Nuôi con

Dạy bé tập nói chính xác từ những từ đầu tiên

Dạy bé tập nói chính xác từ những từ đầu tiên giúp bé thông minh và biết nhiều từ vựng. Không chỉ nói tên, mẹ còn mô tả chức năng của đồ vật cho bé nữa.

>> Tổng hợp địa chỉ tất cả các phòng khám nhi khoa tại Hà Nội cho ba mẹ

Chào các bạn, tớ xin tự giới thiệu tớ là Tí Biết Tuốt. Năm nay tớ lên 2 tuổi rưỡi và sở thích của tớ là cái gì cũng hỏi, hihi!

Ngay từ hồi còn bé tí teo, còn chưa biết nói là tớ đã cảm thấy rất tò mò về thế giới xung quanh rồi. Ví dụ như là cái máy to đùng quay quay trên trần nhà là gì, cái mẹ gắn lên tường cứ kêu tích tắc là gì. Mãi sau lớn hơn 1 chút tớ mới biết những cái đó là quạt với đồng hồ đấy. Mỗi khi biết cái gì mới là tớ cảm thấy phấn khích như vừa khám phá ra một điều gì đấy rất ư là tuyệt vời.

day-be-tap-noi-chinh-xac-tu-nhung-tu-dau-tien-hinh-anh1

Bé tò mò về mọi thứ xung quanh

Khi tớ còn bé, chỉ vài tháng tuổi, tớ thích được mẹ cúi mặt xuống sát mặt tớ để tớ có thể nhìn rõ, nói chuyện với mẹ và biết mẹ rất quan tâm đến những gì tớ nói.

Tớ cũng thích mẹ lặp lại nhiều lần những gì tớ vừa nói, hát và cười đùa với tớ nữa. Tớ có thể ê a với mẹ suốt ngày, chỉ trừ lúc ngủ thôi, những câu chuyện của mẹ con tớ cũng chỉ xoay quanh việc mẹ kể cho tớ nghe mẹ đang cầm gì, cái đó là cái gì, màu gì, để làm gì mà cũng không làm tớ chán. Lúc này, mẹ không cần nói nựng à ơi đâu mà nên nói đúng nghĩa của từ. Tuy tớ không nói được nhưng tớ sẽ từ từ nhớ được hết những gì mẹ nói đấy.

Khi hơn 1 tuổi, tớ thích mẹ đọc sách và chỉ cho tớ các hình trong sách, tên của chúng. Tuy tớ nói được có một vài từ thôi nhưng tớ sẽ rất cố gắng kể chuyện cho mẹ bằng vốn từ vựng ít ỏi tớ có. Đặc biệt là tớ rất thích được mẹ nhờ tớ giúp cái nọ cái kia: Vứt tã vào thùng rác cho mẹ này, đi tìm đôi giày màu xanh lại đây này, nhặt quả bóng bỏ vào giỏ này.

Các từ đối lập nhau về nghĩa kèm theo các biểu cảm và diễn tả của mẹ cũng làm tớ rất hứng thú như: To, nhỏ, lên, xuống, đóng cửa, mở cửa, sạch, bẩn, im lặng, ồn ào. Không chỉ từ mẹ, bằng cách chơi với các anh chị và bạn khác, tớ còn biết nhiều từ vựng hơn và nhớ nhanh ơi là nhanh.

day-be-tap-noi-chinh-xac-tu-nhung-tu-dau-tien-hinh-anh2

Dạy bé tập nói chính xác ngay từ những từ đầu tiên

Nhưng có một điều rất lạ, khi chỉ dạy cho tớ điều gì mới ba mẹ phải dạy thật chính xác ngay từ đầu cơ, nếu dạy không đúng thì sẽ rất khó sửa vì tớ chỉ nhớ lâu nhất mỗi cái đầu tiên thôi.

Như lần đầu tiên tớ trông thấy con cún nhà bác Hà hàng xóm, papa chỉ và bảo tớ là “gâu gâu”, con cún nhà bác Hà cũng sủa theo gâu gâu. Thế là từ đó đến giờ tớ gọi luôn là con gâu gâu. Mấy lần mẹ sửa, bảo là con chó nhưng tớ vẫn cứ nhất quyết là con gâu gâu, hihi.

day-be-tap-noi-chinh-xac-tu-nhung-tu-dau-tien-hinh-anh3

Bố mẹ nên dạy bé tập nói chính xác tên con vật

Mẹ tớ thì cẩn thận hơn papa tớ nhiều. Cái gì mẹ dạy cũng tỉ mỉ, chính xác, mẹ không chỉ dạy một từ mà còn giải thích cả chức năng của nó nữa kia. Như lúc mẹ chỉ cho tớ cái quạt ấy, mẹ cứ đứng trước cây quạt rồi lặp đi lặp lại “quạt, quạt. Quạt thổi mát quá”. Thế là hôm sau, rồi hôm sau nữa, mỗi lần chạy chơi đổ mồ hôi là tớ lại chạy lại trước cây quạt và bảo “mát mát”.  Tớ còn chỉ cả lên quạt trần và bảo mẹ: “Quạt, quạt” nữa cơ. Tớ được mẹ với bà khen giỏi đấy nhé!

day-be-tap-noi-chinh-xac-tu-nhung-tu-dau-tien-hinh-anh4

Mẹ dạy bé tên và chức năng của vật dụng

Cô giáo ở trường mầm non của tớ còn siêu hơn. Mỗi khi dạy bọn tớ cái gì mới cô dạy cả tiếng anh và tiếng việt luôn. Suốt cả buổi, cô cho chúng tớ sờ chú mèo bằng bông trắng tinh thật dễ thương và kiên nhẫn lặp đi lặp lại “Cat (*1) là Con mèo, con mèo thì kêu meo meo” rồi hỏi cả lớp:
– Con mèo là gì các con?
– Con mèo là cat.
-Thế con mèo kêu như thế nào?
-Con mèo kêu meo meo
-Vỗ tay hoan hô cả lớp nào, các con giỏi quá!

