Nuôi con

Giúp trẻ thích nghi khi chuyển nhà

Chuyển nhà đến một nơi mới có thể sẽ rất thú vị, nhưng đôi khi lại là một việc khó khăn cho trẻ em và gia đình khi phải thích nghi với môi trường mới. Bài viết dưới đây với nhiều kinh nghiệm, hướng dẫn bổ ích sẽ giúp trẻ thích nghi khi chuyển nhà.

Có nhiều vấn đề khác nhau sẽ được nêu ra nếu chuyển nhà vì những lí do như bố mẹ thăng chức, bố mẹ ly dị, mất mát hoặc tài chính gia đình thay đổi. Tương tự, khả năng đối mặt của trẻ sẽ khác nhau nếu các em sống trong gia đình thuộc quân đội, và việc chuyển nhà là cần thiết và diễn ra nhiều lần. Việc di chuyển cũng ảnh hưởng đến sự điều chỉnh của trẻ: di chuyển một đoạn đường ngắn ít phức tạp hơn đi một quãng đường xa.

Bên cạnh đó, nếu cha mẹ suy nghĩ tích cực về chuyện chuyển nhà thì trẻ cũng sẽ điều chỉnh dễ hơn.Dưới đây là một số kinh nghiệm cũng như hướng dẫn mà cha mẹ có thể tìm hiểu để giúp trẻ thích nghi khi chuyển nhà.

Độ tuổi của trẻ khi chuyển nhà

Nhiều phụ huynh nghĩ rằng trẻ ở độ tuổi cấp 3 gặp nhiều khó khăn hơn khi chuyển nhà, vì đây là giai đoạn trẻ đang hình thành cá tính, các em đã có những người bạn thân thiết và suy nghĩ nhiều về tương lai. Nhưng thật ra, trẻ nhỏ cũng gặp nhiều khó khăn và cần một sự điều chỉnh lớn khi gặp phải hoàn cảnh này.

Trẻ mẫu giáo hoặc lớp một có thể dễ bị tổn thương, vì trẻ đang trong quá trình tách khỏi cha mẹ và điều chỉnh với môi trường mới, những mối quan hệ xã hội mới. Trẻ có thể tạm thời thoái lui với những hành vi điển hình của giai đoạn trước đây và phụ thuộc vào cha mẹ nhiều hơn.

Trẻ cấp 1 quan tâm về việc hòa hợp với những bạn mới và giải quyết các yêu cầu về học tập. Tính cách và môi trường sống có thể quyết định thời gian hòa nhập lâu hay nhanh của một đứa trẻ.

Quá trình chuyển nhà

Để giúp trẻ thích nghi khi chuyển nhà, cha mẹ cần cân nhắc 3 quá trình là: trước, trong và sau khi chuyển nhà, cùng với 3 môi trường là giáo dục, xã hội và gia đình.

Nên làm gì trước khi chuyển nhà?

Thời gian chuyển nhà rất quan trọng. Cha mẹ nên xem xét cẩn thận các lựa chọn khi phải đối mặt với việc di chuyển.

Đôi khi việc chuyển nhà là điều cần thiết, chẳng hạn như cha mẹ chuyển nơi công tác, hoặc đôi khi đó là điều bất ngờ, như khi cha mẹ qua đời. Nhưng nếu việc chuyển nhà có thể xử lý linh hoạt được, không bắt buộc phải chuyển ngay lập tức, cha mẹ hãy cân nhắc về việc hoãn thời gian chuyển nhà, hoặc tránh chuyển vào những thời điểm chuyển tiếp (như ngay sau khi ly hôn).

Một số người cho rằng chuyển nhà vào giữa năm thì trẻ có thể dùng học kì thứ 2 để điều chỉnh, trong khi một số khác thì nghĩ rằng chuyển trước khi bắt đầu năm học mới thì dễ dàng hơn cho trẻ. Những ưu và khuyết điểm đối với tất cả những người liên quan phải được cân nhắc kĩ lưỡng, kể cả những mong ước của trẻ nữa, cha mẹ nhé.

