Sử dụng kháng sinh để tăng cường và hỗ trợ trong việc điều trị và phục hồi bệnh có lẽ ngày nay đã không còn xa lạ, tuy nhiên nếu sử dụng không đúng cách có thể xảy ra nhiều tai biến khác nhau, trong đó chiếm tỉ lệ lớn nhất là tình trạng dị ứng.
Do đó, mỗi người nên tự trang bị cho mình những kiến thức và hiểu biết đúng đắn về việc dùng kháng sinh thế nào là hợp lý đúng bệnh, đúng thuốc, đúng liều mỗi khi “trái gió trở trời” nhé!
Kháng sinh là gì?
Kháng sinh là những hợp chất có tác dụng ức chế sự phát triển hoặc tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh, chúng được bào chế ở nhiều dạng khác nhau, có thể uống dưới dạng thuốc nước, thuốc viên, viên nang, đôi khi có thể được sử dụng bằng đường tiêm.
Kháng sinh có tác dụng ức chế sự phát triển và tiêu diệt vi khuẩn
Thông thường, việc tiêm thuốc kháng sinh sẽ được thực hiện trong bệnh viện vì có nguy cơ gây ra nhiễm trùng nghiêm trọng. Trong trường hợp da bị nhiễm trùng có thể sử dụng thuốc kháng sinh dưới dạng kem, thuốc mỡ, hoặc thuốc nước….
Phân loại kháng sinh
Hiện nay, các nhà khoa học chia kháng sinh làm hai dạng chính:
- Kháng sinh phổ hẹp: chỉ tác động lên mốt số loại vi khuẩn gây bệnh mà không giết chết các loại vi khuẩn có lợi khác. Kháng sinh phổ hẹp thường được sử dụng khi biết chính xác loại vi khuẩn gây bệnh.
- Kháng sinh phổ rộng: Có hoạt tính đối với nhiều loại vi khuẩn khác nhau, bao gồm cả một số vi khuẩn kháng với kháng sinh phổ hẹp. Kháng sinh phổ rộng được sử dụng khi không biết được chính xác loại vi khuẩn gây bệnh hoặc bệnh được gây ra bởi nhiều loại vi khuẩn khác nhau.
Khi nào thì nên sử dụng kháng sinh?
Thuốc kháng sinh có hiệu quả chống lại các bệnh do nhiễm khuẩn, do đó, khi bị nhiễm trùng do virus thì việc điều trị bằng kháng sinh không những không có hiệu quả mà còn có khả năng gây ra tình trạng kháng thuốc.
Ngoài ra, sử dụng kháng sinh có thể có một số phản ứng phụ như tiêu chảy, ban đỏ, cơ thể mệt mỏi… Đối với trẻ nhỏ, các mẹ có thể tham khảo bảng các bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ dưới đây để biết được lúc nào nên sử dụng thuốc kháng sinh nhé!
Tên bệnh |
Nguyên nhân gây bệnh |
Có nên sử dụng thuốc kháng sinh hay không? | |
Vi khuẩn | Vi rút | ||
Viêm bàng quang | P | Có | |
Nhiễm trùng vết thương hoặc nhiễm trùng da như nhiễm tụ cầu khuẩn. | P | Có | |
Viêm xoang nghiêm trọng kéo dài hơn 2 tuần | P | Có | |
Một số bệnh nhiễm trùng tai | P | Có | |
Viêm họng do liên cầu khuẩn | P | Có | |
Viêm phế quản do vi rút | P | Không | |
Cảm lạnh | P | Không | |
Cúm | P | Không | |
Hầu hết các bệnh ho | P | Không | |
Hầu hết các bệnh nhiễm trùng tai | P | Không | |
Đau họng ngoại trừ viêm họng do liên cầu khuẩn | P | Không | |
Cúm dạ dày (viêm dạ dày ruột do virus | P | Không |
Để biết chắc chắn hơn người bệnh đang bị nhiễm trùng bởi vi khuẩn hay vi rút cho một số loại bệnh, bác sĩ có thể tiến hành xét nghiệm máu để đo hàm lượng bạch cầu nhất là các chỉ số NEUT (bạch cầu đa nhân trung tính), LYMPH (Bạch cầu lympho) và MONO (bạch cầu mono) và phối hợp với các xét nghiệm lâm sàng để quyết định nên cho bệnh nhân uống thuốc kháng sinh hay không.
