Sức khỏe

Rối loạn gắn bó ở trẻ nhỏ: Làm gì để giúp con vượt qua?

Cha mẹ có trẻ mắc rối loạn gắn bó nên thiết lập lại cách thức chăm sóc để tạo sự thoải mái, tin tưởng ở con bằng cách quan tâm và chơi đùa với con nhiều hơn. Việc chăm sóc sẽ cần khá nhiều thời gian và công sức, vì vậy bạn nên chuẩn bị cả về tinh thần lẫn thể chất để có thể đảm nhận tốt việc này.

Hãy giúp con cảm thấy an toàn!

An toàn là vấn đề cốt lõi ở những trẻ em mắc rối loạn phản ứng gắn bó hoặc các vấn đề khác về gắn bó, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Trẻ dè dặt và nghi ngờ vì cảm giác không an toàn trong thế giới này. Trẻ giữ tư thế cảnh giác đề phòng để tự bảo vệ mình và ngăn ngừa việc chấp nhận tình yêu thương và sự hỗ trợ.

Do vậy, việc xây dựng ý thức về sự an toàn ở trẻ là điều rất cần thiết. Bạn có thể thực hiện điều này bằng cách thiết lập nên những kì vọng và các nguyên tắc rõ ràng về hành vi. Bạn nên phản ứng một cách nhất quán khi trẻ thực hiện một hành vi nào đó để trẻ hiểu được cần phải mong đợi điều gì. Quan trọng hơn là trẻ sẽ hiểu rằng dù cho chuyện gì xảy ra thì trẻ cũng có thể tin tưởng ở bạn.

Thiết lập những giới hạn. Ranh giới yêu thương, phù hợp làm cho thế giới có vẻ dễ đoán và ít đáng sợ hơn đối với trẻ nhỏ có rối loạn phản ứng gắn bó.

Với trẻ nhỏ, điều quan trọng là trẻ hiểu được hành vi nào của mình là được mong đợi, được chấp nhận, và những hậu quả kèm theo nào nếu như trẻ coi thường các nguyên tắc. Điều này cũng dạy trẻ hiểu rằng trẻ có quyền kiểm soát những việc xảy ra với mình nhiều hơn trẻ nghĩ.

Kiểm soát tình hình nhưng vẫn giữ bình tĩnh khi con buồn rầu hoặc cư xử không đúng đắn. Hãy nhớ rằng hành vi “xấu” có nghĩa là con bạn không biết cách làm thế nào để xử lý những gì trẻ đang cảm thấy, và trẻ cần sự giúp đỡ của bạn. Hãy giữ bình tĩnh và giúp con thấy rằng, con có thể kiểm soát được cảm giác của mình.

Nếu con bạn cố tình thách thức, hãy thực hiện những hình phạt đi kèm đã được thảo luận trước đó với cách thức điềm tĩnh, thực tế. Đừng bao giờ kỷ luật con theo cảm tính, điều này sẽ khiến con cảm thấy không an toàn, thậm chí càng cố làm những hành vi xấu để chọc giận bạn.

Luôn trong tư thế sẵn sàng để hàn gắn lại sau xung đột. Xung đột đặc biệt đáng lo ngại đối với trẻ có những vấn đề về gắn bó. Sau một cuộc xung đột hay sau khi phạt con, hãy sẵn sàng nói chuyện lại với con khi con cũng sẵn sàng. Điều này giúp củng cố sự nhất quán và tình yêu thương của bạn. Đồng thời giúp con phát triển niềm tin rằng bạn sẽ luôn ở bên dù trong bất kì hoàn cảnh nào.

Rối loạn gắn bó ở trẻ nhỏ Làm gì để giúp con vượt qua

Luôn trong tư thế sẵn sàng để hàn gắn lại sau xung đột

Thú nhận những sai lầm và sửa chữa. Khi bạn giận dữ, thất vọng hoặc làm điều gì đó mà bạn nhận ra mình thật vô ý, hãy nhanh chóng nhận lỗi. Biểu hiện sẵn sàng chịu trách nhiệm và bù đắp của bạn có thể làm gia tăng mối quan hệ gắn bó. Trẻ sẽ học được rằng có thể bạn không hoàn hảo, nhưng dù thế nào đi nữa, trẻ vẫn được bạn yêu thương.

