Sức khỏe

Đau bụng ở trẻ em: Ba mẹ chớ coi thường!

Ba mẹ đừng nên bỏ qua các triệu chứng đau bụng ở trẻ em mà cần tập trung theo dõi con cẩn thận hơn. Biết đâu trẻ đau bụng là do một bệnh nghiêm trọng hơn như: colic, lồng ruột, nhiễm trùng đường ruột, táo bón, nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm họng liên cầu khuẩn, viêm ruột thừa,…

Đau bụng ở trẻ em: Ba mẹ chớ coi thường!

“Hôm rồi, Bi bị đau bụng bên phải, cứ xoa xoa bụng và khóc quấy. Nghĩ bệnh xoàng trẻ con, đau bụng là chuyện hàng ngày, một chốc sau sẽ tự khỏi nên mẹ cũng chủ quan, chỉ xoa dầu và dỗ cho con nín. May mà ba về kịp thấy con khóc liên tục nên kiên quyết bế xốc con chở đi khám mới biết rằng con bị viêm ruột thừa. Sau khi phẫu thuật cắt bỏ, nhìn con nằm thiêm thiếp trong phòng hậu phẫu mà mẹ vẫn còn thấy sợ, may mà con vẫn còn ở lại với mẹ Bi ơi.”

Bởi thế, các ba mẹ cần trang bị kiến thức, đừng để con mình chết vì mình thiếu hiểu biết, khó nhất là các bé dưới 2 tuổi vì bé đâu biết mô tả mình đang bị sao, đau chỗ nào mà chỉ biết khóc, co chân và xì, ợ hơi…khi đau.

Nếu đau bụng ở trẻ em kéo dài khoảng từ 3-5 tiếng trở lên kèm theo các triệu chứng bất thường như sốt, đau họng, chán ăn… thì có thể là dấu hiệu của một bệnh trạng nghiêm trọng như colic, lồng ruột, nhiễm trùng đường ruột, táo bón ở trẻ, nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm họng liên cầu khuẩn, viêm ruột thừa, nhiễm độc chì, dị ứng sữa, rối loạn cảm xúc.

 

tre-bi-dau-bung-cho-coi-thuong-hinh-anh1
Để xác định nguyên nhân gây đau bụng ở trẻ em ba mẹ cần có hiểu biết về cấu tạo khoang bụng.

Những nguyên nhân gây đau bụng ở trẻ em

Đau bụng ở trẻ sơ sinh có thể do một vài nguyên nhân sau:

1. Colic
Cơn đau do co thắt ở bé sơ sinh hay hội chứng trẻ khóc quấy. Một bé sơ sinh khoảng 10 ngày đến 3 tháng tuổi khóc quấy dai dẳng, có khi khóc đến 3 giờ liên tục và không ngừng co chân lên, bụng đầy hơi, ợ hơi hoặc đánh rắm vào chiều hoặc chiều tối, vậy là bé bị Colic rồi. Sau vài tuần hầu hết các bé sẽ tự khỏi mà không cần can thiệp y khoa nhé. Hiện tượng này dân gian gọi là khóc dạ đề.

Vì nguyên nhân của hiện tượng chưa giải thích được nên mẹ chỉ có thể giúp bé dễ chịu, ít khóc quấy hơn thôi. Bằng cách nào, các mẹ có thể tự chọn như:

  • Không cho bé bú nhiều quá (sau 2.5h đến 3h bú 1 lần là vừa).
  • Cho bé nằm úp bụng trên chân mẹ và xoa lưng bé, hoặc đung đưa nhẹ.
  • Đưa bé đi dạo trên xe đẩy hoặc địu bé đi chơi.
  • Quấn mền giữ ấm.
  • Cho bé ngậm núm vú giả.

