Chăm sóc bà bầu

Kiểm soát tốt bệnh hen suyễn khi mang thai

Bệnh hen suyễn khi mang thai gây nhiều ảnh hưởng không tốt đến cả mẹ và bé nhưng những nguy cơ này có thể phòng tránh nếu mẹ được bác sĩ theo dõi chặt chẽ, điều này sẽ giúp mẹ có một thai kỳ bình thường và một bé con khỏe mạnh.

Hen suyễn khi mang thai sẽ khiến nhiều mẹ lo lắng, vì hen suyễn có thể ảnh hưởng đến sự phát triển khỏe mạnh của thai nhi. Xem thêm bài Bị hen suyễn khi mang thai: Nguy cơ tăng dị tật thai nhi để biết rõ những mối nguy hại có thể xảy ra.

Tuy nhiên, nếu mẹ có thể kiểm soát tốt bệnh hen suyễn thì mọi chuyện sẽ khác đấy. Nhưng bằng cách nào? Để biết rõ hơn mẹ tham khảo nội dung bên dưới nhé!

Kiểm soát bệnh hen suyễn khi mang thai như thế nào?

Kiểm soát được bệnh hen suyễn trước khi mang thai hay vào thời kỳ đầu mang thai sẽ là chiến thuật tốt nhất dành cho mẹ và thai nhi để có một thai kỳ hoàn hảo. Để kiểm soát tốt tình trạng hen suyễn, mẹ có thể tiến hành theo các bước sau:

Xác định các tác nhân kích thích từ môi trường:

Dị ứng là nguyên nhân chính gây ra hen suyễn và mẹ có thể biết rõ tác nhân nào gây ra dị ứng đối với mẹ. Do đó, việc tránh tiếp xúc với chúng sẽ giúp mẹ thở dễ dàng hơn lúc mang thai.

Những tác nhân phổ biến và chất kích thích như phấn hoa, lông động vật, bụi, nấm mốc, khói thuốc lá, bụi bặm khi dọn nhà và nước hoa cũng có thể là tác nhân gây dị ứng, vì thế mẹ nên tránh dọn dẹp chúng. Dĩ nhiên là nếu mẹ và ông xã hút thuốc, mẹ nên gợi ý để cả hai vợ chồng cùng bỏ hút thuốc. Mẹ nên lưu ý là nếu đã bị dị ứng với thứ gì trước khi mang thai thì mẹ sẽ tiếp tục bị dị ứng với thứ đó trong khi mang thai.

Cẩn thận khi tập thể dục:

Nếu mẹ lên cơn suyễn do tập thể dục (hoặc do hoạt động nào đó khiến mẹ lên cơn suyễn) thì mẹ nên uống thuốc được kê toa trước khi tập hoặc làm việc đó. Việc này có thể giúp ngăn chặn các đợt tấn công của cơn suyễn. Mẹ cũng nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn các loại hình thể dục phù hợp.

Giữ sức khỏe:

Mẹ nên tránh việc bị cảm lạnh, cúm hay các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác – vì đây cũng là những tác nhân gây hen suyễn. Bác sĩ có thể sẽ cho mẹ thuốc để tránh cơn suyễn khi mới bị cảm lạnh, hoặc có thể mẹ cần điều trị những loại vi khuẩn thứ yếu gây nhiễm trùng đường hô hấp bằng kháng sinh dành cho thai phụ.

Chích tiêm phòng cúm được khuyến cáo cho tất cả các bà mẹ mang thai, và vắc xin ngừa nhiễm trùng phế cầu đặc biệt quan trọng đối với mẹ đang mắc bệnh hen suyễn (nhất là nếu mẹ đang ở vùng có nguy cơ lây nhiễm cao). Nếu mẹ bị viêm xoang và trào ngược dạ dày mãn tính, mẹ hãy trao đổi với bác sĩ để có kế hoạch điều trị vì 2 bệnh mãn tính này có thể ảnh hưởng tới việc kiểm soát cơn hen suyễn.

Để ý tới dụng cụ đo lưu lượng đỉnh (peak flow meter):

Làm theo sự chỉ dẫn của bác sĩ để đảm bảo rằng mẹ vẫn lấy đủ lượng ô xy cần thiết cho cả hai mẹ con. Mẹ hãy kiểm soát lượng không khí qua sự hít thở bằng dụng cụ đo lưu lượng đỉnh theo sự chỉ dẫn của bác sĩ.

