Nuôi con

Làm sao để hạn chế lòng ganh tị ở trẻ?

Từ khi bé chào đời, bé luôn nhận được sự quan tâm và yêu thương của mọi người và tất nhiên lòng ganh tị ở trẻ sẽ xuất hiện khi tình yêu thương đó bị san sẻ với một “người lạ”. Câu chuyện của Mi là một ví dụ tiêu biểu cho lòng ganh tị ở trẻ nhỏ.

Cô giáo chưa kịp hôn “chóc” vào đôi má bầu hồng hồng thơm phức của Mi là Mi đã co giò chạy ra phía ba. Chân ngắn cũn nên cố hết sức Mi vẫn ì ạch không được nhanh, lại còn vừa chạy vừa khóc. Ba vừa thấy cái dáng lủm chủm tròn tròn mang đầm trắng có điểm hoa li ti màu đỏ quen thuộc là đã nở nụ cười cố thật tươi nhưng lại có phần…hơi héo vì gần đây ba không được ngủ nhiều. Lý do vì mẹ mới mang về em Xích Đu.

Ai nghe tên Xích Đu cũng cười, chỉ có Mi là thấy ganh tị và khó chịu, từ ngày Xích Đu về mọi người chẳng còn quan tâm tới Mi như trước, đã vậy cái “Xích Đu” ấy còn ở cùng phòng với mình nữa. Khó chịu lắm luôn.

ganh ti voi em be moi sinh chuyen cua mi p1 hinh anh 1

Ba đón Mi tan học

Hôm ấy Mi ngủ dậy, không thấy ba mẹ đâu, ông nội đưa Mi đi học. Hai, ba hôm như vậy, vẫn chẳng thấy mẹ đâu, ba thì vừa đi làm về là cứ vội vội vàng vàng đi đâu ấy, về nhà được ít phút lại bỏ đi. Có hôm ba vội đến nỗi lúc ra khỏi phòng, còn dẫm vào tay Mi đang chống dưới sàn nữa. Ba chẳng ôm Mi rồi ríu rít với Mi giống như mọi ngày mà chỉ nói “Xin lỗi con, con ở nhà chơi ngoan nha” rồi mất tiêu. Tự nhiên Mi có cảm giác lạ lùng lắm mà cũng không rõ đó là gì.

Đến hôm sau thì mẹ về, có cả ba đi cùng luôn, Mi vui vẻ hét lên và nhảy múa, lâu quá rồi không gặp mẹ. Mẹ xoa đầu Mi, xong ôm cái khăn to đi vào phòng. Mẹ không ẵm Mi lên, ôm hôn Mi, mẹ quên mất Mi rồi. Miệng méo xệch, mắt Mi đã ngấn nước, đôi chân nhỏ xíu theo mọi người vào phòng. Ông bà nội cất hết mấy đứa Khỉ con, Cún bông, Heo hồng mà Mi nuôi trong cái chuồng gỗ để mẹ nhẹ nhàng đặt cái khăn to vào đó.

Mẹ mua khăn cho Mi à, sao không để vào tủ nhỉ, hay là để đắp cho mấy “em bé thú bông” Mi đang nuôi? Tự nhiên cái khăn động đậy và rồi…rồi…Mi nghe “nó” khóc oe oe y như tiếng con búp bê Mi hay chơi trên trường. Mi tính nhảy tót lên giường để xem nhưng…lên được có một nửa, ba phải đỡ mông lên Mi mới lồm cồm bò vào được. Ô, trong cái khăn to là một em búp bê đang động đậy. Mọi người đều cười nói vui vẻ, ba thì nói “Mắt này là to lắm đây”, Bà nội xoa xoa cái chân nhỏ xíu…Mẹ đem về cho Mi một em búp bê, nhưng không giống như những búp bê khác. ­

– Cho “chon” chơi “bấp be” nhũa (Cho con chơi búp bê nữa)

Mi vừa đưa tay định nắm lấy cái tay nhỏ kéo lên xem thì cả nhà cùng la cuống lên làm Mi giật mình sợ, khóc òa. Ba mẹ mang búp bê về mà không cho Mi chơi là sao?

Ba ẵm Mi lên và hỏi:

– Đây là em bé của con nè, bé Xích Đu đó, con thấy em dễ thương không?

ganh ti voi em be moi sinh chuyen cua mi p1 hinh anh 2

Mi ngạc nhiên khi trong nhà xuất hiện “búp bê” biết động đậy

Mi ngạc nhiên khi trong nhà xuất hiện “búp bê” biết động đậy Vừa lúc đó, nỗi buồn xa mẹ, lẻ loi mấy hôm nay của Mi được dịp vỡ tung tóe ra, Mi khóc thật to. Lúc ấy, mẹ mới ẵm Mi, ôm Mi vào lòng, hôn lấy hôn để lên gương mặt ướt lem nhem. Ông bà nội và ba cũng xúm vào dỗ. Giờ Mi mới có lại cảm giác mà mấy ngày qua Mi bị thiếu thốn….

