Sức khỏe

Bệnh suy tim: Sớm nhận biết để điều trị kịp thời!

Các bệnh về tim thường rất đáng lo ngại vì thế mà phần lớn các bệnh nhân khi gặp phải một trong những bệnh liên quan đến tim mạch đều cảm thấy hoang mang. Chính vì thế mọi người đừng chủ quan và nên tìm hiểu về bệnh suy tim để biết cách phòng ngừa hoặc điều trị kịp thời nếu không may mắc phải.

1. Như thế nào mới gọi là suy tim?

Suy tim là tình trạng tim không bơm đủ máu để đi nuôi cơ thể, xảy ra do cơ tim quá yếu hoặc xơ cứng nên không còn khả năng co bóp.

Các triệu chứng của suy tim có thể xảy ra rất nhanh (gọi là cấp tính). Nếu triệu chứng này xảy ra thì người bệnh cần phải được điều trị tại bệnh viện. Nhưng bệnh cũng có thể phát triển từ từ theo thời gian (gọi là mạn tính) do đó người bênh khó có thể nhận ra hoặc cần phải theo dõi cẩn thận.

Bệnh suy tim: Sớm nhận biết để điều trị kịp thời!

Suy tim là tình trạng tim không bơm đủ máu để đi nuôi cơ thể

2. Triệu chứng của suy tim

Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến nhất của suy tim mà người bệnh thường gặp:

  • Hơi thở ngắn hoặc khó thở
  • Mệt mỏi
  • Phù nề ở mắt cá chân, bàn chân, cẳng chân, bụng, và mạch máu ở cổ

Ban đầu bạn có thể chỉ cảm thấy mệt mỏi và khó thở sau khi hoạt động gắng sức nhưng khi bệnh tiến triển nặng dần, bạn có thể cảm thấy mệt mỏi và khó thở ngay cả khi chỉ làm những việc đơn giản như mặc quần áo hoặc đi lại trong phòng. Một số người có thể gặp tình trạng khó thở cả khi nằm.

Bạn cũng có thể có dấu hiệu tăng cân nhanh (khoảng 05- 1 kg/ ngày trong 3 ngày liên tiếp), đi tiểu thường xuyên và ho nhiều về đêm khi đang nằm.

3. Nguyên nhân gây suy tim là gì?

Một vài bệnh lý có thể làm tổn hại hoặc khiến cơ tim hoạt động quá mức từ đó dẫn đến suy tim. Theo thời gian, tim yếu dần và không còn khả năng để hút hoặc bơm máu tốt như trước đây nữa.

Một số nguyên nhân phổ biến gây suy tim gồm:

Cao huyết áp: Huyết áp là áp lực máu cần thiết tác động lên thành động mạch nhằm đưa máu đến nuôi dưỡng các mô trong cơ thể. Nếu huyết áp cao, tim phải làm việc nhiều hơn bình thường. Theo thời gian, cơ tim sẽ trở nên xơ cứng và yếu đi.

Bệnh mạch vành: Là một tình trạng trong đó một chất sáp được gọi là mảng bám tích tụ bên trong các động mạch vành ( động mạch vành là những động mạch cung cấp máu giàu oxy đến cơ tim). Mảng bám làm hẹp động mạch và làm giảm lưu lượng máu đến cơ tim.

Tiểu đường: Là căn bệnh mà mức độ glucose (đường) trong máu của cơ thể tăng quá cao. Khi măc phải bệnh tiểu đường thì cơ thể người bệnh không sản xuất đủ insulin hoặc không sử dụng insulin đúng cách. Theo thời gian, lượng đường trong máu cao có thể gây thiệt hại và làm suy yếu các cơ tim và các mạch máu quanh tim, dẫn đến suy tim.

Ngoài ra, bệnh suy tim còn có thể do các nguyên nhân khác gây ra như:

Bệnh cơ tim: Nguyên nhân thường không rõ ràng, nhưng có thể là do di truyền (bệnh cơ tim giãn nở, bệnh cơ tim phì đại, bệnh cơ tim hạn chế), hoặc do nhiễm khuẩn (thường là virus), lạm dụng rượu hoặc thuốc dùng để điều trị ung thư.

Bệnh suy tim: Sớm nhận biết để điều trị kịp thời hình ảnh 2

Tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến bệnh suy tim

Bệnh van tim: Vấn đề với van tim có thể xuất hiện từ khi bạn mới sinh hoặc sau khi bị nhiễm trùng, nhồi máu cơ tim, hoặc van cũng có thể bị hủy hoại sau một căn bệnh của tim.

