Sức khỏe

Làm sao bảo vệ bé khỏi bệnh tiêu chảy ở trẻ em

Bệnh tiêu chảy ở trẻ em đối với những người làm bố làm mẹ là chẳng hề xa lạ. Để đề phòng và chữa trị kịp thời, mẹ cần biết rõ nguyên nhân cũng như các triệu chứng của bệnh. Mẹ có thể tham khảo bài viết để chăm sóc bé được tốt nhất nhé!

Nguyên nhân bệnh tiêu chảy ở trẻ em là gì?

Bệnh tiêu chảy xảy ra khi lớp niêm mạc ruột bị tổn thương. Phân trở nên lỏng vì lúc này ruột không tiêu hóa hết hoàn toàn hoặc không hấp thu được chất dinh dưỡng. Ngoài ra khi lớp niêm mạc ruột bị tổn thương cũng sẽ làm cho các bạn nhỏ mất nhiều muối và các khoáng chất. Tình trạng này có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu như bạn nhỏ ăn hay uống nhiều loại thực phẩm chứa nhiều đường (nước ép trái cây, nước ngọt,…). Ở trẻ nhỏ, nguyên nhân tiêu chảy phổ biến nhất gây tổn thương ruột dẫn đến bị bệnh tiêu chảy là do các vi-rút đường ruột dòng Enterovirus.

lam-sao-bao-ve-be-khoi-benh-tieu-chay-o-tre-em-hinh-anh

Nguyên nhân bệnh tiêu chảy ở trẻ em là gì?

Những nguyên nhân khác gây ra bệnh tiêu chảy ở trẻ em:

  • Rotavirus.
  • Ngộ độc thực phẩm (từ những thứ như nấm, động vật có vỏ, hoặc thực phẩm bị ô nhiễm) hay ngộ độc do các loại vi khuẩn như vi khuẩn Salmonella, Shigella, E.coli, Campylobacter).
  • Nhiễm ký sinh trùng (như kí sinh trùng Giardia).
  • Dị ứng thức ăn hoặc dị ứng sữa.
  • Nhiễm khuẩn đường tiết niệu, đường hô hấp, viêm tai giữa (Nếu trẻ đang uống thuốc kháng sinh thì bệnh tiêu chảy có thể trở nên nghiêm trọng hơn).
  • Tác dụng phụ của thuốc uống (thuốc kháng sinh, các loại thuốc hóa trị ung thư, thuốc nhuận tràng có chứa magiê.
  • Tiêu chảy cũng có thể xảy ra đối với một số trẻ đang mắc phải một số bệnh như: Celiac, bệnh viêm ruột, chứng không dung nạp lactose, hội chứng kém hấp thu.
  • Mặc dù rất hiếm nhưng tiêu chảy đôi khi cũng có thể xảy ra ở trẻ đang xạ trị, trẻ đã bị cắt bỏ một phần dạ dày hoặc ruột non, hội chứng Carcinoid…

Việc đi ngoài của bé thế nào là bình thường?

Thông thường thì việc đi ngoài của trẻ không đều và thay đổi tùy thuộc vào độ tuổi và chế độ ăn. Ở độ tuổi sơ sinh đang bú sữa mẹ, bé có thể đi ngoài tối đa đến 12 lần/ngày, nhưng khi được 2 hoặc 3 tháng tuổi có thể cách vài ngày bạn mới đi ngoài 1 lần. Dưới 1 tuổi, các bé sản xuất khoảng 150ml phân và trên 1 tuổi sẽ nhiều hơn, có thể lên tới 210ml phân một ngày.

Khi được 2 tuổi trở lên, hầu hết các bé đi ngoài từ 1 đến 2 lần trong 1 ngày với lượng phân lớn hơn. Tuy nhiên, ở độ tuổi này, nếu đi ngoài nhiều lần với lượng phân nhỏ trong mỗi lần đi thì cũng không phải là điều đáng lo ngại đặc biệt là khi bé uống nhiều nước ép hoặc chế độ ăn chứa nhiều chất xơ.

Thỉnh thoảng, nếu con mẹ đi ngoài ra phân lỏng thì cũng không nên quá lo nhé. Nhưng nếu tình trạng phân lỏng xảy ra thường xuyên, nhiều một cách bất thường thì có thể bé đã bị bệnh tiêu chảy.

lam-sao-bao-ve-be-khoi-benh-tieu-chay-o-tre-em-hinh-anh2

Nếu bé thường xuyên đi ngoài ra phân lỏng thì có thể bé bị bệnh tiêu chảy

Triệu chứng bệnh tiêu chảy ra sao?

Nếu bị bệnh tiêu chảy do virus bé sẽ có các triệu chứng như nôn mửa, sốt và khó chịu, phân có màu xanh hơi vàng, chứa nhiều nước. (thường gọi là “phân lỏng”). Nếu như tình trạng này diễn ra thường xuyên khoảng 1 lần/giờ thì bé hầu như không đi ngoài phân rắn.

Bé còn có thể có biểu hiện trầm trọng hơn, phân có màu đỏ hoặc hơi đen, có thể là vì phân chứa cả máu. Sự chảy máu này có thể do niêm mạc ruột bị tổn thương hoặc nhiều khả năng là do trực tràng bị kích thích quá thường xuyên.

Trường hợp này, bé phải được điều trị gấp bởi nếu để bị tiêu chảy kéo dài quá lâu sẽ dẫn đến sụt cân, chậm phát triển cân nặng, chiều cao, dẫn đến suy dinh dưỡng nặng.

