Nuôi con

Giúp con xây dựng tinh thần thể thao có khó?

Tinh thần thể thao tốt đòi hỏi sự trưởng thành và can đảm. Điều này không dễ, nhất là đối với thanh thiếu niên, người thường có những xung đột trong cảm xúc.

Dạy trẻ tinh thần thể thao từ khi trẻ còn nhỏ

Chúng ta mong đợi thể thao sẽ giúp hình thành tính cách, lòng tự trọng và tính kỷ luật ở thanh thiếu niên, chứ không chỉ là hình thành cơ bắp.

Các nghiên cứu cho thấy rằng thi đấu thể thao có lợi cho thanh thiếu niên cả về mặt cảm xúc lẫn tương tác xã hội. Thanh thiếu niên học cách trở thành một phần của nhóm, học cách đối phó với áp lực và cách tạo động lực cho bản thân – là những kỹ năng cần thiết trong thi đấu thể thao lẫn trong việc học tập. Thanh thiếu niên cũng phát triển khả năng đương đầu với khó khăn và đứng dậy sau thất bại, là hai kỹ năng cần thiết hơn trong cuộc sống.

Nếu thanh thiếu niên tham gia vào các môn thể thao, thì cha mẹ hy vọng có thể thấy được tinh thần thể thao tốt vào cuối mỗi trận đấu. Cho dù đó là bóng đá, tennis, bóng rổ hay bất kỳ môn thể thao nào khác, hai đội thể hiện thiện chí sẽ bắt tay vào cuối trận đấu. Đó là tinh thần thể thao, một truyền thống tốt đẹp trong thi đấu thể thao được hình thành từ hàng ngàn năm trước.

Thật không may, dường như nhiều người chơi thể thao không còn theo truyền thống này. Trách móc thành viên đội mình, nói xấu đối thủ, mắng nhiếc trọng tài và khoe khoang khoác lác đã trở thành quá phổ biến tại các trận đấu thể thao ở trường học. Thanh thiếu niên học cách hành xử này khi chứng kiến cha mẹ la ó ở khu vực ngoài đường biên, từ cách hành xử thái quá của các vận động viên chuyên nghiệp trên tivi, hoặc từ tư tưởng “chiến thắng bằng mọi giá” của huấn luyện viên. Nếu chúng ta muốn thế hệ sau có cách hành xử tốt trong các trận đấu, chúng ta cần dạy trẻ tinh thần thể thao ngay từ khi còn nhỏ.

giup-con-xay-dung-tinh-than-the-thao-co-kho-hinh-anh1

Chúng ta cần dạy trẻ tinh thần thể thao ngay từ khi trẻ còn nhỏ

Tinh thần thể thao là gì?

Khi một đội thua cuộc – và đương nhiên mỗi đội đều có lần thua cuộc – các thành viên có tinh thần thể thao tốt sẽ không đổ lỗi cho trọng tài, cáo buộc đối thủ chơi không công bằng, hoặc mắng thành viên trong đội. Khi một đội thắng cuộc, họ không hả hê, khoe khoang khoác lác ầm ĩ về chiến thắng của mình, hoặc làm bẽ mặt đối thủ.

Tinh thần thể thao là:

  • Chơi công bằng
  • Tuân thủ luật lệ của trò chơi
  • Thệ hiện sự tôn trọng đối với:
  • Huấn luyện viên
  • Trọng tài và quan chức
  • Đồng đội
  • Đối thủ
  • Chấp nhận chiến thắng và thất bại với sự lịch sự, thái độ chững chạc.

Xây dựng tinh thần thể thao cho thanh thiếu niên

Làm thế nào để thể hiện tinh thần thể thao tốt trong các tình huống thực tế? Dưới đây là một vài ví dụ mà thanh thiếu niên có thể thực hiện, cha mẹ cùng đọc để biết luôn nhé:

Tìm hiểu càng nhiều càng tốt về môn thể thao đang chơi. Hãy chơi theo luật. Tham dự các buổi luyện tập, chơi tích cực và nhận thức rằng trong một đội, mọi người đều xứng đáng có cơ hội để chơi.

Nói chuyện lịch sự và hành xử nhã nhặn đối với mọi người trước, trong và sau các trận đấu và các sự kiện. Bao gồm đồng đội, đội đối phương, huấn luyện viên của mình và của đội đối phương, các quan chức chủ trì trận đấu và cả khán giả (người đôi khi quá lớn tiếng trong các bình luận của mình).

Giữ bình tĩnh. Ngay cả khi những người khác đang thiếu kiềm chế, không có nghĩa là trẻ cũng phải thế.

Tránh giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực. Nếu trẻ đang rơi vào tình huống khó khăn hoặc người khác đang đe dọa, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ ngay lập tức từ huấn luyện viên hoặc quan chức. Ghi nhớ rằng, nếu trẻ đáp trả bằng bạo lực, trẻ có thể bị phạt, làm ảnh hưởng đến cơ hội chiến thắng của trẻ.

Khi trọng tài xử phạt, chấp nhận nó ngay cả khi bất lợi cho bản thân. Hãy nhớ rằng trọng tài không phải lúc nào cũng đúng, nhưng họ cũng như trẻ, là những người đang cố gắng hết sức.