Một vài bé bị Colic có biểu hiện đầy hơi do nuốt quá nhiều khí trong khi khóc quá nhiều, nên mẹ có thể áp dụng vài phương pháp để giảm đầy hơi cho bé:

  • Với các bé bú mẹ hoàn toàn, mẹ cố gắng giảm bớt một số thức ăn như café, hành, bắp cải, sữa và các chế phẩm từ sữa.
  • Với các bé bú bình, mẹ có thể chuyển sang sữa thủy phân và dùng bình chống colic để giảm lượng khí bé nuốt vào trong khi bú.
  • Mỗi khi bé bú xong khoảng 1 nửa số lượng hoặc giữa các lần chuyển bầu vú đối với bé bú mẹ, mẹ cho bé ợ hơi để đỡ đầy hơi.

 

tre-bi-dau-bung-cho-coi-thuong-hinh-anh2
Mẹ đừng quên cho bé ợ sau khi bú được 1 nửa lượng sữa hoặc khi bé bú xong 1 bầu vú nhé!

>> Colic – Trẻ quấy khóc do co thắt nên làm gì?

2. Lồng ruột
Bé đang chơi vui, đột nhiên khóc thét lên và đau từng cơn, đau gập chân về phía bụng thì có thể nghĩ đến chứng lồng ruột ngay. Sau đó, bé cũng có thể bị nôn mửa kèm theo đi ngoài ra phân màu đen, nhầy và có máu.

Lồng ruột là một bệnh hiếm gặp ở trẻ, xảy ra khi một đoạn ruột lồng trong vào một đoạn ruột khác gây tắc nghẽn khiến đau bụng ở trẻ nhỏ (thường xảy ra ở trẻ từ 8-14 tháng tuổi nhưng trẻ lớn hơn vẫn có thể bị). Bệnh thường gặp ở bé trai nhiều hơn gái và bé mũm mĩm nhiều hơn bé gầy ốm.

Ngay khi thấy những biểu hiện của bệnh, gia đình nên mang bé đi bác sĩ gấp. Bác sĩ sẽ kiểm tra bằng cách vừa soi X-quang vừa bơm hơi vào ruột với áp lực vừa phải hay đưa dung dịch lỏng chứa chất huỳnh quang Barium bơm vào hậu môn và  lên ruột để để nhận diện các thay đổi trên thành ruột dễ dàng.

Những bước kiểm tra này không chỉ cho phép chẩn đoán mà còn khiến thông ruột với các bé. Nếu gia đình mang bé đến bệnh viện muộn khi các đoạn ruột lồng đã rất sâu, gây sưng và tắc nghẽn mạch máu, nhiễm trùng, hoại tử, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật cho bé.
>> Trẻ bị lồng ruột chớ có coi thường

3. Nhiễm trùng đường ruột
Khi bé tiêu chảy và có lúc đi cùng nôn ói, bụng đau rồi hết, đau rồi hết là có khi bé bị nhiễm trùng đường ruột (Viêm dạ dày ruột ở trẻ) bởi virus hoặc vi khuẩn rồi. Hầu hết các ca đau bụng do vi rút thường tự khỏi sau hơn 1 tuần mà không cần can thiệp gì, bụng cũng chỉ đâu 1-2 ngày rồi hết. Ba mẹ chỉ có thể giúp cơ thể bé có sức đề kháng cao hơn thông qua dinh dưỡng, vitamin và thuốc hỗ trợ.

Trường hợp trẻ bị nhiễm trùng gây ra bởi ký sinh trùng Giardia lamblia  thì các cơn đau lặp đi lặp lại khắp bụng và có thể kéo dài hơn một tuần khiến bé chán ăn và sút cân. Khám bác sĩ để kê đơn thuốc phù hợp để trị kí sinh trùng này và triệu chứng đau bụng luôn.

Những trẻ lớn hơn bị đau bụng do đâu?

