Mẹ không hoàn hảo

Cha mẹ nên làm gì khi thanh thiếu niên uống rượu?

Khi biết thanh thiếu niên uống rượu, cha mẹ hãy nói chuyện thẳng thắn và cởi mở với con về vấn đề này, đồng thời khuyến khích con nói ra suy nghĩ của bản thân. Ngoài ra, cha mẹ có thể nhờ sự giúp đỡ của các bác sĩ hoặc các chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ cai chất gây nghiện này.

Khi biết con uống và nghiện rượu, cách tốt nhất là cha mẹ hãy nói chuyện thẳng thắn và cởi mở với con về vấn đề này, đồng thời khuyến khích con nói ra suy nghĩ của bản thân. Cố gắng không sử dụng những từ quá chói tai hoặc mang tính phán xét. Trong thời gian này, cha mẹ hãy thông cảm với trẻ ở mức nhiều nhất có thể nhé.

Phần lớn các thanh thiếu niên uống rượu, nghiện rượu thường có xu hướng sống tách biệt và không gần gũi với gia đình như trước. Nếu không biết nên làm thế nào hoặc cảm thấy không thoải mái khi nhìn thấy con như vậy, cha mẹ hãy nhờ sự giúp đỡ của các bác sĩ nhi, bác sĩ tâm thần hoặc các chuyên gia tâm lý để được tư vấn thêm.

Việc điều trị nghiện rượu còn phụ thuộc vào mức độ lạm dụng rượu. Nếu trẻ chỉ sử dụng một vài lần, thì tất cả những điều cha mẹ cần làm là nói chuyện và khuyên giải con.

Tuy nhiên, khi con quá lạm dụng rượu thì đây chính là lúc cha mẹ nên đưa con đến gặp bác sĩ hoặc chuyên viên tư vấn (hoặc có thể cả hai). Nếu tình trạng nghiện rượu trở nên nghiêm trọng, trẻ có thể cần được đưa đến trại cai nghiện.

Không ít trẻ sau khi điều trị vẫn bị tái nghiện, tuy nhiên, cha mẹ cần hiểu rằng hồi phục sau cai nghiện là một điều không dễ dàng và đòi hỏi rất nhiều thời gian. Vì vậy, khi con tái nghiện, bạn đừng vội quy chụp rằng con không nỗ lực hoặc đổ lỗi do chương trình điều trị.

Phòng tránh việc thanh thiếu niên uống rượu

Để tránh tình trạng thanh thiếu niên uống rượu, lạm dụng rượu bia, sa đọa vào các tệ nạn xa hội, cha mẹ nên áp dụng những phương pháp sau:

Không nên quá dễ dãi với con. Các chuyên gia cho rằng cha mẹ không nên dễ dãi với con cái trong việc sử dụng rượu bia. Nhiều phụ huynh nghĩ rằng nếu để con uống rượu ở nhà sẽ bớt nguy hiểm hơn là để con ra ngoài uống rượu.

Tuy nhiên, điều này vô tình lại gửi một thông điệp ngầm đến trẻ rằng “Mình được phép uống rượu”. Trẻ được phép uống rượu ở nhà sẽ uống rượu nhiều hơn khi ra ngoài.

Cha mẹ không nên quá dễ dãi với con

Ngược lại, nếu bạn đặt ra những quy định trong việc uống rượu, đồng thời luôn làm gương cho trẻ thì trẻ sẽ có xu hướng uống ít rượu hơn khi ra ngoài. Đôi khi bạn cũng có thể cho phép trẻ uống một ít rượu trong một vài sự kiện của gia đình như năm mới, họp mặt…

Xây dựng mối quan hệ tích cực với con. Các nghiên cứu chỉ ra rằng mối quan hệ tích cực giữa cha mẹ và con cái là một yếu tố quan trọng trong việc bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ sử dụng chất gây nghiện.

Bày tỏ thái độ. Hãy cho con biết rằng cha mẹ sẽ thất vọng, buồn bã như thế nào nếu đứa con yêu thương của mình lạm dụng rượu bia.

Quy tắc và tính nhất quán. Một khi đã xây dựng được mối quan hệ tốt với con cái, cha mẹ hãy cùng con lập ra các quy tắc trong gia đình để hạn chế việc trẻ sử dụng rượu bia, trẻ sẽ thực hiện theo những quy tắc của cha mẹ nếu trẻ cảm thấy hợp lí đấy.

Liên hệ với các bậc phụ huynh khác. Xây dựng mối quan hệ với các phụ huynh khác để biết được nơi trẻ hay tụ tập hoặc trẻ thường làm gì. Quan tâm đến cuộc sống của con trẻ là chìa khóa để giữ an toàn cho các em. Ngoài ra, cha mẹ nên nhớ tuyệt đối không đưa rượu cho con của những người khác nhé.

Hiểu biết về pháp luật. Cha mẹ hãy tìm hiểu các chính sách pháp luật liên quan đến việc uống rượu để có thể hướng dẫn và định hướng cho trẻ.