Nuôi con

Giúp trẻ an toàn khi đi xe đạp

Giúp trẻ an toàn khi đi xe đạp là điều bất kỳ ông bố bà mẹ nào cũng quan tâm. Bạn có thể giữ an toàn cho trẻ bằng cách nào đây? Tham khảo ngay bài viết sau nhé!

Việc lái xe mang đến sự vui vẻ, khỏe mạnh và là một cách tuyệt vời để trẻ cảm thấy tự do. Nhưng cần nhắc cho trẻ nhớ rằng xe đạp là một phương tiện chứ không phải đồ chơi. Cha mẹ có thể xem xét những gợi ý sau đây để giúp trẻ an toàn khi đi xe đạp.

Khi mua xe đạp cho bé

Khi đi mua xe đạp cho bé, cha mẹ hãy chọn xe phù hợp với kích cỡ hiện tại (chiều cao, cân nặng…) của con, chứ không phải mua xe cho con dùng sau này.

Trước khi cho bé đi xe đạp

Cha mẹ nên kiểm tra xe một cách kĩ càng trước khi cho bé đi xe đạp, đảm bảo rằng gương phản quang được gắn một cách chắc chắn, thắng xe hoạt động tốt, bánh răng di chuyển trơn tru, lốp xe được gắn chặt và được bơm căng.

Bên cạnh đó, để giữ an toàn xe đạp cho bé, cha mẹ nên chọn và mang mũ bảo hiểm xe đạp phù hợp:

  • Nên chọn mũ bảo hiểm có chất lượng và đã qua kiểm định.
  • Mũ bảo hiểm phải đúng với kích cỡ đầu, chắc chắn và thoải mái, khi đội lên đầu thì không thể nghiêng về phía trước, phía sau hoặc nghiêng sang 1 bên.
  • Dây đai rộng và chắc, tạo thành hình chữ Y dưới tai và vừa khít dưới cằm.
  • Không bao giờ đội khăn rằn, mũ bóng chày hoặc bất kì thứ gì khác trong khi đội mũ bảo hiểm vì có thể làm mũ bảo hiểm không ôm sát được đầu.
  • Luôn luôn mang mũ bảo hiểm để đảm bảo an toàn khi đi xe đạp.
  • Sau khi bị va đập thì khả năng bảo vệ của mũ bảo hiểm giảm xuống. Nếu trẻ từng bị tai nạn thì nên thay mũ.

Giúp trẻ an toàn khi đi xe đạp

Chiều cao phù hợp của xe

Ngoài việc kiểm tra các bộ phận xe đạp cho bé, cha mẹ nên chỉnh lại chiều cao của xe: Đứng trên xe sao cho khoảng cách từ bạn đến gióng ngang (top tube) là 2,5 – 5 cm với xe đạp thường và 7,5 – 10 cm với xe đạp leo núi. Yên trước phải cao hơn yên sau. Chỉnh chiều cao ghế sao cho trẻ có thể chạm chân tới đất trong khi một chân bên kia co lên. Chiều cao tay lái cũng phải phù hợp với chiều cao ghế ngồi.

Những điều cần nhớ khi đi xe đạp

  • Để đảm bảo an toàn xe đạp cho bé, cha mẹ hãy dặn con để ý phía trước có ổ gà, kính vỡ, vũng nước, sỏi hoặc có chó hay không, vì chúng có thể gây tai nạn. Nếu đang đi xe đạp với bạn bè, trẻ cần báo cho các bạn biết những mối nguy hiểm này.
  • Nếu băng qua đường, cần đi đúng nơi cho phép và đi chậm rãi.
  • Nếu phải thắng gấp thì hãy bóp thắng bánh trước trong khi cúi xuống và thay đổi trọng lượng để khỏi bị văng ra khỏi tay lái.
  • Lái xe ở bên phải đường đi.

