Sức khỏe

Để bệnh còi xương ở trẻ em không là nỗi ưu phiền của bố mẹ

Bệnh còi xương ở trẻ em là một bệnh lý khá phổ biến khiến nhiều bố mẹ lo lắng. Vậy nguyên nhân, triệu chứng cảnh báo sớm trẻ bị còi xương là gì và cách phòng chống hay chữa bệnh còi xương ở trẻ là như thế nào? Mời các bậc phụ huynh tham khảo nội dung bên dưới nhé!

Thế nào là bệnh còi xương?

Còi xương là một bệnh lý ảnh hưởng đến sự phát triển xương ở các bé. Bệnh còi xương ở trẻ em khiến xương của bé trở nên mềm và yếu, dẫn tới biến dạng xương. Tình trạng bệnh lý này cũng có khi xảy ra tương tự ở người lớn nhưng với tên gọi là bệnh nhuyễn xương.

Triệu chứng bệnh còi xương ở trẻ em

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh còi xương bao gồm:

  • Gặp các vấn đề về xương: xương mềm yếu, dễ gãy.
  • Chậm lớn và chậm phát triển: nếu khung xương của bé không phát triển đúng cách, bé sẽ bị thấp hơn mức trung bình.
  • Vấn đề về răng: men răng yếu, sâu răng do răng phát triển chậm.
  • Biến dạng xương: xương sọ mềm, chân cong, gù, cong vẹo cột sống, sọ có hình dạng bất thường, mắt cá, cổ tay và đầu gối to, xương ức nhô.
  • Đau: còi xương có thể gây đau cho bé, vì thế bé có thể không muốn đi lại hoặc dễ mệt.

de-benh-coi-xuong-o-tre-em-khong-la-noi-uu-phien-cua-bo-me-hinh-anh

Một số trẻ bị còi xương có nồng độ canxi trong máu thấp. Điều này làm các triệu chứng của còi xương nặng hơn và có thể kèm theo vọp bẻ, bàn tay bàn chân xoắn vặn vào nhau.

Nguyên nhân trẻ bị còi xương

Những yếu tố được cho là nguyên nhân bệnh còi xương ở trẻ em bao gồm:

  • Da không tiếp xúc đủ với ánh nắng mặt trời.
  • Màu da. Những bé có màu da tối hấp thu ít ánh sáng mặt trời hơn bé có da sáng màu.
  • Thiếu vitamin D, thiếu canxi trong chế độ ăn.
  • Chỉ uống sữa mẹ và không được cho bổ sung vitamin D (ở những bé sơ sinh có mẹ bị thiếu vitamin D).
  • Những bệnh lý ở ruột, gan và thận làm cho cơ thể bé không thể hấp thu được vitamin D hoặc không thể chuyển thành dạng chất có hoạt tính.
  • Những bệnh lý làm ức chế sự tiêu hóa hay hấp thu chất béo, trong khi vitamin D cần dung môi hòa tan là chất béo.

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh còi xương ở trẻ em

Có các tăng nguy cơ khiến trẻ bị còi xương gồm:

  • Bé sơ sinh có mẹ bị thiếu vitamin D.
  • Do các nguyên nhân từ tôn giáo hoặc văn hóa khiến bé thường được mặc che kín cơ thể.
  • Do mắc bệnh, tình trạng khuyết tật hoặc các lý do khác khiến bé không thể ra khỏi nhà.
  • Bé ra ngoài luôn dùng kem chống nắng.
  • Bé bẩm sinh có da sẫm màu.
  • Chế độ ăn chay, không bơ, không sữa.

Nếu bé nhà bạn có những dấu hiệu này và bạn đang nghi ngờ bé bị còi xương, hãy đưa bé đến bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và có biện pháp điều trị thích hợp. Dù bé bình thường, mẹ cũng có thể hỏi bác sỹ những lời khuyên để tránh tình trạng còi xương ở trẻ.

Chẩn đoán bệnh còi xương ở trẻ em bằng cách nào?

Bệnh còi xương có thể được chẩn đoán bằng cách dùng một loạt các kiểm tra và xét nghiệm bao gồm: thăm khám, xét nghiệm máu, chụp X-quang xương dài và chụp hình xương.

