Hiếm muộn

Phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm – Kinh nghiệm thực tế ngày chuyển phôi

Phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm – Kinh nghiệm thực tế ngày chuyển phôi: Ai đã từng thực hiện phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm hẳn biết rằng đáng lo sợ nhất là ngày chọc hút trứng vì nhiều biến cố hay phản ứng phụ có thể xảy ra, còn ngày đầy hồi hộp và mang tính quyết định thụ tinh có thành công hay không chính là ngày chuyển phôi.

Vậy chị em có thắc mắc vào ngày chuyển phôi của phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm mình sẽ biết những thông tin gì và cần chuẩn bị gì để sẵn sàng đưa phôi thai vào buồng tử cung?

Phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm – Cần chuẩn bị gì trước ngày chuyển phôi?

Những thông tin về phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm mà hai vợ chồng bạn nhận được khi đến bệnh viện trong ngày chuyển phôi bao gồm kết quả chọc hút trứng và kết quả phôi thai.

Khi đến bệnh viện để gặp bác sĩ, hai bạn sẽ nhận được thông báo về kết quả chọc hút trứng và kết quả phôi thai bao gồm các thông tin sau:

Kết quả chọc hút trứng của vợ:

  • Tổng số trứng đã chọc hút
  • Tổng số trứng trưởng thành và chưa trưởng thành
  • Tổng số trứng được chọn và làm thụ tinh

Kết quả tinh trùng của chồng:

  • Tổng lượng tinh trùng được lấy
  • Tổng tinh trùng tốt sau lọc rửa

Kết quả phôi:

  • Tổng phôi có được sau thụ tinh,
  • Độ tuổi của phôi: là phôi ngày 2, ngày 3 hay ngày 5
  • Phân loại phôi: loại 1, loại 2 hay loại 3

Tìm hiểu phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm

Phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm – Bạn sẽ nhận được kết quả chọc hút trứng, tinh trùng và kết quả phôi trong ngày chuyển phôi

Phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm – Những lưu ý về phôi

Lưu ý độ tuổi của phôi trong ngày chuyển phôi
Số ngày phôi được nuôi tùy thuộc vào chất lượng phôi. Thông thường phôi được nuôi đến ngày thứ 3 sẽ được đưa vào buồng tử cung của mẹ, trường hợp phôi yếu thì ngày 2 có thể bệnh viện sẽ liên hệ vợ chồng đến chuyển phôi luôn.

Còn nếu nuôi phôi đến ngày 3 mà chất lượng phôi vẫn tốt và số lượng phôi của hai vợ chồng bạn có nhiều thì bác sĩ có thể sẽ tư vấn nuôi thêm 2 ngày nữa tức là phôi 5 ngày tuổi mới chuyển vào tử cung của mẹ.

Theo tỷ lệ thụ thai thành công của phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm thì phôi ngày 5 thường cao hơn từ 10-15% so với phôi ngày 3. Tuy nhiên cũng có khả năng nuôi phôi bên ngoài đến ngày 5 có thể anh chị sẽ không còn được phôi nào cả. Vì vậy hãy cân nhắc thật kỹ lưỡng khi quyết định nuôi phôi.

Lưu ý về phân loại phôi
Phôi áp dụng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm được phân loại thành loại 1, 2, 3 và rất nhiều mẹ hay thắc mắc với bác sĩ về căn cứ để phân loại và nó quyết định gì đến tỷ lệ đậu thai trong ngày chuyển phôi. Theo các bác sĩ chia sẻ thì loại 1, loại 2 hay 3 là xếp hạng đánh giá chất lượng phôi của các bác sĩ, loại 1 là tốt nhất và loại 2 trung bình, và loại 3 là phôi kém.

Thực ra các bác sĩ xếp hạng như vậy là dựa trên đánh giá mắt nhìn và hình thức vẻ ngoài của phôi chứ không có căn cứ nào để biết bên trong phôi đang có điều tốt, xấu gì diễn ra cả. Thường thì phôi loại 1 tỷ lệ đậu thai cao hơn loại 2, 3 tuy nhiên các mẹ đừng vì thế mà thất vọng khi phôi của mình bị đánh giá là phôi loại 3 vì rất nhiều trường hợp chuyển phôi loại 3 vẫn đậu thai thành công.

Điều này các bác sĩ cũng chưa thể lý giải được, chỉ biết rằng chất lượng phôi thường quyết định 50% kết quả thành công, bên cạnh đó còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác như chất lượng tử cung, niêm mạc tử cung của mẹ, tình trạng sức khỏe người mẹ… Và theo suy nghĩ hơi duy tâm của một số người biết đâu cũng có thể là cái “duyên” giữa người mẹ và con nữa.