Sau đó là cả lớp được nghe bài hát rất vui, trong đó có một phần tớ nhớ nhất: “ the cat says meow, meow, meow, meow…”(*2)(*3)

Với những từ khó, mẹ hay thầm thì vào tai tớ buổi tối lúc tớ sắp đi ngủ, bằng cách này, tớ đọc lại đúng ngay từ khó đấy.

Cảm giác khi mà biết được một cái gì mới và được khen ấy, sướng lắm nhe. Tớ được mẹ với cô dạy như vậy nên học gì tớ cũng nhớ rất nhanh và chính xác. Tớ còn biết cả tiếng Anh và tiếng Việt từ khi bé tí nữa cơ.  Vì thế mà mới có biệt danh Tí Biết Tuốt đấy, hihi.
*1: cat: là con mèo bằng tiếng Anh
*2: The cat says meow meow: Mèo kêu meo meo.
*3: Bài hát vui nhộn về các con vật bằng tiếng Anh có tên tiếng Anh là: “The Animal Sounds Song for Children”

IFrame  

Thông tin cho bạn:

Trẻ con rất thích khám phá mọi thứ xung quanh chúng và thường ghi nhớ rất nhanh. Bé càng hiểu nhiều về thế giới xung quanh, biết nhiều từ vựng càng có lợi trong việc học tập sau này.

Với bé dưới 1 tuổi: bé thích được nhìn thấy mặt mẹ thật gần khi hai mẹ con nói chuyện và xem sắc mặt của mẹ trong khi nói chuyện. Mẹ có thể hát, nói chuyện, cười đùa với con mọi lúc trừ khi con ăn và ngủ để con dần nhớ từ. Việc nói nựng hay ê a không thực sự cần thiết mà mẹ có thể dạy bé tập nói bằng cách nói chậm cả câu với từ ngữ chính xác và âm lượng cao.

Khi bé được hơn 1 tuổi: bé thích mẹ đọc sách, chỉ cho bé các hình và đọc tên của chúng trong sách. Đặc biệt là bé rất thích được mẹ sai làm việc: Vứt tã vào thùng rác, mở cửa…Bé cũng thích các từ đối lập nhau về nghĩa: To, nhỏ, lên, xuống, đóng cửa, mở cửa, sạch, bẩn, im lặng, ồn ào. Bằng cách chơi với các anh chị và bạn khác, bé còn biết nhiều từ vựng hơn. Ở giai đoạn này, quan trọng là mẹ nên dạy con để có thể:

  • Biết về tên đồ vật xung quanh và chức năng của chúng. Mẹ có thể dạy bé tập nói và nhận biết theo từng chủ đề như: Rau củ, trái cây, xe cộ… nước, lửa… Với những khái niệm mới, ba mẹ nên đặt trong những ngữ cảnh cụ thể và kiên trì giải thích cho bé hiểu. Khi dạy cho bé những điều mới mẻ, nên cho bé tiếp cận thực tế (đi dạo, đi tham quan vườn bách thú, công viên, bảo tàng) hoặc ít nhất là cho bé xem tranh ảnh minh họa sinh động để bé có thể tưởng tượng và ghi nhớ một cách dễ dàng.
  • Biết về các chất và các chất biến đổi ra sao. Bếp ăn là nơi thích hợp để dạy những thứ này. (Cho nước đá vào bát nước nóng, nước đá tan ra rồi biến mất, đập vỡ trứng và cho vào rán làm trứng đông lại, con tôm màu xanh luộc xong có màu đỏ).
  • Biết về cây cối, động vật và chăm sóc chúng. Mẹ có thể cho bé trồng cây và tưới cây gì mọc nhanh như trồng một ít cỏ trong bát, ươm vài hạt đỗ để chúng mọc mầm…hay nuôi cá hoặc chó, mèo trong nhà.
  • Biết về các mối quan hệ xã hội như ông, bà, cô, chú…và tương tác như phải khoanh tay chào người lớn, cảm ơn, xin lỗi, ạ…
  • Dạy bé tập nói để bé sử dụng ngôn ngữ và phát triển từ vựng (nếu với bé sinh ra trong gia đình đa ngôn ngữ cha mẹ cứ nói nhiều ngôn ngữ mẹ đẻ của mình với con ngay từ sơ sinh)
  • Xử lý và giải quyết vấn đề: Ví dụ, thay tã xong, bé biết tã bẩn, phải vứt vào thùng rác.

Với các từ khó, phương pháp thầm thì vào tai bé sẽ khiến bé nhớ nhanh, nhớ đúng từ này ngay lập tức.




  1. Your baby’s speech and language skills from birth to 30 months. Đọc thêm tại: <http://www.children.gov.on.ca/htdocs/English/topics/earlychildhood/speechlanguage/brochure_speech.aspx>. [Ngày 01 tháng 02 năm 2015]
  2. Thinking Skills. Đọc thêm tại: <http://www2.ed.gov/teachers/how/early/teachingouryoungest/page_pg11.html>. [Ngày 01 tháng 02 năm 2015]
  3. Raising Readers – The Tremendous Potential of Families. Đọc thêm tại: <https://www2.ed.gov/pubs/startearly/ch_1.html>. [Ngày 01 tháng 02 năm 2015]
  4. Teaching new words to children with poor existing vocabulary knowledge: a controlled evaluation of the definition and context methods. Đọc thêm tại: <http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/16702097>. [Ngày 01 tháng 02 năm 2015]
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com