Chấp nhận kết quả. Động viên đồng đội bằng các câu nói tích cực, tránh nói xấu đội đối thủ.  Công nhận và tán thưởng những trận đấu hay, ngay cả đó là của đội đối thủ. Cho dù thắng hay thua cuộc, trẻ hãy chúc mừng đội bạn vì đã chơi tốt trong trò chơi.

giup-con-xay-dung-tinh-than-the-thao-co-kho-hinh-anh2

Hành xử nhã nhặn đối với mọi người trước, trong và sau các trận đấu

Tinh thần thể thao ngoài sân đấu

Học hỏi tinh thần thể thao tốt có nghĩa là áp dụng thái độ tích cực trên sân đấu vào các khía cạnh khác của cuộc sống. Ví dụ, tại trường học, thanh thiếu niên tỏ thái độ biết ơn sự đóng góp của các bạn cùng lớp và biết cách trở thành một thành viên trong nhóm để hoàn thành một đề án.

Thanh thiếu niên cũng sẽ thành công khi làm việc, vì việc học tinh thần thể thao là học cách tôn trọng người khác, bao gồm khách hàng và đồng nghiệp.

Xây dựng tinh thần thể thao cho con

Vai trò của cha mẹ trong quá trình xây dựng tinh thần thể thao cho trẻ vị thành niên là rất quan trọng. Một số gợi ý sau đây có thể giúp cha mẹ hoàn thành tốt việc này đấy.

Tham dự nhiều buổi thi đấu nhất có thể. Không phải thanh thiếu niên nào cũng thừa nhận điều này, nhưng trẻ cảm thấy được tiếp thêm năng lượng khi có mẹ hoặc cha đến cỗ vũ ở khán đài và nở nụ cười tự hào với trẻ.

Cùng con luyện tập để nâng cao kỹ năng. Cha mẹ có thể luyện tập xử lý tình huống cùng con để giúp con có thể ứng phó tốt nếu như các tình huống đó xảy ra trong cuộc sống của trẻ.

Lấy tiêu chuẩn là sự nỗ lực để đánh giá thành tích của con. Thanh thiếu niên cần sự động viên tích cực để nỗ lực thay vì bị chỉ trích vì sự thiếu sót của trẻ.

Không chỉ trích trọng tài khi ngồi xem trên ghế khán đài. Một bài học mấu chốt mà thể thao dạy thanh thiếu niên là tôn trọng luật chơi và trọng tài, cũng như những người thực thi luật lệ đó. Tinh thần thể thao cũng đề cao các khía cạnh này. Nếu cha mẹ không đồng tình với cách xử phạt của trọng tài hoặc quyết định cho trẻ ngồi ghế dự bị của huấn luyện viên, hãy giữ nó trong lòng. Học cách chấp nhận những quyết định có vẻ bất công là rất hữu ích cho cuộc sống thường nhật.

giup-con-xay-dung-tinh-than-the-thao-co-kho-hinh-anh3

Trẻ có tinh thần thể thao khi tôn trọng luật chơi và trọng tài

Kiểm soát thanh thiếu niên để nhận biết các căng thẳng do thể thao mang lại. Cảm giác căng thẳng nhất định là không thể tránh khỏi trước mỗi trận đấu quan trọng. Nhưng nếu cha mẹ cảm thấy con cái mình rơi vào tình trạng tự đặt áp lực cho bản thân là phải chiến thắng hoặc con cái chấp nhận thua cuộc một cách quá khó khăn, đó là lúc cha mẹ nên can thiệp.

Hãy giúp trẻ nhìn nhận về thất bại một cách nhẹ nhàng hơn. Chỉ cho trẻ thấy ngay cả một tay đánh bóng giỏi nhất cũng đã từng thất bại 7 cú trong 10 cú đánh.

Cảnh giác với các dấu hiệu điều chỉnh cân nặng không lành mạnh hoặc sử dụng thuốc kích thích nhằm tăng thành tích. Ham muốn chiến thắng có thể dẫn con người ta đi quá xa, khi đó thanh thiếu niên tìm cách tăng thành tích của mình bằng chất kích thích hoặc bằng các dẫn chất.

Sụt cân quá mức thường liên quan đến các môn thể thao mà cân nặng có ảnh hưởng nhiều đến khả năng thành công như: thể hình, chạy bộ đường dài, lặn, trượt băng nghệ thuật, thể dục dụng cụ, chèo thuyền, bơi lội, bóng đá và đô vật.

Các phương pháp giảm cân nhanh chóng bao gồm tập luyện quá độ, tập luyện cường độ nhanh kéo dài, tự kích thích nôn, nhậu nhẹt hoặc uống thuốc xổ thường xuyên, uống thuốc nhuận tràng, thuốc lợi tiểu, thuốc giảm cân, các thuốc hợp pháp và bất hợp pháp khác và/ hoặc nicotine, mặc trang phục bằng cao su, và thường xuyên đi tắm hơi và xông hơi. Khi phát hiện những dấu hiệu lạ ở con, cha mẹ nên can thiệp ngay nhé!

Với những gợi ý nêu trên, cha mẹ đã phần nào giúp trẻ xây dựng một tinh thần thể thao lành mạnh, nền tảng cho những ứng xử tốt đẹp trong cuộc sống thường nhật của trẻ.



  • nghethuatamnhacsaigon.com

  1. Caring for Your Teenager – Sportsmanship Isn’t Everything, It’s the Only Thing. Đọc thêm tại: <http://reader.aappublications.org/caring-for-your-teenager/464?ajax>. [Ngày 29 tháng 8 năm 2015]
  2. Developing Sportsmanship in Teens. Đọc thêm tại: <https://middleearthnj.wordpress.com/2013/08/19/developing-sportsmanship-in-teens/>. [Ngày 29 tháng 8 năm 2015]
  3. Đọc thêm tại: <http://kidshealth.org/teen/food_fitness/sports/sportsmanship.html#>. [Ngày 29 tháng 8 năm 2015].
  4. Donald E. Greydanus, MD, FAAP và Philip Bashe (2003). Caring for Your Teenager. Bantam Books. Trang 446; 454 – 455.
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com