Chăm sóc trẻ dưới 1 tuổi

Bỏ túi những món đồ dùng cho bé khi ra ngoài

Chuẩn bị đồ dùng cho bé khi ra ngoài là việc tốn khá nhiều thời gian, nếu chưa có kinh nghiệm mẹ sẽ khá bối rối vì những món đồ “lúc cần thì lại không thấy” đấy!

Những đồ dùng mẹ cần chuẩn bị khi đưa bé ra ngoài

Một ba lô nhỏ hoặc giỏ đựng đồ cho con hẳn là món đồ dùng cho bé không thể thiếu trong danh sách của mẹ. Tốt nhất mẹ nên chọn loại giỏ có dây đeo tiện dụng, có nhiều ngăn để đựng tã dự phòng, bao đựng quần áo dơ, khăn sữa, dầu khuynh diệp, bình sữa và đồ chơi cho bé.

Quần áo để thay khi bé bị ướt, bẩn: Tùy theo thời gian đi lâu hay nhanh mà mẹ nên mang nhiều hay ít quần áo. Đồng thời, mẹ còn phải tùy thời tiết có đổi mùa nhiều hay không để chuẩn bị cho cẩn thận, phù hợp với thời tiết bên ngoài trong suốt thời gian đi chơi.

Bé con chưa tự điều tiết được thân nhiệt cho đến khi tròn 1 tuổi vì thế, thời tiết quá nóng hay quá lạnh sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ của con. Lúc này, quần áo sẽ phát huy vai trò quan trọng giúp bé giữ ấm trong chỗ lạnh và thoát nhiệt khi đi vào chỗ nóng.

Ở mọi điều kiện thời tiết, bé con đều cần được mặc nhiều hơn 1 lớp áo so với người lớn. Với quần áo mùa đông, cho con mặc nhiều lớp mỏng để dễ dàng cởi ra sẽ tốt hơn là chỉ cho con mặc 1-2 lớp quá dầy.

Khăn ướt, khăn khô và vài chiếc bỉm/tã để thay cho con cũng là một trong những đồ dùng cho bé rất cần thiết, khi ra ngoài mẹ nên chọn bỉm chứ không nên chọn loại tã miếng dán vào tã vải hoặc khăn xô đóng bỉm, những loại này dễ làm bé con bị ướt người, dễ ốm.

bo-tui-nhung-mon-do-dung-cho-be-khi-ra-ngoai-hinh-anh1

Ba mẹ cần chuẩn bị rất nhiều đồ dùng cho bé khi đi ra ngoài đấy!

Với bé bú bình, mẹ cần chuẩn bị những vật dụng sau:

  • Bình sữa có để sẵn nước đun sôi, để một lát nước nguội bớt là vừa. Nếu quá nóng có thể pha thêm nước uống đóng chai cho nguội bớt. Tùy vào thời gian đi chơi mà bố mẹ có thể chuẩn bị 1 – 2 bình như vậy cho con đấy.
  • Sữa công thức chia thành từng cốc vừa đủ cho 1 lần pha (có thể bỏ trong từng túi nilon trong suốt, nhỏ hoặc cốc đựng sữa công thức nhỏ có nắp mang đi cho con. Hiện nay, ngoài thị trường có bán khá nhiều loại này).
  • Bé nào bú bình với sữa mẹ vắt ra thì các mẹ còn phải đem sữa đựng trong túi đá bảo quản để không bị hư sữa. Hiện nay ngoài thị trường cũng có bịch trữ sữa dùng 1 lần cho các loại bình cổ rộng (drop in liner) của một số nhãn hàng ví dụ Playtex, cứ bé bú xong là ba mẹ gỡ bịch trữ sữa bỏ vào thùng rác mà không phải rửa bình hay tiệt trùng bình, chỉ cần rửa và tiệt trùng núm vú thôi.

Với các bạn bé bú mẹ. Các mẹ có thể mang miếng quây để tạo sự riêng tư cho mẹ trong khi cho con bú nơi công cộng. Hoặc nếu quên mang đi thì bố có thể đứng che trong lúc mẹ cho em bú đấy.

Và nhớ mang cả dầu khuynh diệp nữa để bôi vào bụng, gan bàn chân khi con bị lạnh, có nhiều mẹ mang đi chỉ vì bà dặn thôi, nhưng cũng cứ mang đi cho chắc ăn mẹ nhé!

Với các bé lớn hơn, mẹ có thể mang thêm 1 thứ đồ chơi cho bé – món đồ nho nhỏ nào đó mà bé rất yêu thích.

Một số lưu ý khi đưa bé ra ngoài chơi

Da của bé sơ sinh cực kỳ dễ bị tổn thương dưới ánh nắng mặt trời trong suốt 6 tháng đầu đời (trừ ánh nắng nhẹ buổi sáng sớm trước 8 giờ). Do vậy, điều quan trọng là mẹ cần giữ cho bé con tránh ánh nắng nóng trực tiếp hoặc hơi nóng toả ra từ nước, cát, hay bê tông.

