Chăm sóc bà bầu

Nhiễm trùng ối khi mang thai

Nhiễm trùng ối khi mang thai là tình trạng nhiễm khuẩn của màng ối, dịch ối bao quanh và bảo vệ thai nhi, đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nước ối vỡ non trước tuần 37 của thai kỳ và sinh non.

Vài thông tin cho mẹ về nhiễm trùng ối

Nhiễm trùng ối là tình trạng nhiễm khuẩn của màng ối và dịch ối bao quanh và bảo vệ thai nhi, gây bởi các vi khuẩn phổ biến như E. coli hoặc liên cầu khuẩn nhóm B (mẹ sẽ được kiểm tra xem có nhiễm vi khuẩn này không khi mang thai tuần 36).

Nhiễm trùng ối được cho là nguyên nhân chính gây vỡ ối non trước tuần 37 của thai kỳ (preterm premature rupture of membranes – PPROM) cũng như sinh non.

Khoảng 1 – 2% phụ nữ mang thai bị nhiễm trùng ối. Phụ nữ mang thai bị vỡ ối non (PROM) có nguy cơ cao bị nhiễm trùng ối do vi khuẩn từ âm đạo có thể đi vào túi ối sau khi màng ối vỡ. Những phụ nữ từng bị nhiễm trùng ối trong lần mang thai đầu tiên có khả năng bị nhiễm lại trong những lần mang thai kế tiếp cao hơn.

Nhiềm trùng ối khi mang thai có triệu chứng gì?

Khi bị nhiễm trùng ối, mẹ có thể mắc phải những triệu chứng sau:

  • Sốt
  • Tử cung đau và mềm
  • Nhịp tim của mẹ lẫn thai đều tăng
  • Dịch ối bị rỉ và có mùi hôi (nếu đã vỡ ối)
  • Dịch tiết âm đạo có mùi khó chịu (nếu màng ối còn nguyên)
  • Lượng bạch cầu tăng (dấu hiệu cơ thể đang chống lại nhiễm trùng).

nhiem-trung-oi-khi-mang-thai-hinh-anh1

Các triệu chứng mẹ có thể gặp phải nếu bị nhiễm trùng ối khi mang thai

Chẩn đoán nhiễm trùng ối khi mang thai bằng cách nào?

Việc chẩn đoán nhiễm trùng ối khi mang thai khá phức tạp bởi thực tế không một xét nghiệm đơn giản nào có thể xác định mẹ có bị nhiễm trùng hay không.

Trong hầu hết trường hợp, bác sĩ có thể chẩn đoán nhiễm trùng ối dựa vào triệu chứng sốt ở mẹ và việc tăng nhịp tim ở cả mẹ lẫn bé. Ở các trường hợp nặng hơn, nhiễm trùng ối có thể xuất hiện các triệu chứng như đau ở tử cung, dịch ối có mùi hôi, bị nhạt màu (dấu hiệu khác của nhiễm trùng).

Việc xét nghiệm để chẩn đoán nhiễm trùng ối không cần thiết đối với những phụ nữ mang thai đến hạn chuẩn bị sinh. Tuy nhiên, nếu mẹ chuyển dạ sớm thì có thể cần tiến hành chọc ối. Nếu dịch ối có nồng độ glucose thấp, nồng độ bạch cầu và vi khuẩn cao thì bác sĩ có thể khẳng định mẹ bị nhiễm trùng ối khi mang thai.

Phải làm gì nếu mẹ bị nhiễm trùng ối khi mang thai?

Đi khám bác sĩ ngay nếu mẹ phát hiện rỉ dịch ối, dù là ít hay nhiều, hoặc nếu mẹ nhận thấy dịch tiết âm đạo có mùi hôi hay bất cứ triệu chứng nào kể trên.

nhiem-trung-oi-khi-mang-thai-hinh-anh2

Mẹ bầu cần nhanh chóng đến bác sĩ nếu có những triệu chứng bất thường

Nếu mẹ được chẩn đoán đã bị nhiễm trùng ối, mẹ sẽ được kê thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn và cho sinh ngay lập tức.

