Gợi ý mẫu thời gian biểu cho bé 8 tháng tuổi: Bé 8 tháng tuổi đã trải qua một thời gian làm quen với ăn dặm nên lượng thức ăn đặc bé tiêu hóa được cũng nhiều hơn, bé sẽ ngủ đêm yên hơn và dần dần cắt hẳn ăn đêm. Cũng vì vậy mà thời gian biểu cho bé 8 tháng tuổi về đêm được giãn ra nhiều, giờ thì mẹ khỏe hơn rồi nhé!
Nhu cầu ăn và ngủ của bé 8 tháng tuổi
Khá nhiều bé 8 tháng tuổi chỉ còn ăn đêm 1-2 lần hoặc ngừng hẳn ăn đêm. Các mẹ nhớ đảm bảo thời gian biểu cho bé 8 tháng tuổi được ngủ đủ giấc khoảng 2 – 3 giờ ban ngày và 11 – 12 giờ vào ban đêm nhé.
Một điều quan trọng mà mẹ nên nhớ là: sữa mẹ/sữa công thức là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho sự phát triển của bé trong những năm đầu tiên, sau đó mới đến các thực phẩm ăn dặm. Chính vì vậy, mẹ có thể bắt đầu tập cho bé ăn dặm nhưng cần phải cung cấp đủ lượng sữa cần thiết cho bé.
Ở giai đoạn này, khẩu phần ăn tương tự như khẩu phần của các bé 7 tháng tuổi, nhưng có thể bạn sẽ cho trẻ ăn đến 3 bữa ăn nhỏ mỗi ngày (sáng, trưa, tối), thay vì 2 bữa ăn (sáng, tối) như lịch trình cho bé 7 tháng tuổi.
- Mỗi ngày bạn cần đảm bảo cho bé bú sữa mẹ ít nhất 5 cữ hoặc 770ml-950ml sữa công thức hoặc kết hợp cả hai.
- Không cho bé uống nhiều hơn 60ml-120ml nước hoặc nước ép trái cây (để đảm bảo trẻ uống đủ sữa mẹ/sữa bột).
- 2 – 3 phần ngũ cốc hoặc các loại hạt cho bé (1 phần ăn = 1 – 2 muỗng ngũ cốc và hạt khô bao gồm ngũ cốc Cheerios, 2 bánh qui, vvv…)
- 2 phần trái cây (1 phần ăn = 2 – 3 muỗng canh trái cây)
- 2 – 3 khẩu phần rau (1 phần ăn = 2 – 3 muỗng canh rau)
- 1-2 khẩu phần chứa protein (1 phần ăn = 1 – 2 muỗng canh)
- 1 khẩu phần sữa (1 phần ăn = 1/2 cốc sữa chua, 1/3 cốc phô mát làm từ sữa đã gạn kem (cottage cheese) hoặc 30gram phô mát bào)
- Bạn cũng có thể bổ sung vào khẩu phần ăn lòng đỏ trứng nấu chín (không chứa lòng trắng vì có thể gây dị ứng cho các bé dưới 1 tuổi).
Gợi ý thời gian biểu hợp lý cho các bé 8 tháng tuổi
Dưới đây là một số gợi ý lập thời gian biểu cho bé 8 tháng tuổi mang tính chất tham khảo. Trong thời gian biểu này các bé sẽ tập ăn dặm nhiều hơn các giai đoạn trước đó, chính vì vậy các bé có thể sẽ cảm thấy khó chịu và mẹ phải kiên nhẫn để tập cho bé làm quen với khẩu phần ăn mới này.
Thời gian biểu thứ 1:
- 07:00 – Thức dậy và cho bú (sữa mẹ/sữa bột)
- 8:15 – Ăn sáng (ăn dặm)
- 9:00 – Ngủ (ít nhất là 1 giờ)
- 10:00 – Cho bú (sữa mẹ/sữa bột)
- 11:00 – Ăn trưa (ăn dặm)
- 12:30 – Cho bú (sữa mẹ/sữa bột)
- 13:00 – Ngủ trưa (ít nhất là 1 giờ)
- 14:00 – Cho bú (sữa mẹ/sữa bột)
- 16:00 – Cho bé chợp mắt một lát nếu muốn (30 – 45 phút)
- 16:30 hoặc 17:00 – Ăn tối (ăn dặm)
- 18:15 – Bắt đầu những thói quen trước khi ngủ (vệ sinh cá nhân, đọc sách, kể chuyện…)
- 19:00 – Cho bé bú (sữa mẹ/sữa bột) và ngủ
Lưu ý: Cho bé bú khoảng 1 cữ/đêm (tùy vào mỗi bé).
Thời gian biểu cho bé 8 tháng tuổi – Gợi ý 1
Thời gian biểu thứ 2:
- 07:00 – Thức dậy
- 7:15 – Ăn sáng (ăn dặm) và cho bé bú thêm sữa mẹ/sữa bột
- 9:00 – Ngủ (ít nhất là 1 giờ)
- 10:00 – Cho bú (sữa mẹ/sữa bột)
- 11:00 – Ăn trưa (ăn dặm)
- 12:30 – Cho bú (sữa mẹ/sữa bột)
- 13:00 – Ngủ trưa (ít nhất là 1 giờ)
- 15:00 – Cho bú (sữa mẹ/sữa bột)
- 17:30 – Ăn tối (ăn dặm) và cho bé bú thêm sữa mẹ/sữa bột
- 18:15 – Những thói quen trước khi ngủ (vệ sinh cá nhân, đọc sách, kể chuyện…)
- 19:00 – Cho bú (sữa mẹ/sữa bột) và cho bé ngủ
Lưu ý: Cho bé bú khoảng 1 cữ/đêm (tùy vào mỗi bé).
- 8 Month Old Baby Schedule. Đọc thêm tại: <http://www.babysleepsite.com/schedules/8-month-old-baby-schedule/>. [Ngày 19 tháng 1 năm 2015]
- Reader Sample Schedules: 0-12 Months. Đọc thêm tại: <http://www.babywisemom.com/2010/07/reader-sample-schedules-0-12-months.html>. [Ngày 19 tháng 1 năm 2015]