Bệnh tiêu chảy ở trẻ em cần được hỗ trợ y tế khi nào

Dù tiêu chảy là tình trạng thường gặp, mẹ cũng không nên chủ quan. Với trường hợp nhẹ, mẹ có thể xử lý được thì tốt, nhưng nếu nặng và cần được hỗ trợ y tế, thì nhất định mẹ cần đưa bé đến bệnh viện ngay.
Trẻ nhỏ cần được hỗ trợ y tế khi tiêu chảy kết hợp với nhiều triệu chứng khác, bởi điều này có nghĩa là bệnh có dấu hiệu trở nên trầm trọng hơn. Mẹ cần đưa bé đến bệnh viện gấp khi thấy triệu chứng tiêu chảy đi kèm với bất kì dấu hiệu dưới đây:

  • Sốt kéo dài hơn 24 đến 48 tiếng đồng hồ.
  • Có dấu hiệu mất nước trầm trọng.
  • Trong phân có máu.
  • Nôn ra chất có màu xanh lá, chất nhuốm máu hay chất có dạng như bã cà phê.
  • Bụng bị chướng.
  • Không muốn ăn uống.
  • Đau bụng dữ dội.
  • Phát ban hoặc vàng da (da hoặc mắt bị vàng).
  • Tình trạng tiêu chảy trở nên tồi tệ hơn trong 2 ngày (đối với trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh).
  • Trẻ trên ba tháng tuổi có tình trạng nôn mửa kéo dài trên 12 giờ đồng hồ.
  • Đối với trẻ sơ sinh từ 0 đến 3 tháng tuổi cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi có dấu hiệu nôn mửa hay bị bệnh tiêu chảy.
  • Nếu trẻ đang phải uống một loại thuốc khác hay sử dụng thuốc thường xuyên, mẹ cần đưa bạn nhỏ đi kiểm tra nếu tình trạng tiêu chảy kéo dài hơn 24 tiếng đồng hồ mà không có dấu hiệu cải thiện.

lam-sao-bao-ve-be-khoi-benh-tieu-chay-o-tre-em-hinh-anh3

Khi bé bị tiêu chảy nặng, mẹ cần đưa bé đi khám ngay

Làm sao để phòng ngừa bệnh tiêu chảy ở trẻ em

Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Mẹ có thể giảm thiểu các nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy ở trẻ em cho con bằng cách:

  • Tránh cho trẻ uống sữa chưa qua xử lý (chưa được tiệt trùng) và ăn thức ăn đã bị nhiễm khuẩn.
  • Tránh dùng các loại thuốc không cần thiết, đặc biệt là thuốc kháng sinh.
  • Nếu có thể, hãy cho trẻ bú suốt thời kỳ sơ sinh.
  • Hạn chế cho trẻ uống nước ép trái cây và thức uống có đường.
  • Hãy cho trẻ tiêm vắc xin ngừa dòng vi-rút Rota để ngăn ngừa các nguyên nhân gây tình trạng bệnh tiêu chảy, ói mửa ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
  • Rửa tay thường xuyên cho bé (đặc biệt là sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn).
  • Luôn vệ sinh sạch sẽ nhà tắm, khu công trình phụ để ngăn ngừa sự lây lan của mầm bệnh.
  • Rửa trái cây và rau thật sạch trước khi ăn.
  • Ăn chín, uống sôi.
  • Thận trọng khi sử dụng các thức ăn chế biến bên ngoài (như bán ở vỉa hè).
  • Khu ăn uống cho vật nuôi cần tách biệt với chỗ ăn uống của trẻ nhỏ và gia đình.
  • Bổ sung Probiotic và Prebiotic để giúp tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ:

– Probiotic. Thường có trong các sản phẩm từ sữa như sữa chua và Kefir, Miso (Miso được làm chủ yếu từ đậu nành cùng với gạo, lúa mạch rồi cho lên men trộn cùng với muối và nấm), các loại thức uống từ đậu nành. Khi dùng các sản phẩm bổ sung Probiotic (bột, viên nang) được bán ở các hiệu thuốc và cửa hàng thực phẩm chức năng, mẹ cần được tư vấn kỹ trước khi sử dụng cho con. Ngoài ra một số loại sữa công thức cũng có bổ sung thêm Probiotic.

– Prebiotic. Sữa mẹ cũng là nguồn cung cấp prebiotic dồi dào cho trẻ. Những loại thực phẩm như vỏ mịn của các loại ngủ cốc, các loại đậu và lúa mạch, các loại rau (măng tây, rau chân vịt,), dâu, chuối, hành tây, tỏi, măng tây, lúa mì, cà chua, tỏi tây cũng chứa nhiều Prebiotic.

Làm sao để điều trị bệnh tiêu chảy ở trẻ em, mẹ có thể tham khảo ở bài viết: Cách trị tiêu chảy cho trẻ tại nhà cực hiệu quả




  1. Diarrhea. Shelov, SP & Altmann TR, (eds) 2009, Caring for your baby and young child – Birth to Age 5, 5th edition, Bantam books, USA
  2. Diarrea. Đọc thêm tại: <http://kidshealth.org/parent/medical/digestive/diarrhea.html#> [Ngày 16 tháng 10 năm 2014]
  3. Diarrea. Đọc thêm tại: <http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/003126.htm> [Ngày 16 tháng 10 năm 2014]
  4. Duy trì môi trường vi sinh vật khỏe mạnh trong cơ thể. Đọc thêm tại: <http://ungbuouvietnam.com/duy-tri-moi-truong-vi-sinh-vat-khoe-manh-trong-co-the/> [Ngày 16 tháng 10 năm 2014]
  5. Trẻ tiêu chảy cấp- nên ăn gì, kiêng gì. Đọc thêm tại: <http://suckhoedoisong.vn/me-va-be/tre-tieu-chay-cap-nen-an-gi-kieng-gi-20140713210059936.htm> [Ngày 16 tháng 10 năm 2014]
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com