Chăm sóc trẻ dưới 1 tuổi

Cách dạy trẻ dưới 1 tuổi về tính kỷ luật

Trẻ con cần được dạy dỗ khi vừa bắt đầu biết nhận thức để hình thành thói quen tốt cũng như dạy trẻ tính kỷ luật tốt. Nhưng không phải phụ huynh nào cũng biết cách dạy trẻ dưới 1 tuổi.

Ông bà xưa có câu “Dạy con từ thuở còn thơ”. Thật đúng như vậy, trẻ con cũng giống như một cây non cần được chăm bón, uốn nắn từ lúc bé. Nhưng trong mắt bố mẹ, con cái lúc nào cũng thật bé bỏng và “chưa biết gì” nên chúng ta vẫn thường có khuynh hướng nuông chiều bé và quên đi việc dạy dỗ cho bé vào khuôn phép.

Trẻ con cần được dạy khi vừa bắt đầu biết nhận thức để hình thành thói quen tốt cũng như dạy cho trẻ có kỷ luật tốt. Vậy cách dạy trẻ dưới 1 tuổi về tính kỷ luật như thế nào? Mời ba mẹ cùng tham khảo bài viết sau đây!

Dạy trẻ dưới 1 tuổi những gì?

Kỷ luật không phải là trừng phạt, mà là dạy dỗ hướng dẫn cho bé những điều nên và không nên làm. Trừng phạt chỉ có thể coi là một phần nhỏ của việc kỷ luật nhưng trừng phạt không có nghĩa là đánh đòn bé.

Khía cạnh quan trọng nhất trong kỷ luật là tình yêu bạn dành cho bé. Tình yêu và sự quan tâm của bạn sẽ hình thành mấu chốt có tính ảnh hưởng lớn trong mối quan hệ giữa bạn và bé. Điều này sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành hành vi của bé. Tình yêu và sự tôn trọng bạn dành cho bé sẽ dạy cho bé biết quan tâm những người xung quanh cũng như quan tâm đến bản thân.

Những hình mẫu bạn tạo ra hằng ngày cho bé như sự thành thật, sự quan tâm cống hiến, và sự tin tưởng sẽ dạy cho bé trở nên thành thật, đáng tin cậy cũng như biết tận tụy chăm chỉ. Tóm lại, nếu bạn muốn bé cư xử tốt, bạn cũng nên làm tương tự trong cách đối xử với bé hằng ngày.

cach-day-tre-duoi-1-tuoi-ve-tinh-ky-luat-hinh-anh1

Ba mẹ cần biết cách dạy trẻ dưới 1 tuổi về tính kỷ luật để sớm đặt nề móng cho việc nuôi dạy con sau này.

Cách bố mẹ đặt ra những giới hạn được làm và không được làm trong giai đoạn này sẽ là nền móng cho việc dạy tính kỷ luật cho con trong tương lai. Để từng bước hướng tới tính tự chủ cho bé, bố mẹ không nên làm theo mọi thứ mà bé muốn.

Dạy tính kỷ luật cho trẻ dưới 1 tuổi như thế nào?

Bé học được cách kiểm soát và vào khuôn khổ kỷ luật càng sớm thì bố mẹ càng đỡ vất vả trong việc dạy con ở những năm tiếp theo. Dưới đây là một số phương pháp dạy trẻ 1 tuổi bố mẹ có thể dùng để dạy tính kỷ luật cho con:

1. Đánh lạc hướng sự chú ý

Đánh lạc hướng sự chú ý tốt hơn nhiều so với việc nói “Không” với bé quá nhiều. Ví dụ khi bé đòi điện thoại của mẹ, hãy đưa cho bé một món đồ chơi như gấu bông và lúc lắc bạn gấu bông để thu hút sự chú ý của bé.

Tuy nhiên, với những hành động nguy hiểm cho bé như nghịch dây điện, bố mẹ cần nghiêm khắc nói ngay: “Con không được cầm vào dây điện”, lặp lại nhiều lần và đưa bé tránh xa chỗ có nhiều dây điện ngay cho đến khi bé nhớ được là “Con không được cầm vào dây điện”.

Một điều quan trọng khác cha mẹ cần ghi nhớ đó là dạy cho bé tính kỷ luật không đồng nghĩa với việc bạn có thể giữ bé tránh xa nguy hiểm bằng những mệnh lệnh. Do vậy, những đồ vật nguy hiểm trong nhà như dao kéo, vật nhọn, hoá chất, xà phòng… nên để xa khỏi tầm tay bé. Nếu có thể, mẹ nên điều chỉnh để bình nước nóng trong nhà chỉ đun đến tối đa 50oC cho an toàn.

cach-day-tre-duoi-1-tuoi-ve-tinh-ky-luat-hinh-anh2

Dạy tính kỷ luật không đồng nghĩa với việc bạn có thể giữ bé tránh xa nguy hiểm bằng mệnh lệnh

2. Nhất quán trong việc dạy con

Trong gia đình, mọi người nên thống nhất, đừng “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” trong việc dạy con. Khi đã cấm con làm gì, mẹ nên nhớ và giữ những quy tắc đó.

Ví dụ, không thể buổi sáng mẹ cho bé nghịch dây điện và chiều lại cấm bé được. Hoặc bố cấm điều này nhưng mẹ lại cho phép làm điều đó…Việc không nhất quán các quy tắc dễ khiến bé nhầm lẫn, không biết phân biệt đúng sai hoặc nên nghe theo ai, nghe theo điều gì.

3. Xử lý kịp thời

Bố mẹ nên nói ngay cho con việc gì không được làm sau khi hành động đó diễn ra chứ không phải quá 5 phút sau mới nói. Vì nếu đợi một lúc lâu, bé sẽ không hiểu tại sao bố mẹ cáu mình và bài học trở nên vô nghĩa.