1. Táo bón
Bé hơn 1 tuổi, đau bụng dưới nhiều, phân có kích thước lớn, rắn và khô cứng, có khi có máu và thường ba hay bốn ngày mới đi ngoài một lần chính là táo bón. Táo bón cũng có thể xảy ra với bé sơ sinh nhưng ít hơn nhiều. Với bé lớn hơn 1 tuổi hoặc khi bé bắt đầu ăn dặm, chế độ ăn của trẻ thiếu  nước, trái cây tươi và rau củ quả, chất xơ của bé dễ gây táo bón.
>> Tìm hiểu nguyên nhân và triệu chứng khiến trẻ bị táo bón
>> Trẻ bị táo bón ở tuổi mẫu giáo

Để giúp trẻ hết táo bón, bên cạnh cho trẻ ăn một chế độ ăn uống hợp lý, mẹ nên cho trẻ uống nhiều nước, tăng chất xơ trong khẩu phần và vận động đều đặn hàng ngày. Khi bé bị táo bón, mẹ có thể giúp bé massage nhẹ nhàng vùng bụng cho bé dễ chịu, đi ngoài nhanh hơn.
>> Cách trị táo bón cho trẻ – chuyện nhỏ í mà

2. Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTIs)
Bé gái từ 1- 5 tuổi thường mắc bệnh này hơn các bé dưới 1 tuổi. Bé sẽ cảm thấy khó chịu ở vùng bụng và bàng quang, cảm giác đau buốt khi đi tiểu, đi tiểu thường xuyên, và có thể đái dầm nữa. Bé ít khi sốt khi bị nhiễm trùng đường tiết niệu. Khi bé có các biểu hiện này, bố mẹ nên đưa bé đến bác sĩ để khám.

Nếu bác sĩ kết luận bé bị nhiễm trùng đường tiết niệu, bé sẽ được cho uống thuốc kháng sinh. Sau khi hết nhiễm trùng, bé sẽ không còn đau bụng nữa.

 

tre-bi-dau-bung-cho-coi-thuong-hinh-anh3

Khi trẻ bị đau bụng, ba mẹ nên đưa con đến bác sĩ vì triệu chứng có thể do nhiều nguyên nhân nguy hiểm khác.

>> Cảnh giác với nhiễm trùng đường tiết niệu ở trẻ em
>> Nhiễm trùng đường tiết niệu ở trẻ em: Chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa 

3. Viêm họng liên cầu khuẩn
Bé lớn hơn ba tuổi bị đau họng, sốt và đau bụng, bố mẹ có thể nghi ngờ con đã bị nhiễm Viêm họng liên cầu khuẩn, gây ra bởi vi khuẩn có tên gọi Streptococci (liên cầu khuẩn). Bé còn có thể nôn và nhức đầu nữa.
>> Trẻ bị đau họng

Khi đưa con đi khám, bác sĩ sẽ khám bé và dùng tăm bông phết lấy mẫu họng để soi bằng kính hiển vi xem có vi khuẩn Streptococci trong đó không. Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ sẽ cho bé uống kháng sinh.
>> Trẻ bị đau họng: Chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa

4. Viêm ruột thừa
Tuy viêm ruột thừa rất hiếm gặp và không phổ biến ở bé dưới 5 tuổi nhưng rất khó để nhận biết nếu bé dưới 3 tuổi mắc phải vì bé không biết mô tả đau ở đâu mà chỉ biết khóc, bỏ ăn mà thôi.

Dấu hiệu nhận biết viêm ruột thừa là đau ở xung quanh rốn rồi lan dần xuống phía dưới và hố chậu bên phải. Sau vài giờ, bé có thể ói mửa, chán ăn, sốt nhẹ dưới 39oC. Khi phát hiện các biểu hiện này, bố mẹ mau chóng đưa bé đến bệnh viện theo dõi và phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa nếu được bác sĩ chỉ định.

5. Nhiễm độc chì
Nhiễm độc chì có thể xảy ra khi môi trường sống của trẻ có chứa nhiều chì (sơn chì dành cho ngôi nhà, hay đồ chơi có sơn chì,…). Khi bị nhiễm độc chì trẻ sẽ có các triệu chứng như: đau bụng, táo bón, khó chịu (trẻ sẽ quấy khóc và rất khó dỗ), chán ăn, chán chơi, buồn ngủ, co giật.

