Mẹ không hoàn hảo

Những đứa con trong gia đình hôn nhân đồng giới

Hiện nay, hôn nhân đồng giới không phải là chuyện hiếm trên thế giới, hàng triệu trẻ em và trẻ vị thành niên có một hay nhiều cha mẹ đồng tính. Tuy nhiên, việc có một gia đình “khác” với những gia đình xung quanh có thể khiến trẻ cảm thấy hoang mang và bối rối.

Từ ngày 01 tháng 01 năm 2015, theo Luật hôn nhân và gia đình, hôn nhân đồng giới không còn bị cấm. Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi đã tuyên bố bỏ quy định “cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính”. Tuy nhiên, Luật vẫn quy định “không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính” (khoản 2 Điều 8). Như vậy, tuy có thể lấy nhau, những người đồng giới vẫn không được pháp luật bảo vệ khi có tranh chấp xảy ra. Việc không công nhận nhưng không cấm chính là bước đầu nhìn nhận về hôn nhân của người đồng giới.

Luật hôn nhân và gia đình đã chấp thuận cho những cuộc hôn nhân đồng giới

Vì văn hóa, sợ người khác dị nghị mà ở Việt Nam có biết bao nhiêu người đồng giới vẫn lấy vợ, chồng khác giới và sinh con. Sau nhiều năm che dấu thân phận, càng về sau này, nếu bạn đồng giới, bạn sẽ dần dần có xu hướng công khai giới tính thực của mình. Khá nhiều người sau nhiều năm kết hôn với người khác giới đã li dị và lấy hay sống chung cùng người đồng giới như mình. Vậy những đứa trẻ sống cùng cặp đôi này cần gì khi biết rằng bố hay mẹ mình là người đồng giới? Nếu cặp đôi này đang nuôi một đứa trẻ thì thế nào?

Hôn nhân đồng giới và việc nuôi dạy con

Trong những gia đình hôn nhân đồng giới, con bạn sẽ có những mối bận tâm và những câu hỏi khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi, tính cách của trẻ và các quyết định của gia đình. Trẻ em quan tâm và bị ảnh hưởng bởi suy nghĩ, cảm xúc và những quyết định của cha mẹ. Điều quan trọng là bạn cần trả lời những câu hỏi của trẻ một cách trung thực khi có thể và tùy thuộc vào mức độ phát triển của các con.

Hôn nhân đồng giới của cha hoặc mẹ ảnh hưởng đến trẻ ra sao?

Đối với một số trẻ, có bố hay mẹ đồng giới không phải là vấn đề lớn. Tuy nhiên, một số trẻ khác có thể cảm thấy vô cùng khó khăn khi gia đình mình “khác” với hầu hết các gia đình khác, điều đó khiến trẻ cảm thấy hoang mang, thất vọng, thậm chí sợ hãi, xấu hổ. Nhưng tình yêu thương, sự quan tâm chia sẻ của cha mẹ có thể khiến trẻ vượt qua những khó khăn này.

Nếu trẻ cảm thấy hoang mang, lo lắng, cha mẹ hãy quan tâm sẻ chia để giúp trẻ vượt qua giai đoạn khó khăn này nhé

Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, trong các cuộc hôn nhân đồng giới, con cái của họ cuối cùng cũng sẽ hài lòng với bản thân và giới tính của mình như những đứa trẻ trong gia đình cha mẹ dị tính. Con của cha mẹ đồng tính không hề có sự khác biệt gì trong việc lựa chọn bạn bè, các hoạt động hay sự quan tâm so với các trẻ khác. Ngoài ra, sự phát triển trí thông minh, điều chỉnh tâm lý, điều chỉnh xã hội cũng như việc xây dựng tình bạn và tình yêu của các trẻ này cũng giống những trẻ có cha mẹ dị tính. Khi lớn lên, sự lựa chọn nghề nghiệp và phong cách sống của trẻ cũng tương tự. Con của những cặp đôi hôn nhân đồng giới ít bị lạm dụng về tình dục hay thể chất ở nhà hơn những trẻ sống trong các loại gia đình khác.

Nhưng trẻ có thể sẽ phải đối mặt với một số khó khăn như bị xã hội kì thị hoặc cô lập nếu mọi người biết cha mẹ trẻ là một cặp đồng tính nữ/ đồng tính nam. Ở độ tuổi vị thành niên, trẻ nhận thức được rằng một bộ phận xã hội lên án tình yêu giữa 2 người cùng giới, pháp luật ở một số nơi vẫn chưa chấp nhận hôn nhân đồng giới (mặc dù một số nước đã thông qua dự luật kết hôn cho những người đồng tính, nhưng ở Việt Nam và đại đa số những nước khác vẫn chưa chấp nhận điều này). Bên cạnh đó, trẻ có thể bị bạn bè trêu chọc rằng trẻ cũng là một người đồng tính, điều này có thể khiến trẻ rất đau khổ, đặc biệt là khi chúng đang trong quá trình khám phá định hướng tính dục (dị tính/ đồng tính/ song tính/ vô tính) của bản thân.