Sức khỏe

Nguyên nhân và triệu chứng rối loạn trầm cảm ở trẻ

Rối loạn trầm cảm được cho là có nguyên nhân từ sự mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh, có thể do trẻ bị căng thẳng, bệnh tật, hoặc có thể xảy ra mà không có yếu tố kích hoạt rõ ràng nào. Cùng tìm hiểu nguyên nhân và triệu chứng rối loạn trầm cảm ở trẻ em và thanh thiếu niên nhé!

Nguyên nhân dẫn đến rối loạn trầm cảm ở trẻ em và thanh thiếu niên

Rối loạn trầm cảm được cho là có nguyên nhân từ sự mất cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh, mà những hóa chất này thực hiện chức năng truyền tín hiệu giữa các tế bào thần kinh trong não bộ. Một số chất dẫn truyền này, như serotonin, giúp điều chỉnh tâm trạng. Nếu những chất làm ảnh hưởng đến tâm trạng này bị mất cân bằng thì sẽ dẫn đến trầm cảm hoặc những rối loạn khí sắc khác. Các chuyên gia vẫn chưa xác định được lý do tại sao những chất dẫn truyền này bị mất cân bằng, nhưng họ tin rằng, một sự thay đổi có thể xảy ra do căng thẳng hoặc bệnh tật, hoặc cũng có thể xảy ra mà không có yếu tố kích hoạt rõ ràng nào.

Có nhiều yếu tố được cho là làm tăng nguy cơ rối loạn trầm cảm ở trẻ em và thanh thiếu niên:

  • Rối loạn trầm cảm có tính di truyền trong gia đình. Trẻ em và thanh thiếu niên có cha mẹ bị trầm cảm thì có nhiều khả năng phát triển rối loạn này hơn những trẻ mà cha mẹ không bị trầm cảm. Các chuyên gia cho rằng cả 2 yếu tố – thừa hưởng những đặc điểm do di truyền (gen) và việc chung sống cùng với cha mẹ trầm cảm – đều có thể gây nên rối loạn trầm cảm ở trẻ.
  • Rối loạn trầm cảm ở trẻ nhỏ và thanh thiếu niên có thể liên quan đến những yếu tố gây căng thẳng, những vấn đề về xã hội và các cuộc xung đột không được giải quyết trong gia đình. Nó cũng có thể liên quan đến những sự kiện gây sang chấn tâm lý như bạo lực, lạm dụng hoặc bị bỏ bê.

Nguyên nhân và triệu chứng rối loạn trầm cảm ở trẻ

Có nhiều yếu tố khiến trẻ em và thanh thiếu niên bị rối loạn trầm cảm
  • Một số mô hình suy nghĩ nhất định và cách thức ứng phó có thể khiến trẻ nhỏ và thanh thiếu niên gia tăng khả năng phát triển rối loạn trầm cảm (ví dụ như trẻ nghĩ “tôi là người vô dụng, tôi không thể làm được chuyện gì hết, ai cũng không thích tôi”…).
  • Trẻ em và thanh thiếu niên mắc những bệnh lý y khoa nặng hoặc lâu năm, khó khăn học tập hay những vấn đề về hành vi thì cũng có nhiều khả năng phát triển rối loạn trầm cảm.
  • Một số loại thuốc có thể làm kích hoạt trầm cảm, như steroid hoặc các chất ma túy làm giảm đau. Ngay sau khi những loại thuốc này được ngưng sử dụng, các triệu chứng sẽ biến mất.
  • Lạm dụng rượu và ma túy có thể kích hoạt trầm cảm ở trẻ em và thanh thiếu niên.

Triệu chứng rối loạn trầm cảm ở trẻ em và thanh thiếu niên

Các triệu chứng rối loạn trầm cảm ban đầu rất khó phát hiện. Chúng có thể xuất hiện đột ngột hoặc từ từ theo thời gian.

