Chăm sóc trẻ dưới 1 tuổi

Phương pháp luyện ngủ Cry it out đã quá lỗi thời và lạc hậu rồi!

Trong một bài viết trên báo điện tử Psychologytoday, tiến sĩ Darcia Narvaez đã cảnh báo các bậc cha mẹ về tác hại khủng khiếp của phương pháp luyện ngủ Cry-it-out. Mời ba mẹ cùng tìm hiểu xem phương pháp này gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của bé cũng như các mối quan hệ xã hội sau này của trẻ ra sao nhé!

Phương pháp luyện ngủ “Cry it out” xuất hiện từ khi nào?

Phương pháp luyện ngủ “Cry it out” – để bé khóc chán rồi sẽ thôi là ý tưởng bắt nguồn từ những năm 1880 khi giới Y khoa đang trong cơn rối ren vì phải đối mặt với bệnh truyền nhiễm và vi khuẩn. Khi đó người ta tin rằng tốt nhất nên hạn chế sờ, chạm vào trẻ sơ sinh.

Đến đầu thế kỉ 20, nhà hành vi học John Watson (1928) với cương vị Chủ tịch Hiệp hội tâm lý học Hoa Kỳ với ý định biến tâm lí học trở thành một ngành khoa học khô cứng, đã áp dụng các mô hình hành vi học trong phương pháp nuôi dạy trẻ nhỏ và xây dựng nên một học thuyết cảnh báo rằng quá nhiều tình yêu thương của người mẹ sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ.

Thế kỷ 20 là khoảng thời gian mà người ta cho rằng không phải những người bà, người mẹ hay các thành viên khác trong gia đình mà chính những nhà khoa học mới là người biết cách nuôi dạy trẻ em tốt nhất. Và dưới sức ảnh hưởng của Watson, họ cho rằng một đứa trẻ được yêu thương quá nhiều khi lớn lên sẽ trở nên thích dựa dẫm, ỷ lại và luôn thất bại sau này.

Thậm chí thời điểm đó, những cuốn sách tuyên truyền về cách dạy con của Chính phủ còn khuyên rằng “người mẹ có nhiệm vụ phải giữ cho trẻ yên lặng, ngồi im không nghịch ngợm” và “người mẹ nên ngừng bế trẻ nếu tay quá mỏi” bởi vì “không nên để trẻ nhỏ gây phiền toái cho người lớn”. Trẻ dưới 6 tháng tuổi “cần được dạy cách ngồi im trong cũi, nếu không người mẹ sẽ cứ phải trông chừng và chơi với nó – mà đây lại một công việc cực kỳ lãng phí thời gian”.

Phương pháp luyện ngủ Cry it out đã quá lỗi thời và lạc hậu rồi

Phương pháp luyện ngủ Cry it out xuất hiện vào cuối thể kỷ 19

Bạn có cảm thấy quen thuộc với những lời khuyên như thế này không? Thực tế ở Mỹ có rất nhiều bậc cha mẹ được khuyên rằng nên rèn con tự ngủ bằng cách để cho trẻ khóc chán thì thôi.

Trở lại với học thuyết yêu trẻ nhiều sẽ có tác hại xấu đến trẻ của John Watson vào năm 1928, mỉa mai thay học thuyết này hoàn toàn không có chứng cứ thuyết phục. Và bây giờ rõ ràng là ngược lại: Thiếu tình thương mới là điều nguy hiểm với trẻ em!

Trẻ nhỏ cần được đáp ứng đầy đủ các nhu cầu cơ bản

Với những chứng cứ rõ ràng từ nghiên cứu về khoa học thần kinh, tiến sỹ Darcia Narvaez khẳng định: Để trẻ khóc cho đến khi tự ngủ là một thói quen xấu có thể gây tổn hại cho trẻ cũng như khả năng tương tác và thiết lập những mối quan hệ xã hội về lâu dài. Thậm chí để trẻ khóc mà không dỗ nín sẽ khiến trẻ em kém thông minh hơn, kém khỏe mạnh hơn, và thay vào đó trẻ sẽ cảm thấy bất an nhiều hơn, kém hòa đồng và thậm chí khởi phát các bệnh tâm thần có thể di truyền cho các thế hệ tiếp theo.