Rối loạn nhịp tim:Là tình trạng nhịp tim không đều. Những vấn đề về nhịp tim này có thể có khi mới sinh, hoặc sau một bệnh lý về tim mạch.

Bệnh tim bẩm sinh: Một số em bé bẩm sinh có một “lỗ hổng trong tim” (thông liên nhĩ, thông liên thất…), đó là một lỗ thông thương bất thường giữa hai bên trái và phải của tim, khi đó máu chảy từ một bên này sang bên kia của tim (thường là trái sang phải), làm căng buồng tim phải và đôi khi gây suy tim khi để tình trạng này kéo dài.

Viêm cơ tim: Viêm cơ tim là tình trạng viêm của cơ tim. Thường gây ra bởi các loại virus, và có thể dẫn tới suy tim.

4. Chẩn đoán khi bị suy tim

Để chẩn đoán bệnh suy tim, bác sĩ sẽ hỏi bạn những câu hỏi về tiền sử bệnh, các triệu chứng và làm một số nghiệm pháp. Trong hầu hết các trường hợp, bạn cũng sẽ cần làm thêm các xét nghiệm để xác định chẩn đoán. Các xét nghiệm bao gồm:

Xét nghiệm máu. Bác sĩ có thể lấy một mẫu máu của bạn để kiểm tra chức năng thận, gan, tuyến giáp và tầm soát các bệnh khác ảnh hưởng đến tim. Một xét nghiệm máu để kiểm tra mức độ proBNP (một loại chất hóa học) có thể giúp chẩn đoán suy tim nếu không thể chẩn đoán xác định khi sử dụng các xét nghiệm khác.

Bệnh suy tim: Sớm nhận biết để điều trị kịp thời hình ảnh 3

Xét nghiệm máu để chẩn đoán suy tim

X-quang ngực. Hình ảnh X-quang giúp bác sĩ thấy tình trạng của phổi và tim, cũng như có thể giúp chẩn đoán những nguyên nhân khác gây ra các triệu chứng của bạn.

Điện tâm đồ (ECG). Xét nghiệm này giúp bác sĩ chẩn đoán vấn đề về nhịp tim và những tổn thương của tim sau một cơn nhồi máu, và đó có thể là nguyên nhân tiềm ẩn của suy tim.

Siêu âm tim. Là một xét nghiệm quan trọng để chẩn đoán bệnh suy tim. Xét nghiệm này giúp các bác sĩ nhìn thấy kích thước, hình dạng, tình trạng tống máu của tim, các vấn đề của van hoặc bằng chứng của cơn đau tim trước đó, các bất thường khác của tim, và một số nguyên nhân khác thường của suy tim.

Phân suất tống máu (EF) cũng được đo trong quá trình siêu âm tim. Đây là một thước đo quan trọng để xác định tình trạng tống máu của tim, phân loại suy tim và hướng dẫn điều trị.

Điện tâm đồ. Giúp bác sĩ chẩn đoán vấn đề nhịp tim và tổn thương tim từ cơn đau tim.

Thử nghiệm căng thẳng. Giúp đánh giá khả năng đáp ứng của tim và mạch máu với hoạt động gắng sức. Xét nghiệm này giúp bác sĩ kiểm tra xem bạn có mắc phải bệnh động mạch vành hay không. Ngoài ra còn giúp xác định được tình trạng bơm máu của tim, cũng như hỗ trợ trong việc tìm hướng điều trị bệnh lâu dài.

Chụp CT-scan hoặc MRI. Có thể được sử dụng để chẩn đoán bệnh tim mạch và nguyên nhân gây suy tim.

Chụp mạch vành. Xét nghiệm này giúp bác sĩ xác định động mạch bị hẹp (Động mạch bị hẹp có thể là nguyên nhân gây suy tim).

Sinh thiết cơ tim. Một mẫu cơ tim được lấy để xét nghiệm. Xét nghiệm này có thể được thực hiện để chẩn đoán một số loại bệnh lý về cơ tim có khả năng gây suy tim.

5. Điều trị suy tim bằng cách nào?

Suy tim là một bệnh mãn tính cần điều trị suốt đời. Điều trị suy tim giúp cải thiện các triệu chứng, giúp người bệnh sống lâu hơn và giảm nguy cơ đột tử.