Nếu khi nào buộc phải đưa bé con ra ngoài lúc trời nắng, mẹ nên mặc cho bé quần áo có chất liệu vải nhẹ sáng màu, với chiếc mũ rộng vành có dây buộc để che nắng cho bé. Khi bé nằm hay ngồi một chỗ, mẹ cần đảm bảo rằng bé được đặt ở chỗ bóng râm nhé!

bo-tui-nhung-mon-do-dung-cho-be-khi-ra-ngoai-hinh-anh2

Mẹ nhớ giữ cho con tránh ánh nắng Mặt Trời trực tiếp nhé!

Thận trọng khi sử dụng kem chống nắng cho bé. Kem chống nắng có thể được sử dụng cho bé dưới 6 tháng tuổi khi không có quần áo bảo vệ, mũ và bóng râm. Tuy nhiên kem chống nắng chỉ nên dùng cho những vùng nhỏ trên cơ thể bé như mặt và mu bàn tay thôi. Nhưng trước đó mẹ hãy dùng thử kem chống nắng trên một vùng da nhỏ ở sau lưng bé con để đảm bảo con không bị kích ứng khi dùng nhé.

Khi nào bé của mẹ hơn 6 tháng tuổi thì kem chống nắng có thể dùng được cho toàn bộ cơ thể, nhưng vẫn phải cẩn thận tránh vùng mắt của bé đấy!

Không nên để đồ dùng của bé ngoài nắng quá lâu. Chẳng hạn, nếu mẹ để ghế ngồi xe đẩy ngoài nắng quá lâu, phần nhựa và kim loại trên những vật dụng này có thể đủ nóng và làm phỏng da bé.

Nếu cẩn thận hơn, mẹ có thể kiểm tra nhiệt độ bề mặt của những đồ này trước khi cho bé ngồi lên tiếp xúc với chúng.

Với thời tiết lạnh, mẹ nên hạn chế đưa bé ra ngoài. Nhưng nếu buộc phải ra ngoài, bố mẹ nên quấn bé kĩ càng và dùng mũ trùm giữ ấm cho đầu và tai bé. Hôm nào mưa gió nhiều, mẹ có thể che chắn cho bé khỏi bị lạnh bằng một chiếc chăn khi đi ra ngoài.

bo-tui-nhung-mon-do-dung-cho-be-khi-ra-ngoai-hinh-anh3

Nếu trời lạnh, hãy trùm kín để chắn gió cho bé khi đi ra ngoài

Nếu cho bé đi trong xe đẩy, một mảnh nilon lớn trong suốt bọc xung quanh xe đẩy cũng giúp chắn mưa và gió cho bé đấy. Lớp nilon trong suốt này cũng cho phép bố mẹ và bé nhìn thấy nhau và xem bé có đang thở bình thường hay không.

Kiểm tra thân nhiệt của bé trước, trong và sau khi ra ngoài. Để kiểm tra xem liệu bé đã được mặc hợp lý hay chưa, mẹ có thể sờ tay, chân và phần da ở ngực bé. Tay và chân bé có thể hơi mát hơn so với cơ thể, nhưng không được lạnh. Còn ngực bé phải luôn được giữ ấm.

Nếu tay chân và ngực bé bị lạnh thì mẹ nên đưa con đến khu vực ấm áp và cởi bỏ các đồ quấn xung quanh. Lúc đó, tùy vào điều kiện mẹ có thể cho bé ăn cháo hoặc uống sữa nóng hay ôm bé sát vào cơ thể mẹ để làm ấm bé.

bo-tui-nhung-mon-do-dung-cho-be-khi-ra-ngoai-hinh-anh4

Chuẩn bị đồ dùng cho bé khi ra ngoài quả thật không đơn giản tí nào ba mẹ nhỉ?!

Có nhiều bố mẹ nghĩ rằng nếu con đang lạnh thì không nên cởi bớt quần áo của con mà nên mặc nguyên quần áo con vừa đi ở bên ngoài về. Điều này là không đúng vì lớp quần áo này vẫn giữ lại hơi lạnh ở ngoài đường và cũng không làm ấm được bé từ bên trong như đồ uống nóng và được mẹ ủ ấm đâu.

Xem thêm:

>>> Cần lưu ý những gì khi cho bé đi chơi công viên?



  • nghethuatamnhacsaigon.com

  1. Fenwick, E, 2012, Baby Care (101 Essential Tips), trans TV Do, Phu nu Publisher, Hanoi. [Ngày 12 tháng 12 năm 2015]
  2. Shelov, SP & Altmann TR, (eds) 2009, Caring for your baby and young child Birth to Age 5, 5th edn, Bantam books, USA. [Ngày 12 tháng 12 năm 2015]
  3. Taking Care of Baby. Tham khảo tại: <https://dss.mo.gov/cd/info/cwmanual/section7/ch1_33/sec7ch5.htm>. [Ngày 12 tháng 12 năm 2015]
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com