Nuôi con

Cha mẹ nên làm gì khi con bị bắt nạt ở trường?

Nạn bắt nạt diễn ra ngày càng phổ biến với mức độ trầm trọng ngày càng cao trong môi trường học đường. Con bạn đang trong tuổi vị thành niên, con bạn có những điểm vượt trội hơn các bạn khác cùng lứa, con bạn có thể là nạn nhân của nạn bắt nạt đấy.

Trẻ bị bắt nạt sẽ có những dấu hiệu gì?

Sẽ dễ dàng xử lý hơn khi chính trẻ tự chia sẻ với bạn về vấn đề của mình, hay có dấu tích bạo hành rõ ràng trên thân thể hoặc nhà trường, giáo viên thông báo về sự việc trẻ bị bắt nạt. Với một số trường hợp, trẻ giấu kín chuyện mình bị bắt nạt, phần vì bị kẻ bắt nạt ép buộc, phần vì trẻ nghĩ rằng không ai có thể giúp đỡ được mình, hoặc cha mẹ sẽ la mắng mình… Do đó cha mẹ hãy chú ý nếu thấy con có những dấu hiệu như sau:

  • Trẻ có những biểu hiện như lo lắng, sợ hãi, ăn ngủ không ngon, không làm những điều bình thường trẻ thích, buồn bã hoặc khó chịu hơn so với thường ngày.
  • Than thở và có những triệu chứng đau ốm về cơ thể như đau đầu, đau bụng để né tránh những tình huống nhất định (như đi xe buýt, đến trường…).
  • Trẻ ăn cắp và nói dối, xin tiền tiêu vặt, tiền ăn uống nhiều hơn nhưng người trẻ thường trông gầy guộc, mệt mỏi.
  • Trẻ rút khỏi các nhóm bạn, các hoạt động mà trẻ thường tham gia.
  • Có những cơn ác mộng về đêm.
  • Trì hoãn việc thực hiện bài tập, công việc ở trường, điểm học giảm sút, rớt hạng,…

Cha mẹ nên làm gì khi con bị bắt nạt ở trường

Trẻ có những cơn ác mộng về đêm

Vì sao trẻ lại bị chọn là nạn nhân để bắt nạt?

Nạn bắt nạt có xu hướng nhắm đến những trẻ được cho là “khác biệt” hoặc “không ăn nhập” với những trẻ khác trong trường/ trong khu xóm, như về cách ăn mặc, hành động, sắc tộc, tôn giáo, xu hướng tính dục, hay vì đó là học sinh mới/ hàng xóm mới và không là bạn bè trước đó. 

Ngoài ra, những trẻ có biểu hiện yếu đuối, nhút nhát, hay sợ sệt, nghe lời cũng là mục tiêu hoàn hảo cho những kẻ chuyên chế nhạo, gây hấn hướng đến.

Nghi ngờ con bị bắt nạt ở trường, cha mẹ phải làm gì?

Trước hết, hãy tìm kiếm cơ hội để đưa vấn đề này ra theo đường vòng. Ví dụ: Khi bạn xem chương trình thời sự trên tivi, thấy xuất hiện hiện tượng bắt nạt, hãy sử dụng nó để khởi đầu câu chuyện bằng cách hỏi: “Con nghĩ sao về điều này?” hay “Con nghĩ bạn bị bắt nạt nên làm gì?” đồng thời quan sát những biểu hiện, thái độ của trẻ. Sau đó gợi mở thêm bằng một cách nhẹ nhàng, đầy tôn trọng: “Con đã bao giờ nhìn thấy chuyện tương tự xảy ra chưa?” hay “Con có bao giờ trải qua chuyện tương tự như vậy chưa?”. Và bạn có thể chia sẻ kinh nghiệm bản thân, người thân hoặc bạn từng gặp đâu đó để tạo cho trẻ cảm giác thoải mái, an toàn và dễ chia sẻ hơn.

Điều quan trọng là, bạn cần giúp trẻ hiểu rằng nếu trẻ đang bị bắt nạt, quấy rối hoặc thấy điều này xảy ra với người khác thì nên nói chuyện này với ai đó, có thể là cha mẹ, thầy cô hoặc người mà trẻ cảm thấy yên tâm, tin tưởng. Song song đó, cha mẹ hãy phối hợp với giáo viên để theo sát tình hình của trẻ ở trường. 

Làm thế nào để giải quyết và giúp con vượt qua nạn bắt nạt ở trường?

Cha mẹ có thể tham khảo một số gợi ý sau:

  • Trước hết, chúng ta cần lắng nghe, nói chuyện một cách nhẹ nhàng, đầy cảm thông với trẻ, giúp trẻ hiểu rằng chúng ta hiểu cảm giác đau khổ mà trẻ đang trải qua, giải thích cho trẻ rằng nguyên nhân của sự việc không phải do lỗi của trẻ, trẻ không phải xấu hổ về bản thân mình.