Điều trị bệnh còi xương

Khi trẻ bị còi xương, có nhiều lựa chọn cho việc điều trị bệnh như:

  • Tăng tiếp xúc với ánh sáng mặt trời
  • Cải thiện bữa ăn bằng việc cung cấp đủ vitamin D và canxi

de-benh-coi-xuong-o-tre-em-khong-la-noi-uu-phien-cua-bo-me-hinh-anh2

Cung cấp vitamin D và canxi cũng là cách tốt để chữa bệnh còi xương ở trẻ em

  • Uống bổ sung vitamin D trong vòng 3 tháng
  • Uống vitamin D dưới dạng hoạt chất đặc biệt, dùng cho trường hợp cơ thể không thể chuyển hóa thành dạng có hoạt tính sinh học
  • Điều chỉnh các rối loạn tiềm ẩn khác
  • Phẫu thuật chỉnh hình lại những biến dạng xương.

Phòng ngừa bệnh còi xương ở trẻ em như thế nào?

Có nhiều cách phòng chống bệnh còi xương ở trẻ em như thay đổi chế độ ăn, tiếp xúc với ánh sáng mặt trời hoặc dùng thực phẩm bổ sung.

Chế độ ăn: Một chế độ ăn cân bằng và khỏe mạnh chứa nhiều vitamin D và canxi có thể giúp bé mạnh khỏe, cao lớn và tránh xa bệnh còi xương.

Các nguồn thức ăn có vitamin D bao gồm:

  • Mỡ cá như cá hồi, cá trích và cá thu
  • Trứng
  • Chất béo có chứa vitamin D
  • Ngũ cốc dinh dưỡng

Các nguồn thức ăn có canxi bao gồm:

  • Các sản phẩm từ sữa như sữa, phô mai và sữa chua
  • Rau củ có màu xanh như bông cải xanh và bắp cải
  • Đậu nành và đậu phụ
  • Các loại hạt
  • Cá có thể ăn cả xương như cá trích

Ánh sáng mặt trời: Cho bé tắm nắng đúng cách mỗi ngày giúp phát triển thể chất khỏe mạnh và bổ sung một lượng vitamin D cần thiết cho bé.

de-benh-coi-xuong-o-tre-em-khong-la-noi-uu-phien-cua-bo-me-hinh-anh3

Tắm nắng đúng cách mỗi ngày sẽ cung cấp một lượng vitamin D cần thiết cho bé
Thông thường, từ tuần thứ 2 sau sinh là thời điểm tốt nhất mẹ có thể cho bé tắm nắng. Thời điểm sáng sớm lúc mặt trời mọc và chưa nóng (từ 6h30 đến 9h) là tốt nhất để cho bé tắm nắng, không nên tắm nắng buổi chiều. Những hôm trời mùa hè nắng nóng hay trong miền nam, các mẹ nên tắm nắng sớm hơn, từ 6h30 cho đến trước 8h vì nắng từ 8h đã khá gắt.
Các mẹ hãy chọn nơi thoáng mát, sạch sẽ, nhiều ánh sáng, tránh nơi gió lộng rồi ôm bé tắm nắng, không ngồi sau cửa kính để tắm nắng vì ánh sáng mặt trời qua kính sẽ mất tác dụng. Ban đầu các mẹ có thể vén áo, quần để tắm nắng tay, chân và mông bé, sau đó tuỳ tiết trời mẹ có thể dần dần mở rộng phạm vi để hở da thịt bé. Đầu tiên, mẹ có thể để phần lưng của bé tiếp xúc trực tiếp ánh sáng, sau đó xoay trở toàn bộ cơ thể bé cho tất cả mọi vùng da đều được tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.
Tuy nhiên, hãy nhớ là tránh cho ánh sáng mặt trời chiếu vào mắt bé bằng cách đeo kính râm hoặc đội mũ rộng vành để bảo vệ mắt bé mẹ nhé. Lúc đầu chỉ nên tắm nắng mỗi ngày vài phút, sau đó tăng dần, khi bé được 3 tháng trở lên có thể tắm nắng trong khoảng nửa giờ.

Thực phẩm bổ sung: Các bé có nguy cơ cao mắc bệnh còi xương ở trẻ em nên sử dụng thuốc viên chứa vitamin D. Mẹ có thể tham khảo thêm với bác sĩ để được tư vấn về việc sử dụng vitamin D cho bé.




  1. Rickets. Đọc thêm tại:<http://www.betterhealth.vic.gov.au/bhcv2/bhcarticles.nsf/pages/Rickets?open> [Ngày 13 tháng 7 năm 2015]
  2. Rickets. Đọc thêm tại: <http://www.nhs.uk/conditions/Rickets/Pages/Introduction.aspx> [Ngày 13 tháng 7 năm 2015]
  3. Tắm nắng đúng cách cho bé yêu. Đọc thêm tại: <http://alobacsi.com/tre-em/tam-nang-dung-cach-cho-be-yeu-a20140323062641724c338.htm> [Ngày 13 tháng 7 năm 2015]
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com