Nuôi con

Hàn gắn vết thương lòng con trẻ sau khi cha mẹ ly hôn

Cha mẹ ly hôn ảnh hưởng đến con cái rất nhiều, dường như là tất cả các khía cạnh trong cuộc sống của trẻ. Trẻ sẽ cảm thấy mình vừa mất một thứ gì đó rất quý giá và cũng trong lúc này, trẻ rất cần sự hỗ trợ của cha mẹ để có thể đối mặt và chấp nhận sự thật.

Sau khi cha mẹ ly hôn, trẻ có thể cảm thấy đau buồn vì nhiều mất mát và thay đổi xảy ra. Các em không còn sống chung với cả cha mẹ, mà có thể chỉ sống cùng với một người, có thể thay đổi chỗ ở. Nếp sống thường ngày cũng thay đổi theo.

Bên cạnh đó, tình bạn, tình anh em cũng có thể bị ảnh hưởng. Đi kèm với đó là cảm giác không an toàn. Như vậy, bạn cần làm gì để giúp trẻ chấp nhận sự thật và vượt qua mất mát này?

Giúp trẻ giải quyết cảm xúc bản thân

Cha mẹ cần thống nhất lý do và hãy cho trẻ biết. Chẳng hạn, với những trẻ nhỏ bạn chỉ cần giải thích đơn giản và dễ hiểu thôi “bố mẹ không thể sống hòa hợp với nhau con à, nhưng bố mẹ vẫn rất yêu con”.

Với trẻ lớn, bạn cần giải thích cụ thể hơn nhưng tránh đưa ra lý do làm trẻ bị tổn thương hoặc sock nặng, bạn có thể nói giảm mức độ nghiêm trọng của vấn đề và tuyệt đối là không được nói dối. Có như vậy trẻ mới dễ dàng chấp nhận sự thật.

Và hãy giúp trẻ giải quyết cảm xúc bản thân sau khi cha mẹ ly hôn:

Đối mặt với mất mát
Trẻ em không chỉ đối mặt với sự mất mát một người cha/ mẹ trong cuộc sống thường ngày mà còn phải hiểu mất mát của một gia đình nguyên vẹn.

Đối mặt với sự tức giận
Trẻ yêu cha mẹ, nhưng trẻ cũng có thể cảm thấy rất tức giận với cha mẹ mình vì đã quyết định ly hôn.

Đối mặt với cảm giác tội lỗi
Cho dù cha mẹ khẳng định rằng ly hôn không phải do con, nhưng nhiều trẻ vẫn đổ lỗi cho bản thân mình. Những trẻ khác thì cảm thấy có lỗi vì những nỗ lực của trẻ trong việc hòa giải thất bại.

Chấp nhận cha mẹ ly hôn
Nhiều trẻ em vẫn có mộng tưởng về việc cha mẹ sẽ hàn gắn lại với nhau, cho dù cha mẹ đã ly hôn được 5 năm hay 10 năm. Trẻ có thể cảm thấy rất khó khăn để chấp nhận điều này.

Giúp con đối mặt và thích ứng với cuộc sống sau ly hôn

Chữa lành sau ly hôn là một quá trình dài, và điều này cần bắt đầu từ bạn. Chỉ khi bạn ổn định cảm xúc thì trẻ mới có thể có điểm tựa để ổn định cảm xúc của chính mình.

Dưới đây là những cách để có thể giúp đỡ cả cha mẹ và trẻ em sau ly hôn:

Tìm nhóm hỗ trợ
Cách tốt nhất để chữa lành cho con là tìm một nhóm hỗ trợ lành mạnh và vững chắc cho chính bản thân bạn. Đây có thể là nhóm những người đã từng ly hôn, họ có thể chia sẻ những công cụ và kỹ năng đối phó cho bạn. Nhóm cũng sẽ có những người bạn mà bạn có thể trò chuyện, giải tỏa cùng.

Khi có nhóm hỗ trợ, bạn sẽ hạn chế được việc coi con như là một nhà tham vấn hay là người an ủi mình. Còn với trẻ, bạn cũng nên tìm một nhóm như vậy để hỗ trợ con.

Hạn chế thay đổi quá nhiều thứ trong cuộc sống
Sau khi ly hôn, nhiều thay đổi xảy đến, điều này có thể là một sang chấn với trẻ. Một số điều chỉnh sau khi ly hôn là cần thiết, nhưng bạn cần hạn chế thay đổi càng nhiều càng tốt.

Hàn gắn vết thương lòng con trẻ sau khi cha mẹ ly hôn

Sau ly hôn, hạn chế thay đổi nhiều thứ trong cuộc sống đặc biệt những thói quen mà trước giờ bạn vẫn làm cùng con

Tránh hẹn hò sớm
Sau ly hôn, bạn nên tập trung vào việc chữa lành cho bạn và những nhu cầu của con cái. Nếu bạn vẫn còn bị tổn thương do cuộc hôn nhân cũ thì mối quan hệ mới cũng sẽ gây ra tổn thương và nhầm lẫn cho tất cả mọi người.

Do đó, hãy dành thời gian để chữa lành nỗi đau và tha thứ cho bản thân cũng như “người cũ” trước khi muốn bước vào một mối quan hệ mới.