Hãy cố gắng duy trì những thói quen và lịch trình. Trẻ mắc rối loạn này sẽ không dựa dẫm vào người thân theo bản năng, và có thể cảm thấy bị đe dọa bởi sự chuyển đổi và không thống nhất. Chẳng hạn, nếu giờ ăn và ngủ của trẻ bị thay đổi liên tục, hoặc thay đổi người chăm sóc liên tục, trẻ sẽ cảm thấy không an toàn.

Rối loạn gắn bó ở trẻ nhỏ Làm gì để giúp con vượt qua hình ảnh 2

Hãy cố gắng duy trì những thói quen và lịch trình

Và bạn cần biết rằng, một thói quen hoặc một lịch trình quen thuộc sẽ tạo sự thoải mái và tin tưởng cho trẻ.

Hãy giúp con cảm nhận mình được yêu thương rất nhiều!

Một đứa trẻ không có sự gắn kết từ sớm sẽ phải trải qua giai đoạn khó khăn để chấp nhận được tình yêu thương, đặc biệt là những bày tỏ tình yêu bằng cử chỉ cơ thể.

Bạn có thể giúp con học cách chấp nhận tình yêu thương, hãy cho bé thời gian, sự kiên nhẫn và củng cố. Liên tục lặp đi lặp lại nhiều lần cảm giác tin tưởng và an toàn thông qua việc cho trẻ quan sát các hành động yêu thương và nghe những lời trấn an từ bạn. Bạn có thể:

Tìm ra những điều mà con cảm thấy dễ chịu. Nếu có thể, hãy thể hiện tình yêu thông qua hoạt động đu đưa cùng trẻ hay ôm trẻ vào lòng – những trải nghiệm gắn bó mà trẻ đã bỏ lỡ khi trẻ còn nhỏ. Nhưng hãy luôn tôn trọng và luôn quan sát xem trẻ có thật sự cảm thấy thoải mái không.

Rối loạn gắn bó ở trẻ nhỏ Làm gì để giúp con vượt qua hình ảnh 3

Tìm ra những điều mà con cảm thấy dễ chịu

Trong trường hợp trước đây trẻ từng bị lạm dụng hoặc tổn thương, bạn cần phải chậm rãi hơn vì trẻ sẽ kháng cự lại những đụng chạm cơ thể.

Đối xử theo đúng sự phát triển cảm xúc của con. Trẻ mắc rối loạn có thể hành động giống với những đứa trẻ nhỏ hơn, cả về mặt xã hội lẫn cảm xúc. Vì vậy bạn cần đối xử với trẻ như thể trẻ còn nhỏ hơn nhiều, hãy sử dụng nhiều cử chỉ không lời nhẹ nhàng và thoải mái.

Giúp con nhận biết cảm xúc và bày tỏ những nhu cầu của mình. Trẻ mắc rối loạn này có thể không biết được mình đang cảm thấy như thế nào hay thể hiện điều mình mong muốn ra sao. Hãy củng cố ý tưởng rằng tất cả các cảm xúc đều rất bình thường và chỉ cho con những cách thức lành mạnh để bày tỏ cảm xúc.

Lắng nghe, nói chuyện và chơi đùa cùng con. Hãy dành thời gian cùng với con, tập trung sự chú ý đến con theo cách thật sự thoải mái. Sẽ rất khó để gác lại mọi thứ, xóa tan sự phiền nhiễu, nhưng thời gian quý giá ở bên nhau sẽ tạo ra những cơ hội tuyệt vời để trẻ cởi mở với bạn hơn và cảm nhận được sự quan tâm, chăm sóc của bạn nhiều hơn. Cho dù là trẻ sơ sinh, trẻ mẫu giáo hay tiểu học, ở bất kì độ tuổi nào trẻ cũng cần sự quan tâm, lắng nghe và trò chuyện mà cha mẹ dành cho trẻ.

Rối loạn gắn bó ở trẻ nhỏ Làm gì để giúp con vượt qua hình ảnh 4

Lắng nghe, nói chuyện và chơi đùa cùng con

Hãy cùng con nâng cao sức khỏe!

Những thói quen ăn, ngủ, tập luyện của con luôn là chủ đề quan trọng, và còn quan trọng hơn nữa khi trẻ mắc các vấn đề về gắn bó. Thói quen, lối sống lành mạnh có thể góp phần làm giảm mức độ căng thẳng của trẻ, giúp trẻ cân bằng tâm trạng.

