Nuôi con

Con bị bắt nạt – Hãy hành động ngay đừng chần chờ

Là cha mẹ sẽ có lúc bạn cảm thấy bức bối và bất lực khi thấy con bị bắt nạt. Cuộc sống của trẻ em lẽ ra phải đầy thú vị, hào hứng, chứ không phải chìm trong nỗi sợ như vậy. Và có thể bạn nghĩ cách giải quyết đơn giản là con hãy cứ mặc kệ những kẻ bắt nạt, chúng sẽ chán và chuyển sang các nạn nhân khác?

Sự tự tin sẽ giảm sút nếu trẻ liên tục bị bạn bè bắt nạt ở trường

Thế nhưng cách mặc kệ này không đơn giản với con chút nào. Việc bị liên tục cách li, nghỉ chơi hay bị ức hiếp bởi một bạn (hay thậm chí nhiều bạn) có thể dần dần bào mòn lòng tự trọng của trẻ. Cảm giác bất lực sẽ dần dần chiếm hữu cảm giác tự tin, và trẻ sẽ cảm thấy không thể thoát ra được, không làm được gì để thay đổi cảnh con bị bắt nạt hành hạ hằng ngày ở trường.

Đó là lý do vì sao bạn nên luôn lắng nghe một cách nghiêm túc và cẩn trọng khi con nói mình bị bắt nạt. Hãy nhớ rằng trẻ đã phải thu hết dũng cảm mới dám thừa nhận mình bị bắt nạt với bạn, và trẻ sẽ rất sợ nếu kẻ bắt nạt biết trẻ mách với người lớn.

Cùng con đối phó với tình trạng bắt nạt ở trường

Hãy trấn an con rằng bạn sẽ giữ bí mật. Lắng nghe những gì con kể, đừng làm con cảm thấy ngớ ngẩn và cho con biết bạn hiểu vấn đề mà con đang gặp. Trẻ sẽ cảm thấy tự tin hơn ngay khi biết mình có được sự ủng hộ của cha mẹ.

con-bi-bat-nat-hay-hanh-dong-ngay-dung-chan-cho-hinh-anh

Lắng nghe những gì con chia sẻ và thể hiện sự đồng cảm của bạn

Sau đó bạn hãy cho trẻ một vài lời khuyên thiết thực khi con bị bắt nạt như:

  • Hãy thuyết phục trẻ bỏ đi chỗ khác khi thấy kẻ bắt nạt tiến đến chỗ mình. Thường trẻ sẽ nghĩ việc bỏ đi này là hèn nhát quá, dù trên thực tế đây là một việc hoàn toàn bình thường dễ hiểu.
  • Khi trẻ bỏ đi khỏi “khu vực nguy hiểm”, trẻ không nên chạy mà nên di chuyển chậm rãi.
  • Khuyến khích trẻ phản ứng lại với những lời dọa dẫm của kẻ bắt nạt càng ít càng tốt. Ý định chế giễu, ức hiếp có thể sẽ giảm dần khi nạn nhân không phản ứng lại, có thái độ thờ ơ với việc bị bắt nạt. Việc lờ đi những đe dọa bằng lời nói hay vũ lực là một việc không dễ dàng, nhưng bạn có thể giúp trẻ làm được. Hãy tập cho con bằng cách chơi đóng vai ở nhà.
  • Đừng khuyến khích trẻ chống cự lại bạn. Việc trả đũa, mặc dù nghe rất hấp dẫn, nhưng lại có những mặt hạn chế không nhỏ: đầu tiên, trẻ có thể bị bạn đánh khá nặng; và thứ hai, nếu bạn ủng hộ bạo lực, trẻ sẽ nghĩ đây là cách thích hợp để giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống sau này.

con-bi-bat-nat-hay-hanh-dong-ngay-dung-chan-cho-avt-hinh-anh2

Cha mẹ nên làm gì khi con bị bắt nạt?

  • Thay vì vậy, hãy khuyên trẻ hòa vào đám đông với các bạn khác, nhất là trong giờ chơi, vì những kẻ bắt nạt thường chọn những nạn nhân đang ở một mình. Do đó ở chung với những bạn khác giúp giảm thiểu khả năng trẻ bị ức hiếp.
  • Giúp phát triển ngôn ngữ cơ thể của trẻ trở nên tích cực hơn. Trẻ thường xuyên trông có vẻ sợ hãi vì phải hay xem chừng kẻ bắt nạt đang ở đâu sẽ dễ bị bắt nạt hơn. Hãy dạy con đi và đứng với dáng người tự tin và tự chủ. Ví dụ, trẻ nên bước đi, 2 vai giữ ra sau, thẳng lưng và mắt nhìn thẳng chứ không nhìn xuống đất. Trẻ cũng nên tập giữ nét mặt thư giãn, có thể tập kèm theo một nụ cười.

Nhưng cuối cùng, bạn vẫn phải làm việc với giáo viên, hoặc người chịu trách nhiệm nhóm trẻ. Hầu hết các trường đều có những cách giải quyết để loại bỏ tình trạng bắt nạt trên. Hãy đặt một cuộc hẹn kín đáo, và thảo luận về những quan ngại của bạn.

Có thể giáo viên hoặc nhân viên trong trường đã không để ý, và bạn cần làm họ để ý hơn. Nhưng hãy đảm bảo rằng họ không được công khai danh tính con bạn. Hãy hỏi hiệu trưởng, hoặc người đứng đầu về cách xử lý cụ thể việc con mình bị bắt nạt nếu kẻ bắt nạt chính là bảo mẫu hoặc giáo viên trong trường. Nếu bạn quen biết cha mẹ của kẻ bắt nạt, có thể bạn sẽ muốn gặp gỡ riêng để trao đổi về hành vi của con họ. Nhưng tốt nhất, hãy cứ để nhân viên, giáo viên trong trường làm việc này sẽ tốt hơn.

Ba mẹ có thể tham khảo thêm bài Cha mẹ nên làm gì khi con bị bạn bè bắt nạt để biết cách xử lý và hỗ trợ khi con yêu gặp khó khăn nhé!



  • nghethuatamnhacsaigon.com

  1. Richard Woolfson, 2015, Your preschooler bible, Octopus Publishing Limited, 2nd edition, page 138.  [Ngày 06 tháng 8 năm 2015]
  2. Is Your Child Being Bullied? 9 Steps You Can Take as a Parent. Đọc thêm tại: <https://www.empoweringparents.com/article/is-your-child-being-bullied-9-steps-you-can-take-as-a-parent/>. [Ngày 06 tháng 8 năm 2015]
  3. My Child is Being Bullied—What Should I Do? Đọc thêm tại: <https://www.empoweringparents.com/article/my-child-is-being-bullied-what-should-i-do/>. [Ngày 06 tháng 8 năm 2015]
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com