Sức khỏe

Cho bé uống nước ép trái cây quá nhiều có hại gì?

Hãy cùng mekhonghoanhao tìm hiểu về nước ép trái cây và những vấn đề về sức khoẻ khi mẹ cho bé uống nước ép trái cây đóng hộp quá mức.

Cơ thể chúng ta cần sự cân bằng giữa các loại vitamin và khoáng chất mỗi ngày bởi nhiều loại trong số chúng không được dự trữ trong cơ thể. Khoáng chất và những vitamin tan trong nước chứa trong các loại trái cây sẽ đi thẳng ra ngoài theo đường nước tiểu nếu cơ thể đã hấp thụ đủ.

Trong trường hợp nhu cầu vitamin và khoáng chất của cơ thể đã được đáp ứng quá mức, việc uống nước trái cây sẽ chẳng bổ hơn uống nước đường đâu mẹ ạ.

Đường và nước là thành phần chính của nước trái cây nguyên chất 100% và nước giải khát trái cây. Lượng đường trong 170ml nước ép trái cây là khoảng 18 – 27g (tùy thuộc vào mỗi loại trái cây), tương đương với 4,5 – 7 muỗng cà phê đường.

Vì vậy, mẹ nhớ để ý đừng cho bé uống quá nhiều loại nước ép này, chúng có thể gây một số tác hại cho bé như sau đấy.

1. Nước ép trái cây có thể làm bé bị sâu răng:

Cho bé uống nước ép trái cây quá nhiều có thể làm hỏng men răng của bé, dẫn đến sâu răng.

Dung nuoc ep trai cay qua nhieu co hai gi hinh anh 1

Bé bị sâu răng khi uống nước ép trái cây đóng hộp quá mức

Sâu răng liên quan đến việc răng tiếp xúc quá nhiều với các loại đường trong nước trái cây hoặc chất tạo ngọt trong nước giải khát và thậm chí cả sữa nữa (nhưng mức độ nhẹ hơn). Thường xuyên cho bé nhâm nhi loại nước này cả ngày hoặc trước khi đi ngủ sẽ làm gia tăng khả năng sâu răng ở các bé đấy.

2. Bé bị đầy hơi và khó chịu ở dạ dày:

Bé dễ bị đau bụng vì hệ tiêu hóa vẫn còn rất non yếu. Ngoài ra, hệ tiêu hóa của những bé dưới 6 tháng tuổi thiếu lượng enzyme tiêu hóa cần thiết để tiêu hóa hàm lượng đường cao trong loại nước giải khát này.

Thậm chí, một lượng nhỏ nước trái cây chứa đường với tỉ lệ fructose/glucose cao (như nước ép táo, lê hoặc mận) hoặc tỉ lệ sorbitol cao (như nước ép lê, mận) có thể khiến một số bé mắc phải tình trạng bụng khó chịu, đầy hơi, khó tiêu.

Ngay cả khi hệ thống tiêu hóa của bé đã trưởng thành rồi cũng vẫn cần giới hạn lượng nước trái cây ép uống mỗi lần, bởi uống quá nhiều có thể khiến bé đau bụng hoặc tiêu chảy.

3. Bé bị tiêu chảy:

Các bé sơ sinh và còn nhỏ đặc biệt rất dễ bị tiêu chảy bởi hệ tiêu hóa còn non yếu. Khi đường trong nước ép không được tiêu hóa tốt, nó không được hấp thụ vào máu mà đi vào ruột già. Trong ruột già, nhờ có chất lỏng và vi khuẩn, đường bị lên men, tạo ra khí ga và phân lỏng (tiêu chảy).

Nước ép trái cây được xem là một phương pháp điều trị táo bón cho bé, tuy nhiên, nếu uống quá nhiều (chẳng hạn như quá 150ml/ngày) có thể gây ra tiêu chảy. Thậm chí bệnh tiêu chảy mãn tính, hay còn gọi là bệnh tiêu chảy ở trẻ biết đi, cũng được cho rằng có liên quan đến việc uống quá mức.

