Mang thai

Cùng mẹ vượt qua nỗi lo mệt mỏi khi mang thai 3 tháng đầu

Mệt mỏi khi mang thai 3 tháng đầu thường khiến mẹ khó chịu, đặc biệt các mẹ mang thai lần đầu còn cảm thấy lo lắng nữa. Nhưng chẳng có gì lạ nếu 3 tháng đầu thai kỳ mẹ cảm thấy mệt mỏi, đó chỉ là dấu hiệu cảnh báo mẹ cần nghỉ ngơi, thư giãn nhiều hơn thôi. Một vài mẹo nhỏ sau sẽ giúp ích cho mẹ.

1. Tại sao mẹ lại mệt mỏi khi mang thai 3 tháng đầu?

Bạn không thể nhấc đầu dậy khỏi gối vào mỗi buổi sáng? Bạn ì ạch kéo lê đôi chân của mình cả ngày thay vì nhấc mỗi bước chân cho đàng hoàng? Bạn ngã dụi vào giường ngay khi về tới nhà? Sự tháo vát, nhanh nhẹn ngày nào giờ đã biến đâu mất và hoàn toàn chưa có kế hoạch quay trở lại với bạn?

Thật ra việc mệt mỏi khi mang thai 3 tháng đầu chả có gì đáng ngạc nhiên hay lo ngại cả. Bởi vì sao?

Đơn giản bởi vì bạn đang mang thai, thế thôi. Cơ thể của bạn đang phải làm việc hết công suất trong công cuộc “chế tạo em bé” đấy. Khi bạn ngồi không chả làm gì cả, cơ thể của bạn cũng phải vận động cật lực còn hơn cả người bình thường chạy marathon cơ.

Cùng mẹ vượt qua nỗi lo mệt mỏi khi mang thai 3 tháng đầu

Mệt mỏi khi mang thai 3 tháng đầu khiến nhiều mẹ lo lắng

Thời điểm này, cơ thể của mẹ đang trong quá trình tạo ra nhau thai – hệ thống hỗ trợ sự sống cho thai nhi. Cho đến tận cuối tam cá nguyệt thứ nhất (cuối 3 tháng đầu tiên của thai kỳ) thì nhau thai mới phát triển hoàn thiện cơ.

Bên cạnh đó, nồng độ hormone trong cơ thể mẹ cũng tăng lên đáng kể, điều này đồng nghĩa với việc cơ thể mẹ phải sản xuất ra nhiều máu hơn, tim đập nhanh hơn, lượng đường trong máu giảm, quá trình trao đổi chất đốt cháy năng lượng liên tục (thậm chí ngay cả khi mẹ đang nằm ườn chả làm gì cả), cơ thể sử dụng nhiều nước và chất dinh dưỡng hơn.

Đấy là chưa kể đến khả năng cân bằng nhu cầu tinh thần và thể chất của mẹ bị suy yếu đi và cơ thể mẹ phải gắng sức điều chỉnh vấn đề này nữa. Và kết quả là mẹ sẽ cảm thấy mệt mỏi khi mang thai 3 tháng đầu, tương tự như mẹ đang tham gia thi đấu thể thao 3 môn phối hợp ấy.

>> Những thay đổi khi mang thai tháng thứ 3 của mẹ bầu

>> Bụng bầu to nhanh khi mang thai tháng thứ 3

Điều đáng mừng là vào khoảng tháng thứ 4, nhiệm vụ nặng nề – hình thành nhau thai được hoàn tất và cơ thể mẹ cũng đã kịp thích nghi với những thay đổi về nội tiết tố và tâm lý do mang thai, mẹ sẽ cảm thấy đỡ mệt mỏi hơn nhiều.

Để biết rõ những thay đổi của mình cũng như của bé sau đó, mẹ xem thêm:

>> Những thay đổi của mẹ bầu khi mang thai tháng thứ 4

>> Sự phát triển của thai nhi tháng thứ 4

2. Mẹo nhỏ giúp mẹ giảm mệt mỏi khi mang thai 3 tháng đầu

Một số mẹo nhỏ sau sẽ giúp mẹ phần nào khắc phục được tình trạng mệt mỏi khi mang thai 3 tháng đầu:

Chăm sóc bản thân
Nếu là lần mang thai đầu tiên, các mẹ hãy xem đây là cơ hội “ngàn năm có một” để tập trung chăm sóc bản thân tốt nhất có thể mà chả cần đắn đo. Còn nếu mẹ đã có một vài bé rồi, mẹ sẽ phải chia nhỏ sự quan tâm của mình ra đấy.