Có một cái nhìn đúng đắn khi dùng thuốc:

Việc dùng thuốc sẽ thay đổi trong thời gian mẹ mang thai, vì vậy, mẹ hãy chỉ dùng những loại thuốc được bác sĩ kê toa trong thời gian mang thai thôi nhé.

Nếu các triệu chứng của bệnh hen suyễn khi mang thai chỉ ở mức độ nhẹ, mẹ có thể không cần phải uống thuốc. Nếu từ vừa tới nặng, mẹ sẽ được bác sĩ cho dùng những loại thuốc an toàn trong khi mang thai (nhìn chung, thuốc dạng hít an toàn hơn thuốc uống). Đừng do dự khi cần phải uống thuốc vì mẹ đang sống cho cả hai người đó.

Nếu mẹ bị lên cơn suyễn, việc điều trị kịp thời bằng thuốc đã kê toa sẽ giúp thai nhi không bị thiếu hụt oxy. Tuy nhiên, nếu dùng thuốc không có tác dụng, mẹ hãy đi ngay tới cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ, cấp cứu kịp thời. Đợt suyễn có thể gây co thắt tử cung sớm nhưng tình trạng này thường chấm dứt khi cơn suyễn dừng (đó là lý do vì sao việc điều trị cơn suyễn càng nhanh càng tốt rất quan trọng). Mẹ nên nhớ tuyệt đối không giảm liều hay ngưng uống thuốc khi không nói trước với bác sĩ.

Có thể mẹ sẽ phải đợi cho tới khi sinh xong mới có thể thay đổi liều lượng hoặc dừng sử dụng thuốc, và đương nhiên là mẹ phải tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ kể cả trước, trong và sau khi mang thai.

Vào cuối thai kỳ, mẹ có thể thấy rất khó thở, tuy nhiên mẹ đừng lo lắng gì nhiều vì đây là điều bình thường các thai phụ bị hen suyễn hay gặp phải và chúng không gây nguy hiểm gì cho mẹ và thai nhi đâu.

Hãy yên tâm sinh con dù mẹ đang mắc bệnh hen suyễn

Nếu mẹ đang cân nhắc việc đẻ thường và không dùng thuốc gì trong khi sinh nở, mẹ hãy yên tâm vì hen suyễn thường không can thiệp gì vào kỹ thuật thở Lamaze (phương pháp dùng trong sinh nở) hay các phương pháp khác.

Kiểm soát tốt bệnh hen suyễn khi mang thai

Hãy yên tâm sinh con dù mẹ đang mắc bệnh hen suyễn

Nếu có sử dụng gây tê ngoài màng cứng, mẹ cũng không cần lo lắng ngoại trừ trường hợp gây mê giảm đau bằng thuốc Demerol thì cần tránh (vì thuốc Demerol có thể gây kích thích cơn suyễn của mẹ).

Dù rất hiếm khi cơn suyễn tái phát lúc sinh con, nhưng mẹ có thể sẽ vẫn phải tiếp tục dùng thuốc hen suyễn ngay trong khi đau đẻ. Nếu cơn suyễn khá nghiêm trọng và phải dùng tới steroid dạng uống hay cortisone, mẹ có thể cần phải dùng steroid dạng truyền tĩnh mạch để giúp giảm căng thẳng và áp lực khi chuyển dạ.

Lượng ôxy của mẹ cần được kiểm tra và theo dõi ngay từ khi mẹ nhập viện để sinh (nếu nó ở ngưỡng thấp có thể mẹ phải dùng thuốc). Dù một số trẻ sinh ra bởi mẹ mắc bệnh hen suyễn sẽ bị thở nhanh sau khi sinh, nhưng đây chỉ là triệu chứng tạm thời mà thôi.

Trong vòng 3 tháng sau khi sinh, rất có thể các triệu chứng hen suyễn của mẹ sẽ trở lại giống hệt như trước khi mẹ có thai vậy.




  1. Heidi Murkoff & Sharon Mazel, 2008, What to expect when you’re expecting, 4th edn, Workman Publishing, USA.
  2. Asthma During Pregnancy. Tham khảo tại: <http://www.webmd.com/asthma/tc/asthma-during-pregnancy-topic-overview>. [Ngày 05 tháng 03 năm 2015]
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com