Nuôi con

Làm gì khi trẻ không nghe lời ở tuổi vị thành niên?

Nếu cha mẹ phản ứng với sự nổi loạn và thiếu vâng lời của trẻ vị thành niên bằng cách nổi giận và thiếu kiềm chế, trẻ có thể sẽ đáp lại bằng cách chống đối và vô lễ. Vậy phải làm gì khi trẻ không nghe lời và nổi loạn đây? Cùng tham khảo bài viết sau với cách dạy con tuổi dậy thì nhé!

Trẻ có thể sẽ biết vâng lời hơn khi cha mẹ giữ bình tĩnh, hợp tác và kiên định. Trẻ sẽ học cách tôn trọng nếu cha mẹ tôn trọng trẻ và mọi người trong gia đình. Làm gì khi trẻ không nghe lời và nổi loạn? Dưới đây là một vài cách thức mà cha mẹ có thể tham khảo:

Cho trẻ vị thành niên tham gia vào việc thiết lập các luật lệ gia đình

Ngồi lại với trẻ để thiết lập các ranh giới. Lắng nghe tích cực các đề nghị của trẻ về các luật lệ và giới hạn. Giải thích cho trẻ những suy nghĩ của cha mẹ. Cố gắng kết hợp các ý kiến của trẻ và tạo ra một vài (không quá nhiều) các luật lệ gia đình. Khi đề ra các luật lệ, phải đảm bảo sự cân bằng, không quá nghiêm khắc hoặc quá dễ dãi. Quá nhiều sự tự do sẽ khiến trẻ có nhiều cơ hội dính líu tới các hành vi nguy hiểm, nhưng quá nghiêm khắc sẽ khiến trẻ nổi loạn. Một khi đã quyết định, các luật lệ nên được giao ước là phải tuân theo, không có thương lượng. Ví dụ như “Không xem ti vi nếu chưa làm xong bài tập” hoặc “Quần áo bẩn phải đặt vào sọt”. Những kỳ vọng cha mẹ đề ra cho con cái và những hậu quả khi phá luật phải rõ ràng và phải tuân thủ. Luật lệ có thể lập thành văn bản ghi rõ chi tiết các ranh giới, kỳ vọng và hậu quả. Văn bản sẽ hạn chế sự hiểu lầm và cơ hội vi phạm của trẻ. Ngoài ra, văn bản còn giúp cha mẹ đề ra sẵn những hậu quả thích hợp khi đang bình tĩnh thay vì nảy sinh ra hình phạt quá khắc nghiệt trong cơn nóng giận và sau đó phải thay đổi nó. Những hậu quả đề ra nên là những hậu quả mà cha mẹ có thể kiểm soát hoàn toàn. Ví dụ, giảm tiền tiêu, không cho sử dụng xe và giới hạn thời gian với bạn bè là tất cả những hình phạt có thể thực hiện được. Một hình phạt đòi hỏi sự hợp tác của trẻ như công việc nhà sẽ rất khó thực thi.

Làm gì khi trẻ không nghe lời ở tuổi vị thành niên

Làm gì khi trẻ không nghe lời và nổi loạn? Hãy cho trẻ tham gia vào việc thiết lập các luật lệ gia đình

Luôn tuân thủ luật lệ

Để tránh những tình huống trẻ nổi loạn, đây được cho là biện pháp quan trọng nhất. Khi đã đề ra các luật lệ và hình phạt đi kèm, cha mẹ phải tuân thủ chúng ngay lập tức và bất kì lúc nào khi xảy ra vi phạm. Các hình phạt phải được tuân thủ hoặc nếu không luật lệ sẽ không còn ý nghĩa. Khi trẻ tránh né một luật lệ nào trong gia đình, cha mẹ không nên tranh cãi hoặc thương lượng. Chỉ đơn giản nhắc nhở trẻ về luật lệ. Trẻ sẽ cố đánh lừa cha mẹ, tìm kiếm lỗ hổng nào trong lời tranh cãi của cha mẹ và bắt đầu cãi lại. Đừng giải thích quá nhiều hoặc thương lượng lại. Những cha mẹ luôn thực hiện những quy định họ đã đề ra sẽ ít gặp rắc rối hơn so với những người không thực hiện. Nếu cha mẹ đề ra một hình phạt, nhưng sau đó bỏ qua và không làm theo, cha mẹ sẽ mất uy tín và trẻ sẽ không học hỏi được gì khác ngoài việc biết rằng cha mẹ là người không kiên định.

Ghi nhận hành vi tích cực

Bày tỏ sự đánh giá cao việc vâng lời của trẻ với thái độ chân thành và tôn trọng. Ví dụ, cha mẹ có thể nói “Thật tốt khi con về nhà trước giờ giới nghiêm. Cha mẹ cảm thấy tin tưởng con hơn.”