Các bác sĩ có thể điều trị suy tim bằng cách điều trị nguyên nhân gây bệnh. Ví dụ, sửa chữa van tim hoặc kiểm soát nhịp tim nhanh. Đối với hầu hết người bệnh, điều trị suy tim cần có sự kết hợp giữa yếu tố như thuốc, sử dụng các thiết bị giúp ổn định nhịp tim, sửa chữa van tim…

Dùng thuốc. Suy tim thường được điều trị bằng cách kết hợp các loại thuốc. Tùy thuộc vào các triệu chứng của người bệnh mà bác sĩ có thể kê một hoặc nhiều loại thuốc gồm:

  • Thuốc ức chế men chuyển (ACE). Giúp kéo dài tuổi thọ và cải thiện triệu chứng cho bệnh nhân suy tim, ví dụ như enalapril (Vasotec), lisinopril (Zestril) và captopril (Capoten),…
  • Thuốc ức chế thụ thể angiotensin II. Những thuốc này, trong đó bao gồm losartan (Cozaar) và valsartan (Diovan), có rất nhiều những lợi ích tương tự như ACE, và có thể dùng thay thế ở những người có tác dụng phụ với ACE.
  • Thuốc chẹn beta. Loại thuốc này không chỉ làm chậm nhịp tim, giảm huyết áp mà còn hạn chế một số tổn thương tim, do đó làm giảm các triệu chứng của suy tim, cải thiện chức năng tim, và giúp bạn sống lâu hơn, ví dụ như carvedilol (Coreg), metoprolol (Lopressor) và bisoprolol (Zebeta),…
  • Thuốc lợi tiểu. Làm giảm lượng dịch ứ trong cơ thể người bệnh. Thuốc lợi tiểu như furosemide (Lasix), cũng làm giảm dịch ứ trong phổi giúp bạn có thể thở dễ dàng hơn. Lưu ý là các thuốc lợi tiểu làm cho cơ thể mất kali và magiê nên bác sĩ có thể kê đơn bổ sung các khoáng chất.
  • Thuốc đối kháng aldosterone. Những thuốc này bao gồm spironolactone (Aldactone) và eplerenone (Inspra). Đây là những thuốc lợi giữ kali, và có khả năng làm tăng Kali máu.
  • Inotropes. Đây là những loại thuốc tiêm tĩnh mạch được sử dụng ở những người bị suy tim nặng trong bệnh viện để cải thiện chức năng bơm của tim và duy trì huyết áp.
  • Digoxin (Lanoxin). Thuốc có tác dụng tăng sức co bóp cơ tim, làm chậm nhịp tim hay giải quyết các vấn đề khác về nhịp tim, chẳng hạn như rung nhĩ.

Bệnh suy tim: Sớm nhận biết để điều trị kịp thời hình ảnh 4

Suy tim thường được điều trị bằng cách kết hợp các loại thuốc

Khi đang dùng thuốc điều trị suy tim, bạn cũng cần xét nghiệm máu để kiếm tra nồng độ Kali và chức năng thận. Việc nên xét nghiệm thường xuyên hay không còn phụ thuộc vào loại thuốc và độ mạnh của thuốc.

Phẫu thuật. Phẫu thuật nhằm ngăn chặn sự phá hoại tim và cải thiện chức năng của tim. Các phương pháp phẫu thuật bao gồm:

  • Phẫu thuật bắc cầu (Bypass). Đây là phẫu thuật phổ biến nhất trong điều trị suy tim, giúp tạo cầu nói mạch máu ngang qua động mạch bị tắc nghẽn.
  • Thiết bị hỗ trợ tim trái (LVAD): Các thiết bị này giúp tim có thể bơm máu đi khắp cơ thể. Phương pháp này cho phép người bệnh có thể đi lại, đôi khi có thể về nhà để chờ ghép tim.
  • Phẫu thuật van tim: Khi suy tim tiến triển, các van tim có thể không còn thực hiện tốt chức năng của nó, làm máu bị tống ngược về tim. Các van này có thể được sửa chữa hoặc thay thế.
  • Phẫu thuật loại trừ nhồi máu (Dor Procedure): Khi một cơn nhồi máu cơ tim xảy ra ở tâm thất trái sẽ hình thành một vết sẹo. Bác sĩ phẫu thuật tim có thể loại bỏ những vùng chết của mô tim hoặc sửa chữa chứng phình động mạch.
  • Ghép tim: Cấy ghép tim sẽ được cân nhắc thực hiện khi suy tim nặng đến mức không thể đáp ứng với tất cả các phương pháp điều trị khác.