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể nuôi cấy dịch, mủ, mẫu vùng viêm nhiễm để kết luận chính xác chủng vi khuẩn gây bệnh và làm kháng sinh đồ tìm ra những loại thuốc kháng sinh phù hợp cho người bệnh.
Trong trường hợp bệnh nhân không còn nhạy cảm với nhiều loại thuốc kháng sinh, việc chữa bệnh sẽ trở nên phức tạp hơn.
Các bệnh do virus gây ra như cảm lạnh, cúm, ho, viêm họng… không thể sử dụng kháng sinh thì mẹ có thể tham khảo các hướng dẫn dưới đây để giúp bé sớm phục hồi nhé:
- Cho bé nghỉ ngơi, đầy đủ
- Cho bé uống nhiều nước,
- Hạn chế cho bé ra ngoài để tránh lây lan mầm bệnh.
- Tham khảo ý kiến của bác sĩ để tìm các loại thuốc giúp làm giảm các triệu chứng của bé.
- Rửa tay thường xuyên trong mùa lạnh và mùa cúm có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh. Ngoài ra để phòng ngừa các bệnh gây ra bởi virus mẹ có thể mang bé đi tiêm phòng vắc-xin để giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp như thủy đậu, sởi, cúm… để đảm bảo an toàn cho bé về sau!
Sử dụng kháng sinh trong bao lâu thì được?
Thời gian sử dụng kháng sinh phụ thuộc vào mức độ nhiễm trùng của người đó có nặng hay không.Đôi khi việc điều trị chỉ trong khoảng từ một vài ngày nếu như bị nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc từ 1 đến 2 tuần nếu bị viêm phổi, hoặc có thể kéo dài một vài tháng thậm chí nhiều tháng trong trường hợp bị viêm xương hay mụn trứng cá.
Những điều nên chú ý khi sử dụng kháng sinh
- KHÔNG nên sử dụng thuốc kháng sinh khi không có sự hướng dẫn của bác sĩ.
- KHÔNG nên sử dụng thuốc kháng sinh đối với những loại bệnh do virus gây ra.
Kháng sinh không thể ngăn chặn hoặc tiêu diệt virus
- KHÔNG nên sử dụng kháng sinh được kê cho những người khác vì có thể không hợp với thể trạng của mình. Dùng thuốc không đúng có thể làm ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh và làm tăng nguy cơ vi khuẩn phát triển mạnh hơn.
- Uống thuốc kháng sinh theo đúng liều lượng.
- Khi đã được bác sĩ khám và kê đơn mua thuốc kháng sinh thì cần tuyệt đối tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, KHÔNG nên tự động thay đổi thuốc, thay đổi liều lượng hoặc thay đổi cách dùng thuốc khác với đơn của bác sĩ đã cho (ví dụ đổi thuốc kháng sinh hoặc dùng được vài ba hôm thấy hết sốt thì ngưng). Điều này sẽ dẫn tới tình trạng kháng thuốc và làm cho bệnh càng trở nên nghiêm trọng hơn.
- KHÔNG nên dùng lại kháng sinh đã dùng còn thừa. Đây cũng là thói quen thường thấy của khá nhiều người khi thấy rằng trước đây mình được bác sĩ kê đơn thuốc này có hiệu quả, nay có biểu hiện giống lần trước là mang ra sử dụng.
Tác dụng phụ của việc sử dụng kháng sinh
Thông thường tác dụng phụ của mỗi loại thuốc kháng sinh sẽ được nói rõ trong tờ đơn đi kèm với thuốc.
