov/health/health-topics/topics/asthma/>. [Ngày 30 tháng 10 năm 2014]
  3. Explore Asthma. Đọc thêm tại: <http://kidshealth.org/kid/asthma_basics/what/asthma.html>. [Ngày 30 tháng 10 năm 2014]
  4. Asthma medications: Know your options. Đọc thêm tại: <http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/asthma/in-depth/asthma-medications/art-20045557>. [Ngày 30 tháng 10 năm 2014]
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com