Giúp trẻ an toàn khi đi xe đạp hình ảnh 2

Trẻ cần nhớ lái xe ở bên phải của đường đi
  • Tuân theo biển báo, tín hiệu hoặc hiệu lệnh giao thông.
  • Quan sát và vẫy tay ra hiệu khi dừng lại hoặc chuyển hướng.
  • Không đi lên đường dành cho người đi bộ, người đi giày trượt, ván trượt, xe hẩy.
  • Lái xe đúng hướng, không đi ngược chiều
  • Dừng lại và quan sát hai bên trước khi rẽ vào con đường khác. Khi đang di chuyển từ đường nhỏ vào đường lớn hơn, dặn trẻ cần dừng xe và quan sát, nhường đường cho các phương tiện đang di chuyển trên đường lớn. Đồng thời cũng cần nhường đường cho người đi bộ khi họ đang băng qua đường.
  • Luôn lái xe với ít nhất là một tay. Bỏ sách hoặc các đồ dùng khác trong ba lô hoặc giỏ xe.
  • Đi xe đạp đúng làn đường theo quy định.
  • Không chạy xe quá gần những chiếc xe hơi đang đỗ, vì cửa xe có thể mở bất ngờ.
  • Nếu trẻ đi xe đạp cùng bạn bè, trẻ nên chạy xe theo hàng một, không dàn hàng ngang gây nguy hiểm.
  • Nếu trẻ chạy xe vào ban đêm, đảm bảo rằng trên xe có gắn vật phản quang và một đèn pha hoạt động bằng pin. Trẻ cũng nên mặc đồ dạ quang hoặc những đồ phản quang. Đồ phản quang nên có ở mũ, cổ tay, mắt cá chân và lưng.
  • Không mang tai nghe khi đang lái xe, vì trẻ cần nghe mọi thứ diễn ra xung quanh trẻ.

Mặc gì khi đi xe đạp

Mặc quần áo phù hợp giúp trẻ cảm thấy vui vẻ và thoải mái. Điều quan trọng hơn là quần áo có thể bảo vệ trẻ. Cha mẹ có thể nhắc trẻ lựa chọn những trang phục sau:

Giúp trẻ an toàn khi đi xe đạp hình ảnh 3

Trẻ nên mặc quần áo phù hợp và có thể bảo vệ trẻ
  • Quần áo dạ quang hoặc sáng màu để mọi người có thể thấy rõ trẻ. Tránh mặc đồ màu tối như đen, nâu, đặc biệt khi vào ban đêm.
  • Mặc quần áo nhẹ để tránh việc trở nên quá nóng nực, đặc biệt vào mùa hè. Uống nhiều nước và giữ nước trên xe.
  • Đảm bảo rằng ống quần không quá rộng hoặc quá dài, nếu không trẻ sẽ bị vướng vào dây xích khi chạy xe.
  • Mang găng tay để bảo vệ tay.
  • Nếu mang theo ba lô, chú ý đảm bảo cho dây ba lô không vướng vào căm xe. Tốt nhất nên cho ba lô vào giỏ xe và không cho quá nhiều đồ vì ba lô nặng có thể làm trẻ mất thăng bằng.
  • Mang giày có đế không trơn để giày bám vào bàn đạp, không bị trượt khi đạp xe.

Bảo trì xe đạp

Nếu có thể, cha mẹ nên để xe ở trong nhà, đặc biệt là những ngày mưa để xe không bị gỉ. Thường xuyên kiểm tra bánh xe và hệ thống phanh, bánh răng để đảm bảo an toàn cho con khi đi xe đạp.




  1. Bike Safety. Đọc thêm tại: <http://kidshealth.org/teen/safety/safebasics/bike_safety.html#>. [Ngày 22 tháng 8 năm 2015].
  2. Bicycle Safety, Teens Ages 15 to 19 Years. Đọc thêm tại <https://www.health.ny.gov/prevention/injury_prevention/children/fact_sheets/teens_15-19_years/bicycle_safety_15-19_years.htm>. [Ngày 22 tháng 8 năm 2015].
  3. Bike Safety for Pre-Teens. Đọc thêm tại <http://www.safekids.org/safetytips/field_age/pre-teens-10-14/field_risks/bike>.  [Ngày 22 tháng 8 năm 2015].
  4. Kids and bicycle safety. Đọc thêm tại <http://www.nhtsa.gov/people/injury/pedbimot/bike/kidsandbikesafetyweb/>. [Ngày 22 tháng 8 năm 2015].
  5. Donald E. Greydanus, MD, FAAP và Philip Bashe (2003). Caring for Your Teenager. Bantam Books. Trang 313 – 314.
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com