Nuôi con

Chăm sóc con sau ly hôn

Trẻ có thể bị tổn thương rất nhiều khi cha mẹ ly hôn. Vì vậy, chăm sóc con sau ly hôn là một việc mà cha mẹ cần đặc biệt quan tâm.

Vấn đề ly hôn của cha mẹ không những ảnh hưởng tới chính người trong cuộc mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến con cái, đặc biệt là đối với trẻ ở độ tuổi vị thành niên. Vậy làm sao để cha mẹ có thể giúp trẻ vượt qua khó khăn này?

Bạn có thể tham khảo một số lời khuyên dưới đây về việc chăm sóc con sau ly hôn.

Không nói những điều tiêu cực về vợ/ chồng cũ trước mặt trẻ

Sau khi ly hôn, bạn có thể cảm thấy bị tổn thương và rất giận “người cũ”, vì vậy, bạn có thể sẽ nói những điều không tốt về vợ/chồng cũ trước mặt con trẻ. Tuy nhiên, có một điều không bao giờ thay đổi được đó là “người đó” vẫn sẽ mãi mãi là cha/mẹ của con bạn. Việc chỉ trích hay có những lời lẽ tiêu cực về người cũ sẽ khiến con bạn phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn.

Bên cạnh đó, chưa nói đến những ý kiến và nhận xét của cha mẹ về nhau, chỉ riêng việc ly hôn thôi cũng đã đủ làm cho trẻ cảm thấy bị giằng xé và xáo trộn. Vì vậy, sẽ tốt hơn nếu bạn làm cho trẻ vẫn cảm thấy yêu và tôn trọng cha/mẹ như lúc trước.

Chăm sóc con sau ly hôn

Không nói những điều tiêu cực vợ/chồng trước mặt trẻ

 

Không biến trẻ thành “gián điệp” hay  “người truyền tin”

Rất nhiều cặp vợ chồng sau khi ly hôn có xu hướng giao tiếp với nhau qua con trẻ. Điều này vô tình làm cho trẻ cảm thấy khó xử vì phải đặt mình vào vị trí lựa chọn sự ủy thác giữa cha và mẹ. Vì vậy, bạn đừng bao giờ biến trẻ thành “gián điệp” hay “người truyền tin” nhé. Nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào về chồng cũ hay vợ cũ thì hãy hỏi trực tiếp người ấy.

Trong trường hợp người chồng/vợ không muốn chia sẻ cho bạn về điều đó thì đấy là vấn đề của bạn chứ không phải của trẻ.

Không sử dụng con như một công cụ để “trừng phạt” vợ/chồng cũ

Việc ly hôn chắc chắn sẽ để lại cho bạn một vết thương khó lành, đôi khi có thể kèm theo sự tức giận và hận thù. Nhiều lúc vì thiếu kiểm soát mà bạn có thể mang trẻ ra để “trừng phạt” người chồng/vợ cũ bằng cách không cho chồng/vợ cũ tiếp xúc với con trẻ.

Bạn nghĩ rằng đây là một bài học cho người đã làm tổn thương bạn. Bạn cũng có thể nghĩ rằng “người đó” không xứng đáng để được tận hưởng những phút giây vui vẻ bên trẻ, hoặc có thể bạn muốn làm vậy vì muốn làm cho “người ấy” phải đau khổ.

Tuy nhiên, điều này sẽ vô tình làm tổn thương và ảnh hưởng đến trẻ cũng như người chồng/người vợ cũ của bạn.

Chăm sóc con sau ly hôn hình ảnh 2

Không sử dụng con như một công cụ để “trừng phạt” vợ/chồng cũ

 

Không chia sẻ những điều không cần thiết giữa bạn và vợ/ chồng với con

Trẻ ở độ tuổi vị thành niên vẫn đang từng bước định hình và nuôi dưỡng các mối quan hệ thân mật. Tuy nhiên, việc chia sẻ cho trẻ những điều phức tạp trong các mối quan hệ của người lớn có thể sẽ nằm ngoài khả năng của trẻ, đặc biệt là khi những điều này liên quan đến bố/ mẹ của chúng.