Mẹ và bé cũng sẽ được cho dùng kháng sinh sau khi sinh để đảm bảo không hình thành thêm nhiễm trùng nào nữa. Tổ hợp kháng sinh thường dùng để điều trị nhiễm trùng ối là ampicillin (Principen) hoặc penicillin (PenVK) cộng với gentamicin (Garamycin).

Những kháng sinh này nhắm cụ thể đến liên cầu khuẩn nhóm B và E. coli – hai nhóm sinh vật nhiều khả năng gây nhiễm khuẩn ở trẻ sơ sinh nhất. Nếu mẹ bị dị ứng với ampicillin hoặc penicillin, bác sĩ sẽ kê clindamycin (Cleocin).

Nếu mẹ được chỉ định mổ lấy thai, một loại thuốc có hoạt tính chống lại vi sinh vật yếm khí sẽ được thêm vào cùng các thuốc kháng sinh, thường là clindamycin hay metronidazole (Flagyl). Một số kháng sinh phổ rộng như cefoxitin, cefotetan, cefepime (Maxipime), ampicillin-sulbactam và piperacillin-tazobactam có thể được dùng riêng lẻ để điều trị nhiễm trùng ối.

Tuy nhiên, không có nhiều thông tin cho thấy các thuốc này hiệu quả hơn là cách điều trị bằng ampicillin hay penicillin cộng với gentamicin. Ngoài ra, hiện nay cũng chưa rõ các loại thuốc này có độc hại gì cho thai nhi hay không.

Điều trị nhanh chóng nhiễm trùng ối khi mang thai sẽ giảm rất nhiều nguy cơ gây hại cho cả hai mẹ con. Việc tiên lượng dài hạn cho các mẹ bị nhiễm trùng ối là rất khả quan và khả năng sinh sản trong tương lai hiếm khi bị ảnh hưởng.

Tiên lượng cho các trẻ được sinh ra bởi mẹ bị nhiễm trùng cũng rất tốt. Tuy nhiên, một số trẻ, đặc biệt là những trẻ sinh non có thể chịu những biến chứng lâu dài (như bệnh phổi mạn tính hay khiếm khuyết ống thần kinh).

nhiem-trung-oi-khi-mang-thai-hinh-anh3

Việc chẩn đoán và điều trị nhiễm trùng ối sớm sẽ giảm rất nhiều nguy cơ gây hại cho cả hai mẹ con

Bác sĩ sẽ làm gì đê hạn chế tình trạng nhiễm trùng ối ở phụ nữ mang thai?

Nhiễm trùng ối là một tình trạng nghiêm trọng với nguy cơ biến chứng cao cho cả mẹ và con, bác sĩ sản khoa sẽ làm mọi cách để ngăn nhiễm trùng ối hình thành từ đầu bằng một số cách như:

  • Nếu mẹ có nguy cơ bị sinh non cao, bác sĩ sẽ cho sàng lọc nhiễm khuẩn âm đạo vào thời gian cuối của 3 tháng giữa thai kỳ. Nếu dương tính, mẹ sẽ được điều trị như đã nói ở trên.
  • Tất cả phụ nữ mang thai nên được kiểm tra có bị nhiễm liên cầu nhóm B không vào thời gian từ tuần 35 tới 37 thai kỳ. Nếu dương tính, mẹ sẽ được điều trị bằng kháng sinh trong thời gian chuyển dạ để giảm nguy cơ bị nhiễm trùng cho cả hai mẹ con.
  • Khi mẹ chuyển dạ, bác sĩ sẽ hạn chế gây vỡ màng ối của mẹ trừ phi cần thiết; và phải giảm tối thiểu số lần kiểm tra âm đạo trong lúc chuyển dạ, đặc biệt là trong trường hợp chuyển dạ sớm. Việc theo dõi tim thai chỉ được tiến hành khi có những lý do rõ ràng, chẳng hạn như cần đánh giá độ mạnh của các cơn co thắt tử cung trong lúc dùng oxytocin.



  1. Heidi Murkoff & Sharon Mazel, 2008, What to expect when you’re expecting, 4th edn, Workman Publishing, USA. Page 554.
  2. Chorioamnionitis: Could This Infection Spell Disaster?. Đọc thêm tại: <http://www.healthline.com/health/pregnancy/infections-chorioamnionitis#Treatment5>. [Ngày 03 tháng 10 năm 2015].
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com