Theo quan điểm của các nhà tâm lý học hành vi thời đó, trẻ nhỏ được xem như một “vật cản” trong cuộc sống của bố mẹ. Bố mẹ phải kiểm soát trẻ bằng mọi cách để được sống thoải mái mà không cần bận tâm hay lo lắng quá nhiều đến chúng. Chúng ta có thể lượng thứ và tạm giải thích lý do vì sao lại có quan điểm sai lầm này là bởi ở thời điểm đó người ta có xu hướng sống độc lập với nhau hơn, không còn các gia đình mở rộng (extended family) nữa mà chỉ có các gia đình hạt nhân (nuclear family) với một cặp vợ chồng phải tự xoay sở và nuôi nấng con cái. Điều này trái với trước đây khi mà họ được sinh ra và lớn lên trong các gia đình đa thế hệ và được nhiều bà con họ hàng chăm sóc chứ không phải chỉ riêng cha mẹ mình.

Phương pháp luyện ngủ Cry it out đã quá lỗi thời và lạc hậu rồi - hình ảnh 2

Để trẻ khóc cho đến khi tự ngủ là một thói quen xấu có thể gây tổn hại cho trẻ cũng như khả năng tương tác và thiết lập những mối quan hệ xã hội về lâu dài.

Tiến sỹ Darcia Narvaez khẳng định thêm: “Việc thúc ép trẻ nhỏ tự lập sẽ càng khiến trẻ ỷ lại và bị động. Thay vào đó, đáp ứng đúng nhu cầu của trẻ khi bé cần mới tạo nền tảng giúp trẻ trở nên tự lập hơn”. Chẳng hạn như trong một nghiên cứu về nhân chủng học của hai tác giả Hewlett & Lamb vào năm 2005, người ta nhận thấy ở thời kỳ con người còn sinh sống theo kiểu bầy đàn và săn bắt hái lượm, các bậc cha mẹ chăm sóc con cái rất kỹ và đáp ứng đầy đủ các nhu cầu của chúng khi còn nhỏ. Chính vì thế khi lớn lên, chỉ vừa chập chững biết đi là chúng đã trở nên dạn dĩ và dám tự đi vào rừng một mình.

Trẻ khóc cần được dỗ nín đúng cách chứ không phải bị bỏ mặc

Trước đây các nhà tâm lý học hành vi khuyến khích cha mẹ nên điều kiện hóa (có thể hiểu nôm na là hình thành thói quen) để đứa trẻ quen với việc không được đáp ứng hoặc thỏa mãn các nhu cầu, đòi hỏi của mình kể cả về mặt ăn uống hay cảm giác thoải mái. Như vậy người lớn  gần như là người “điều khiển” mối quan hệ này.

Điều này về lâu dài không những sẽ khiến đứa trẻ bớt đòi hỏi hoặc lôi kéo sự chú ý từ phía cha mẹ (điều này sẽ vô tình hủy hoại đời sống tâm lý của đứa trẻ, khiến cho trẻ có cảm giác ức chế và từ đó có nguy cơ dẫn đến trầm cảm) mà còn dễ khiến cho đứa trẻ càng trở nên hay mè nheo hơn, thiếu cảm giác hạnh phúc hoặc có xu hướng phản ứng một cách nóng nảy hay thậm chí còn đòi hỏi nhiều hơn trước.

Thay vì chỉ cần trò chuyện một cách bình thường thì giờ đây đứa trẻ phải phản ứng mạnh mẽ hơn như la hét hay gào thét lên thì mới có được thứ mình muốn; và cảm giác bất an này sẽ theo đứa trẻ cho đến hết cuộc đời.

Phương pháp luyện ngủ Cry it out đã quá lỗi thời và lạc hậu rồi - hình ảnh 3

Trẻ khóc cần được dỗ nín đúng cách chứ không phải bị bỏ mặc

Sự thật là theo nghiên cứu khoa học, các cặp bố mẹ có thói quen đáp ứng nhu cầu của trẻ nhỏ trước khi trẻ tuyệt vọng, dỗ trẻ trước khi trẻ khóc to sẽ là nhóm bố mẹ có những đứa con tự lập và thành đạt hơn nhóm bố mẹ hành động ngược lại (Stein & Newcomb, 1994). “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”, một khi sự tuyệt vọng, uất ức trong trẻ dâng trào, sẽ rất khó cho bố mẹ trấn an cũng như khiến trẻ bình tĩnh trở lại. Đây là lý giải tại sao nếu bố mẹ để trẻ khóc lâu rồi mới đến vỗ về, trẻ sẽ khóc nấc hoặc thậm chí khóc to hơn. Dân gian thường gọi hiện tượng này là “trẻ hờn” là vì thế.