Bạn có thể có cảm giác hoang mang, thất vọng, tổn thương, suy sụp sau khi ly hôn, nhưng tâm sự những điều này với con cái là điều không nên làm. Hãy để trẻ được làm “trẻ con” càng lâu càng tốt. Khi chăm sóc con sau ly hôn, nếu bạn muốn tốt cho con thì cách bạn nên làm là giành thời gian cho trẻ nhiều hơn.

Duy trì những thói quen cũ của gia đình nếu có thể

Hãy đảm bảo trẻ không chỉ có thời gian ở cùng với cả cha mẹ mà còn duy trì nó một cách thường xuyên. Chẳng hạn như những bữa ăn cùng nhau, những hoạt động sau giờ học ở trường… Những điều này sẽ làm cho trẻ giảm bớt căng thẳng, sớm vượt qua khó khăn do sự thay đổi từ việc ly hôn của cha mẹ mang lại.

Ngoài ra, bạn cũng nên sắp xếp cụ thể về thời gian và địa điểm cho trẻ và cha (hoặc mẹ) gặp nhau.

Giúp trẻ mở rộng mối quan hệ

Thông thường, khi các bậc cha mẹ ly hôn thì con cái không chỉ bị mất đi sự hiện diện hằng ngày của người bố hoặc mẹ mà còn có thể mất đi các mối quan hệ họ hàng. Tuy nhiên, một nghiên cứu cho thấy sự động viên của các thành viên họ hàng cũng có thể tác động một cách đáng kể trong việc giúp trẻ vượt qua khó khăn ở giai đoạn này.

Nếu trẻ có mối quan hệ tốt với những người họ hàng bên chồng/vợ thì bạn hãy cứ cho trẻ duy trì mối quan hệ này nhé.

Dạy trẻ cách thích ứng tốt

Mặc dù việc thích ứng với cuộc sống mới đòi hỏi cần nhiều thời gian, tuy nhiên, nếu như bạn biết cách chấp nhận sự thay đổi hay cố gắng để xây dựng cuộc sống mới, trẻ cũng sẽ học được cách làm thế nào để thích ứng với môi trường mới và vượt qua khó khăn trong giai đoạn khủng hoảng sau khi ly hôn của cha mẹ.

Chăm sóc con sau ly hôn hình ảnh 3

Dạy trẻ cách thích ứng tốt

 

Không làm ảnh hưởng đến tình cảm của trẻ và cha/mẹ

Đừng vì cuộc hôn nhân đổ vỡ giữa bạn và vợ/chồng mà làm ảnh hưởng đến tình cảm giữa trẻ và cha/mẹ. Hãy cho trẻ hiểu rằng cả vợ chồng bạn đều luôn yêu thương trẻ và rằng trẻ vẫn có thể yêu thương cả cha lẫn mẹ như trước.

Không nên làm cho trẻ cảm thấy ngượng ngùng hay xấu hổ khi trẻ bày tỏ tình cảm hay vui mừng nếu có bố/mẹ tới thăm. Hãy thể hiện rằng bạn cũng thấy vui khi nhìn thấy trẻ vui như vậy.

Không mang trẻ ra để nói về những lỗi lầm của vợ/ chồng bạn

Đừng bao giờ biến trẻ thành “bia đỡ” khi nói về những lỗi lầm của người vợ/chồng cũ. Hãy gạt bỏ những câu tương tự như “Con thật giống cha của con” ra khỏi suy nghĩ của bạn đi nhé. Những câu nói như thế này có thể khiến trẻ cảm thấy tổn thương đấy!



  • nghethuatamnhacsaigon.com

  1. The divorcing parents’ ten point pact for making the best of the situation. Donald E. Greydanus, MD., F.A.A.P., Editor-in-chief and philipBashe, (eds) 2003, Caring for your teenager, Bantam books, USA
  2. The impacts of divorce on teenagers. Đọc thêm tại: <http://understandingteenagers.com.au/blog/2010/08/the-dos-donts-of-helping-teens-during-divorce/ >.  [Ngày 11 tháng 02 năm 2015]
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com