Chăm sóc bà bầu

Làm sao đương đầu khi bị sảy thai liên tiếp

Sảy thai (sẩy thai) là nỗi đau khó giãi bày và chẳng dễ dàng nguôi ngoai. Đặc biệt là khi sảy thai liên tiếp, điều này có thể dẫn đến những cú sốc tinh thần rất lớn cho hai vợ chồng, và mỗi lần sảy thai lại làm cho hai người buồn nhiều hơn trước.

Đối mặt với nỗi đau sảy thai

Trải qua việc sảy thai một lần có thể đã đủ khó khăn để đương đầu. Nhưng nếu phải chịu đựng việc đó lần thứ 2, thứ 3 hoặc hơn nữa có thể sẽ khiến bạn bị sốc nặng và cảm thấy sợ hãi.

Khi gặp tình trạng sảy thai liên tiếp, chắc hẳn bạn sẽ thấy nản lòng, buồn phiền, giận dữ, cáu kỉnh, không thể tập trung vào những việc còn lại trong đời sống (hay bất cứ việc gì khác ngoài những lần sảy thai).

Việc hồi phục vết thương tinh thần không chỉ mất nhiều thời gian hơn việc hồi phục tổn thương trên cơ thể, mà nỗi buồn có thể khiến bạn suy nhược thực sự và có thể dẫn đến các triệu chứng thể chất, gồm đau đầu, ăn không ngon hoặc ăn quá nhiều, mất ngủ và mệt mỏi quá mức.

lam-sao-duong-dau-khi-bi-say-thai-lien-tiep-hinh-anh1
Nỗi buồn mất con có thể khiến “mẹ” bị suy nhược thật sự kèm theo các triệu chứng đau đầu, mất ngủ,…

Có thể thời gian không làm lành được mọi vết thương, nhưng chắc chắn cuối cùng nó cũng sẽ giúp làm dịu nỗi đau của những lần sảy thai liên tiếp. Lúc này, phương thuốc hiệu nghiệm nhất cho bạn có lẽ là sự kiên nhẫn, mở lòng để đón nhận sự động viên của mọi người và quan trọng hơn hết là biết rõ nguyên nhân sảy thai để lần sau mang thai tốt hơn.

Tìm hiểu nguyên nhân sảy thai

Từng bị sảy thai một lần không có nghĩa là bạn sẽ sảy thai lần nữa, nhưng nhiều phụ nữ vẫn có thể bị sảy thai tái diễn (nghĩa là bị 2 hoặc 3 lần liên tiếp). Nếu bạn từng bị vài lần sảy thai, có lẽ sẽ rất lo lắng liệu bạn có thể mang thai bình thường được không?

Trước tiên, bạn phải hiểu rằng bạn có cơ hội khả quan để mang thai khỏe mạnh, dù có thể bạn cần được chăm sóc các lần mang thai sau này khác hơn. Những nguyên nhân gây sảy thai lặp lại đôi khi không thể biết được, nhưng có vài xét nghiệm có thể làm sáng tỏ lý do tại sao bạn lại sảy thai – thậm chí ngay cả khi mỗi lần sảy thai là do nguyên nhân khác nhau.

Cố gắng xác định nguyên nhân gây ra một lần sảy thai đơn lẻ thường không có giá trị, nhưng bạn nên làm giám định y khoa nếu bị trên hai lần sảy thai liên tiếp.

Một số tác nhân có thể liên quan tới tình trạng sảy thai tái diễn bao gồm: các vấn đề về tuyến giáp, do rối loạn tự miễn dịch (hệ thống miễn dịch của bạn tấn công phôi thai), thiếu hụt vitamin hoặc do cổ tử cung bị dị dạng.

Ngày nay nhiều xét nghiệm có thể tìm được những tác nhân gây nguy hiểm, từ đó đưa ra những gợi ý nhằm ngăn chặn việc sảy thai (trong một số trường hợp dễ dàng).

Bạn cũng có thể được xét nghiệm kiểm tra các rối loạn đông máu (một số phụ nữ sản xuất kháng thể tự tấn công mô cơ thể, hình thành các cục máu đông làm tắc nghẽn mạch máu của người mẹ đem đi nuôi nhau thai). Siêu âm, chụp MRI, CT có thể được tiến hành ở vùng tử cung của mẹ nhằm kiểm tra buồng tử cung của mẹ và thai nhi tự bị sảy để tìm những bất thường trong nhiễm sắc thể.