Nói với con về quyết định chuyển nhà. Dùng ngôn ngữ phù hợp với tuổi của trẻ để giải thích cho con hiểu lý do chuyển nhà. Nếu chuyển nhà là để cho tốt hơn, cha mẹ hãy giải thích sự ảnh hưởng tốt hơn đó với trẻ. Còn nếu việc chuyển nhà có nghĩa là những thay đổi khó khăn, cha mẹ nên thành thật với con về những điều thay đổi được và không thay đổi.

giup-tre-thich-nghi-khi-chuyen-nha-hinh-anh1

Nhớ giải thích cho con hiểu về lý do chuyển nhà trước khi chuyển nhé cha mẹ!

Nếu trẻ đã lớn, cha mẹ hãy cho con đưa ra ý kiến. Mặc dù trẻ có thể không có quyền bác bỏ quyết định di chuyển, nhưng cha mẹ có thể cho con kiểm soát một phần cuộc sống mới, như là chọn màu sơn trong phòng ngủ hoặc tham gia các hoạt động sau giờ học.

Hãy đưa trẻ đến thăm nơi ở mới trước khi chuyển nhà, nếu có thể. Còn nếu không thể, cha mẹ nên cho trẻ xem hình về ngôi nhà mới hoặc hàng xóm mới để các con hình dung, sắp xếp cho cuộc sống mới.

Lên kế hoạch để về thăm lại nhà cũ, trẻ sẽ ít cảm thấy cô đơn khi gặp lại bạn bè cũ.

Chuẩn bị về những phản ứng khó khăn của con và cẩn thận để không bị dao động vì trẻ đe dọa hay năn nỉ. Trẻ em thường cảm thấy buồn phiền và giận dữ vì phải chuyển nhà. Cha mẹ không nên thỏa hiệp để giảm phản ứng ở trẻ, nhưng cũng không nên tránh né hành động tiêu cực đó. Điều quan trọng là cần đưa ra quy tắc trong hành vi, cũng như chấp nhận và thấu hiểu nỗi buồn của con.

Với trẻ có những nhu cầu đặc biệt, cha mẹ nên chuẩn bị trước những nguồn lực hỗ trợ con trong các mảng: học tập, kiểm tra sức khỏe thể chất, sức khỏe tâm thần để giúp con duy trì sự tiến bộ và giải quyết những vấn đề phát sinh từ việc chuyển nhà. Cha mẹ có thể tìm đến giáo viên, gia sư, bác sĩ và các chuyên gia sức khỏe tâm thần để được hỗ trợ.

Nhấn mạnh điều tích cực. Trẻ thường nghĩ về những điều tiêu cực khi chuyển nhà,  như là mất bạn bè, rời xa nơi thân thuộc để đến một môi trường mới, học những quy tắc mới,…

Cha mẹ cần nhấn mạnh những điều tích cực khi chuyển đến nơi ở mới, chẳng hạn như cơ hội để tìm hiểu vùng đất, văn hóa mới, gặp gỡ nhiều bạn bè mới, nhà rộng rãi hơn, trẻ sẽ có phòng riêng… Với những trẻ có thành tích học tập không tốt hoặc bị bạn bè ở trường cũ tẩy chay thì đây có thể là cơ hội để trẻ có một khởi đầu mới.

Cho con cơ hội bộc lộ cảm xúc đồng thời thể hiện sự đồng cảm với con. Nếu cha mẹ cảm cũng thấy bị căng thẳng thì hãy bộc lộ, nhưng cũng lưu ý rằng cảm xúc của cha mẹ luôn tác động đến con. Do đó, cha mẹ nên giữ thái độ tích cực.

Bạn sẽ cảm thấy căng thẳng nhất vào hai tuần trước và sau khi chuyển nhà, vì vậy nên cần nghỉ ngơi và thư giãn.

Ứng xử thế nào trong quá trình chuyển nhà?

Để trẻ tự sắp xếp đồ đạc của trẻ: trẻ có thể cảm thấy mất mát nếu cha mẹ bỏ mất những đồ chơi cũ hoặc những vật không còn sử dụng. Do đó, cha mẹ hãy để trẻ dọn những đồ đạc của mình, trẻ sẽ cảm thấy yên tâm hơn khi đến ngôi nhà mới.

Đồng thời, với những vật bất ly thân, “không thể sống nếu thiếu chúng”, cha mẹ hãy cho con mang theo bên mình.

giup-tre-thich-nghi-khi-chuyen-nha-hinh-anh2

Trẻ sẽ thấy yên tâm nếu trẻ tự sắp xếp đồ đặc của mình đấy cha mẹ ạ!