Tuy nhiên, khi con có hành động sai và bị bố mẹ cấm, một số bé sẽ trở nên cáu giận. Trong trường hợp này, bố mẹ có thể đợi 1-2 phút cho con bình tĩnh lại (bớt cáu, ném đồ hay la hét), rồi mới giải thích cho con hành động đó là không được.

Bé dưới 1 tuổi, hầu hết khóc khi có gì đó khó chịu như đói, ướt, bị côn trùng cắn hoặc ngứa nên bố mẹ cần chú ý quan sát để hiểu đúng nhu cầu của con và đáp ứng. Nếu bé mè nheo nhõng nhẽo những điều phi lý, bạn không nên đáp ứng mà cần phải làm cho bé hiểu rõ tại sao không được. Dần dần bé sẽ quen với việc bị từ chối vì hiểu ra rằng những điều bé đòi hỏi là không đúng.

4. Không thưởng khi bé hư, khen ngợi ôm ấp khi bé ngoan

Phải đến khi bé hơn 7 tháng chúng ta mới có thể áp dụng thêm một vài hình thức kỷ luật khác như không thưởng bằng những hành động ôm, hôn, nựng khi bé có hành vi sai. Mọi hình phạt về mặt thể chất như đánh bé là không cần thiết. Việc khá nhiều bố mẹ bực tức và đánh vào mông con chỉ khiến bé nóng giận, bực tức hơn và làm xấu đi sợi dây liên kết giữa bố mẹ và con cái.

Ví dụ như khi bé khóc mếu đòi mẹ bế, mẹ không cần bế ngay mà chỉ cần nói chuyện à ơi với bé. Khi bé làm gì sai, mẹ không ôm bé nữa và dùng giọng nghiêm khắc để nói chuyện với bé. Nhưng trước hết, mẹ nên nói cho bé biết những gì được làm và những gì không được làm một cách cụ thể nhất. Khi bé cho 1 bông hoa vào miệng chẳng hạn, nói “Không được ăn” là chưa đủ mà mẹ hãy nói một cách rõ ràng “Không được ăn bông hoa”.

Khi bé ngoan, nhớ lời mẹ dặn, mẹ nên ôm và hôn, khen ngợi bé ngay. Ví dụ khi bé ra gần chỗ dây điện và từ từ lùi lại vì nhớ ra những gì bố mẹ đã dạy, mẹ cần khen con ngay bằng cách ôm bé vào lòng, hôn bé và khen ngợi việc bé làm khiến cho mẹ hài lòng thế nào.

cach-day-tre-duoi-1-tuoi-ve-tinh-ky-luat-hinh-anh3

Hãy ôm và khen ngợi ngay khi con có hành vi tốt

Ôm con vào lòng và khen ngợi khi con làm việc tốt như không ném đồ chơi, đưa mẹ cái khăn… sẽ làm bé rất thích thú. Khi bé lớn lên, để được mẹ yêu, mẹ chú ý và hài lòng, bé sẽ lựa những hành động nào phù hợp để làm đấy.

5. Phương pháp “Nghỉ giữa hiệp” hay “cách ly tạm thời”

Khi bé không ngoan, bố mẹ có thể đặt bé vào một nơi yên tĩnh, cách xa mọi người khác, tránh các thiết bị như ti vi, các đồ điện tử, sách vở. Khi thời gian “Nghỉ giữa hiệp” này kết thúc, bố mẹ có thể giải thích cho bé hiểu tại sao hành vi của bé là không được phép.

Việc này cần làm hết sức linh động cho từng bé chứ không phải bé nào cũng kêu úp mặt vào tường giống nhau. Nhiều trường hợp bố mẹ chỉ cần quay đi chỗ khác, ngó lơ bé, mặc bé kêu khóc một mình cũng là áp dụng “cách ly tạm thời”.

Tuy vậy, có nhiều lúc bố mẹ không thể hiểu nổi tại sao con khóc (có khi em bé cũng chẳng biết luôn). Lúc này, bố mẹ có thể làm bé thoải mái hơn bằng nhiều cách như ôm bé vào lòng khi thấy bé khóc và ôm gối ôm/thú nhồi bông thật chặt, bố mẹ cũng có thể chơi với bé hay đọc truyện cho bé nghe. Nhu cầu được quan tâm và không bị cô đơn của bé cũng rất thật như nhu cầu về thức ăn và vệ sinh vậy.

Nuôi dạy một đứa bé là cả một nghệ thuật và thách thức lớn cho những bậc phụ huynh. Tuy nhiên, chỉ cần có sự kiên định, bình tĩnh, nhất quán cộng với trái tim yêu thương của bố mẹ thì không điều gì là không thể phải không nào! Hy vọng ba mẹ có thể áp dụng được các cách dạy trẻ dưới 1 tuổi về tính kỷ luật trên đây để đặt được những viên gạch vững chắc đầu tiên trên con đường đồng hành và nuôi dạy con của mình!




  1. When Does Discipline Begin?. Tham khảo tại: <http://www.parents.com/toddlers-preschoolers/development/behavioral/when-to-start-discipline/>. [Ngày 22 tháng 9 năm 2014]
  2. The discipline tool kit: Successful strategies for every age. Tham khảo tại: <http://www.babycenter.com/0_the-discipline-tool-kit-successful-strategies-for-every-age_1475318.bc>. [Ngày 22 tháng 9 năm 2014]
  3. Shelov, SP & Altmann TR, (eds) 2014, Caring for your baby and young child Birth to Age 5, 6th edn, Bantam books, USA. Page 248,288.
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com