Sau khi có em Xích đu, chỉ có ba đưa Mi đi học. Mẹ cũng không thay quần áo, chải tóc cho Mi, ba làm hết. Mi thấy buồn buồn, lên trường không thấy mấy bạn dễ thương nữa, Mi dành hết đồ chơi và cứ gằm gằm. Mi thấy nhớ mẹ và tự nhiên giận và ganh tị với “cái Xích Đu” ghê gớm. Mẹ chỉ chơi với em bé, suốt ngày quanh quẩn tắm rửa, pha sữa, ẵm bồng em, rất ít khi chơi và ẵm Mi như trước.

Không được, phải dành lại mẹ thôi, mẹ của Mi mà..huhu…cứ thế Mi tu tu khóc, cô dỗ mãi không được nên gọi ba lên đón Mi về. Nức nở mãi một hồi, ba mới biết Mi khóc vì “Con không thích búp bê ở trong”chuồng”” “con muốn mẹ đón con”. Chiều đó ba không chở Mi về mà chở Mi đi ăn kem, rồi đi công viên chơi đủ trò, nhưng Mi không vui vẻ lắm, Mi cứ “Mẹ đâu rồi?” “Sao mẹ không đi chơi với con, ba?”. Mặc sức ba giải thích, dỗ dành rằng “Mẹ con phải ở nhà, chưa đi chơi được” “Mẹ phải nuôi em bé, khi nào em lớn chút sẽ đi với con nha”…Trời ơi, là vì “búp bê” tên Xích Đu, Mi giận, Mi ghét, Mi buồn quá….

Về nhà, Mi mon men vào phòng, mẹ đang ẵm “búp bê”, vừa thấy Mi liền bỏ “búp bê” xuống giường, dang tay ôm Mi và hôn chùn chụt. Mi chui vô lòng mẹ ngồi, khe khẽ lấy chân đẩy “búp bê” ra. ­ “Mẹ chơi với con. Mẹ đem Xích đu cho cô Hà ­ đi mẹ thương con”. Mẹ nhẹ nhàng vuốt tóc Mi, ôm Mi chặt hơn và hôn Mi nhiều hơn nữa. Rồi mẹ đi pha sữa, Mi len lén lấy cái gối nhỏ “che” “búp bê Xích Đu” lại. Mẹ quay lại hoảng hồn, la lên và đánh nhẹ vào tay Mi làm Mi òa khóc. Ông bà nội phải vào đưa Mi ra, nhưng trong bụng Mi rất ghét và ganh tị với với cái “Xích Đu” ấy.

Bé sinh lòng ganh tị với em bé một phần do cha mẹ chưa giúp bé chuẩn bị tâm lý

ganh ti voi em be moi sinh chuyen cua mi p2 hinh anh 1

Lòng ganh tị ở trẻ xuất hiện một phần do cha mẹ chưa giúp bé chuẩn bị tâm lý

Sau khi ông bà nội ẳm Mi ra ngoài thì trong bụng Mi vẫn còn tức ghê lắm, nhưng ông bà dỗ dành thì một lát Mi hết giận à. Tối đó, khi ngồi chơi xe lửa ở phòng khách thì Mi có nghe loáng thoáng ông bà nội và ba mẹ nói chuyện. Bà nội nói: ­ Lẽ ra con phải tập cho em quen với việc em sẽ có em bé. Mẹ đang bế Xích Đu cúi mặt nói nhỏ : ­
-Dạ, con sơ suất quá, thời gian có bầu lại làm việc mệt nên con cũng không để ý nhiều đến em lắm. Mà cô Châu nhà bên hay trêu Mi là “em bé xinh hơn con kìa, con sắp ra rìa rồi Mi ơi nữa cơ mẹ ạ”.

Ông nội nói : ­
-Trẻ con đứa nào cũng vậy, đang được cưng chiều, là trung tâm của mọi sự quan tâm bỗng bị “bỏ quên” như vậy thì hụt hẫng lắm, ba má nuôi con nhiều rồi nên rất hiểu. Thôi bây giờ, bà (quay sang bà nội) giúp nó làm mấy việc vặt cho thằng Xích Đu, để nó còn có thời gian lo lắng cho con bé Mi chứ bé Mi nó nhỏ nhưng nhạy cảm lắm.