Tạo các cuộc trò chuyện cởi mở

Không nên chất vấn trẻ khi cha mẹ không hài lòng về trẻ mà hãy dành thời gian với trẻ để lắng nghe những hy vọng và thất vọng của con. Việc cho trẻ cảm giác cô đơn là một điều tồi tệ. Những trẻ cảm thấy thiếu tự tin thường muốn nổi loạn hoặc có những hành động chống đối để cha mẹ để ý đến mình hơn. Thay vì chèn ép lập trường của con, cha mẹ hãy cho trẻ cơ hội để nói ra suy nghĩ của mình, đồng thời lắng nghe những lo lắng của trẻ và là bờ vai để trẻ dựa vào.

Làm gì khi trẻ không nghe lời ở tuổi vị thành niên hình ảnh 2

Cha mẹ hãy lắng nghe những lo lắng của trẻ và là bờ vai để trẻ dựa vào

Cân nhắc khi nào nên can thiệp

Cha mẹ phải biết cách can thiệp khi cần thiết. Để làm được điều đó, cha mẹ nên dành thời gian ngồi lại với nhau và quyết định việc nào là quan trọng. Sau đó, chỉ tập trung vào những vấn đề nào thật sự cần sự chú ý để bảo vệ trẻ. Nhiều mâu thuẫn gia đình không cần thiết để bạn dành thời gian và năng lượng để giải quyết. Chìa khóa để nuôi dạy con thành công là phải biết những vấn đề nào cần xử lý và vấn đề nào có thể bỏ qua. Bằng cách bỏ qua những bất đồng nhỏ, cha mẹ sẽ tạo dựng một môi trường hòa bình và không gian cho trẻ có thể tiếp cận mình khi gặp những vấn đề quan trọng hơn.

Giữ bình tĩnh

Khi con không nghe lời, chống đối, bướng bỉnh, nổi loạn,… có thể khiến cha mẹ rất tức giận. Bất cứ khi nào cảm thấy cảm xúc đang dâng lên, cha mẹ hãy nhớ rằng mình là tấm gương về hành vi cho con học tập. Mục tiêu của cha mẹ không phải là để giành chiến thắng mà là để dạy cho trẻ bài học cuộc sống về trách nhiệm. Hãy dừng lại nếu sự xung đột, giận dữ bắt đầu dâng cao ở bạn hoặc trẻ. Những hành động lúc nóng giận sẽ khiến bạn hối tiếc về sau. Thay vào đó, cha mẹ hãy từ chối tranh luận và chỉ đơn giản nói rằng mình cần thời gian để suy nghĩ. Đó là một cách tốt để cha mẹ có thêm thời gian suy nghĩ về một cách xử trí thích hợp hơn.

Tôn trọng

Nếu một thanh thiếu niên nhìn thấy cha mẹ có thái độ thiếu tôn trọng, trẻ sẽ cho rằng hành động thiếu tôn trọng của trẻ cũng là một hành vi thích hợp. Hãy nhớ rằng bạn là người trưởng thành và là hình mẫu mà trẻ noi theo. Khi người lớn phản ứng lại trẻ bằng sự chế nhạo, lăng mạ, vũ lực, điều đó sẽ làm ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa họ và trẻ. Đặc biệt, đừng bao giờ làm bẽ mặt trẻ trước các bạn đồng trang lứa mà hãy nói chuyện riêng với trẻ. Cha mẹ nên đợi cho đến khi các bạn của con rời đi và gọi trẻ ra khỏi phòng để nói chuyện thì sẽ tốt hơn. Và cuối cùng, không nên so sánh trẻ với người khác tài giỏi hơn, điều đó khiến trẻ cảm thấy thấp kém và nảy sinh tâm lý nổi loạn, chống đối để chứng tỏ mình.



  • nghethuatamnhacsaigon.com

  1. 1.Why do teens and adolescents rebel so much?. Đọc thêm tại: <http://www.familycenterweb.org/index.php/ask-the-experts/41-teen/308-why-do-teens-and-adolescents-rebel-so-much>. [Ngày 24 tháng 7 năm 2015].
    2.Rebel with a Cause: Rebellion in Adolescent. Đọc thêm tại: <https://www.psychologytoday.com/blog/surviving-your-childs-adolescence/200912/rebel-cause-rebellion-in-adolescence>. [Ngày 24 tháng 7 năm 2015].
    3.Cause & Types of Teen Rebellion. Đọc thêm tại: <http://motherhood.modernmom.com/causes-types-teen-rebellion-10758.html>. [Ngày 24 tháng 7 năm 2015].
    4.Disobedience. Đọc thêm tại: <https://www.healthychildren.org/English/family-life/family-dynamics/communication-discipline/Pages/Disobedience.aspx>. [Ngày 24 tháng 7 năm 2015].
    5.The Disobedient Teen. Đọc thêm tại: <https://middleearthnj.wordpress.com/2012/09/24/the-disobedient-teen/>. [Ngày 24 tháng 7 năm 2015].
  2. Donald E. Greydanus, M.D., FAAP, Editor-in-chief and Philip Bashe, 2003, Caring for Your Teenager. Bantam Books. Trang 59 – 60. 
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com