Khắc phục nguyên nhân gây sảy thai

Một khi bạn đã biết nguyên nhân (hoặc những nguyên nhân) gây sảy thai, bạn có thể trao đổi với bác sĩ về những phương thức điều trị cũng như biết cách chăm sóc tốt nhất cho lần mang thai kế tiếp.

Bạn có thể tìm hiểu thêm về các nguyên nhân gây sảy thai tại bài viết: Tìm hiểu nguyên nhân sảy thai trong 3 tháng đầu và Tìm hiểu nguyên nhân sảy thai 3 tháng giữa thai kỳ.

Qua đó, những nguyên nhân gây sảy thai có thể khắc phục như:

  • Phẫu thuật có thể giúp điều chỉnh một số mô vùng cổ tử cung và tử cung.
  • Thuốc trị bệnh tuyến giáp có thể điều trị dễ dàng bệnh tuyến giáp.
  • Các hợp chất bổ sung được kiểm soát có thể dễ dàng giải quyết tình trạng thiếu hụt vitamin.
  • Những phương pháp trị liệu bằng hóc môn cũng có thể giúp ích.
  • Tiến hành xét nghiệm để tìm kháng thể và cách điều trị để ngăn ngừa các cục máu đông (aspirin liều thấp và/hoặc heparin).

Hoặc bác sĩ sẽ cho bạn những lời khuyên khác.

Trong một số trường hợp, mẹ nào có tiền sử bị sảy thai do cơ thể sản xuất quá ít hóc môn progesterone thì có thể bổ sung hóc môn này, tuy nhiên, phương pháp điều trị này đang gây tranh cãi. Nếu dư thừa prolactin là nguyên nhân gây sảy thai thì mẹ có thể dùng thuốc để giảm nồng độ prolactin trong máu, từ đó cho phép mẹ tiếp tục mang thai bình thường ở những lần sau.

Cùng nhau vượt qua nỗi đau sảy thai liên tiếp

Dù bạn từng bị sảy thai liên tục, bạn vẫn có cơ hội khả quan để mang thai thành công trong tương lai. Nhưng việc từng bị sảy thai liên tiếp có thể khiến bạn mất niềm tin và sợ hãi trong lần mang thai tới. Hãy mở lòng để đón nhận sự sẻ chia, an ủi của mọi người xung quanh để không cảm thấy mình bị lẻ loi nhé.

lam-sao-duong-dau-khi-bi-say-thai-lien-tiep-hinh-anh2

Sự động viên từ người chồng là phương thuốc hiệu nghiệm nhất giúp người vợ vượt qua nỗi đau sảy thai

Hơn nữa, bạn cần tìm cách kiểm soát nỗi sợ hãi bằng những phương pháp như tập yoga, kỹ thuật diễn họa và các bài tập thở sâu. Những bài tập này có thể giúp ích cho bạn khi bị lo âu và sợ hãi.

Sự hỗ trợ cũng có thể đến từ các hội nhóm dành cho những người bị sảy thai, diễn đàn chia sẻ trên mạng. Nếu bạn nghĩ điều đó có ích với bạn (một số cặp vợ chồng mong muốn tìm kiếm sự sẻ chia, ủng hộ từ nhau hơn), hãy đăng ký tham gia và chia sẻ để trút bớt nỗi lòng.

Việc chia sẻ với các ông bố bà mẹ đã từng trải qua việc sảy thai, đặc biệt là những người đã nhiều lần bị sảy thai liên tiếp, có thể giúp bạn cảm thấy ít lẻ loi cũng như có thêm nhiều hi vọng hơn.

Điều quan trọng nhất là đừng để cảm giác có lỗi khiến bạn càng thấy nặng nề hơn, hãy nhớ rằng việc sảy thai không phải là lỗi của bạn. Thay vào đó, hãy cố tập trung vào việc bạn đã mạnh mẽ thế nào – dù không phải lúc nào bạn cũng cảm thấy mạnh mẽ như vậy, và vào quyết tâm muốn có em bé của bạn.

Có thể sẽ hữu ích cho bạn nếu tham khảo thêm bài viết: Sảy thai bao lâu có thể có thai lại?



  • nghethuatamnhacsaigon.com

  1. Heidi Murkoff & Sharon Mazel, 2008, What to expect when you’re expecting, 4th edition, Workman Publishing, USA. Page 578
  2. http://www.miscarriageassociation.org.uk/wp/wp-content/uploads/2011/04/RecurrentMiscarriage-July-2011b.pdf
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com