Sức khỏe

Khi con có những cơn ác mộng, cha mẹ nên làm gì?

Khi những cơn ác mộng xuất hiện ở bé, mẹ có thể giúp bé bằng nhiều cách, như đến bên dỗ dành và trấn an bé, ở lại cho đến khi bé thật sự bình tĩnh và ngủ trở lại. Những việc này khiến bé an tâm và dễ đi vào giấc ngủ.

Khi phát hiện bé vừa trải qua một cơn ác mộng, mẹ có thể thực hiện những việc sau để giúp bé bớt sợ hãi và đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn, mẹ nhé.

Đến bên cạnh bé càng sớm càng tốt: Nhanh chóng đến phòng bé mỗi khi nghe tiếng khóc, tiếng kêu vì có thể bé đang cảm thấy rất sợ hãi. Nếu phòng ngủ của bé cách xa phòng cha mẹ và không chắc có thể nghe được, thì hãy cân nhắc việc cài đặt máy báo khóc ở phòng của bé nhé.

Dỗ dành và trấn an bé: Nói chuyện với bé một cách nhẹ nhàng và hết sức bình tĩnh nhé vì có thể lúc này bé đang cảm thấy sợ hãi lắm. Mặt khác, việc mẹ bình tĩnh sẽ giúp bé cảm thấy an toàn và được bảo vệ sau khi thức dậy trong sợ hãi. Đồng thời các mẹ hãy giúp bé hiểu rằng đó chỉ là một cơn ác mộng không có thực và bây giờ nó đã qua rồi.

Thể hiện sự tin tưởng và công nhận cảm giác của bé là chân thật: Mẹ cần cho bé thấy rằng mẹ hiểu được cảm giác sợ hãi của bé lúc này để bé nhận thấy được sự đồng cảm ở mẹ.

Khi con co nhung con ac mong cha me nen lam gi hinh anh

Mẹ hãy thể hiện sự tin tưởng và công nhận cảm giác của bé là chân thật

Hãy sẵn sàng ở bên cạnh cho đến khi bé bình tĩnh trở lại: Nếu bé đặc biệt sợ hãi, có lẽ mẹ cần làm dịu nỗi sợ của bé bằng một hoạt động thư giãn mà bé thích, chẳng hạn như cùng nhau đọc sách, nói về những giấc mơ thú vị… đến khi bé bình tĩnh và ngủ lại thì mẹ có thể nhẹ nhàng rời khỏi giường của bé.

Lắng nghe khi bé muốn kể với mẹ về cơn ác mộng của mình: Các mẹ cần thể hiện sự chăm chú vào những gì bé kể và sau đó hãy hướng bé đến cái kết có hậu (hạnh phúc hoặc buồn cười) thay cho cái kết đáng sợ trong cơn ác mộng của bé. Hoặc các mẹ có thể “dùng phép thuật” xua đuổi những con quái vật hoặc người đã bắt nạt bé trong mơ. Cách thức này thường phù hợp với những bé mẫu giáo và trẻ ở tuổi đi học bởi ở độ tuổi này các bé thường có trí tưởng tượng sống động, sức mạnh của tình yêu và bảo vệ chính nghĩa có thể làm nên điều kì diệu. Các mẹ có thể “giả vờ” tìm quái vật từ những nơi kín đáo như tủ quần áo, dưới giường, bàn,… và sau đó dùng phép thuật xua đuổi chúng trước mặt bé. Điều này có thể làm bé cảm thấy an tâm và bớt lo lắng hơn đấy.

Đừng làm cho mọi việc trở nên tồi tệ hơn: Các mẹ đừng phớt lờ hoặc tỏ vẻ tức giận vì nghĩ bé cố ý làm như vậy để được cha mẹ chú ý, điều này sẽ làm bé khó chịu và la hét lớn hơn mà thôi. Cũng đừng vì cảm thấy mệt mỏi hoặc muốn giải quyết nhanh gọn, mà quyết định cho bé ngủ cùng mình, vì cách này có thể khiến bé nghĩ rằng ngủ một mình trong phòng sẽ gặp ác mộng, từ đó sẽ nằng nặc đòi ngủ chung với cha mẹ sau này.

Cung cấp ánh sáng nhẹ nếu bé sợ hãi: Ánh sáng dịu từ đèn ngủ hoặc từ căn phòng bên cạnh cũng có thể giúp bé cảm thấy an toàn hơn và sẵn sàng trở lại giấc ngủ thay vì nằm trong căn phòng tối om. Một đèn pin nhỏ đặt cạnh giường cũng có thể là một giải pháp tốt giúp xua đuổi cơn ác mộng.

Xem thêm: Ngăn chặn những cơn ác mộng




  1. Sleep – children and nightmares. Đọc thêm tại: <http://www.betterhealth.vic.gov.au/bhcv2/bhcarticles.nsf/pages/Nightmares_and_children?open>. [Ngày 20 tháng 7 năm 2015].
  2. Nightmares. Đọc thêm tại: <http://kidshealth.org/parent/growth/sleep/nightmare.html#>. [Ngày 20 tháng 7 năm 2015].
  3. Nightmare disorder. Đọc thêm tại: <http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/nightmare-disorder/basics/definition/con-20032202>. [Ngày 20 tháng 7 năm 2015].
  4. Tại sao con bạn hay mơ thấy ác mộng?Đọc thêm tại: <http://www.webtretho.com/forum/f3771/tai-sao-con-ban-hay-mo-thay-ac-mong-1787663/>. [Ngày 20 tháng 7 năm 2015].

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com