Tuy nhiên, các mẹ nên nhớ rằng trong giai đoạn này nghỉ ngơi là quan trọng nhất. Mẹ không cần phải cố lau chùi nhà cửa sạch bong hay chuẩn bị bữa cơm tối đạt chuẩn nhà hàng làm gì. Hãy cứ để bát đĩa đó từ từ rửa sau, và cứ phớt lờ những hạt bụi dưới gầm bàn.

Hay thay vì đến tận cửa hàng tạp hóa, mẹ cũng có thể đặt hàng trực tuyến để được giao tận nhà. Và mẹ cũng nên đi dạo thường xuyên nữa. Trước nay mẹ là kiểu người luôn tay luôn chân? Thế thì đây là dịp để mẹ thử làm một người lười biếng xem sao đấy!

Hãy để mọi người quan tâm chăm sóc mẹ
Trước khi mang thai mẹ đã một tay gánh vác hết việc nhà rồi đúng không? Vậy thì đây chính là lúc bố cần thực hiện nghĩa vụ cao cả của mình – gánh vác bớt việc nhà cho mẹ (tốt nhất là hơn 50% nhá), và nhớ là bao gồm cả những việc đậm chất phụ nữ như giặt giũ và đi chợ đó.

Cùng mẹ vượt qua nỗi lo mệt mỏi khi mang thai 3 tháng đầu hình ảnh 2

Hãy nhờ chồng gánh vác bớt việc nhà đi nhé

Bạn cũng đừng cản mẹ chồng nếu bà muốn lau nhà, quét nhà hộ. Và hoàn toàn có thể nhờ cô bạn thân mua sắm vài món cần thiết nếu cô ấy tiện đường. Đấy, cứ như thế, bạn đã tiết kiệm được một mớ năng lượng để lê bước ra ngoài đi dạo rồi đó.

Thư giãn, thư giãn và thư giãn…
Một trong những cách giúp bạn cảm thấy giảm bớt sự mệt mỏi khi mang thai, đó chính là thư giãn. Cứ đến cuối ngày là cái cảm giác mệt mỏi khi mang thai lại khiến bạn cảm thấy hoàn toàn kiệt sức. Dấu hiệu mệt mỏi này là đang cảnh báo bạn cần phải nghỉ ngơi, thư giãn ấy.

Với những bạn làm việc văn phòng, việc nằm nghỉ trưa nghe có vẻ bất khả thi. Trong trường hợp này, bạn có thể ngồi nghỉ tại chỗ, gác chân lên bàn sao cho thật thoải mái vào giờ trưa (với điều kiện phòng của bạn toàn nhân viên nữ) và bạn nhớ cân đối thời gian để ăn trưa nữa đó.

Cùng mẹ vượt qua nỗi lo mệt mỏi khi mang thai 3 tháng đầu hình ảnh3

Thư giãn giúp giảm mệt mỏi khi mang thai

Hãy là một bà mẹ lười biếng
Đây không phải là lần mang thai đầu tiên và bạn còn có mấy đứa trẻ nữa để chăm sóc?

Chắc hẳn cảm giác mệt mỏi khi mang thai sẽ trở nên khó chịu hơn hẳn vì bạn chẳng có nhiều thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn. Thậm chí có khi bạn còn chẳng nhận ra mình đang mệt mỏi bởi bạn đã quá quen với sự mỏi mệt hoặc quá bận rộn. Thực sự mà nói, thật không dễ dàng gì để có thể chăm sóc bản thân trong khi những đứa con cũng đang cần sự quan tâm từ bạn.

Trường hợp này, bạn hãy cố gắng giải thích cho chúng hiểu rằng mang em bé trong bụng khiến bạn mệt mỏi dường nào, rằng chúng hãy giúp bạn làm một ít việc nhà để bạn có thời gian nghỉ ngơi. Thay vì phải chạy đi chạy lại trông nom chúng từ sân chơi cho đến giường ngủ, bạn hãy thuyết phục chúng chơi những trò nhẹ nhàng, yên tĩnh hơn như đọc sách, xem phim, giải câu đố hoặc chơi trò bệnh nhân – bác sĩ chẳng hạn. Buổi trưa, khi lũ trẻ nằm ngủ, bạn cũng có thể tranh thủ chợp mắt được đôi chút.