Khi trẻ được thư giãn, nghỉ ngơi đầy đủ và cảm thấy sảng khoái, lúc đó trẻ sẽ dễ dàng xử lý được những khó khăn trong cuộc sống. Hãy cùng con nâng cao sức khỏe với những mẹo sau đây:

Chế độ ăn uống hợp lý. Hãy đảm bảo rằng con bạn có chế độ ăn uống với đầy đủ các loại ngũ cốc, trái cây, rau quả, thịt đạm. Không nên cho trẻ ăn đồ ngọt mà nên bổ sung nhiều chất béo tốt như cá, hạt lanh, bơ, ô liu, cho sức khỏe não bộ tối ưu.

Chế độ nghỉ ngơi. Nếu con bạn trải qua cả ngày mệt mỏi, trẻ sẽ khó tập trung vào việc học những điều mới. Hãy lên thời gian ngủ và thức dậy cho con một cách rõ ràng.

Chế độ tập luyện khoa học. Việc tập thể dục hay bất kì dạng hoạt động thể chất nào cũng đều là những liều thuốc tuyệt vời để xua tan căng thẳng, sự thất vọng, những cảm xúc bị dồn nén, đồng thời kích hoạt endorphin để giúp con bạn cảm thấy tốt hơn. Hoạt động thể chất đặc biệt quan trọng cho những đứa trẻ thường dễ nóng giận.

Nếu trẻ không tự mình chủ động, hãy thử cho trẻ tham gia các lớp học hoặc chơi các môn thể thao khác nhau để trẻ tìm ra được môn mà trẻ thích.

Rối loạn gắn bó ở trẻ nhỏ Làm gì để giúp con vượt qua hình ảnh 5

Duy trì chế độ tập luyện khoa học cùng con

Việc ăn uống, sự nghỉ ngơi và tập luyện – bất kì điều gì trong đây cũng đều có thể tạo nên một ngày tuyệt vời hoặc một ngày tồi tệ ở trẻ mắc rối loạn gắn bó. Những vấn đề cơ bản này giúp đảm bảo não bộ của con bạn khỏe mạnh và sẵn sàng để kết nối với bạn và những người xung quanh.

Lời khuyên dành cho bạn

Với vai trò là cha mẹ hoặc người chăm sóc chính, bạn sẽ rất dễ cáu gắt, thất vọng và căng thẳng. Đôi khi, bạn còn cảm thấy như trẻ chẳng hề thương mình và thậm chí có lúc bạn chẳng muốn yêu trẻ chút nào.

Dưới đây là những lời khuyên hữu ích dành cho bạn:

  • Tham khảo bác sĩ hoặc các cơ quan dịch vụ xã hội để tìm đến những nguồn lực hỗ trợ có sẵn trong cộng đồng.
  • Tìm ai đó có thể dành cho bạn chút thời gian rảnh rỗi vào bất cứ lúc nào, vì công việc chăm sóc cho trẻ sẽ làm cho bạn bị kiệt sức. Năng lượng của bạn sẽ cạn kiệt nếu bạn không có thời gian nghỉ ngơi, đồng thời cũng tránh việc sử dụng nhiều người chăm sóc.
  • Thực hành kỹ năng quản lý căng thẳng, như yoga hay thiền định, để giúp bạn thư giãn và không bị choáng ngợp với việc chăm sóc trẻ.
  • Hãy dành thời gian cho chính mình, duy trì những sở thích, các cuộc hẹn xã hội và thường xuyên tập thể dục.
  • Nhìn nhận rằng những thời điểm mình trở nên thất vọng hay tức giận là bình thường, và những cảm xúc mạnh mẽ mà bạn có thể có với trẻ là hoàn toàn tự nhiên.

Tóm lại, công việc tái thiết lập mối quan hệ gắn bó với trẻ cần khá nhiều thời gian và công sức, bạn nên chẩn bị trước cả về tinh thần lẫn thể chất để có thể đảm nhận tốt việc này.



  • nghethuatamnhacsaigon.com

  1. Attachment Issues and Reactive Attachment Disorder. Đọc thêm tại: <http://www.helpguide.org/articles/secure-attachment/attachment-issues-and-reactive-attachment-disorders.htm>. [Ngày 7 tháng 9 năm 2015].
  2. Reactive Attachment Disorder. Đọc thêm tại: <http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/reactive-attachment-disorder/basics/definition/con-20032126>. [Ngày 7 tháng 9 năm 2015].
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

  • nghethuatamnhacsaigon.com