Sau khi chuyển nhà – Thời gian để bắt đầu cuộc sống mới

Chú ý phòng ngủ của con trước khi quan tâm đến các phòng khác trong nhà. Cố gắng giữ những thói quen cũ, như là giờ ăn hay giờ đi ngủ… để trẻ có cảm giác thân thuộc.

Khi con đến trường, hãy đi cùng để có thể gặp các thầy cô và hiệu trưởng mới.

Lên kế hoạch một số chuyến đi xa nhà mới, để nó trở thành “nơi trở về” và tăng cường cảm giác thân thuộc.

Cho trẻ mời bạn cũ đến thăm nhà mới. Điều này giúp con tự khám phá ra những điều mới mẻ và hay ho có thể giới thiệu với bạn bè, đồng thời cũng củng cố thêm tình bạn của con.

Ngoài ra, cha mẹ có thể khuyến khích con viết thư hoặc gọi điện thoại cho bạn cũ. Giúp con hiểu rằng, dù có chuyển nhà đi đâu thì con cũng không mất đi những điều quan trọng.

Tìm hiểu thông tin về các tổ chức tôn giáo và tổ chức cộng đồng có thể giúp gia đình biết thêm nhiều hoạt động, mở rộng mối quan hệ cũng như có thêm sự hỗ trợ. Nếu gia đình đã từng tham gia vào một tổ chức tương tự trước đó, thì việc tham gia những hoạt động này sẽ tăng cảm giác thân thuộc ở vùng đất mới.

Khuyến khích con tham gia vào các hoạt động thể thao, câu lạc bộ, đội nhóm để con dần quen với bạn bè mới và không có cảm giác lạ lẫm. Đồng thời điều này cũng giúp trẻ quen những người bạn cùng sở thích, và cha mẹ có thể quen biết với những phụ huynh mới.

Nếu có điều kiện, cha mẹ hãy mời những người bạn mới của trẻ một bữa ăn như pizza hay đi ăn kem để xây dựng những mối quan hệ mới. Một số trẻ khác thì thích làm tình nguyện hoặc làm thêm mà không ảnh hưởng đến việc học. Điều này giúp trẻ quen nhiều bạn mới và tự tin hơn.

Làm quen với hàng xóm hoặc những người bạn mới. Nếu họ có con trạc tuổi con bạn, hãy cho bọn trẻ làm quen với nhau. Khi con thấy cha mẹ mình làm quen với những người mới, trẻ có thể thoải mái để làm theo. Đồng thời, việc có bạn bè trước lúc nhập học sẽ giúp con cảm thấy an toàn vào ngày đầu tiên đến trường.

Tìm hiểu về văn hóa địa phương, những điều an toàn và những cạm bẫy cần tránh.

Dù bất kể thế nào thì cha mẹ hãy bình tĩnh, vì có những đứa trẻ thích nghi với môi trường mới rất nhanh, trong khi một số khác lại cần thời gian để bắt nhịp với cuộc sống. Cho trẻ biết những trải nghiệm mới này sẽ giúp con đưa ra quyết định về chỗ ở trong tương lai của con.

Nếu cha mẹ vẫn lo lắng về ảnh hưởng của sự di chuyển này lên trẻ, hãy nhờ một nhà trị liệu gia đình giúp đỡ trẻ.

Nếu cha mẹ chuẩn bị tốt cho việc chuyển nhà thì sẽ biến việc này thành một trải nghiệm tích cực, làm tăng sự phát triển cảm xúc, khả năng thích nghi, sự tự tin và các kỹ năng xã hội của trẻ.



  • nghethuatamnhacsaigon.com

  1. When Families Move: Helping Children Adjust. Đọc thêm tại: <http://www.education.com/reference/article/Ref_When_Families_Move/>. [Ngày 26 tháng 9 năm 2015].
  2. Prepare your child for a move. Đọc thêm tại: <http://kidshealth.org/parent/emotions/feelings/move.html#>. [Ngày 26 tháng 9 năm 2015].
  3. Edward L.Schor, M.D. (2004). Caring for your school-age child: ages 5 to12. Bantam Books. Trang 343 – 346.
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com