Và có một điều quan trọng mà các bậc cha mẹ nên biết là mối quan hệ giữa người mẹ (cũng như những người chăm sóc khác) và đứa trẻ là một sự tương tác hai chiều. Nó giống như một sự cộng sinh vậy, nếu người này cảm thấy hạnh phúc thì người kia cũng cảm thấy như vậy, và ngược lại.

Phương pháp luyện ngủ Cry it out đã quá lỗi thời và lạc hậu!

Phương pháp luyện ngủ “Cry it out” khuyên bố mẹ nên để trẻ khóc một mình trong cũi, nôi hoặc trong phòng cho đến khi chán và tự ngủ thiếp đi thì thôi. Quan điểm này xuất phát từ sự hiểu lầm về quá trình phát triển não bộ của trẻ em. Chúng ta cần hiểu rằng:

  • Trẻ em cần được bế bồng, vỗ về và đứa trẻ lớn lên được cũng nhờ sự ôm ấp đó. Cơ thể của trẻ sẽ xảy ra những rối loạn nhất định nếu bị tách khỏi mẹ khi còn quá nhỏ.
  • Do chưa biết nói nên trẻ sơ sinh thường dùng cử chỉ, điệu bộ hoặc thậm chí là tiếng khóc để biểu đạt nhu cầu. Cũng như người lớn khi khát sẽ đi uống nước, trẻ nhỏ cũng sẽ tìm bầu vú mẹ nếu đói, khóc nếu bất an, sợ hãi, buồn ngủ hay cần được mẹ ôm. Trẻ nhỏ cũng như người lớn, tinh thần sẽ ổn định lại sau khi được đáp ứng các mong muốn và thỏa mãn nhu cầu của mình.
  • Trẻ không được đáp ứng nhu cầu sẽ phải chịu những tác động xấu về lâu dài (Bremmer et al, 1998; Blunt Bugental et al., 2003; Dawson et al., 2000; Heim et al 2003).
  • Mối quan hệ gắn bó an toàn được củng cố bởi sự chăm sóc và đáp ứng nhu cầu của cha mẹ hoặc người chăm sóc đối với đứa trẻ. Ví dụ như việc dỗ trẻ khi trẻ khóc nửa đêm hoặc bất ngờ tỉnh giấc là cách nuôi dạy trẻ tích cực.

Phương pháp luyện ngủ Cry it out đã quá lỗi thời và lạc hậu rồi - hình ảnh 4Phương pháp luyện ngủ “Cry it out” đã quá lỗi thời và lạc hậu! 

Những tác hại khủng khiếp của phương pháp luyện ngủ “Cry it out”

Gây tổn hại đến sự liên kết của các tế bào thần kinh

Việc một đứa trẻ quấy khóc hoặc cảm thấy cực kỳ khó chịu sẽ tạo điều kiện xấu cho hệ thần kinh của trẻ (mà cụ thể là các khớp synapse). Cụ thể là khi đó não bộ của trẻ sẽ tiết ra hormone cortisol. Đây được xem là một loại “thuốc độc” đối với các neuron thần kinh. Nồng độ cortisol vượt qúa mức cho phép tuy không gây ra tác hại ngay lập tức nhưng sẽ hủy hoại hệ thần kinh của trẻ một cách từ từ. (Thomas et al. 2007)

Một em bé sơ sinh chào đời đủ ngày đủ tháng (40-42 tuần), não bộ mới chỉ phát triển được 25% và sẽ phát triển nhanh mạnh thêm sau khi chào đời. Khi bé tròn 1 tuổi, não bộ của trẻ phát triển lớn gấp 3 so với lúc mới sinh. Cần biết rằng kích thước bộ não sau năm đầu này là yếu tố quan trọng quyết định trí thông minh của trẻ. Làm sao chúng ta biết được trong năm đầu đời đó, có bao nhiêu neuron thần kinh của trẻ đã bị phá hủy bởi những cơn căng thẳng cực độ do chính bố mẹ chúng gây ra? (Nhất là những cặp bố mẹ thường làm ngơ khi trẻ khóc hay cần đáp ứng một nhu cầu nào đó).