Trước hoặc sau khi nhận thông tin kết quả phôi để được chuyển phôi các mẹ còn cần phải được bác sĩ siêu âm kiểm tra lại niêm mạc tử cung xem có đạt chuẩn để chuyển phôi hay không.

Thông thường kết quả niêm mạc đẹp để chuyển phôi là từ 11mm đến dưới 14mm, nếu dày hơn hoặc mỏng hơn bác sĩ sẽ tư vấn cho hai vợ chồng trữ lạnh phôi đợi chu kỳ sau mẹ được điều trị nội tiết để niêm mạc tốt mới nên chuyển phôi. Vì vậy mẹ cũng đừng quá lo lắng nếu đến ngày chuyển phôi mà chưa được chuyển, mọi việc bác sĩ sẽ tư vấn theo chiều hướng tốt nhất cho bệnh nhân khi áp dụng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.

Nên chuyển bao nhiêu phôi khi thực hiện phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm?

Thông thường thì các bác sĩ sẽ khuyến khích trường hợp chỉ có 1 phôi thai làm tổ và phát triển trong buồng tử cung. Tuy nhiên vì các cặp vợ chồng lo lắng rằng kết quả điều trị IVF thất bại hơn là tình huống người vợ đậu thai đôi, nên thường nếu người vợ dưới 38 tuổi sẽ chuyển vào tử cung 2 phôi, còn chuyển từ 2-3 phôi nếu người vợ 38-40 tuổi, chuyển 3-4 phôi (tất nhiên là trong trường hợp vợ chồng bạn có nhiều phôi) nếu người vợ > 41 tuổi.

Tìm hiểu phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm hình ảnh 2

Với phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, thông thường bác sĩ sẽ khuyến khích chỉ có 1 phôi thai làm tổ và phát triển trong tử cung

Phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm – Cần lưu ý gì sau khi chuyển phôi?

Khi kết quả phôi tốt, và niêm mạc của mẹ tốt, mẹ sẽ được chuyển vào phòng để thực hiện thủ thuật chuyển phôi. Nếu chọc hút trứng, mẹ sẽ bị gây mê và sau đó hơi đau một chút thì ngày chuyển phôi bác sĩ sẽ thực hiện thủ thuật khi mẹ tỉnh táo, và cho mẹ nhìn màn hình siêu âm hình ảnh phôi chuyển.

Lúc này phôi rất bé nên không phải mẹ nào cũng có thể nhìn thấy, còn bác sĩ thì đã quá chuyên nghiệp và biết cách nhìn nên sau chuyển họ sẽ chỉ vị trí đặt phôi trên màn hình để mẹ biết.

Sau khi thực hiện thủ thuật xong, các mẹ cần lưu ý một số điểm sau:

  • Làm theo chỉ dẫn của bác sĩ khi chuyển từ giường thủ thuật sang giường nằm nghỉ không chuyển nghiêng người mà giữ tư thế nằm ngửa di chuyển qua.
  • Sau chuyển phôi người phụ nữ cần nằm ở tư thế ngửa nghỉ khoảng 1 tiếng trước khi về nhà, nên hạn chế các hoạt động thể chất trong ng­ày này, nếu được có thể nằm nghỉ ngơi trên giường cả ngày và đêm hôm chuyển phôi. Mẹ không nhất thiết phải nằm lỳ trên giường mà chỉ đơn giản là dành cho mình 1 ngày nằm lười xem video hay đọc sách, hay nhờ vả ông xã một chút…
  • Một ngày sau ngày chuyển phôi mẹ hoàn toàn có thể được phép làm các hoạt động bình thường như làm việc nhẹ, đi dạo… Những tác động mạnh lên vùng tử cung như lướt ván trên nước, chạy bộ, quan hệ tình dục… là điều nên tránh cho tới sau ngày thử thai.

Có một số mẹ thắc mắc rằng không biết sau khi chuyển phôi có được đi máy bay hay không?

Ở Việt Nam sau khi áp dụng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, bác sĩ cho phép mẹ bay trong vòng 48h kể từ sau khi chuyển phôi. Trong khi đó trung tâm IVF của Chicago Mỹ lại khuyên rằng không nên bay vào đúng ngày vừa chuyển phôi mà đợi tới 1 ngày sau đó mới nên bay.

Hai ý kiến có vẻ trái chiều nhưng các mẹ hoàn toàn có thể cân nhắc để có được quyết định phù hợp nhất với cá nhân bản thân mình nhé!



  • nghethuatamnhacsaigon.com

Embryo transfer procedure for in vitro fertilization – IVF, Advanced Fertility Center of Chicago, IVF embryo transfer technique and video. Đọc thêm tại: <http://www.advancedfertility.com/embryotransfer.htm>. [Ngày 10 tháng 9 năm 2015].

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com