Ngủ nhiều hơn mẹ ơi
Chỉ cần tắt ti vi sớm vào buổi tối và nhờ bố làm giúp bữa sáng là mẹ đã có thể kéo dài giấc ngủ của mình hơn một chút rồi đó. Ngủ nhiều hơn dù chỉ 1 tiếng đồng hồ cũng có thể giúp mẹ cảm thấy ổn hơn vào sáng hôm sau rồi. À, nhưng các mẹ nhớ là đừng ngủ nhiều quá đà nhé, chúng sẽ khiến các mẹ uể oải, mệt mỏi hơn đó.

Ăn uống đầy đủ
Để đảm bảo cơ thể có đủ năng lượng, các mẹ cần phải “nạp nhiên liệu” thật chuẩn. Cụ thể, mẹ cần nạp đủ lượng calo mỗi ngày, việc này nói dễ hơn làm bởi mẹ sẽ bị những cơn buồn nôn làm phiền đấy, mẹ cần phải cố gắng nhiều mới được ^^. Mẹ cần tập trung vào các món chứa những chất cung cấp năng lượng lâu dài như protein, carbonhydrate phức hợp, sắt.

>> Bổ sung sắt cho bà bầu đúng cách

>> Bổ sung vitamin tổng hợp cho bà bầu trong 3 tháng đầu thai kỳ

>> Điểm danh những thực phẩm giàu protein cho bà bầu

>> Bạn mang bầu? Hãy bổ sung những loại rau củ này

Cùng mẹ vượt qua nỗi lo mệt mỏi khi mang thai 3 tháng đầu hình ảnh 5

Đảm bảo cơ thể được nạp đủ năng lượng mỗi ngày

Các mẹ cũng đừng lầm tưởng rằng caffeine và đường có thể cung cấp năng lượng tức thì. Thực chất, chúng chỉ vực dậy cơ thể được một chốc, sau đó lượng đường trong máu tăng cao khiến mẹ sẽ có cảm giác bị “tuột dốc không phanh”, mệt mỏi hơn rất nhiều (đấy là chưa kể một vài loại thức uống tăng lực đóng chai có chứa chất dành cho người ăn kiêng, không an toàn cho mẹ bầu tí nào).

Chia nhỏ bữa ăn
Kiểm soát lượng đường trong máu tốt không chỉ là cách giúp mẹ giảm bớt mệt mỏi khi mang thai, mà nó còn giúp mẹ duy trì năng lượng ổn định cho cơ thể. Vậy nên dù mệt mỏi khi mang thai 3 tháng đầu, mẹ cũng không nên bỏ bữa mà có thế áp dụng chế độ chia nhỏ bữa ăn ra 6 bữa/ ngày (nên chọn thực phẩm chứa chất cung cấp năng lượng lâu dài như protein và carbohydrate phức hợp).

Đi bộ
Đi dạo công viên, tập thể dục/yoga dành cho bà bầu hay thậm chí đi chợ là việc mẹ rất nên làm bởi vì nằm ườn quá nhiều mà không vận động sẽ khiến mẹ mệt mỏi hơn. Tuy nhiên, đừng nên luyện tập quá sức. Mẹ nên dừng lại ngay khi cảm thấy tràn trề năng lượng chứ không phải đợt đến khi kiệt sức nhé.

Kể từ tháng thứ 4 trở đi, triệu chứng mệt mỏi khi mang thai của mẹ sẽ giảm đi ít nhiều, thế nhưng chúng sẽ trở lại với mẹ ở tam cá nguyệt cuối đấy. Có lẽ đây là cách mà cơ thể tập cho mẹ làm quen với những đêm dài mất ngủ – nỗi khổ mà mẹ phải đương đầu khi bé ra đời đây mà.



  • nghethuatamnhacsaigon.com

  1. Heidi Murkoff and Sharon Mazel, What to expect when you’re expecting, 4th edition, Workman publishing New York, 2008, page 127- 129
  2. First trimester pregnancy: What to expect.  Đọc thêm tại: <http://www.mayoclinic.org/healthy-living/pregnancy-week-by-week/in-depth/pregnancy/art-20047208>. [Ngày 22/4/2014]
  3. Fatigue during pregnancy. Đọc thêm tại: <http://americanpregnancy.org/your-pregnancy/fatigue-during-pregnancy/>. [Tháng 8/2013]
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com