Hãy để con thương yêu cha mẹ
Đừng để cho cảm giác bất an và tổn thương ảnh hưởng đến mối quan hệ của trẻ và người bạn đời cũ. Trẻ sẽ cảm thấy được an ủi nếu như bạn cho phép con yêu thương cả bố và mẹ. Bạn cũng không nên chỉ trích hay nói xấu về người cũ.

Giữ nguyên kỷ luật
Đừng vì cảm giác tội lỗi vì mất mát sau ly hôn mà không đưa ra luật lệ với con. Hãy nhớ rằng sự nghiêm khắc và kiên trì sẽ xây dựng nên tính cách. Những kỷ luật phù hợp, những ranh giới lành mạnh và việc nhà giúp trẻ cảm thấy an toàn hơn.

Giữ cho con sự trong sáng của một đứa trẻ
Đừng thảo luận với con về vấn đề tiền bạc, lịch trình thăm viếng, tranh chấp trong gia đình và những vấn đề khó khăn khác.

Cũng đừng bắt con là người “truyền tin” của cha và mẹ, hay là trung tâm của tranh chấp trong gia đình.

Tập trung vào con
Dù điều gì xảy ra, bạn cần ưu tiên vào những nhu cầu của con cái. Khi quyết định tổ chức sinh nhật, đi du lịch… hãy tập trung những gì tốt nhất cho con. Cha mẹ nên tự mình giải quyết vấn đề này, đừng yêu cầu con phải chọn lựa.

Trẻ dành nhiều thời gian hơn cho một phụ huynh
Nếu điều này xảy ra, bạn hãy cố gắng giữ nguyên lịch thăm con, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cả bố và mẹ cùng chăm sóc con.

Đôi khi trẻ có thể dành cả mùa hè, cả học kì hay cả năm để ở bên người cha/ mẹ (không giữ quyền nuôi con). Nếu điều này xảy ra, bạn hãy lắng nghe suy nghĩ và lựa chọn của con.

Suy nghĩ tích cực
Suy nghĩ tích cực hay tiêu cực là một nhân tố ảnh hưởng đến cách trẻ vượt qua sau khi cha mẹ ly hôn. Cha mẹ có thể có ảnh hưởng đến cách trẻ giải quyết tình huống. Vì vậy, bạn hãy tránh suy nghĩ tiêu cực trong những tình huống tệ hại nhé.

Ít xung đột
Trẻ em có thể dễ dàng hồi phục và giảm căng thẳng khi có ít xung đột giữa cha mẹ sau khi ly hôn.

Cha mẹ tham gia tích cực
Trẻ có thể cảm thấy tốt hơn nếu cha mẹ tiếp tục tham gia tích cực vào cuộc sống của con (giả sử cả cha mẹ đều là những người chăm sóc an toàn và có khả năng chăm con), và đặc biệt, nếu người cha/ mẹ không giành quyền nuôi con vẫn duy trì được mối quan hệ gần gũi và ủng hộ trẻ.

Cả cha và mẹ nên tiếp tục lắng nghe trẻ, bao gồm sự hỗ trợ cảm xúc, giúp trẻ trong các vấn đề hằng ngày như là bài tập, và duy trì luật lệ cũng như mong đợi dành cho trẻ.

Cha mẹ tiếp cận ổn định và cân bằng có thể bảo vệ trẻ
Sau khi cha mẹ ly hôn, trẻ sẽ cảm thấy tốt hơn nếu cha mẹ vẫn hợp tác, giao tiếp với nhau thường xuyên và giữ nguyên luật lệ trong gia đình.
Thông thường, các luật lệ cha mẹ đặt ra cần kéo dài và quan trọng bởi vì nó đảm bảo những ranh giới rõ ràng không thay đổi trong gia đình.

Cuối cùng, những trẻ cảm thấy ổn thỏa có thể tìm kiếm và được mọi người hỗ trợ để thích nghi với sự thay đổi trong gia đình. Khuyến khích trẻ nói chuyện với bố mẹ hoặc một người bạn mà trẻ tin cậy.



  • nghethuatamnhacsaigon.com

  1. How to Support Children after Their Parents Separate or Divorce. Đọc thêm tại: <https://www.healthychildren.org/English/healthy-living/emotional-wellness/Building-Resilience/Pages/How-to-Support-Children-after-Parents-Separate-or-Divorce.aspx>. [Ngày 11 tháng 10 năm 2015].
  2. Helping your child through a disvorce. Đọc thêm tại: <http://kidshealth.org/parent/positive/talk/help_child_divorce.html#a_Adjusting_to_a_New_Living_Situation>. [Ngày 11 tháng 10 năm 2015].
  3. Healing 101. Đọc thêm tại: <http://www.focusonthefamily.com/parenting/single-parents/helping-children-heal-after-divorce/healing-101>. [Ngày 11 tháng 10 năm 2015].
  4. What Children Experience (and How to Help). Đọc thêm tại: <http://www.focusonthefamily.com/parenting/single-parents/helping-children-heal-after-divorce/what-children-experience>. [Ngày 11 tháng 10 năm 2015].
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com