Rồi quay sang ba mẹ, ông nội nói tiếp: ­
– Các con nuôi con còn phải biết dạy cho khéo, để chúng sau này lớn lên yêu thương nhau chứ không phải ganh tị, ghét bỏ nhau. Ba biết các con bận rộn, nhưng hãy thu xếp dành thời gian cho mấy đứa nhỏ như nhau. Sau một hồi bàn tán, ba mẹ vâng vâng dạ dạ rồi nói với ông bà sẽ giúp Mi vượt qua giai đoạn này.

Cha mẹ cần biết quan tâm và yêu thương các con như nhau

Thời gian đầu, Mi không chịu lại gần em, cũng không nghe lời ai cả, ép là Mi lại khóc ngay. Ba mẹ cứ kiên nhẫn, nhẹ nhàng. Lúc mẹ sửa soạn quần áo cho Mi đi học, ôm hôn Mi rồi dịu dàng đưa Mi đến chiếc nôi nhỏ, mẹ cầm tay Mi đặt vào tay em bé, mấy ngón tay em bé nắm chặt lấy ngón tay của Mi. Mẹ nói: ­
– Mi hôn chào em đi học nha, như mẹ hôn con vậy đó. Em bé rất thương con, em nắm tay con kìa.

ganh ti voi em be moi sinh chuyen cua mi p2 hinh anh 3

Dạo này Mi thấy em Xích Đu cũng đáng yêu ghê luôn

Mi im lặng, Mi bắt đầu thấy thương em rồi, không còn khó chịu và ganh tị với em nữa. Không phải từ lúc này mà từ những ngày trước, khi mẹ nhờ Mi lấy khăn lau mặt cho em. Khi mẹ nhờ Mi canh chừng em cho mẹ đi tắm (thật ra là mẹ chỉ nấp gần đó thôi), Mi không dám đụng vào em, đến khi em khóc Mi mới gọi “Mẹ ơi, em bé chóc”.

Khi mẹ tắm cho em, Mi cũng đưa tay vào nước vuốt vuốt em rồi Mi còn lấy hộ mẹ kem chống hăm cho em nữa. Ở gần em, Mi không nhận thấy bất cứ điều gì có thể là “mối đe dọa” cho Mi như Mi đã tưởng, em bé chỉ nằm một chỗ và cũng không tranh giành mẹ với Mi. Mẹ sẵn sàng bỏ em xuống để ôm Mi, cho Mi ăn uống, chơi đùa với Mi và em cùng lúc. Khi Mi lỡ làm em khóc, mẹ chỉ nhẹ nhàng ôm Mi vào lòng và nhắc Mi thôi, không la Mi tiếng nào hết. Mi dần dần cảm nhận được mẹ cũng yêu Mi như yêu em bé vậy. Mặc dù cách mẹ đối xử với Mi và em bé là rất khác nhau vì hai chị em đâu có thích những thứ giống nhau đâu. Mi chơi và không còn ganh tị với em nữa.

ganh ti voi em be moi sinh chuyen cua mi p2 hinh anh 2

Mi chơi và không còn ganh tị với em nữa

Buổi sáng, Mi ngoan ngoãn cúi xuống hôn nhẹ em rồi vui vẻ ra xe cho ba chở đi học. Chiều về, lúc ăn cơm, Mi thủ thỉ “Mai mẹ cho con tắm cho Xích Đu nữa nha”. Bà nội cười: ­
-Trẻ con lúc nào cũng biết yêu thương, quan trọng là cách mình dạy chúng thể hiện thế nào cho đúng đó con.
Mẹ cũng cười: ­
-Dạ đúng mẹ ạ.
Tối ấy, cả nhà Mi quây quần bên em bé, rộn rã tiếng cười.




  1. Spock, B, Needlman, R, 2012, Baby and Childcare, 9th edn, Bookwell, Finland.
  2. Lehman, J, Chiến tranh ở nhà giữa anh chị em. Tham khảo tại:<http://www.empoweringparents.com/siblings-at-war-in-your-home.php#>, [12 tháng 9 năm 2014].
  3. Dowshen, S, Chuyên gia trả lời câu hỏi làm sao có thể giúp con cảm thấy tốt hơn về việc trở thành anh trai. Tham khảo tại: <http://kidshealth.org/parent/question/infants/big_brother.html?tracking=P_RelatedArticle>, [12 tháng 9 năm 2014].
  4. Braverman, J, Hiểu về việc ganh tị ở trẻ nhỏ. Tham khảo tại: http://www.livestrong.com/article/81524-jealousy-kids-children, [12 tháng 9 năm 2014].
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com