Sức khỏe

Làm sao khi trẻ gặp khó khăn với kỹ năng viết do rối loạn diễn đạt bằng chữ viết?

Kỹ năng viết của bé kém xa so với các bạn cùng tuổi khi bé có rối loạn diễn đạt bằng chữ viết. Yếu tố di truyền và hoạt động của não bộ đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành rối loạn học tập này.

Rối loạn diễn đạt bằng chữ viết là gì?

Rối loạn diễn đạt bằng chữ viết (chứng khó viết – Dysgraphia) là tình trạng mà khả năng giao tiếp bằng chữ viết của một người thấp hơn nhiều so với bình thường dựa trên độ tuổi, trí thông minh, kinh nghiệm sống và nền giáo dục của người đó. Rối loạn này ảnh hưởng đến việc viết chữ và việc diễn đạt các suy nghĩ thành câu văn.

Rối loạn này ảnh hưởng nhiều đến thành tích học tập và các hoạt động đòi hỏi kỹ năng viết trong cuộc sống hàng ngày.

Nguyên nhân

Hiện nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây ra rối loạn diễn đạt bằng chữ viết. Tuy nhiên, các yếu tố sau góp phần quan trọng trong việc hình thành nên rối loạn ảnh hưởng đến kỹ năng viết này:

– Hoạt động của não bộ:

  • Não bộ nhận thông tin thông qua các giác quan và lưu giữ lại để dùng sau này. Trước khi một người bắt đầu viết, người đó lấy thông tin từ trí nhớ của mình, sắp xếp lại những thông tin đó để viết. Khi bé có rối loạn diễn đạt bằng chữ viết, vấn đề có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bước của quá trình viết, bao gồm: sắp xếp lại các thông tin được lưu trữ trong trí nhớ; viết chữ lên giấy (viết tay hoặc đánh máy). Kết quả là một trang giấy khó đọc và đầy lỗi. Quan trọng hơn cả là nó không truyền đạt được điều mà bé biết và điều mà bé muốn viết.
  • Trí nhớ làm việc (working memory) có thể ảnh hưởng đến chứng khó viết. Trong trường hợp này, bé có thể có vấn đề về khả năng nhớ chính tả. Đây là khả năng giúp bé ghi nhớ cách viết một từ lạ. Khi bé thiếu khả năng này, bé sẽ khó có thể nhớ được cách viết một chữ nào đó.

Ky nang viet gap kho khan khi bi roi loan dien dat bang chu viet hinh anh

Kỹ năng viết gặp khó khăn khi có rối loạn diễn đạt bằng chữ viết

– Di truyền: do rối loạn này thường có xu hướng xảy ra ở những người trong cùng gia đình.

Chẩn đoán

Những dấu hiệu của rối loạn diễn đạt bằng chữ viết thường xuất hiện sớm ở bậc tiểu học, nhưng một số trường hợp có thể không có biểu hiện rõ ràng cho đến khi bé vào trung học hoặc sau đó. Thỉnh thoảng các dấu hiệu bị bỏ qua hoàn toàn do sự chủ quan và ít quan tâm của ba mẹ. Rối loạn diễn đạt bằng chữ viết nên được phát hiện và giải quyết càng sớm càng tốt.

Việc chẩn đoán thường được thực hiện bởi các nhà tâm lý học, người có chuyên môn về các rối loạn liên quan đến học tập. Bé sẽ được kiểm tra các khả năng thông thường hoặc trí thông minh (kiểm tra IQ). So sánh kết quả mà bé đạt được với những bé khác cùng tuổi với bé. Sau đó, bé sẽ có bài kiểm tra về các kỹ năng viết, có thể là viết câu và sao chép văn bản. Nếu có một khoảng cách lớn giữa điểm số IQ và điểm số bài kiểm tra các kỹ năng viết này mà không có các yếu tố khác ảnh hưởng, bé có thể được chẩn đoán có một rối loạn diễn đạt bằng chữ viết. Việc kiểm tra sẽ bộc lộ những điểm yếu cụ thể, như chính tả, ngữ pháp hay các khía cạnh về tổ chức văn bản.

Bên cạnh đó, việc đánh giá không chỉ nhìn trên kết quả cuối cùng của bé, mà còn là sự xem xét quá trình bé viết. Bao gồm: tư thế, dáng điệu, cách cầm bút, sự gò bó. Bé cũng có thể được kiểm tra độ linh hoạt của kỹ năng vận động tinh bằng cách gõ ngón tay và xoay cổ tay.

Ngoài ra, các giáo viên giáo dục đặc biệt và các nhà tâm lý học đường có thể giúp xác định các yếu tố về cảm xúc hoặc tác động từ trường học lên tình trạng của bé.

Xem thêm:
>> Kỹ năng viết ở bé bị rối loạn khả năng diễn đạt bằng chữ viết
>> Hỗ trợ để bé phát triển kỹ năng viết




  1. Disorder of written expression. Đọc thêm tại: <http://www.minddisorders.com/Del-Fi/Disorder-of-written-expression.html>. [Ngày 4 tháng 7 năm 2015].
  2. Disorder of Written Expression Symptoms. Đọc thêm tại: <http://psychcentral.com/disorders/disorder-of-written-expression-symptoms/>. [Ngày 20 tháng 6 năm 2015].
  3. Understanding Dysgraphia. Đọc thêm tại: <https://www.understood.org/en/learning-attention-issues/child-learning-disabilities/dysgraphia/understanding-dysgraphia>. [Ngày 4 tháng 7 năm 2015].
  4. Disorder of written expression. Đọc thêm tại: <https://www.carautismroadmap.org/disorders-of-written-expression/>. [Ngày 4 tháng 7 năm 2015].
  5. Understanding Dysgraphia. Đọc thêm tại: <http://eida.org/understanding-dysgraphia/>.[Ngày 4 tháng 7 năm 2015].
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com