Hầu hết tác dụng phụ của thuốc kháng sinh thường không nghiêm trọng, phổ biến như: Đi ngoài phân mềm, tiêu chảy, buồn nôn, một số ít người có thể bị dị ứng với thuốc kháng sinh. Thuốc kháng sinh có thể giết chết một số lợi khuẩn sống trong ruột và âm đạo điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn và nấm có hại khác phát triển và gây bệnh.
Trong trường hợp có các triệu chứng sau khi sử dụng kháng sinh thì cần đi bác sĩ gấp:
- Bị tiêu chảy nặng và đau bụng (dấu hiệu của nhiễm khuẩn đường ruột nghiêm trọng – Nhiễm khuẩn C.Difficile).
- Bị khó thở, nổi mề đay, phát ban gây sưng ở môi, mặt, lưỡi, ngất xỉu (đây là dấu hiệu của bé bị dị ứng thuốc).
- Ngứa âm đạo, chảy mủ (dấu hiệu của nấm âm đạo).
- Xuất hiện những đốm trắng ở lưỡi (dấu hiệu của nấm miệng).
- Bị nôn mửa.
Một số loại kháng sinh có thể tương tác với các thuốc đang sử dụng, chúng có thể gây ra các tác dụng phụ hoặc làm giảm hiệu quả của quá trình điều trị. Vì vậy trong trường hợp đang sử dụng một loại thuốc khác thì nên thông báo với bác sĩ để có hướng điều trị thích hợp.
Hậu quả của việc lạm dụng thuốc kháng sinh?
Nếu sử dụng kháng sinh thường xuyên, đặc biệt là trong những trường hợp không cần thiết như khi bị cảm lạnh, cúm hoặc mắc các bệnh do virus gây ra hoặc sử dụng thuốc kháng sinh không đúng liều lượng theo chỉ dẫn của bác sĩ thì không những không có hiệu quả mà còn có thể gây ra tình trạng kháng thuốc.
Không nên lạm dụng thuốc kháng sinh trong điều trị bệnh!
Một số bệnh nhân thường có thói quen ngưng uống thuốc khi thấy bệnh có dấu hiệu cải thiện. Điều này là không nên, vì lúc này các vi khuẩn chưa bị tiêu diệt hoàn toàn, những vi khuẩn còn sống sót sẽ trở nên mạnh hơn và có thể lây lan cho người khác. Lúc này bác sĩ sẽ phải kê một loại thuốc kháng sinh mới với liều nặng hơn và có thể sẽ phải kéo dài thời gian điều trị.
- Những điều nên và không nên trong sử dụng kháng sinh. Đọc thêm tại: <http://ykhoa.net/duoc/sudungthuoc/27_112.htm>. [Ngày 27 tháng 11 năm 2014]
- Antibiotics. Đọc thêm tại: <http://www.patient.co.uk/health/antibiotics-leaflet>. [Ngày 27 tháng 11 năm 2014]
- Antibiotic Use & Resistance. Đọc thêm tại: <http://antibioticawareness.ca/?page_id=14>. [Ngày 27 tháng 11 năm 2014]
- Antibiotics: Misuse puts you and others at risk. Đọc thêm tại: <http://www.mayoclinic.org/healthy-living/consumer-health/in-depth/antibiotics/art-20045720?pg=1>. [Ngày 27 tháng 11 năm 2014]
- Antibiotics Aren’t Always the Answer. Đọc thêm tại: <http://www.cdc.gov/features/getsmart/>. [Ngày 27 tháng 11 năm 2014]
- Biện pháp hạn chế vi khuẩn kháng kháng sinh. Đọc thêm tại: <http://suckhoedoisong.vn/duoc-si-tu-van/bien-phap-han-che-vi-khuan-khang-khang-sinh-2010121315384379.html>. [Ngày 27 tháng 11 năm 2014]