Nuôi con

Khi con chịu ảnh hưởng từ mối quan hệ bạn bè

Trẻ vị thành niên có niềm tin lớn vào mối quan hệ bạn bè về việc giúp trẻ thể hiện cá tính và muốn gắn bó với bạn bè hơn gia đình vì cho rằng những người bạn thân có thể thấu hiểu và chấp nhận mình. Bên cạnh đó, trẻ cũng cảm thấy thoải mái hơn khi thể hiện bản thân với bạn bè cùng trang lứa.

Mỗi độ tuổi, trẻ sẽ có những đặc điểm về các mối quan hệ bạn bè khác nhau, cha mẹ cùng đọc và cùng tìm hiểu nhé!

“Ảnh hưởng từ mối quan hệ bạn bè”

Trong giai đoạn 12 -18 tuổi, thanh thiếu niên có niềm tin lớn ở bạn bè về việc có thể giúp trẻ độc lập với gia đình. Cha mẹ dần dần bị tách rời khỏi con cái vì những chuẩn mực về hành vi và nguyên tắc của mình, trong khi bạn bè có thể đáp ứng một số nhu cầu tâm lý nhất định theo những cách mà cha mẹ không làm được. Thanh thiếu niên vẫn đang trong quá trình đi tìm “cái tôi” của bản thân, đi tìm những người bạn thân có thể đồng thuận, chấp nhận và thấu hiểu mình. Các thanh thiếu niên thường cảm thấy thoải mái nhất khi thể hiện bản thân và bảy tỏ ý tưởng với bạn đồng trang lứa.

Khi con chịu ảnh hưởng từ mối quan hệ bạn bè

Trẻ vị thành niên có niềm tin lớn ở bạn bè về việc giúp trẻ độc lập với gia đình

Ảnh hưởng từ mối quan hệ bạn bè là khi trẻ quyết định làm một việc gì đó vì trẻ muốn được bạn bè chấp nhận và yêu thích. Những việc làm đó không phải lúc nào cũng đi ngược lại với ý muốn bản thân của trẻ.

Cụm từ “áp lực từ bạn bè” được sử dụng phổ biến hơn khi đề cập đến vấn đề này. Tuy nhiên, “ảnh hưởng từ bạn bè” là cách định nghĩa tốt hơn để mô tả hành vi ở thanh thiếu niên được hình thành như thế nào khi bản thân muốn là một phần của nhóm bạn bè đồng trang lứa.

Các giai đoạn hình thành mối quan hệ bạn bè ở thanh thiếu niên

Khi bước vào cấp hai, mối quan hệ xã hội của trẻ sẽ mở rộng. Vào lứa tuổi đầu giai đoạn thành niên (từ 11 – 14 tuổi), vì cảm thấy không tự tin vào bản thân mình, trẻ thường tìm kiếm sự an toàn ở các nhóm bạn. Nhưng hầu hết những trẻ ở lứa tuổi này sẽ hình thành mối quan hệ không thể tách rời với một trẻ cùng giới khác, được gọi là “bạn thân nhất”. Hai người bạn thân thiết này thường trung thành với nhau và chia sẻ tình cảm thân thiết, đôi khi khiến các thành viên trong gia đình phải ghen tị. Đôi lúc, cha mẹ vô tình kết tội đứa trẻ kia và bằng cách khôn khéo hoặc công khai khuyên con mình không nên chơi nhiều với người bạn đó. Trừ khi người bạn đó thật sự có ảnh hưởng xấu đến con, ngoài ra điều cấm cản này là sai lầm đấy mẹ ạ. Thứ nhất, cha mẹ không có lý do gì để cảm thấy bị đe dọa bởi bạn thân của con mình. Thứ hai, trẻ sẽ có xu hướng thay đổi bạn bè trong suốt giai đoạn thành niên chứ không phải sẽ gắn bó với người bạn này suốt đời đâu.

Khi con chịu ảnh hưởng từ mối quan hệ bạn bè hình ảnh 2

Cha mẹ không nên cấm cản con hình thành mối quan hệ bạn bè thân thiết

Vào giai đoạn giữa thành niên (từ 15 – 17 tuổi), trẻ có sự tự tin cao và cũng dễ dàng thiết lập các mối quan hệ xã hội hơn. Đây là độ tuổi mà một vài trẻ bắt đầu chú ý đến bạn khác giới. Tiếp theo đó là những rung động tình cảm, có thể giúp củng cố mối quan hệ hoặc làm phức tạp vấn đề lên và dẫn đến tình bạn tan vỡ.

Vào giai đoạn cuối thành niên (từ 18 – 21 tuổi), trẻ sẽ độc lập hơn và có khả năng duy trì mối quan hệ. Trẻ có thể hẹn hò trong giai đoạn này hoặc có thể là sớm hơn, và dễ dàng thay đổi nhóm bạn, bao gồm nhóm bạn cả nam lẫn nữ. Thời điểm tốt nghiệp phổ thông đánh dấu sự mất mát và chia cắt đầu tiên ở trẻ, khi phải xa rời những người bạn lâu năm của mình và tìm kiếm những mối quan hệ bạn bè mới ở trường đại học hoặc nơi làm việc.