4. Tăng trưởng kém:

Cho bé uống nước ép trái cây quá nhiều có thể làm ức chế sự thèm ăn của bé. Nếu mẹ cho bé uống chúng một cách không giới hạn, rất có khả năng là loại nước này sẽ thay thế cho sữa mẹ, sữa công thức và cả những thức ăn bổ dưỡng khác – vốn là những thứ vô cùng cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển khỏe mạnh của bé.

5. Béo phì:

Trong một số trường hợp, bé uống quá nhiều nước ép (hơn 350ml/ngày) khiến lượng calo nạp vào cơ thể tăng lên, dẫn đến béo phì.

Dung nuoc ep trai cay qua nhieu co hai gi hinh anh 2

Uống quá nhiều nước ép trái cây có thể bị béo phì

Nước ép trái cây có chỉ số đường huyết cao (nghĩa là tỷ lệ phần trăm cao của các loại đường đơn trong nước ép có thể làm tăng hàm lượng đường trong máu một cách nhanh chóng). Sự gia tăng lượng đường trong máu sẽ kích thích sự phóng thích insulin vào trong máu. Nồng độ insulin cao sẽ thúc đẩy việc lưu trữ chất béo cũng như làm tăng cảm giác đói.

6. Bé bị suy dinh dưỡng:

Với chế độ ăn uống mất cân bằng, bé có thể bị thiếu cân, thừa cân hoặc thậm chí có số cân nặng “chuẩn” nhưng vẫn bị suy dinh dưỡng. Nước ép trái cây và nước giải khát trái cây chứa nhiều đường đơn trong khi lại thiếu carbohydrate phức hợp, protein, chất béo, chất xơ và chứa rất ít khoáng chất như sắt, canxi, kẽm.

Uống nhiều loại nước này có thể khiến bé bị thiếu những chất dinh dưỡng thiết yếu, dẫn đến suy dinh dưỡng hoặc thiếu máu. Đấy là chưa kể, bé uống quá nhiều nước ép trái cây có thể sẽ không uống đủ sữa – vốn là nguồn cung cấp canxi và vitamin D cho bé.

7. Không thích uống nước lọc:

Nước đóng vai trò rất quan trọng trong một chế độ ăn uống lành mạnh. Thế nhưng, ngày càng có nhiều bé thích uống những loại nước chứa đường thay vì nước lọc.

Khi bắt đầu ăn dặm, cho bé uống nước là việc rất cần thiết để duy trì lượng nước cân bằng trong cơ thể. Theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng, mẹ nên pha loãng nước ép trái cây để cung cấp cho bé nhiều nước hơn, bởi các bé sơ sinh và bé còn nhỏ thường có xu hướng thích vị ngọt của nước trái cây hơn là nước lọc. Nếu mẹ chỉ cho bé uống mỗi sữa và nước lọc, bé sẽ có khả năng dễ dàng chấp nhận nước lọc hơn.

8. Không thích ăn trái cây nguyên quả:

Trái cây nguyên quả cung cấp nhiều chất dinh dưỡng hơn so với nước ép trái cây. Việc quá phụ thuộc vào nước ép sẽ không giúp trẻ phát triển thói quen ăn trái cây nguyên quả.

Theo một nghiên cứu gần đây về chế độ ăn uống và thói quen dinh dưỡng của trẻ em trong độ tuổi từ 4 đến 18, trung bình các bé ăn ít trái cây và rau củ hơn một nửa so với khẩu phần khuyến cáo (5 khẩu phần/ngày), đồng thời, cứ 5 bé thì có 1 bé không hề ăn bất kỳ loại trái cây nào.

Xem thêm:
Những lưu ý khi mẹ cho bé dùng nước ép trái cây
Nước ép trái cây cho trẻ – Câu hỏi thường gặp




  1. Rowena Bennett, Fruit Juice. Đọc thêm tại: <http://www.babycareadvice.com/babycare/general_help/article.php?id=88>. [Ngày 27 tháng 5 năm 2015
  2. Baby food: Juices and shakes. Đọc thêm tại: < http://www.babycenter.in/a1015430/baby-food-juices-and-shakes>. [Tháng 4 năm 2012]
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com