Chế độ dinh dưỡng cho trẻ ăn chay cũng tương đương với chế độ dinh dưỡng của những người bình thường. Chế độ cho việc ăn chay này có lợi hay có hại cho sức khỏe còn tùy vào lượng dinh dưỡng mà trẻ cung cấp.
Chế độ dinh dưỡng cho trẻ ăn chay cũng tương đương với chế độ dinh dưỡng của những người bình thường. Điều khác biệt duy nhất chính là: những thực phẩm như thịt, thịt gia cầm, cá được thay thế bằng đậu hũ, các loại đậu và các loại hạt. Khi trẻ ăn đa dạng và đủ số lượng các loại thực phẩm, chúng có thể cung cấp đủ protein và tốt cho sức khỏe. Dưới đây là các kiểu ăn chay, cha mẹ có thể tham khảo:
- Ăn chay toàn phần: không ăn bất kì sản phẩm nào từ động vật, kể cả các sản phẩm từ sữa.
- Ăn chay loại 1: không ăn thịt, thịt gia cầm, cá và trứng nhưng dùng các sản phẩm từ sữa trong bữa ăn hằng ngày.
- Ăn chay loại 2: không ăn thịt, thịt gia cầm hoặc cá nhưng ăn trứng và các sản phẩm từ sữa. Những người này dễ dàng ăn uống đủ chất dinh dưỡng.
Vì sao trẻ ăn chay?
Trẻ ăn chay có thể do:
- Quan tâm đến quyền lợi của động vật.
- Niềm tin tôn giáo hay văn hóa.
- Quan tâm về chế độ dinh dưỡng và sức khỏe.
- Do gia đình quyết định .
- Do thích hoặc ghét một số thực phẩm.
Những lợi ích khi trẻ ăn chay?
Chế độ dinh dưỡng cho việc ăn chay có lợi hay có hại cho sức khỏe còn tùy vào lượng dinh dưỡng mà trẻ cung cấp. Nếu ăn uống phù hợp, người ăn chay có thể: giảm nguy cơ bị bệnh tim khi già, bệnh huyết áp thấp, giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư, bệnh tiểu đường và thừa cân.
Khi trẻ ăn chay muốn có cân nặng lý tưởng
Nhiều trẻ ở độ tuổi vị thành niên rất quan tâm đến việc tăng hay giảm cân. Trẻ muốn giảm cân, nhưng lại sử dụng các thực phẩm giàu chất béo hoặc có nhiều đường thì cần thay bằng rau củ, trái cây, ngũ cốc và các loại đậu. Nếu trẻ đang ăn uống lành mạnh, hãy khuyến khích trẻ cố gắng tập thể dục nhiều hơn, như là đi bộ, chạy nhảy hay bơi lội hàng ngày.
Nếu trẻ muốn tăng cân, thì cần ăn nhiều thực phẩm hơn hoặc ăn các thực phẩm giàu calo. Cố gắng ăn nhiều lần trong ngày, mỗi lần ăn một lượng từ ít đến vừa phải. Bởi vì rất khó để đạt lượng dinh dưỡng cần thiết nếu trẻ chỉ ăn một bữa trong ngày.
Nếu trẻ cảm thấy mình không thể kiểm soát hành vi ăn uống hoặc trẻ bị sụt cân quá nhiều, bạn và trẻ có thể nhờ sự trợ giúp từ bác sĩ.
Thức ăn nhanh cho những trẻ bận rộn
Những trẻ bận rộn với việc học và các hoạt động ngoại khóa có thể thường xuyên không đủ thời gian để ăn trưa. Đây là một số thực phẩm cần ít thời gian chuẩn bị, chỉ cần mua và mang theo dùng: táo, cam, chuối, nho, đào, mận; trái cây sấy khô, bánh mì tròn và bơ đậu phộng, cà rốt hoặc cần tây, bỏng ngô, bánh quy, pizza phô mai đậu nành, rau trộn, sữa chua đậu nành, sữa đậu nành, bánh gạo, sandwich.
Một số khuyến nghị về chế độ dinh dưỡng cho trẻ ăn chay
Nếu trẻ ăn chay, cha mẹ cần lưu ý:
- Một chế độ dinh dưỡng cân bằng là một sự lựa chọn cho một lối sống lành mạnh, có thể đảm bảo nhu cầu tăng trưởng và phát triển ở trẻ .
- Trẻ ăn chay toàn phần có thể tiêu thụ các thực phẩm giàu calo để cung cấp cho sự phát triển. Sự tăng trưởng cần được theo dõi chặt chẽ.
- Cần tăng cường sắt trong các giai đoạn phát triển của trẻ, đặc biệt là trẻ ăn chay.
- Cần chú ý bổ sung canxi, thực phẩm có tiền chất axit béo linolenic, cũng như vitamin D.
- Lượng chất xơ nên được giới hạn đến 0,5 g/kg/ ngày để tránh làm loãng calo và tránh ảnh hưởng đến sự hấp thu khoáng chất và các chất dinh dưỡng thiết yếu.
- Trẻ sơ sinh, trẻ em và thanh thiếu niên ăn chay trường nên đảm bảo bổ sung lượng vitamin B12 từ 5 – 10μg mỗi ngày.
- Vegetarian diets in children and adolescents. Đọc thêm tại: <http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2912628/>. [Ngày 31 tháng 8 năm 2015].
- Vegetarian Nutrition for Teenagers. Đọc thêm tại: <https://www.vrg.org/nutrition/teennutrition.htm>. [Ngày 31 tháng 8 năm 2015].
- Vegetarianism in Teens. Đọc thêm tại: <http://www.pamf.org/teen/health/nutrition/veggieteens.html>. [Ngày 31 tháng 8 năm 2015].
- Donald E. Greydanus, MD, FAAP and Philip Bashe (2003). Caring for Your Teenager. Bantam Books. Trang 400 – 401.