Sức khỏe

Bệnh mộng du ở trẻ em

Bệnh mộng du ở trẻ em là tình trạng các bé bật dậy trong lúc ngủ, đi lại trong nhà hoặc làm một số hoạt động khác nhưng bé không biết và không nhớ được mình đã làm gì. Di truyền, mệt mỏi, thiếu ngủ hoặc sử dụng thuốc an thần có thể là nguyên nhân dẫn đến mộng du.

Bệnh mộng du thường xảy ra phổ biến ở trẻ em trong độ tuổi từ 4 – 8 và thường tự hết khi trẻ lớn lên. Mộng du thường xuất hiện 1 hoặc 2 giờ sau khi ngủ. Các cơn mộng du thường kéo dài 5 – 15 phút. Hành vi này thường vô hại, tuy nhiên có thể dẫn đến nguy hiểm, và điều quan trọng là phải bảo vệ trẻ khỏi bị thương khi đang bị mộng du.

Khi ngủ, não của chúng ta trải qua 5 giai đoạn: giai đoạn 1, 2, 3, 4 và REM (giai đoạn mắt chuyển động nhanh). Các giai đoạn này tạo nên một chu kỳ ngủ, kéo dài khoảng 90 – 100 phút. Trung bình chúng ta sẽ trải qua khoảng 4 – 5 chu kỳ ngủ trong một đêm. Mộng du thường xảy ra khi chúng ta đang ngủ sâu ở giai đoạn 3 và 4. Thường rất khó đánh thức người đang ngủ trong giai đoạn này, và khi tỉnh dậy, bạn sẽ có cảm giác rất khó chịu và mất định hướng trong vài phút.

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh mộng du

Triệu chứng dễ nhận ra nhất của bệnh mộng du là trẻ ngồi dậy và đi lại trong nhà. Một số hành động khác khi trẻ bị mộng du là:

  • Ngồi dậy trên giường và thực hiện một số hành động lặp đi lặp lại như dụi mắt hoặc kéo quần áo
  • Vẻ mặt thờ ơ, mắt trẻ có thể mở nhưng trẻ không nhìn mọi thứ giống như lúc trẻ tỉnh táo
  • Cử động vụng về
  • Không trả lời khi người khác hỏi chuyện
  • Khó bị đánh thức
  • Nói mớ
  • Đi tiểu không đúng chỗ như tủ chén hoặc trên sàn nhà.

Benh mong du o tre em hinh anh

Trẻ ngồi dậy và đi lại trong nhà là triệu chứng mộng du dễ nhận thấy nhất

Mộng du ở trẻ em, nguyên nhân do đâu?

Các nguyên nhân gây ra bệnh mộng du ở trẻ thường là:

  • Di truyền
  • Mệt mỏi hoặc thiếu ngủ
  • Giấc ngủ bị gián đoạn hoặc ngủ không ngon giấc
  • Bị bệnh hoặc sốt
  • Căng thẳng hoặc lo âu
  • Không đi tiểu trước khi ngủ
  • Ngủ ở môi trường lạ hoặc ồn ào
  • Thói quen đi ngủ thất thường
  • Tác dụng từ một số loại thuốc, gồm: thuốc an thần, thuốc kích thích, thuốc kháng histamine.

Nguyên nhân không phổ biến khác đó là mộng du có thể là một triệu chứng của một tình trạng bệnh lý ẩn, như:

  • Hội chứng ngưng thở khi ngủ
  • Tình trạng hoảng sợ kịch phát về đêm (khi trẻ gặp cơn ác mộng khủng khiếp diễn ra khi ngủ sâu)
  • Bệnh đau đầu migraine
  • Hội chứng chân không yên (RLS)
  • Chấn thương đầu

Mẹ xem thêm bài Điều trị và phòng ngừa bệnh mộng du ở trẻ




  1. Sleep walking. Đọc thêm tại: <http://www.rch.org.au/kidsinfo/fact_sheets/Sleep_Walking/>. [Ngày 2 tháng 7 năm 2015].
  2. Sleepwalking: Symptoms Causes & Treatment Options. Đọc thêm tại: <http://my.clevelandclinic.org/services/neurological_institute/sleep-disorders-center/disorders-conditions/hic-sleepwalking>. [Ngày 2 tháng 7 năm 2015].
  3. Pediatric sleep walking. Đọc thêm tại: <http://www.healthline.com/health/sleep/sleepwalking-and-children#Overview1>. [Ngày 2 tháng 7 năm 2015].
  4. Sleep walking. Đọc thêm tại: <http://kidshealth.org/parent/growth/sleep/sleepwalking.html>. [Ngày 2 tháng 7 năm 2015].
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com