Nếu trẻ đã tiếp xúc với sơn chì hoặc ăn các vụn sơn, hay có bất cứ triệu chứng nào nghi nhiễm độc chì, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ để kiểm tra.

Mẹ cần lưu ý khi chọn đồ chơi cho bé nên chọn các sản phẩm an toàn (lượng chì trong khoảng mức độ cho phép).
>> Nhiễm độc chỉ – Mối nguy hiểm rình rập ở trẻ em
>> Chẩn đoán và điều trị nhiễm độc chì ở trẻ em

6. Dị ứng sữa
Dị ứng sữa là phản ứng của trẻ với protein trong sữa, có thể gây nên đau quặn bụng, thường kèm theo nôn mửa, tiêu chảy, phát ban.

 

tre-bi-dau-bung-cho-coi-thuong-hinh-anh4
Đau bụng ở trẻ em có thể do dị ứng sữa gây ra.

Mẹ nhớ để ý không cho trẻ dưới 12 tháng dùng sữa bò nguyên kem hoặc tách bơ vì sẽ dễ làm bé dị ứng, ở độ tuổi này bé chỉ uống được sữa mẹ hoặc sữa công thức thôi. Nếu phát hiện trẻ lớn hơn bị dị ứng sữa bò, mẹ cần cho trẻ ăn uống các chế phẩm khác thay thế như sữa đậu nành, sữa gạo, sữa hạnh nhân,…
>> Triệu chứng nhận biết trẻ bị dị ứng sữa
>> Trẻ bị dị ứng sữa – Nguyên nhân và cách phòng ngừa
>> Chẩn đoán trẻ bị dị ứng sữa bằng cách nào?
>> Điều trị khi trẻ bị dị ứng sữa

7. Rối loạn cảm xúc
Trẻ ở độ tuổi đi học, đôi khi chứng đau bụng lại tái phát nhiều lần mà không tìm ra nguyên nhân rõ ràng thì có thể do tâm lý. Biểu hiện đầu tiên ở trẻ là có những cơn đau đến và đi trong vòng một tuần hoặc hơn, trẻ cảm thấy căng thẳng và khó chịu, ngoài ra trẻ sẽ có những biểu hiện không bình thường như trở nên hiếu động hoặc yên lặng quá mức, gặp khó khăn trong việc bộc lộ ý nghĩ, cảm xúc của bản thân.

Nếu điều này xảy ra ba mẹ hãy tìm hiểu nguyên nhân nào đã xảy ra với trẻ. Có thể có điều gì đó bất thường xảy ra với trẻ (như mất đi người bạn thân, thú cưng, người thân, ba mẹ ly hôn…). Những yếu tố tác động lên tâm lý trẻ dễ dẫn đến chứng đau bụng ở trẻ em.

Ba mẹ cần tìm hiểu và phối hợp với bác sĩ tâm lý để tìm cách giúp bé giải tỏa tâm lý cho bé nhé!
>> Trẻ hay sợ hãi có là điều bình thường
>> Việc trẻ hay sợ hãi có thể trở thành sự ám ảnh
>> Giúp trẻ vượt qua nỗi sợ hãi




  1. Shelov, SP & Altmann TR, (eds) 2009, Caring for your baby and young child Birth to Age 5, 5th edn, Bantam books, USA. P 521-525
  2. Constipation in babies. Đọc thêm tại: <http://www.babycenter.com/0_constipation-in-babies_79.bc?page=2>. [ Ngày 5 tháng 10 năm 2014].
  3. Dị ứng sữa ở trẻ em. Đọc thêm tại: <http://ykhoa.net/yhocphothong/nhikhoa/031004127.htm >. [Ngày 5 tháng 10 năm 2014].
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com