– Những triệu chứng về cơ thể bao gồm:

  • Sự nhức mỏi và những cơn đau không thể giải thích được, như là đau đầu, đau dạ dày
  • Khó ngủ, hoặc ngủ quá nhiều
  • Những thay đổi trong thói quen ăn uống, dẫn đến tình trạng tăng cân hoặc sụt cân
  • Liên tục mệt mỏi, thiếu năng lượng
  • Chuyển động cơ thể dường như trở nên chậm chạp hoặc trở nên bồn chồn, kích động.

– Những triệu chứng về tâm thần hoặc cảm xúc bao gồm:

  • Buồn, khóc lóc thường xuyên

Nguyên nhân và triệu chứng rối loạn trầm cảm ở trẻ hình ảnh 2

Buồn, khóc lóc là một trong những triệu chứng dễ nhận biết khi trẻ bị rối loạn trầm cảm
  • Giảm hứng thú trong đối với các hoạt động, hoặc không có khả năng thưởng thức các hoạt động yêu thích trước đây.
  • Hay trốn học hoặc kết quả học tập giảm sút
  • Kém tập trung
  • Dễ cáu gắt hoặc giận dữ
  • Gặp khó khăn trong việc suy nghĩ và đưa ra quyết định
  • Lòng tự trọng thấp, tự chỉ trích bản thân và cảm thấy những người khác đối xử không công bằng với mình
  • Cảm giác tội lỗi và tuyệt vọng
  • Thu rút khỏi xã hội, ít tương tác với bạn bè
  • Lo lắng quá nhiều hoặc sợ hãi khi phải chia cách khỏi cha mẹ
  • Nghĩ về cái chết hoặc có ý nghĩ muốn tự tử.

Điều quan trọng, nếu bạn nghi ngờ trẻ mắc chứng rối loạn trầm cảm, bạn cần hết sức lưu ý và theo dõi nếu trẻ có những dấu hiệu cảnh báo về việc tự tử, chẳng hạn, trẻ bận tâm đặc biệt với cái chết hay tự tử, hoặc sự tan vỡ của một mối quan hệ gần đây của trẻ. Những dấu hiệu này có thể thay đổi tùy theo độ tuổi.

Chẩn đoán rối loạn trầm cảm ở trẻ em và thanh thiếu niên

Bác sĩ hoặc chuyên gia y tế sẽ đánh giá và chẩn đoán rối loạn trầm cảm ở trẻ bằng cách hỏi về tiền sử bệnh tật, làm một số xét nghiệm nhằm xác định xem các triệu chứng là do một bệnh lý khác hay do trầm cảm gây nên. Trẻ sẽ được khám sức khỏe hoặc xét nghiệm máu để loại trừ những bệnh lý như suy giảm tuyến giáp và thiếu máu. Bên cạnh đó, trẻ sẽ phải trả lời những câu hỏi trong bản đánh giá sức khỏe tâm thần, nhằm kiểm tra khả năng suy nghĩ, lập luận và ghi nhớ của trẻ.

Phụ huynh cũng sẽ phải trả lời những câu hỏi để hoàn thiện danh sách ghi nhận triệu chứng ở trẻ, đây là một bảng hỏi sàng lọc ngắn gọn dùng để phục vụ cho việc chẩn đoán rối loạn trầm cảm hoặc những vấn đề tâm lý khác ở trẻ.

Đôi khi, một số cuộc phỏng vấn với những người thân thiết với trẻ hoặc giáo viên cũng sẽ được tiến hành, nhằm có một cái nhìn toàn diện hơn về các triệu chứng của trẻ.




  1. Depression in Children and Teens. Đọc thêm tại:
  2. http://www.webmd.com/depression/tc/depression-in-childhood-and-adolescence-cause>. [Ngày 11 tháng 9 năm 2015].
  3. Depression. Đọc thêm tại:
  4. http://www.nimh.nih.gov/health/topics/depression/index.shtml>. [Ngày 11 tháng 9 năm 2015].
  5. The Depressed Child. Đọc thêm tại:
  6. http://www.aacap.org/AACAP/Families_and_Youth/Facts_for_Families/Facts_for_families_Pages/The_Depressed_Child_04.aspx>. [Ngày 12 tháng 9 năm 2015].
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com