6. Người bị suy tim cần chú ý những điều gì?

  • Người bị suy tim cần tránh ăn quá nhiều muối hay thức ăn mặn như các loại súp đóng hộp, khoai tây chiên, pizza… bởi vì thức ăn mặn có thể làm cho cơ thể bị giữ nước.
  • Uống một ít rượu có thể giúp cải thiện tình hình ở một số người mắc bệnh tim, tuy nhiên nếu uống quá nhiều có thể gây suy tim và làm cản trở tác dụng của thuốc. Vì vậy cần tham khảo ý kiến của bác sĩ về liều lượng an toàn cho mỗi bệnh nhân.
  • Giữ huyết áp ở mức cho phép. Huyết áp cao có thể làm cho tình trạng suy tim trở nên trầm trọng hơn vì lúc này tim phải làm việc quá mức, vì vậy hãy luôn giữ huyết áp ở mức kiểm soát.
  • Tăng cường tập thể dục và ngủ đủ giấc, cố gắng giảm những căng thẳng
  • Nếu đang hút thuốc lá thì bạn nên bỏ thuốc. Nếu thừa cân, hãy trao đổi với bác sĩ về cách giảm cân an toàn.

Bệnh suy tim: Sớm nhận biết để điều trị kịp thời hình ảnh 5

Tăng cường tập thể dục sẽ cải thiện tình trạng bệnh lý

Nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào. Các thuốc trị viêm khớp thông thưởng như Naproxen (Aleve) hay ibuprofen (Advil) có thể làm cơ thể bị giữ nước.

7. Phòng ngừa suy tim có khó?

Đối với những người có tim khỏe mạnh. Nếu bạn có một trái tim khỏe thì bạn vẫn có thể bắt đầu phòng ngừa bệnh tim mạch và suy tim ngay bây giờ.

Các biện pháp phòng ngừa bao gồm:

  • Duy trì một chế độ ăn hợp lý. Gồm nhiều trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt, các sản phẩm không béo hay ít béo, và những thực phẩm giàu protein như trứng, sữa và các chế phẩm từ sữa (pho mát, kem, sữa chua), các loại hạt (hạnh nhân, quả óc chó, hạt điều, đậu phộng), súp lơ xanh, bắp, chuối, bơ, táo, các loại thịt như thịt lợn và thịt gà tây.
  • Hãy cố gắng từ bỏ việc hút thuốc và nên tránh khói thuốc lá.
  • Giảm cân nếu như bạn thừa cân hoặc béo phì.
  • Vận động thể chất thường xuyên.

Đối với những người có nguy cơ cao mắc suy tim. Nếu bạn đang thuộc nhóm nguy cơ cao, bạn cũng có thể giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh của mình. Nhóm nguy cơ cao bao gồm những người có bệnh mạch vành, huyết áo cao, hoặc đái tháo đường.

Nếu bạn nằm trong nhóm này cần duy trì chế độ ăn uống, tập luyện như đối với những người bình thường khác. Ngoài ra bạn nên lưu ý thêm một số điều dưới đây.

  • Kiểm soát bất kì tình trạng nào có thể gây ra suy tim. Uống thuốc theo đơn bác sĩ.
  • Tránh uống rượu.
  • Tái khám thường xuyên.

Đối với những người đã có tổn thương tim nhưng chưa có triệu chứng suy tim. Bạn vẫn có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh hoặc hạn chế sự tiển triển của bệnh bằng cách thực hiện tất cả những điều được nêu ở trên và uống thuốc theo toa của bác sĩ.



  • nghethuatamnhacsaigon.com

  1. AnchorHeart failure. Đọc thêm tại: <http://www.nhs.uk/conditions/heartfailure/Pages/Introduction.aspxAnchor>. [Ngày 24 tháng 2 năm 2015]
  2. Heart failure. Đọc thêm tại: <http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/heart-failure/basics/causes/con-20029801>. [Ngày 24 tháng 2 năm 2015]
  3. Heart failure. Đọc thêm tại: <http://www.nhlbi.nih.gov/health/health-topics/topics/hf/causes>. [Ngày 05 tháng 3 năm 2015]
  4. Cardiomyopathy. Đọc thêm tại: <https://www.bhf.org.uk/heart-health/conditions/cardiomyopathy>. [Ngày 05 tháng 3 năm 2015]
  5. Heart failure health center. Đọc thêm tại: <http://www.webmd.com/heart-disease/heart-failure/heart-failure-treatment>. [Ngày 05 tháng 3 năm 2015].
  6. Heart Failure. Đọc thêm tại: <http://familydoctor.org/familydoctor/en/diseases-conditions/heart-failure/symptoms.html>. [Ngày 05 tháng 03 năm 2015].
  7. Top 12 thực phẩm giàu protein. Đọc thêm tại: <http://suckhoedoisong.vn/lam-dep/top-12-loai-thuc-pham-giau-protein-20140326164210379.htm>. [Ngày 05 tháng 03 năm 2015]
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com