Sức khỏe thể chất của trẻ cũng có thể bị ảnh hưởng

Khi bị để mặc cho khóc đến khi nào nín thì thôi, trẻ sẽ bị rối loạn phản ứng với stress, căng thẳng. Rối loạn này không chỉ xảy ra trong não bộ trẻ mà còn xảy ra trong toàn bộ cơ thể thông qua dây thần kinh phế vị – dây thần kinh ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều cơ quan trong cơ thể (như hệ tiêu hóa) (Bremmer et al, 1998). Nếu trẻ bị đau buồn kéo dài, không được bố mẹ đáp ứng nhu cầu, dây thần kinh này sẽ hoạt động kém, gây ra các rối loạn khác nhau như ruột kích thích. (Stam et al, 1997)

Phương pháp luyện ngủ Cry it out đã quá lỗi thời và lạc hậu rồi - hình ảnh 5

Dỗ con nín và đáp ứng nhu cầu của con kịp thời, đúng cách để xây dựng nền móng vững chắc cho các mối quan hệ xã hội của trẻ sau này!

Khả năng tự điều chỉnh cảm xúc và hành vi của trẻ trở nên kém cỏi hơn

Khi bố mẹ đáp ứng nhu cầu của trẻ, vỗ về trẻ khi trẻ sợ hãi, cơ thể trẻ từ trạng thái lo lắng chuyển sang cân bằng. Trẻ sẽ học được cách tự điều chỉnh cảm xúc từ đó. Trẻ khóc và được bố mẹ bế lên, trong trẻ sẽ hình thành khái niệm mong đợi được dỗ dành. Ngược lại nếu để trẻ khóc một mình, dĩ nhiên dần dần trẻ sẽ tự nín khóc, nhưng là nín khóc trong trạng thái tuyệt vọng. Từ lần sau, trẻ thấy tiếng khóc của mình vô nghĩa và đó không còn là cách giao tiếp hiệu quả nữa. Khả năng phát triển về mặt thể chất cũng như điều chỉnh cảm xúc và cảm giác tin tưởng của trẻ cũng bị ảnh hưởng đáng kể. (Henry & Wang, 1998)

Vấn đề niềm tin của trẻ có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng

Nhà tâm lý học nổi tiếng Erik Erikson đã chỉ ra rằng năm đầu tiên trong cuộc đời là thời điểm rất quan trọng đối với việc thiết lập cảm giác tin tưởng của một đứa trẻ đối với thế giới xung quanh. Khi được đáp ứng các nhu cầu, đứa trẻ sẽ cho rằng thế giới này là một nơi đáng tin cậy mà ở đó trẻ có những người luôn sẵn sàng hỗ trợ (bố mẹ, người thân), và trẻ cảm thấy mình có giá trị vì được đáp ứng nhu cầu. Vì thế khi bố mẹ lờ đi những nhu cầu này, trẻ sẽ dần hình thành nên một cảm giác mất lòng tin vào các mối quan hệ xã hội và thế giới xung quanh. Từ đó lòng tự tin của trẻ cũng có nguy cơ bị giảm sút và đứa trẻ có thể phải mất cả cuộc đời để tìm cách bù đắp lại sự thiếu hụt từ thuở ấu thơ này.

Tính mẫn cảm của cha mẹ (hoặc người chăm sóc) cũng bị giảm sút

Các bậc cha mẹ nếu đã lờ đi tiếng khóc của con thì cũng có xu hướng phớt lờ thêm nhiều nhu cầu khác của đứa trẻ sau này. Như vậy vô tình chính cha mẹ là người đã phá hỏng mối quan hệ của mình với con khi cứ để cho trẻ khóc chán rồi ngủ.




  1. Dangers of “Crying It Out”. Tham khảo tại: <https://www.psychologytoday.com/blog/moral-landscapes/201112/dangers-crying-it-out>. [Ngày 15 tháng 12 năm 2016]
  2. 6 tác hại khủng khiếp của phương pháp luyện ngủ ‘Cry it out’. Tham khảo tại: <http://vietnammoi.vn/6-tac-hai-khung-khiep-cua-phuong-phap-luyen-ngu-cry-it-out-13768.html>. [Ngày 15 tháng 12 năm 2016]
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com