Ảnh hưởng tích cực và tiêu cực từ bạn bè

Đáng ngạc nhiên đối với nhiều người là ảnh hưởng từ bạn bè không phải lúc nào cũng xấu. Thật ra nó có ảnh hưởng tích cực đối với cuộc sống của trẻ. Bạn bè và nhóm bạn giúp trẻ nhận ra nhiều điều:

  • Cảm giác được sự thuộc về một nhóm, một nơi nào đó và được trân trọng.
  • Tăng sự tự tin và cảm giác an toàn, vì trẻ biết rằng bạn bè mình thấu hiểu những gì đang xảy ra với trẻ.
  • Một nơi an toàn để có những thử nghiệm tích cực, và là nơi để thoải mái hiện thực hóa ý tưởng.
  • Cơ hội để quen biết người khác và tìm hiểu quan điểm của họ.
  • Học cách thương lượng, chấp nhận và hòa nhập với người khác.
  • Chia sẻ sở thích và tiếp cận với nhiều ý tưởng mới.

Khi con chịu ảnh hưởng từ mối quan hệ bạn bè hình ảnh 3

Bạn bè là nơi để trẻ vị thành niên chia sẻ sở thích và tiếp cận với nhiều ý tưởng mới

Mọi người đều có áp lực phải hòa nhập, bất kể ở độ tuổi nào. Vài người có thể cảm thấy áp lực về việc này hơn những người khác. Điều này có nghĩa là lựa chọn những quyết định mà bản thân thực sự không muốn hoặc cảm thấy không an toàn. Một vài ví dụ như:

  • Ăn mặc “đúng điệu” – vấn đề này có thể góp phần gây tranh cãi giữa bố mẹ và con cái.
  • Hút thuốc lá, uống rượu bia, ma túy và các thứ khác
  • Bỏ học
  • Chọc ghẹo, bắt nạt hoặc đánh người
  • Ăn kiêng hoặc tập thể dục quá độ.

Khi con chịu ảnh hưởng từ mối quan hệ bạn bè hình ảnh 4

Ảnh hưởng từ bạn bè không phải lúc nào cũng xấu

Khi ảnh hưởng từ mối quan hệ bạn bè trở thành mối lo

Việc chịu áp lực quá lớn mà không biết cách xử lý cũng ảnh hưởng nhiều đến trẻ. Nếu cha mẹ nhận thấy trẻ có sự thay đổi tâm trạng, hành vi, chế độ ăn uống hoặc ngủ nghỉ,… mà nghi ngờ đó là ảnh hưởng từ bạn bè, cha mẹ cần nói chuyện với trẻ. Đồng thời, cha mẹ cần giúp con đối phó với những ảnh hưởng từ mối quan hệ bạn bè nếu nguyên nhân thực sự xuất phát từ tình bạn của trẻ.

Cha mẹ nên biết rằng, một vài thay đổi tâm trạng và hành vi là bình thường đối với thanh thiếu niên. Nhưng nếu trẻ có dấu hiệu thay đổi kéo dài hơn hai tuần, hoặc ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của trẻ, cha mẹ nên lo lắng đến sức khỏe tâm thần của trẻ.

Các dấu hiệu bao gồm:

  • Tâm trạng u buồn, hay khóc hoặc cảm giác tuyệt vọng
  • Các hành vi gây hấn hoặc chống lại xã hội bất thường
  • Hành vi thay đổi đột ngột, thường không rõ nguyên nhân
  • Khó ngủ, thức khuya hoặc dậy sớm
  • Chán ăn hoặc ăn quá nhiều
  • Không thích đến trường
  • Không tham gia vào các hoạt động yêu thích nữa
  • Lời tuyên bố về việc muốn bỏ cuộc, hoặc cuộc sống không còn đáng sống.

Nếu cha mẹ có những mối lo đó, hãy bắt đầu bằng việc trò chuyện với con. Bước kế tiếp, cha mẹ có thể  tìm đến bác sĩ, người có thể giúp liên hệ với các trung tâm chăm sóc sức khỏe trẻ em và thanh thiếu niên ở địa phương hoặc một chuyên gia y tế thích hợp.

Khi con chịu ảnh hưởng từ mối quan hệ bạn bè hình ảnh 5

Hãy trò chuyện với con nếu thấy con thường xuyên buồn bả hoặc có cảm giác tuyệt vọng



  1. Peer pressure and influence: teenagers. Đọc thêm tại: <http://raisingchildren.net.au/articles/peer_pressure_teenagers.html>. [Ngày 26 tháng 7 năm 2015].
  2. Peer pressure. Đọc thêm tại: <http://www.cyh.com/HealthTopics/HealthTopicDetails.aspx?p=243&id=2184&np=295>. [Ngày 26 tháng 7 năm 2015].
  3. Helping Kids Handle Peer Pressure. Đọc thêm tại: <http://www.healthlinkbc.ca/healthtopics/content.asp?hwid=abl0972>. [Ngày 27 tháng 7 năm 2015].
  4. Donald E. Greydanus, M.D., FAAP, Editor-in-chief and Philip Bashe (2003). Caring for Your Teenager. Bantam Books. Trang 5 – 7; 65 – 67.
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com