Cha mẹ nên làm gì khi con bị bắt nạt ở trường hình ảnh 2

Cha mẹ cần lắng nghe, nói chuyện một cách nhẹ nhàng, đầy cảm thông
  • Khuyến khích, động viên để trẻ cảm thấy tự hào về chính mình, nghĩ về những gì tuyệt vời của mình thay vì những lời mỉa mai, trêu chọc.
  • Tìm đến sự trợ giúp từ những nhà chuyên môn tham vấn, trị liệu tâm lý.
  • Dạy con thực hành những cách thức đối phó và phòng ngừa với căng thẳng, sợ hãi, giải tỏa những đau khổ, giúp trẻ cảm thấy vững vàng hơn và không bị choáng ngợp và sốc sau vụ bắt nạt. Thiền định, tập thể dục, nói chuyện tích cực, thư giãn cơ thể và các bài tập quản lý nhịp thở là những cách tốt để quản lý căng thẳng sau khi bị bắt nạt.
  • Giúp trẻ tránh bị cô lập. Tìm cách giúp trẻ tăng các mối quan hệ xã hội, không bị cô lập, có thể là tham gia các nhóm thanh niên, nhóm tôn giáo hoặc các câu lạc bộ…
  • Không trả đũa lại. Cha mẹ cần khuyên trẻ không đánh lại hoặc bắt nạt lại người đã bắt nạt mình. Điều đó chỉ có thể làm bạo lực leo thang và làm tổn thương nhau mà thôi.

Phòng ngừa tình trạng con bị bắt nạt

Làm thế nào để không bị bắt nạt là một chuyện tưởng dễ mà không dễ. Nhằm giải quyết triệt để vấn nạn bắt nạt học đường, phụ huynh cần thực hiện tốt vai trò quan trọng của mình bằng những biện pháp cụ thể như:

  • Khuyến khích con cái tìm kiếm những bạn bè tốt và có khả năng trợ giúp, cố gắng tham gia nhóm bạn đó khi có thể, vì những kẻ bắt nạt thường nhắm tới người hay đi một mình.

Cha mẹ nên làm gì khi con bị bắt nạt ở trường hình ảnh 3

Khuyên con đi chung với nhóm bạn vì những kẻ bắt nạt thường nhắm tới người hay đi một mình
  • Luôn đồng hành, lắng nghe những gì con chia sẻ.
  • Phối hợp với nhà trường, giáo viên để theo dõi, kịp thời ngăn chặn ngay khi xuất hiện hành vi bắt nạt, quấy rối, nói chuyện với những kẻ bắt nạt về hành vi thích hợp hơn và hy vọng chúng lắng nghe.
  • Khuyến khích trẻ tham gia các tổ chức xã hội, câu lạc bộ để có thêm nhiều kỹ năng sống cho mình.
  • Khuyến nghị nhà trường thành lập bộ phận tư vấn tâm lý học đường, thường xuyên mở các lớp chuyên đề, hội thảo, buổi nói chuyện với học sinh về nạn bắt nạt học đường, cung cấp cho trẻ những kĩ năng tâm lý – xã hội cần thiết để giải quyết khi gặp sự cố.
  • Đóng góp ý kiến xây dựng môi trường học đường an toàn, tích cực, tạo ra nền văn hóa của sự tôn trọng, quan tâm giữa những người trẻ tuổi hơn là cạnh tranh, ghen ghét và coi thường nhau.

Ngoài ra, bạn có thể tìm hiểu thêm nhiều cách thức phòng ngừa hiệu quả từ những trung tâm giáo dục kĩ năng sống trẻ vị thành niên, trung tâm phát triển cộng đồng, hoặc từ các phụ huynh khác.



  • nghethuatamnhacsaigon.com

  1. 5 reasons teens become bullies. Đọc thêm tại: <http://www.crchealth.com/youth-programs/5-reasons-teens-become-bullies/>. [Ngày 18 tháng 7 năm 2015].
  2. Bullying in adolescence. Đọc thêm tại: <http://www.csus.edu/indiv/b/brocks/Courses/EDS%20245/Hot%20Sheets/Bullying%20in%20Adolescence.fall%2007.pdf>.[Ngày 18 tháng 7 năm 2015].
  3. Bullying in Schools: Seven Solutions for Parents from Kidpower. Đọc thêm tại: <https://www.kidpower.org/library/article/bullying-in-schools/>. [Ngày 18 tháng 7 năm 2015].
  4. Bullying statistics. Đọc thêm tại: <http://www.bullyingstatistics.org/content/teenage-bullying.html>. [Ngày 18 tháng 7 năm 2015].
  5. Dealing with bullying. Đọc thêm tại: <http://www.helpguide.org/articles/abuse/dealing-with-bullying.htm>. [Ngày 18 tháng 7 năm 2015].
  6. Helping kids dealing with bullies. Đọc thêm tại: <http://kidshealth.org/parent/emotions/feelings/bullies.html>. [Ngày 18 tháng 7 năm 2015].
  7. Stop bullying. Đọc thêm tại: <http://www.stopbullying.gov/what-you-can-do/parents/index.html>.[Ngày 18 tháng 7 năm 2015].
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com